Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

Khủng hoảng kinh tế: Nguyên nhân và mức độ

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008 | 19:12

Những nguyên nhân chính trị của khủng hoảng kinh tế 2008.

Có nhiều giải thích được đưa ra về tình trạng khủng hoảng tài chính, nhưng một lý do ít được nhắc đến là sự thiếu cân bằng về chính trị trên thế giới. Đây là một tiến trình khá phức tạp gồm nhiều bước:

1. Hàng hoá sản xuất từ Đông-Á, cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu hoả tăng nhanh khiến các nước chủ yếu là Trung Quốc và Trung Đông tích tụ một số ngoại tệ khổng lồ nằm trong tay nhà nước và các tập đoàn.

2. Số tiền thặng dư này quá lớn và phải tìm nơi an toàn để đậu, và mãi cho đến 6 tháng trước đây không cho chỗ nào khác hơn là gởi vào ngân hàng Âu-Mỹ vốn được thế giới tin tưởng là những định chế vững chải.

3. Tiền ào ạt đổ vào Hoa Kỳ dùng trong nhiều việc: cung cấp tín dụng dễ dãi để dân Mỹ mượn nợ với lãi xuất thấp tiêu xài thoải mái (vì nếu hàng hoá Trung Quốc và dầu hoả Trung Đông thiếu người tiêu thụ thì sẽ bị thặng dư); gián tiếp trang trải cho cuộc chiến tại Iraq (vì các nước trên thế giới kể cả Trung Quốc và Trung Đông vẫn lệ thuộc vào chiếc dù quân sự của Mỹ bảo đảm cho các hành lang nguyên vật liệu và mậu dịch toàn cầu).

4. Hai khía cạnh đầu nhằm bảo vệ ổn định và thị trường; mục tiêu còn lại là phải sinh lời. Đầu tư vào công nghệ tại Hoa Kỳ không lợi nhuận được so với vùng Đông Á vì giá nhân công cao và các luật lệ chặc chẻ về an toàn & môi trường, nên chỉ còn một hướng là địa ốc vì đất đai của Mỹ nhiều và giá hạ (so với Tokyo - Thượng Hải - Bắc Kinh – Hà Nội – Sài Gòn) và nhân công ngành xây dựng rẻ (nhờ vào di dân bất hợp pháp).

5. Dân Mỹ thiếu nợ nhiều, ngành công nghiệp và sản xuất tại Hoa Kỳ lại không tạo đủ công ăn việc làm cho người mua nhà nên hệ thống ngân hàng và đầu tư tại Mỹ mở ra những sáng kiến “khuấy nước lã thành hồ” bán nhà đất cho cả những người không đủ tiền mua, bơm giá và tạo nên một trái bóng khổng lồ trên thị trường địa ốc.

6. Kinh tế Hoa Kỳ phát triển hơn 6 năm (2001-2007), nhưng đến năm 2008 sự mất thăng bằng trở thành hiển nhiên là dân Mỹ không gánh nổi nợ, nên bị mất nhà; giá nhà xuống thấp, ngân hàng lỗ lã vì nợ không thanh toán; các thủ đoạn “khuấy nước lã thành hồ” lúc trước lại chằng chịt nên không ai biết rỏ lỗ bao nhiêu khiến giữa các ngân hàng cũng không còn tin tưởng cho vay mượn lẩn nhau. Tiền bạc lưu thông dễ dàng trong khung cảnh toàn cầu hoá nên các ngân hàng Âu Châu cũng bị liên đới thiệt hại nặng. Những nguồn tiền từ Đông-Á và Trung Đông không còn chỗ chảy vì mất niềm tin vào thị trường Âu-Mỹ: hậu quả là từ khủng hoảng địa ốc dẫn đến khủng hoảng tài chính, và nguy cơ khủng hoảng tín dụng – tín dụng không gì khác hơn chính là niềm tin. Các chính phủ Âu-Mỹ phải vội vả nhảy vào bơm tiền để cứu vãn và tạo lại niềm tin là tiền bạc trong hệ thống ngân hàng Âu-Mỹ vẫn được bảo đảm, thì mới hy vọng mọi người trở lại đầu tư mua sắm.

