Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Làn sóng dân chủ thứ tư và những chế độ độc tài không ảo tưởng

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011 | 18:09

"Sau khi các chế độ độc tài Tunisia và Ai Cập bị lật đổ tình hình đã không sáng sủa như nhiều người chờ đợi. Tại hai nước này quân đội vẫn còn cầm quyền, một chính quyền dân chủ vẫn chưa thành lập được, phẫn nộ và biều tình tiếp tục".

Đúng là các biến động đã tràn sang mọi nước trong vùng, nhưng các chế độ Gaddafi tại Libya, Al-Assad tại Syria và Saleh tại Yemen đã chống trả mạnh mẽ và tỏ ra đủ sức dẹp tan các cuộc nổi dậy, như tại Bahrain, nếu không có can thiệp từ bên ngoài.

Tình trạng này đặt ra ba câu hỏi:
  • Có đúng là một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư, đã bắt đầu không?
  • Nếu đúng, liệu nó có thể tràn tới Việt Nam không?
  • Và nếu có thì bao giờ?
Những chữ "nếu" chồng chất đó dĩ nhiên khiến nhiều người lưỡng lự giữa hoài nghi và hy vọng, nhất là những người bi quan có thể biện luận rằng các điều kiện địa lý, chính trị, lịch sử và văn hóa tại các nước Ả Rập không giống Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể trả lời những câu hỏi trên -và đàng nào cũng chỉ với mức độ chính xác của khoa học xã hội, nghĩa là không tuyệt đối- nếu biết nhìn xuyên qua các sự kiện cụ thể để thấy bản chất của các biến cố. Nói rằng những gì xẩy ra tại các nước Bắc Phi và Trung Đông cũng sẽ xẩy ra tại Việt Nam chỉ có lý nếu, một là, các chế độ tại các nước này có chung một số đặc tính với chế độ cộng sản Việt Nam và, hai là, chính các đặc tính này khiến chúng phải sụp đổ theo một qui luật.

Cũng như trong khoa học tự nhiên các qui luật chỉ có thể được phát hiện sau khi đã trừu tượng hóa các sự kiện, nghĩa là khảo sát các sự kiện không phải như chúng xuất hiện trước con mắt chúng ta mà như chúng được tiếp nhận bởi lý trí.

Điều chắc chắn là các nước Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi đang chuyển biến mạnh mẽ về dân chủ. Sự kiện quân đội còn đang cầm quyền tại Tunisia và Ai Cập không có nghĩa là các nước này đã chỉ đổi một tập đoàn quân phiệt lấy một tập đoàn quân phiệt khác; nếu như thế thì các chế độ Ben Ali và Mubarak đã không sụp đổ bởi vì đây không phải là những cuộc đảo chính. Quân đội đã có vai trò quyết định nhưng không khởi động các biến cố. Quân đội cầm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp chỉ vì chưa có những tổ chức dân chủ đủ mạnh. Các biến động cũng đã tràn qua mọi nước trong vùng. Không phải chỉ có hai chế độ Ben Ali và Mubarak sụp đổ. Chế độ quân phiệt Algeria, dù kiểm soát được tình thế, cũng đã phải cam kết những thay đổi rất quan trọng trong chiều hướng dân chủ hoá. Tương tự như các chế độ quân chủ Jordany và Maroc. Chế độ Al-Assad tại Syria, khép kín và bạo ngược không kém chế độ quân phiệt Miến Điện, cũng đã phải tuyên bố bãi bỏ quân luật áp đặt từ 48 năm qua. Các chế độ Gaddafi và Saleh nếu sống sót sau cơn sóng gió cũng sẽ rất suy giảm và sẽ phải chấp nhận những thỏa hiệp quan trọng. Những nhượng bộ này mở cửa cho tự do ngôn luận và đối lập, những điều mà không một chế độ độc tài nào chịu đựng nổi. Trên thực tế chúng mở ra một giai đoạn chuyển tiếp và cho các chế độ độc tài một thời gian ân huệ để chuẩn bị cho sự đào thải của chính mình. Một tiến trình đã bắt đầu và sẽ chỉ hoàn tất khi tất cả các chế độ độc tài này đã bị đào thải.

