Cuộc hội thảo trên diễn đàn Dân Luận đã đến lúc có thể tạm kết luận. Xin cảm ơn nhóm chủ biên Dân Luận đã tạo điều kiện cho phép Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trao đổi với độc giả và thân hữu Dân Luận mà chúng tôi vẫn quí mến từ lâu và càng quí mến hơn sau cuộc hội thảo này.
Các thành viên THDCĐN đã trả lời các câu hỏi được đặt ra. Mỗi người theo cách diễn đạt của mình đã trình bày lập trường của THDCĐN. Những dòng này xin được tiếp nhận như là một tóm lược những gì cần nhớ nhất sau một cuộc trò chuyện dài trong đó rất nhiều ý kiến đã được nói ra trên rất nhiều vấn đề.
Như trong mọi cuộc thảo luận với THDCĐN vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc đã chiếm một phần đáng kể trong những trao đổi. Phải nói ngay là không thể hy vọng kết luận dứt khoát một vấn đề đã gây tranh cãi sôi nổi trong gần ba mươi năm qua. Đề tài này sẽ còn được thảo luận rất lâu. Điều đáng lưu ý, qua kinh nghiệm bản thân của kẻ thường xuyên bị chất vấn, là nội dung và phong cách của các cuộc tranh luận đã thay đổi nhiều. Từ vài năm nay không còn những câu hỏi gay gắt; chỉ còn những băn khoăn muốn chia sẻ. Lần này cũng thế, các câu hỏi xoay quanh thắc mắc là làm thế nào để thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc khi chính quyền cộng sản không chịu hòa giải? Cách đặt vấn đề tự nó đã có ý nghĩa. Rõ ràng là chính quyền cộng sản không chấp nhận hòa giải dân tộc, họ chỉ muốn thống trị dân tộc, như thế hô hào hòa giải và hòa hợp dân tộc thách thức chính quyền cộng sản chứ không thể bị coi là "tiếp tay cho cộng sản" như nhiều người từng cáo buộc trước đây. Về nội dung cũng không còn ai nghĩ hòa giải và hoà hợp dân tộc là sai, vấn đề chỉ còn là làm sao có thể thực hiện được khi chính quyền cộng sản không chấp nhận? Nhưng chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi này cho những đòi hỏi tự do, dân chủ, đa nguyên. Chúng ta theo đuổi rất nhiều mục tiêu mà đảng cộng sản không chấp nhận. Và nếu thay vì tranh cãi để giành cái lý về mình chúng ta bình tâm nghĩ lại thì có chọn lựa nào khác không? Một quốc gia, cũng không khác một gia đình, sau một xung đột lớn chỉ có chọn lựa giữa hòa giải để tiếp tục sống chung hoặc không hòa giải và chấp nhận tan vỡ. Hòa giải như vậy là phản xạ sống còn tự nhiên của một dân tộc trước những lực ly tâm của hận thù và chia rẽ muốn làm tan vỡ nó. Đó là một cố gắng chinh phục mà đối tượng chính là những người không muốn hòa giải. Đất nước ta đã chịu những đổ vỡ rất nghiêm trọng, chúng ta cần hòa giải dân tộc để có thể hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng một tương lai Việt Nam chung. THDCĐN đã kiên trì với lập trường hoà giải và hòa hợp trong gần ba mươi năm qua trước mọi sóng gió, nó càng vững tâm hơn trong lúc này.
Vả lại trong chiều sâu sự dị ứng - ngay cả sự lưỡng lự, thậm chí sự không hưởng ứng tức khắc và nhiệt tình - với mục tiêu hòa giải và hòa hợp dân tộc chỉ là hậu quả của sự thiếu hụt tư tưởng chính trị của người Việt Nam mà thôi. Trong thế giới thay đổi và đảo lộn dồn dập hiện nay, với ý niệm quốc gia liên tục bị xét lại và công phá, hòa giải dân tộc không còn là một chọn lựa mà đã biến thành một bắt buộc trong triết lý điều hành quốc gia. Đối với nước ta nhu cầu hoà giải dân tộc lại càng gay gắt. Từ ngày 30-4-1975 chính quyền cộng sản không những không hàn gắn những vết thương của chiến tranh mà, bằng chính sách toàn trị, trấn lột và phân biệt đối xử, còn tạo ra nhiều thù hận khác; khối dân oan bị cướp đất cướp nhà chỉ là một trong vô số thí dụ. Nếu không có một chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc thật quả quyết thì sự thay đổi chế độ - đàng nào cũng phải đến - sẽ diễn ra một cách rất tàn khốc và Việt Nam có thể kiệt quệ rất lâu. Ai muốn tương lai này cho đất nước?