Tình hình chưa lắng đọng để có rút tỉa những bài học, tuy nhiên có những điểm nổi bật đáng chú ý:

A. Từng bước từ 1 đến 5 xét riêng lẻ không phải là vô lý: chẳng hạn như tiền dư gởi vào ngân hàng Âu-Mỹ vẫn đáng tin hơn gởi cho Trung Quốc Ấn Độ Nga Brazil v.v…; hay khi giá nhà đang lên thì nếu nợ không trả và nhà bị tịch thu thì ngân hàng vẫn lời vì trị giá tài sản tăng. Chỉ khi nhìn toàn bộ, tức là ngó kính chiếu hậu (20/20 hindsight), mới thấy đây là một chuổi dẫn đến khủng hoảng bắt đầu từ hai căn bản chính: Hoa Kỳ tiêu thụ hàng hoá và nguyên liệu nhiều hơn khả năng sản xuất nên nợ ngày càng nhiều; ngược lại các nước Đông Á và Trung Đông tuy tích tụ nhiều tài sản nhưng lại không tạo nên các định chế tài chính ổn định mà phải đem tiền của gởi ra nước ngoài.

B. Chỉ 1 năm trước đây không một ai - kể cả các nhà hoạch định chính sách và chuyên viên kinh tế thượng thặng – tiên liệu được ảnh hưởng dây tín - tài chính -chuyền, gián tiếp và phức tạp từ thị trường địa ốc dụng.

C. Nhưng mặc dù không ai đánh giá được tầm sâu rộng của khủng hoảng thì mọi người - từ nhà kinh tế cho đến người đầu tư cho đến thường dân - đều biết trước sẽ có một cú vỡ bong bóng trên thị trường địa ốc ngay từ những năm 2002 khi giá cả tăng vọt “phi lý”. Những người thận trọng nhảy ra sớm thì lại thua lỗ liên tục trong 5 năm 2002-2007, cho đến lúc lòng tham che mắt, lý luận bị lung lạc thì khi đó quả bóng mới vỡ.

D. Trong một nước dân chủ thì không một nhà lãnh đạo nào dám có những biện pháp kiềm chế thị trường và ngăn dân chúng thụ hưỡng phúc lợi khi giá nhà và chứng khoán tăng vọt, nhất là khi tăng trưởng kéo dài liên tục trong 7 năm, nếu không họ sẽ bị đánh rơi ngay trong lần bầu cử kế tiếp.

E. Riêng tại Mỹ trong 7 năm vừa qua tốn kém quá nhiều trong chiến tranh Iraq và nợ nần chồng chất, nên ngay khi quả bóng đang phồng đẩy kinh tế đi lên thì cả hành pháp lẫn lập pháp không thể nào dám đưa những biện pháp kềm chế phát triển vì sẽ bị dân chúng và cánh đối lập chống đối.
(Vì thế nhiều người vẫn tin rằng một đấng minh quân, hay nói nôm na là độc tài sáng suốt, có điều kiện lèo lái quốc gia giỏi hơn nhà nước dân chủ; nhưng giữa độc tài thương dân hay ngu xuẩn, tham quyền là do may rủi chớ không ai có quyền chọn lựa, nên rồi rốt cục dân chủ cho dù không toàn hảo nhưng về đường dài vẫn tốt hơn các thể chế khác).

F. Khi quả bóng nổ thì các chính trị gia lại trách móc lẫn nhau để lấy phiếu, cho dù trước đó họ cũng chẳng tiên liệu xa hơn ai, mà cho dù có tiên liệu cũng không dám có biện pháp quá sớm.

G. Cuộc khủng hoảng lần nầy càng làm nổi bật tính liên đới giữa các nền kinh tế trong hoàn cảnh toàn cầu hoá.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ có những hệ luỵ sâu sắc đến cán cân chính trị và kinh tế toàn cầu.

Khủng hoảng kinh tế: cơ cấu toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng lan rộng: bắt đầu từ địa ốc, ảnh hưởng đến tín dụng, lan dần sang nhiều ngành nghề công nghiệp: hàng không, sản xuất xe hơi, điện tử, v.v…. Nhiều người không thể tự hỏi tại sao số nợ xấu trong địa ốc chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng quốc gia Hoa Kỳ mà hậu quả ra khắp thế giới như vậy?

Câu trả lời dễ hiểu nhất là bằng sự so sánh của đồng tiền như máu huyết của hệ thống tư bản, cho nên chỉ cần nghẽn một chỗ có thể mang đến tình trạng tê liệt toàn diện.