Thái độ của cộng đồng quốc tế cũng đã thay đổi một cách quan trọng. Trước hết là các nước phương Tây. Cho tới nay họ rất ngại đụng chạm tới các chế độ Hồi Giáo và vì thế không dám làm áp lực dân chủ và nhân quyền lên các nước này. Lý do là vì kinh tế thế giới tùy thuộc nặng nề vào nguồn dầu lửa tại Bắc Phi và Trung Đông và vì các nước trong vùng này đều độc tài như nhau, không thể đụng tới nước này mà không gây lo sợ và hiềm khích nơi các nước khác. Cái giá phải trả là dung túng các chế độ bạo ngược, với điều kiện là chúng thân phương Tây. Cố tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã từng tóm tắt chính sách đối ngoại này trong một câu nói về nhà độc tài Somoza ở Nicaragua: "Hắn có thể là một thằng chó đẻ nhưng hắn là thằng chó đẻ của chúng ta" (he may be a son of a bitch but he is our son of a bitch). Nhưng dân trí và văn hóa tại các nước này đã thay đổi rất nhiều, nguyên vọng dân chủ đã lên cao tới mức buộc Hoa Kỳ và Châu Âu phải thay đổi chính sách và chủ động thúc đẩy tiến trình dân chủ để đừng là nạn nhân của một thay đổi đàng nào cũng sẽ tới. Thế đồng minh với các chế độ độc tài tham nhũng ngày càng khiến nhân dân các nước Ả Rập phẫn nộ với phương Tây và có thể bị lôi kéo bởi những tổ chức Hồi Giáo quá khích mặc dù trong thâm tâm họ không ưa gì các tổ chức này. Đã thế logic sống còn độc hại của các chế độ này còn được phơi bày qua trường hợp tập đoàn quân phiệt Pakistan: muốn bắt chẹt buộc Hoa Kỳ yểm trợ mình thì phải có đe dọa khủng bố, và muốn có khủng bố thì phải dung dưỡng khủng bố. Hai đồng minh cột trụ của Hoa Kỳ tại Trung Đông, Ai Cập và Saudi Arabia, cũng là hai nước sản xuất ra những tổ chức khủng bố tích cực nhất: Al Qaeda, Huynh Đệ Hồi Giáo, Hamas, Tháng 9 Đen v.v. Nghị quyết 1973 ngày 17/03/2011 là một khúc quanh trong lịch sử bang giao quốc tế. Hoa Kỳ, Pháp và Anh không đòi Liên Hiệp Quốc phải hành động mà chỉ xin phép Liên Hiệp Quốc để được can thiệp bằng quân sự vào nội bộ một nước để giúp các lực lương dân chủ chống lại một chế độ độc tài. NATO mặc nhiên trở thành quân lực của dân chủ. Nga và Trung Quốc dù là những nước độc tài đã không dám biểu quyết chống lại. Như thế phải hiểu là thế giới đã chín muồi cho một chuyển động mà Hoa Kỳ và Châu Âu phải tiếp tay vì chính quyền lợi của họ trong khi các chế độ độc tài cũng không dám công khai chống lại. Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi thứ nhất: đúng là có một làn sóng dân chủ mới.
“Thế giới đã chín muồi cho một chuyển động mà Hoa Kỳ và Châu Âu phải tiếp tay vì chính quyền lợi của họ trong khi các chế độ độc tài cũng không dám công khai chống lại.”
Trong một bài trước đây (1) kẻ viết bài này đã nhắc lại là kể từ cuối thế kỷ 18, khi dân chủ bắt đầu phát triển mạnh, đã có ba làn sóng dân chủ và chúng ta đang chứng kiến sự khởi động của làn sóng dân chủ thứ tư. Các làn sóng dân chủ đánh dấu những chặng đường của nhân loại trong cuộc hành trình về tự do, mỗi làn sóng san bằng một trở ngại mà mức độ tiến hóa của xã hội loài người đã cho phép xóa bỏ, đồng thời đánh đổ một loại chế độ độc tài. Làn sóng dân chủ thứ nhất, khởi đầu cuối thế kỷ 18 với cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ và cuộc Cách Mạng Pháp đánh đổ các chế độ quân chủ thần quyền, bắt đầu bằng các chế độ đặt nền tảng trên Thiên Chúa Giáo. Làn sóng dân chủ thứ hai bùng lên cùng với Thế Chiến II đánh gục chủ nghĩa dân tộc sô vanh và các chế độ lấy nó làm cứu cánh. Làn sóng dân chủ thứ ba xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản và chiến tranh lạnh. Nó bắt đầu bằng cách loại bỏ các chế độ độc tài sống nhờ chiêu bài chống cộng, sau đó đánh sập chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới.