Nhiều câu hỏi đã được nêu ra về thực trạng và tương lai của THDCĐN. Tập Hợp đang ở đâu trong tiến trình tranh đấu cho dân chủ? Tập Hợp là một chính đảng hay mới chỉ là một kết hợp lỏng lẻo của một nhóm trí thức? Hoạt động như thế nào và gặp những khó khăn nào? Chúng tôi rất xúc động và phấn khởi. Những câu hỏi này chứng tỏ một sự chú ý, trong nhiều trường hợp một cảm tình, dành cho Tập Hợp. Danh xưng không quan trọng, dù là đảng, liên minh, liên hiệp, phong trào, hay tập hợp v.v. Điều quan trọng là thực lực và triển vọng. Một tổ chức chính trị muốn đổi dòng lịch sử phải có đội ngũ nòng cốt mạnh, có thành viên đông đảo, có đủ phương tiện và có tư tưởng chính trị để được nhìn như là hiện thân của một khuynh hướng chính trị được đa số nhân dân chấp nhận. Muốn giành thắng lợi cho dân chủ thì phải có một chính đảng như thế, dù có tự gọi là đảng hay không. Và muốn quản trị đất nước một cách lành mạnh sau đó, tối thiểu là đẩy lùi tham nhũng, lại càng cần một đội ngũ mạnh và quyết tâm. Tập Hợp phấn đấu để trở thành một chính đảng như thế, lý tưởng hơn là hợp nhất với một số tổ chức cùng lập trường để xây dựng ra chính đảng này. Tập Hợp cũng mong ước được đứng chung với các tổ chức dân chủ khác trong một mặt trận dân chủ có kỷ luật và lãnh đạo. Hiện nay Tập Hợp đã tạm hoàn tất cơ sở tư tưởng, đã đi được một đoạn đường đáng kể trong giai đoạn xạy dựng đội ngũ nòng cốt, đang kiểm điểm phương tiện và xây dựng cơ sở quần chúng. Đến đây cần nhấn mạnh, để đính chính một ngộ nhận đã được phát biểu, là Tập Hợp có quan hệ rất tốt với các tổ chức dân chủ khác, nhất là các tổ chức có thực lực. Tuy nhiên kết hợp giữa các tổ chức là điều hết sức tế nhị và không thể nóng vội. Cho đến nay đã có rất nhiều kết hợp giữa các tổ chức và các kết hợp này đều có một điểm chung là tê liệt ngay sau khi vừa thành lập và thất bại. Kinh nghiệm này buộc chúng ta phải rút ra những bài học.
Nhiều bạn cho rằng THDCĐN vẫn còn yếu. Điều này rất đúng nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên nhận định rõ hơn về sức mạnh thực sự của một tổ chức cách mạng. Cuộc đấu tranh của chúng ta là để thay đổi chế độ chính trị, thay đổi một chế độ độc tài toàn trị bằng một chế độ dân chủ đa nguyên. Đó là một cuộc cách mạng, cách mạng ôn hòa và bất bạo động nhưng cũng vẫn là cách mạng. Tôi đã có dịp nghiên cứu, kể cả gặp gỡ, một số nhân vật và tổ chức chống lại các chế độ độc tài và sau đó đã thành công. Cho đến lúc sắp thành công họ đều rất yếu, ít người và thiếu phương tiện. Nhưng sau cùng họ đã đánh bại được các chế độ độc tài hùng hậu bởi vì họ là hiện thân của một tương lai phải đến trong khi đối thủ của họ là hiện thân của một hiện trạng phải chấm dứt. Sức mạnh của THDCĐN là ở chỗ nó đại diện cho một dự án tương lai. Khi vận hội lịch sử đến nó có thể là điểm hẹn của những người dân chủ và phát triển nhanh chóng để đảm nhiệm sứ mạng lịch sử.