Tiền luân lưu nhanh chóng và ào ạt khắp thế giới là một hiện tượng bắt đầu từ những năm 90, kết quả của những thay đổi hết sức sâu xa và toàn diện trong lịch sử nhân loại:

1. Khi Liên Bang Xô-Viết sụp đổ thì bất chợt khối tư bản không còn đối thủ về an ninh và ý thức hệ. Cả thế giới chấp nhận mô hình kinh tế thị trường và mở rộng mậu dịch. Hoa Kỳ Âu Châu Nhật Bản xem Trung Quốc như đối tác thương mại tối quan trọng, triển vọng không những thành thị trường tiêu thụ khổng lồ mà còn là guồng máy sản xuất vĩ đại với giá thành rẻ mạt. Hậu quả là Tây Phương không ngần ngại truyền bá kỷ thuật tân tiến và công nghệ cao cấp sang Trung Quốc - một điều không thể nào xảy ra nếu chiến tranh lạnh vẫn tiếp diễn và Trung Quốc còn bị xem như một đối thủ chiến lược. Nước đông dân thứ nhì là Ấn Độ cũng bỏ chiêu bài lảnh đạo khối thứ ba giữa tư bản và cộng sản và mở cánh cửa hợp tác kinh tế ra toàn thế giới.

2. Các nền kinh tế của Trung Quốc - Ấn Độ và khu vực Đông Á phát triển nhảy vọt liên tục từ 7% - 11% mỗi năm giúp cho hơn 1 tỉ người ra khỏi ngưỡng cửa nghèo khó - một con số không thể tưởng tượng nổi nhưng lại dễ dàng trông thấy, chỉ cần so sánh các thay đổi ở Bắc Kinh, Saigon từ các năm 1990 đến 2004 thì rỏ. Nhu cầu về nhiên liệu cũng tăng vọt song song với phát triển kinh tế: số lượng xăng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới tăng 70% trong những năm gần đây, giá dầu thô nhảy vọt từ dưới 30 đô-la một thùng (năm 2003) lên đến cao điểm 147 đô-la (06-2008). Đến giờ này giá dầu thô lại rơi xuống còn dưới 60 đô-la vì tình trạng khủng hoảng kinh tế dẫn đến tiêu thụ giảm.

3. Hậu quả không thể nào tiên liệu được chỉ 20 năm trước đây là hai đối thủ chính của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh lạnh nay chiếm hạng nhất và ba trên thế giới trong con số trữ lượng ngoại tệ: Trung Quốc dư 2 ngàn tỉ đô-la (nhờ vào sản xuất hàng hoá), Nhật 1 ngàn tỉ, Nga 500 tỉ (sản xuất nhiên liệu và khí đốt); các nước Trung Đông sản xuất dầu cũng dư 400 tỉ; trong khi đó Mỹ thiếu nợ tổng cộng 10 ngàn tỉ. Có thể nào Hoa Kỳ vốn là nước dẫn đầu của tư bản chủ nghĩa đã thắng trong trận chiến ý thức hệ nhưng lại thụt lùi trong cuộc chạy đua về kinh tế?

4. Nhưng một điểm bất ngờ không kém là trong khi các nền kinh tế Trung Quốc Ấn Độ Nga phát triển nhanh chóng thì tổ chức ngân hàng lại bị xem là thiếu minh bạch, và hệ thống xã hội bất ổn vì nạn tham nhủng và tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Kết quả là tiền dư không giữ trong nước hay gởi cho nhau, mà gởi sang Mỹ và Tây-Âu là hai nơi có nền chính trị ổn định và tổ chức tài chính vững chắc(!). Một phần tiền mua công khố phiếu của Hoa Kỳ - cho dù lời ít nhưng được xem là an toàn nhất thế giới vì được sự bảo đảm của chính quyền Mỹ; phần còn lại vào các nơi uy tín bảo đảm như Fannie Mae và Freddie Mac – hai công ty địa ốc hàng đầu nay suýt phá sản nếu không có Bộ Tài Chính Mỹ cứu giúp; hoặc các ngân hàng đầu tư nổi tiếng lâu đời như UBS, Merryl Lynch, Lehman Brothers, Bear & Stearns…

5. Giới quản lý các ngân hàng đầu tư Âu-Mỹ đứng trước một vấn đề khó xử: tiền ký thác phải sanh lời, nhưng nếu đầu tư ngược lại về vùng Đông Á sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát phi mã nơi các nền kinh tế vốn đã phát triển quá nhanh; đầu tư vào xí nghiệp Âu-Mỹ thì giá thành quá cao. Rốt cục tại Hoa Kỳ chỉ còn khu vực địa ốc: nhà cửa giá còn thấp so với các thành phố lớn Âu và Á Châu, nhân công xây dựng lại rẻ nhờ vào số di dân bất hợp pháp (!). Tiền bạc thừa thãi nên các ngân hàng có những sáng kiến giúp người không có điều kiện vẫn được mua nhà, bước ban đầu của khủng hoảng địa ốc ngày nay.