Hiện tượng mà các biến cố tại Bắc Phi và Trung Đông khởi động không thể coi là sự tiếp nối của làn sóng dân chủ thứ ba. Nó nhắm đào thải một loại chế độ độc tài khác và kết quả sau cùng của nó là dân chủ hóa toàn bộ các nước Hồi Giáo và các nước Đông Á. Đó là làn sóng dân chủ thứ tư.

Một điểm nổi bật là từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ các chế độ độc tài đều trở thành giống nhau, dù xuất phát từ những nguồn gốc khác nhau, dù là các chế độ cộng sản còn sót lại hay các chế độ độc tài cánh hữu vẫn có từ trước: chúng đều không dựa trên một ý thức hệ hay một lý tưởng nào cả, thậm chí không có ngay cả một ảo tưởng. Đây là một điểm quan trọng cần được nhấn mạnh. Cho tới nay mỗi chế độ chính trị đều nhân danh một ý thức hệ và hứa hẹn một tương lai. Các chế độ quân chủ thần quyền nhân danh một thượng đế toàn năng, các chế độ cộng sản nhân danh một tất yếu lịch sử và hứa hẹn một thế giới không còn bóc lột, các chế độ sô vanh Đức, Ý và Nhật đề cao sự tinh hoa của dân tộc và hứa hẹn vinh quang, các chế độ dân chủ nhân danh những giá trị nhân bản và hứa hẹn tự do và giầu mạnh v.v. Phải nói ngay rằng chẳng có chế độ bạo ngược nào có lý tưởng cả, nhưng ít nhất chúng còn buôn bán một ảo tưởng. Các chế độ độc tài hậu cộng sản khác hẳn. Chúng không nhân danh gì cả và cũng không hứa hẹn gì cả, dù là một ảo tưởng. Các lãnh tụ của chúng không có cao vọng làm anh hùng và đi vào lịch sử mà chỉ có một mục tiêu là vơ vét thật nhiều và cầm quyền thật lâu.

Vai trò của ý thức hệ là tạo cho chế độ một lý do hiện hữu và do đó một tính chính đáng để thuyết phục quần chúng. Thuyết phục và khuất phục luôn luôn là đôi chân của mọi chế độ trong đó thuyết phục là cốt lõi, bạo lực chỉ dùng đến để khuất phục những phần tử không thể thuyết phục được. Các chế độ độc tài không phải không biết điều này -bằng cớ là thỉnh thoảng chúng vẫn cố viện dẫn một cách gượng gạo nhàm chán kinh Coran, chủ nghĩa Mác-Lênin- nhưng chúng cũng thừa biết là không thể thuyết phục nên cuối cùng chúng vẫn chỉ là những chế độ một chân thuần túy dựa trên đàn áp, với cứu cánh duy nhất là kéo dài.

Sự kiện các chế độ này không có một ý thức hệ nào trước hết là hậu quả của tiến bộ của thế giới về mặt tư tưởng. Các chủ nghĩa đã lỗi thời. Chỉ còn lại những giá trị dân chủ. Không còn một "triết gia" nào dám bạo phổi đề xướng ra những ý thức hệ mà không lập tức trở thành trò cười, trong khi các trùm độc tài -dù là Lenin, Stalin, Mao hay Hitler, Mussolini- đều không có tư tưởng chính trị, họ chỉ vận dụng tư tưởng của một triết gia tâm thần nào đó. Vì không có những Marx, Engels, Hegel, Nietzsche, Schmitt… để chế tạo cho họ những chủ nghĩa nữa nên các chế độ độc tài hậu cộng sản hoàn toàn trần trụi về mặt tư tưởng.

Hậu quả đầu tiên của sự trần trụi tư tưởng này là đảng cầm quyền bị phân hóa và mất thực chất để chỉ còn là một hư cấu. Các đảng RCD của Ben Ali và NDP cũa Mubarak đã lập tức tan biến ngay sau khi họ bị hạ bệ mặc dù có hàng triệu đảng viên bởi vì chúng chỉ là những hư cấu. Cũng như đảng Cần Lao Nhân Vị của ông Ngô Đình Nhu sau ngày 01-11-1963 và đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu sau ngày 30-4-1975. Một chính đảng đúng nghĩa phải là sự thể hiện của một tư tưởng chính trị. Không có tư tưởng chính trị thì không thể có đảng. Chấm. Hy vọng có thể lấy quyền lợi để gắn bó các đảng viên chỉ là một ảo tưởng ngây ngô.