Phần quan trọng nhất của cuộc thảo luận đã xoay quanh phương thức đấu tranh giành thắng lợi cho dân chủ, điều này tiết lộ cảm nhận rằng một cơ hội dân chủ hóa sắp đến và không nên bỏ lỡ. Các biến động tại Bắc Phi và Trung Đông chắc chắn đã có tác dụng kích thích. Nhiều bạn đã đặt vấn đề về phương thức đấu tranh của Tập Hợp, về phân tích bốn điều kiện cần và đủ để cuộc cách mạng dân chủ thành công, về lộ trình năm giai đoạn đấu tranh, và về những công tác trọng điểm của cuộc vận động dân chủ. Dù có những điểm cần được thảo luận lại cho rõ chúng tôi rất phấn khởi sau cuộc thảo luận này. Từ hơn hai mươi năm qua chúng tôi đã đưa ra một nhận định toàn bộ cho chiến lược đấu tranh phải có để giành thắng lợi cho dân chủ. Bốn điều kiện cần và đủ có mục đích đo lường mức độ chín muồi của một xã hội cho một cuộc cách mạng, ở đây là xã hội Việt Nam và cuộc cách mạng dân chủ, đồng thời cho biết chúng ta đã có những gì, còn thiếu gì và phải làm gì. Lộ trình năm giai đoạn vạch ra những chặng đường phải đi qua, ở mỗi thời điểm nó cho biết đâu là những việc phải làm và những việc không nên làm vì không thể làm được. Lộ trình này giúp chúng ta hiểu ở mỗi lúc phải tập trung cố gắng vào công tác nào trong các công tác trọng điểm; một hoạt động cụ thể theo chúng tôi chỉ có ý nghĩa nếu thuộc một trong những công tác này. Dù đã được đưa ra từ hơn hai mươi năm qua, nhận định của THDCĐN về chiến lược đấu tranh không hề được bình luận, và tình trạng "hành động" tùy hứng, nhân sĩ và cơ hội, vẫn tiếp tục. Đây là lần đầu tiên vấn đề phương pháp đấu tranh được thảo luận. Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành đáng mừng của những người dân chủ Việt Nam.
Có bạn phê phán THDCĐN là hàn lâm, lý thuyết nhiều hơn hành động. Nhưng thử hỏi trong biết bao nhiêu tổ chức chính trị Việt Nam đã được thành lập, dù còn hay mất, đã có bao nhiêu tổ chức "hàn lâm"? Chúng ta đã chỉ có những tổ chức hành động. THDCĐN là tổ chức chính trị Việt Nam duy nhất có nghiên cứu tư tưởng và chiến lược. Còn Đảng Cộng sản Việt Nam? Họ đã chỉ học cách áp dụng phương pháp giành và giữ chính quyền bằng khủng bố theo bài bản Lenin và Mao. Ngay cả chính sách Cải Cách Ruộng Đất họ cũng hoàn toàn làm theo Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc. Trong hơn hai thâp niên qua họ rập khuôn theo Trung Quốc. Những tài liệu của các cấp lãnh đạo cộng sản được coi là các lý thuyết gia của đảng về chủ nghĩa Mác – Lênin cũng chỉ thuần túy là những cóp nhặt ngây ngô. Tóm lại họ chỉ lặp lại một cách máy móc một chủ nghĩa không những sai mà còn độc hại. Bên phía chống cộng nói chung cũng chỉ nhắc lại một cách hời hợt những lý luận của các sách vở phương Tây về dân chủ mà họ vừa không tin vừa không hiểu. Điều mà chúng ta thiếu, và thiếu một cách bi đát, chính là những người và tổ chức hàn lâm đúng nghĩa. Đến đây cũng xin được có vài lời tâm sự để giải thích tính "hàn lâm" của THDCĐN. Những người sáng lập đều là chuyên gia, tất cả đều là những người hành động, nhưng có đủ kinh nghiệm để hiểu rằng không thể làm gì mà không cần lý thuyết và phương pháp. Ngay khi bắt đầu chúng tôi khám phá ra rằng sự thiếu hụt văn hóa chính trị, tư tưởng chính trị cũng như phương pháp đấu tranh chính trị, của người Việt Nam chúng ta còn thê thảm hơn là chúng tôi vẫn nghĩ. Chúng tôi quyết định dành trọn hai năm chỉ để nghiên cứu và tìm ra một tư tưởng chính trị, một dự án chính trị và một phương thức đấu tranh chính trị cho Việt Nam. Sau đó nghiên cứu tư tưởng chính trị và phương pháp đấu tranh chính trị vẫn được dành một ưu tiên lớn trong tổ chức. Và càng ngày chúng tôi càng tin đây là một chọn lựa đúng. Những nghiên cứu này đã tránh cho chúng tôi rất nhiều sai lầm.
