Nguyễn Gia Kiểng sinh ngày 8 -11-1942 tại Thái Bình trong một gia đình nông dân, cha và các chú bác đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, một đảng chống Pháp giành độc lập đã thất bại trong cuộc tổng khởi nghĩa 1930 với hậu quả là các lãnh tụ chính bị chế độ thuộc địa Pháp hành quyết.
Sau Cách Mạng tháng 8 đảng CSVN mở đợt khủng bố tiêu diệt VNQDĐ, hai người chú bị thủ tiêu, cha bỏ trốn. Bà mẹ bị Việt Minh truy bức hằng ngày nên cuối cùng dẫn các con bỏ trốn về quê ngoại ở Hải Dương, rồi bắt liên lạc được với chồng và dắt các con lên Hà Nội. Năm 1954 Nguyễn Gia Kiểng di cư vào Nam cùng với gia đình.
Vào Nam thân phụ ông lại bị truy lùng vì là đảng viên VNQDĐ và bị tình nghi là có âm mưu chống chính quyền Ngô Đình Diệm, phải trốn lên Pleiku ẩn náu cho tới khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Nguyễn Gia Kiểng học hết trung học năm 1961 và được học bổng đi du học Pháp. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại Ecole Centrale de Paris ông học thêm cao học kinh tế làm việc tại Pháp năm năm rồi về nước năm 1973.
Hoạt động chính trị
Trong thời gian tại Pháp Nguyễn Gia Kiểng làm chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris năm 1965 và chủ tịch Liên Minh Sinh Viên và Công Nhân Việt Nam tại Châu Âu năm 1968. Ông là người lãnh đạo sinh viên và công nhân Việt Nam có ảnh hưởng lớn nhất tại Pháp cho đến khi về nước. Về nước ông làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Đức Sài Gòn rồi làm phụ tá bộ trưởng kinh tế với hàm thứ trưởng cho đến ngày 30-4-1975. Sau ngày 30-4-1975 ông bị chính quyền cộng sản đưa đi tập trung cải tạo trong hơn ba năm rồi được sử dụng làm chuyên viên dưới chế độ cộng sản cho đến khi được đi Pháp do sự can thiệp của chính phủ Pháp năm 1982. Trong thời gian làm việc dưới chế độ cộng sản ông làm quen với một số đảng viên cộng sản cao cấp sau này là những nhà phản kháng nổi tiếng như Nguyễn Hộ, La Văn Liếm.
Năm 1982, trở lại Pháp, Nguyễn Gia Kiểng hành nghề kỹ sư và doanh nhân. Ông trở thành chủ tịch tổng giám đốc một công ty tham vấn cho đến khi nghỉ hưu năm 2005 để dành toàn thời gian cho hoạt động chính trị.
Thành lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Ngay khi trở lại Pháp, Nguyễn Gia Kiểng cùng một số trí thức, phần lớn là viên chức cao cấp của chế độ miền Nam Việt Nam, đã từng trải qua các trại tập trung cải tạo sau ngày 30-4-1975 thành lập một nhóm chính trị sau này trở thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng đường lối bất bạo động trong tinh thần hòa giải dân tộc. Ông lãnh đạo tổ chức này từ ngày thành lập.
Từ năm 1988 tổ chức này cho phát hành nguyệt san Thông Luận gây tranh cãi sôi nổi. Nguyễn Gia Kiểng được biết tới như là nhà lý luận chính của tờ báo này. Vì lập trường dân chủ ôn hòa Nguyễn Gia Kiểng và tổ chức của ông bị các tổ chức chống cộng cực đoan đả kích dữ dội, kể cả bị đả thương trong một lần diễn thuyết tại Hoà Lan năm 1990. Ngược lại ông và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người dân chủ ôn hòa và dần dần được dư luận chấp nhận, nhất là được những người cộng sản cởi mở ủng hộ. Phần lớn các tổ chức đối lập dân chủ Việt Nam hiện nay đều có những lập trường rất gần với những gì Nguyễn Gia Kiểng và tổ chức của ông đề nghị.
Nguyễn Gia Kiểng viết rất đều trên nguyệt san Thông Luận và trang Web Thông Luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ hơn hai mươi năm qua chung quanh các chủ đề triết lý chính trị, kinh tế, vận động dân chủ, và đôi khi lịch sử. Nguyễn Gia Kiểng đặc biệt chú trọng hô hào cho văn hóa tổ chức, coi xã hội dân sự với những tổ chức không thuộc chính quyền như một điều kiên bắt buộc cho tiến trình dân chủ hóa. Ông là tác giả cuốn sách chính trị bằng tiếng Việt được đọc nhiều nhất trong những thập niên gần đây: Tổ Quốc Ăn Năn (đã được Nguyễn Ngọc Phách dịch sang tiếng Anh: Whence… Whither… Viêtnam?). Dù luôn luôn tự khẳng định là một người hành động, Nguyễn Gia Kiểng là một trong những nhà lý luận chính trị có ảnh hưởng nhất Việt Nam hiện nay và đã đem lại cho tiếng Việt nhiều từ ngữ chính trị đã trở thành quen thuộc. Tổ chức mà ông lãnh đaọ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, được coi là tiêu biểu cho khuynh hướng hoà giải dân tộc.
Nguồn: http://vi.wikipedia.org
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 20:23, ngày 11 tháng 6 năm 2011.
___________________________
Bài viết liên quan:
YÊU NƯỚC (Nguyễn Gia Kiểng)
Bắt đầu một giai đoạn thay đổi dồn dập (Nguyễn Gia Kiểng)
Nguyễn Gia Kiểng - "Tổ quốc ăn năn"
Nhìn lại kinh nghiệm Ngô Đình Diệm (Nguyễn Gia Kiểng)
Chủ nghĩa cộng sản đến Việt Nam như thế nào?
Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng)
Đăng nhận xét