Đến lượt nó sự kiện đảng cầm quyền chỉ còn là hư cấu cũng tự động dẫn đến một số hậu quả khác.

Trước hết là sự hình thành chung quanh lãnh tụ của một kết hợp kiểu băng đảng của một nhóm người mà quyền lợi và sự sống còn gắn liền với chế độ. Như một qui luật tự nhiên, thiểu số này phải ngày càng nhỏ lại bởi vì chỉ có như thế các phần chia mới đủ lớn để bảo đảm sự trung thành. Thiểu số này như vậy sẽ ngày càng bị nhận diện, cô lập và thù ghét. Sự thù ghét càng thêm sức mạnh nếu nó được tập trung vào một cá nhân được coi là đầu sỏ và đã cầm quyền trong một thời gian dài, như các trường hợp Ben Ali (Tunisia, 23 năm), Mubarak (Ai Cập, 30 năm), Gaddafi (Libya, 42 năm), Saleh (Yemen, 33 năm).

Kế tiếp là sự bần cùng hóa tất yếu của quần chúng, kể cả trí thức. Một chế độ không có gì để thuyết phục mà chỉ thuần túy dựa trên đàn áp chỉ có thể đứng vững nếu chính quyền có phương tiện rất lớn trong khi quần chúng rất yếu, kể cả về mặt kinh tế, để không có sức đề kháng. Tham nhũng và bóc lột vì thế chỉ có thể gia tăng như một qui luật nằm trong bản chất của chế độ, dù có thể là những người cầm quyền không muốn. Kẻ viết bài này đã có dịp thăm viếng Tunisia và Ai Cập. Thực tế đã quá rõ ràng. Tại Tunisia một giáo sư đại học tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch với giá 10 Euro mỗi ngày. Tại Ai Cập tình hình còn tệ hơn, một sinh viên ngoại ngữ nói thạo tiếng Pháp xin đi theo hướng dẫn và chấp nhận "cho bao nhiêu cũng được"; trong thành phố Luxor, thành phố du lịch nổi tiếng nhất Ai Câp với gần nửa triệu dân, ra khỏi khu giầu có với vài chục biệt thự kín cổng cao tường là cả một thành phố bần cùng. Ngoài một vài xe đạp và xe gắn máy, dân chúng chỉ đi bộ và ăn mặc lem luốc. Ngược lại Ben Ali và Mubarak có hàng chục tỷ USD.

Sau cùng là sự xung đột không tránh khỏi giữa quân đội và công an dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Các chế độ Ben Ali và Mubarak chắc chắn đã không sụp đổ nếu vẫn được quân đội ủng hộ. Gaddafi, Saleh và Al-Assad cũng sẽ không chao đảo nếu còn nắm vững được quân đội. Các biến động tại các nước Bắc Phi và Trung Đông đều diễn ra theo một kịch bản tương tự: nhân dân bất mãn tới cực độ lại cảm thấy quân đội có triển vọng đứng cùng phía với mình nên xuống đường chống đối và được quân đội, hay một phần của quân đội, hưởng ứng.

Xung đột giữa quân đội và công an không tránh khỏi trước hết do hai mâu thuẫn lớn:
  1. Một là trong mọi chế độ quân đội bao giờ cũng thừa sức đánh tan công an, nhưng trong các chế độ độc tài không chủ nghĩa thuần túy dựa trên đàn áp này công an lại nắm đại bộ phận các quyền lợi vật chất do vai trò trực tiếp khống chế xã hội; các biện pháp ve vãn quân đội như cho thành lập các công ty quân doanh, mua vũ khí hiện đại và gửi một số sĩ quan đi huấn luyện tại nước ngoài chỉ có tác dụng xoa dịu rất giới hạn;
  2. Hai là các chế độ này làm nổi bật sự đối chọi giữa hai chức năng, một bên là quân đội có vai trò bảo vệ đất nước, một bên là công an đàn áp dân chúng.
Nhưng còn một nguyên nhân "thực tiễn" khác cũng có tầm quan trọng quyết định, đó là quân đội không có lãnh đạo đúng nghĩa. Một quân đội được lãnh đạo đứng đắn luôn luôn phục tùng chính phủ nhưng vấn đề của các chế độ độc tài không có lý tưởng là ở chỗ chúng không thể lãnh đạo quân đội một cách lành mạnh bởi vì chính bản chất của chúng không lành mạnh. Các bạo chúa vì vậy phải đặt vào những vị trí lãnh đạo quân sự cao nhất những tướng lãnh rất tồi dở, những người không thể có tham vọng chính trị. Ben Ali, Mubarak, Gaddafi, Saleh đều đã làm như thế. Các tướng lãnh cầm đầu quân đội của họ đều là những người rất mờ nhạt. Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu cũng chỉ tin dùng những tướng lãnh như Lê Văn Tỵ, Cao Văn Viên. Tuy nhiên như thế không khác gì trao súng cho đứa trẻ khờ khạo và tại nan sau cùng thế nào rồi cũng xẩy ra. Những tướng lãnh không có bản lĩnh vừa không kiểm soát nổi các sĩ quan dưới quyền vừa dễ bị lung lạc. Chính những tuưóng lãnh từng cúi rạp trước ông Ngô Đình Diệm đã đảo chính sát hại ông; các tướng Ai Cập từng là bộ hạ ngoan ngoãn của Mubarak đang giam giữ và truy tố ông.