6. Để tiền bạc lưu chuyển nhanh chóng từ Á sang Âu sang Mỹ các món nợ địa ốc được gói ghém lại và bán cho các nhà đầu tư. Thí dụ mỗi căn nhà trị giá 100 ngàn; 10 căn giá 1 triệu gói thành một bó bán cho nhà đầu tư A. Sau một thời gian A cần tiền, cắt gói nợ làm ba bán 300 ngàn cho B; B lại gom nhiều gói nhỏ thành một bó lớn bán ra ngoại quốc giá hàng chục triệu. Trong số nợ địa ốc ban đầu chỉ 5% là nợ xấu (cho người không đủ tiền mua nhà vay), nhưng chuyền tay vài lần như vậy thì không ai còn biết nhà đầu tư nào hiện giữ nợ xấu hay tốt.
(Giải thích này có thể hơi phức tạp với người nước ngoài nhưng ai mua nhà ở Mỹ thì hiểu dễ dàng, vì cứ khoảng 2 năm thì tên chủ nợ thay đổi)

7. Đến khi bong bóng địa ốc vỡ thì giới ngân hàng và đầu tư hốt hoảng vì không xác định được ai giữ nợ xấu. Điều này cũng giống như mua một bó rau sống, chỉ cần vài cọng hư mà không vất liền thì cả bó bị thối. Toàn bộ hệ thống tài chính đình trệ vì chính các ngân hàng cũng không tin lẫn nhau, tiền đầu tư mới cũng không còn dám bỏ vào ngân hàng. Các ngân hàng lo tích trử tiền mặt để tự bảo vệ chính mình và không cung cấp tín dụng cho các dịch vụ thương mại khác. Giá nhà rơi xuống khiến dân chúng lo ngại bớt tiêu xài. Hai ngành hàng không và sản xuất xe vốn đã điêu đứng vào mùa hè vì giá xăng lên quá cao, nay gần kiệt quệ trong cuộc khủng hoảng mới. Các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, điện tử …. đều bị ảnh hưởng liên đới ra toàn bộ nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng không chỉ giới hạn tại Mỹ mà còn lan rộng khắp thế giới, vì giới đầu tư ngày hôm nay là quốc tế, và quả bóng địa ốc tại Hoa Kỳ còn chưa lớn bằng Á Âu – cứ so sánh giá nhà tăng vọt trong vài năm gần đây tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Hà Nội, Sài Gòn, Paris, London thì biết.

8. Kinh tế toàn cầu phát triển dựa một phần quan trọng vào sự phung phí của giới tiêu thụ tại Mỹ: khi những nhu cầu căn bản như thực phẩm, quần áo, giáo dục và y tế đã được đáp ứng thì sản xuất phục vụ cho thừa thải: quần áo chỉ cần 5-3 bộ nay lên đến vài chục bộ; giày dép vài chục đôi; nhà cửa, xe hơi ngày càng lớn. Trên phương diện cá nhân thì giảm tiêu thụ 10%-20% tại Mỹ hoàn toàn không ảnh hưởng đến mức sống, mà trái lại còn giúp cuộc đời đơn giản và hạnh phúc hơn. Nhưng trên phương diện vĩ mô nếu mỗi gia đình Hoa Kỳ cắt giảm chi tiêu 10%-20% thì sẽ dẫn đến 10%-20% mất việc làm, con số thất nghiệp chưa từng có kể từ cuộc Đại Khủng Hoảng 1929. Ảnh hưởng sẽ còn lan tràn đến vùng Đông Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, vốn là lò sản xuất vật dụng tiêu dùng (và thừa thãi) cho giới tiêu thụ Âu-Mỹ.

Bộ Tài Chính Hoa Kỳ khẩn xin Quốc Hội chuẩn y 700 tỉ Mỹ-kim ban đầu định để mua nợ xấu nhưng nay nhằm bơm vào để hệ thống ngân hàng cho vay giúp tiền lưu chuyển trở lại. Cả hai chính phủ Bush và Obama đều đồng ý sẽ xin thêm một khoản tiền khác (có dự đoán sẽ lên đến 700 tỉ) hoặc cho các công trình công cộng hay “quà” của nhà nước biếu, nhưng chính yếu để giúp dân Mỹ tiêu xài trở lại. Đây là những biện pháp cấp cứu nhằm hồi sinh nền kinh tế mà hoàn toàn không giải quyết căn bản của cơn bệnh khiến tiền bạc máu huyết luân lưu mất điều hoà: sự chênh lệch giữa năng lực sản xuất và cơ cấu chính trị ổn định ở các vùng Đông-Á và Âu-Mỹ.

Tác giả Đoàn Hưng Quốc
Đăng ngày 16/11/2008 [khung-hoang-kinh-te-nguyen-nhan-va-muc-do]

Đăng nhận xét