Có bạn đặt câu hỏi Tập Hợp có cố gắng nào để tiếp cận với khối thanh niên Việt Nam không? Dĩ nhiên đây là quan tâm hàng đầu của chúng tôi như Việt Hoàng và Hoàng An Việt đã trình bày. Ở đây tôi xin nói lên một khó khăn khác trong cố gắng tiếp cận và động viên thanh niên. Ngoài sự kiện sự chán ghét bất lực trước một chính quyền thô bạo kéo dài quá lâu đã dần dần khiến thanh niên thất vọng với chính đất nước và trở thành thờ ơ, còn có một thảm kịch khác về văn hóa và lý luận. Triết có vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình đào tạo thanh niên, nó giúp thanh niên hiểu ý nghĩa sâu xa của các từ ngữ và khái niệm, đồng thời tập luyện cho họ cách lý luận chính xác và cách suy tư độc lập. Triết không có ứng dụng cụ thể nào nhưng không có triết thì người ta khó có thể tiến xa vì triết là nền tảng của tất cả. Tại nước ta hiện nay thanh niên chỉ được học "triết học Mác-Lênin", trong khi chủ nghĩa Marx không những sai mà còn không có ngay cả phẩm chất của một triết lý vì quá hồ đồ. Còn cái gọi là "tư tưởng Lenin" thì phải nói thẳng là nhảm nhí. Như thế triết học duy nhất mà thanh niên Việt Nam được giảng dạy là một triết học không nên học. Một cách tương tự các môn kinh tế học, xã hội học, luật học cũng chỉ được giảng được giảng dạy một cách bệnh hoạn. Lối thoát cho sinh viên Việt Nam là đọc sách ngoại ngữ, nhưng có bao nhiêu phần trăm sinh viên Việt Nam thông thạo tiếng Anh? Như thế, ngay cả thành phần may mắn nhất trong khối thanh niên Việt Nam, những người tốt nghiệp đại học, cũng không được chuẩn bị để tranh đua với thanh niên các nước khác. Trong tương lai, khi dân chủ được thiết lập chúng ta sẽ cần một cố gắng cập nhật rất lớn về tri thức. Trước mắt trong cuộc vận động dân chủ chúng ta gặp một trỏ ngại lớn là sự thờ ơ và thiếu kiến thức chính trị của khối thanh niên Việt Nam. Nói như thế không phải là để chê thành niên Việt Nam -họ chỉ là nạn nhân của chế độ cộng sản- mà để những thành phần quí hiếm còn quan tâm tới tương lai đất nước ý thức được khó khăn của họ, để đừng phân tán lực lượng và phí phạm sinh lực.
Có bạn hỏi THDCĐN làm thế nào để đến với quần chúng thay vì đợi quần chúng đến với mình? Anh em chúng tôi, và cá nhân tôi, đã viết khá nhiều về vận động quần chúng. Những gì chúng tôi đã phát biểu, phù hợp với phân tích chiến lược đấu tranh được trình trong đự án chính trị của chúng tôi và vừa được nhắc lại sơ lược ở phần trên, không phải là những suy nghĩ cá nhân mà là những kết luận của mọi công trình nghiên cứu. Theo các kết luận này thì vận động quần chúng chỉ là giai đoạn cuối của lộ trình cách mạng. Quần chúng không lãng mạn, họ chỉ đứng dậy đấu tranh nếu có được một tổ chức đủ mạnh để động viên và lãnh đạo họ và tổ chức này phải đủ mạnh để đem lại cho họ niềm tin vào một thắng lợi chắc chắn. Kêu gọi quần chúng đứng dậy khi chưa có tổ chức sẽ không được hưởng ứng, như một vài lời kêu gọi vừa chứng tỏ, mà còn có tác dụng ngược là làm mất lòng tin của quần chúng vào sự nghiêm chỉnh của phong trào dân chủ, chưa kể là còn có nguy cơ hy sinh oan uổng những phần tử nhiệt thành quí hiếm. Nhưng đàng nào cũng phải chuẩn bị vận động quần chúng, vậy chuẩn bị như thế nào? Niềm tin của chúng tôi là trong bất cứ cuộc cách mạng nào khối trí thức cũng vẫn là đai truyền trung gian bắt buộc giữa tổ chức cách mạng và quần chúng. Tranh thủ được trí thức thì sẽ tranh thủ được quần chúng khi cơ hội đến. Và muốn tranh thủ được trí thức thì phải tạo được hình ảnh của một tổ chức kiên trì, lương thiện và có lý luận chính trị thuyết phục. Có thể hơi chủ quan nhưng tôi tin là THDCĐN đã phần nào có hình ảnh này.