Tóm lại các chế độ độc tài còn lại chắc chắn phải bị đào thải. Chúng chỉ đàn áp chứ không có gì để thuyết phục và hứa hẹn, trong hai chân phải có của một chế độ chính trị chúng chỉ có một. Chúng là những chế độ què và không thể đứng lâu. Như một qui luật chúng ngày càng co cụm lại và bị thù ghét, sau cùng bị lật đổ vì áp lực của quần chúng với sự đồng tình của quân đội. Không thể khác, các chế độ này thực ra là những quái thai chính trị. Từ ngàn xưa mọi chính quyền độc đoán đều phải dựa trên một tôn giáo hay một chủ nghĩa. Các chế độ độc tài hậu cộng sản đáng lẽ không thể có, chúng đã chỉ tồn tại được nhờ một tình trạng không bình thường của thế giới trong giai đoạn chuyển tiếp về một trật tự thế giới mới. Nhưng thế giới đã chín muồi cho một chuyển động mới. Làn sóng dân chủ thứ tư đã bắt đầu và chúng sẽ bị cuốn đi. Chúng ta có thể trả lời chắc chắn cho câu hỏi thứ hai: làn sóng dân chủ thứ tư sẽ tràn tới Việt Nam.
“Các chế độ độc tài còn lại chắc chắn phải bị đào thải. Chúng chỉ đàn áp chứ không có gì để thuyết phục và hứa hẹn, trong hai chân phải có của một chế độ chính trị chúng chỉ có một.”
Còn lại câu hỏi thứ ba: bao giờ?

Một thay đổi chế độ thường do áp lực phối hợp của hai loại tác động từ bên trong và từ bên ngoài. Yếu tố bên ngoài trước hết là do ảnh hưởng lây lan, hay hiệu ứng vết dầu loang. Những gì xẩy ra tại Tunisia đã lan sang Ai Cập và sau đó sang mọi nước trong vùng do sự kiện chúng vừa gợi hứng vừa cống hiến những kinh nghiệm đấu tranh. Nhiều người dân chủ Việt Nam giờ này đang tự hỏi tại sao chúng ta lại không thể làm những gì mà các dân tộc Bắc Phi và Trung Đông đã làm đồng thời cũng đang suy nghĩ cách tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như Facebook, Twitter, điện thoại di động. Tuy nhiên hiệu ứng lây lan chỉ có ảnh hưởng giới hạn, yếu tố bên ngoài có tác dụng lớn hơn là áp lực của dư luận thế giới và của các cường quốc dân chủ. Những biến cố tại Libya và Côte d'Ivoire đang mở ra một kỷ nguyên mới trong bang giao quốc tế, đó là sự bình thường hóa những can thiệp từ bên ngoài để yểm trợ những đấu tranh giành dân chủ trong lòng các quốc gia. Chủ quyền quốc gia không còn là một khái niệm bất di bất dịch, lãnh thổ quốc gia không còn được coi là vùng tư do lộng hành của những tập đoàn độc tài bạo ngược nữa. Trong trung hạn đó là một tin mừng và một tiến bộ theo chiều hướng đúng. Nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là giai đoạn trước mắt, nghĩa là trong một hay hai năm tới. Phải nói rằng trong ngắn hạn yếu tố quốc tế sẽ không thuận lợi. Trung Đông và Bắc Phi có tầm quan trọng chiến lược quá lớn vừa do trữ lượng dầu mỏ vừa do sự thích nghi cần thiết nhưng khó khăn của Hồi Giáo với dân chủ cho nên vùng này sẽ lôi kéo mọi quan tâm của các nước dân chủ trong một thời gian khá lâu. Đối với Việt Nam áp lực chính từ bên ngoài sẽ là áp lực của dư luận thế giới và các tổ chức nhân quyền. Áp lực này quan trọng -vì khi sự chuyển hóa của các nước Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông về dân chủ đã giải quyết xong trên nguyên tắc, dù chưa xong trên thực tế, thì thế giới sẽ nhìn những chế độ độc tài còn lại như Việt Nam và Trung Quốc như những quái thai- nhưng cũng không thể có tác dụng quyết định. Yếu tố quyết định sẽ chỉ có thể là yếu tố nội tại. Nói cách khác dân chủ đến sớm hay muộn chủ yếu tùy thuộc người Việt Nam.

Về các yếu tố quốc nội, điều nghịch lý là trong khi diễn biến của chính quyền cộng sản và quần chúng Việt Nam khá rõ ràng thì phản ứng của trí thức Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Quần chúng Việt Nam đã rất chín muồi cho dân chủ, hơn hẳn quần chúng Tunisia và Ai Cập. Họ muốn dân chủ và cũng dám khẳng định cộng khai là muốn dân chủ. Chính quyền CSVN cũng tiến hóa đúng qui luật. Đại hội 11 vừa chứng tỏ đảng cộng sản chỉ còn là một hư cấu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chỉ có quyền lực hình thức, quyền lực thực sự sẽ ở trong tay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bộ chính trị và ban bí thư không còn kiểm soát được chính phủ mà trái lại sẽ bị chính phủ khống chế, trong khi chính phủ trở thành ban chấp hành của một một nhóm người mà quyền lợi và sự sống còn gắn liền với ông Nguyễn Tấn Dũng; đứng đầu quân đội là những tướng lãnh mờ nhạt phục tùng ông Dũng. Bất mãn và phẫn nộ sau cùng đã có một đối tượng tập trung là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Dũng không quan tâm tới chủ nghĩa, phương pháp cai trị của ông chỉ giản dị là đàn áp và ông đang gia tăng đàn áp. Tất cả diễn biến đúng bài bản. Chế độ cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ bị đào thải.

Nhưng bao giờ nó sẽ bị đào thải là một câu hỏi khó trả lời bởi vì còn một ẩn số quá lớn: cách ứng xử của trí thức Việt Nam. Cuộc cách mạng nào cũng phải do trí thức chủ xướng và lãnh đạo và trí thức chỉ đảm nhiệm được vai trò của mình nếu dũng cảm và sáng suốt. Dũng cảm để dám chống lại thay vì phục tùng sự thô bạo, sáng suốt để hiểu rằng phải có tổ chức mới có sức mạnh.

Cho tới nay, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, trí thức Việt Nam đã thiếu cả dũng cảm lẫn sáng suốt. Đất nước ta như đoàn tầu mà các toa đều đã sẵn sàng nhưng đầu tầu không chạy. Trí thức Việt Nam đi sau thay vì đi trước và dẫn đường cho quần chúng như trí thức các nước khác. Chúng ta đã nói nhiều về di sản lịch sử và văn hóa. Đã đến lúc phải vượt qua di sản đó. Chỉ cần trí thức Việt Nam ý thức được sự cần thiết phải trút bỏ gánh nặng di sản là tình hình có thể thay đổi rất nhanh chóng.

Nguyễn Gia Kiểng
(1) Nguyễn gia Kiểng, Chuẩn bị cho một làn sóng dân chủ mới, Thông Luận số 256, tháng 3-2011
Ngày 31/03/2011
___________________________
Bài viết liên quan:
Về Huyền Thoại Hồ Chí Minh (Nguyễn Gia Kiểng)
Nguyễn Gia Kiểng - Thân chào và cảm tạ
Kịch bản nào cho cuộc cờ này? (Nguyễn Gia Kiểng)
Chế độ cộng sản sẽ còn kéo dài tới bao giờ? (Nguyễn Gia Kiểng)
Giành quyền tự do kết hợp (Nguyễn Gia Kiểng)
[I] -Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)

Đăng nhận xét