Sau cùng, vắng mặt nổi bật trong cuộc thảo luận này là những ý kiến về những chính sách phải có cho tương lai khi đã giành được dân chủ. Dĩ nhiên đây không phải là chủ đề của cuộc thảo luận, nhưng một ưu tư nếu hiện diện mạnh trong đầu óc thế nào cũng ít nhất thoáng hiện trong các phát biểu. Sự vắng mặt này là chỉ dấu rằng trong thâm tâm có thể chúng ta nghĩ ngày đất nước có dân chủ vẫn còn khá xa. Nếu như vậy thì quả là một sai lầm. Xin được chia sẻ niềm tin là dân chủ sẽ đến sớm hơn là nhiều người nghĩ. Một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư, đang dâng lên tại Bắc Phi và Trung Đông. Thời gian để dân chủ thanh toán nốt những chế độ độc tài ngoan cố và tiêu hóa những thắng lợi tại vùng này sẽ không lâu, hai năm là một ước lượng vừa phải. Sau đó làn sóng dân chủ sẽ tràn tới Việt Nam. Chế độ cộng sản Việt Nam đã khá cô lập trong lúc này, nó sẽ còn chao đảo hơn nữa vì mô hình Trung Quốc mà nó sao chép sắp phá sản chắc chắn; hơn nữa tham nhũng và những sai lầm của chính nó càng khiến chế độ khủng hoảng sớm hơn. Một sự kiện đặc biệt đáng chú ý vừa được bộc lộ trong đại hội 11 của ĐCSVN và sẽ còn rõ rệt hơn trong những tháng sắp tới là đảng cộng sản trên thực tế không còn là đảng cầm quyền nữa. Nó không còn kiểm soát được chính phủ, trái lại nó bị chính phủ khống chế, trong khi chính phủ lại chịu sự chi phối của công an. Đảng cầm quyền thực sự là đảng Nguyễn Tấn Dũng, một liên minh có bản chất mafia giữa tư sản đỏ và các tướng tá công an. Phản ứng của khối đảng viên cộng sản sẽ ra sao còn là một dấu hỏi, nhưng chắc chắn là những người cộng sản lương thiện và có trí tuệ sẽ hiểu rằng họ không có chỗ đứng trong chế độ này. Có thể họ chỉ là một thiểu số, nhưng là một thiểu số tinh nhuệ và năng động. Chúng ta lại sắp có một cơ hội lớn để dân chủ hóa đất nước. Phải có một tổ chức dân chủ mạnh để đừng lỡ hẹn với lịch sử một lần nữa.
Nhưng một tổ chức dân chủ mạnh chỉ có thể xây dựng được trên một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị đúng đắn và chỉ có thể là thành quả của những cố gắng kiên trì trong nhiều năm. Giờ này đã quá trễ nếu muốn xây dựng tổ chức đó từ đầu. Và tại sao lại phải bắt đầu từ số không? Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, hoặc một tổ chức mới do sự hợp nhất các tổ chức dân chủ đứng đắn, có thể là điểm khởi hành.
Một lần nữa xin cảm ơn Dân Luận và quí độc giả và thân hữu.
Nguyễn Gia Kiểng (email: kqhhvn@gmail.com)
Chủ Nhật, 03/04/2011
Nguồn:danluan.org
___________________________
Bài viết liên quan:
Một bài học chúng ta vẫn chưa chịu học
Về Huyền Thoại Hồ Chí Minh (Nguyễn Gia Kiểng)
Làn sóng dân chủ thứ tư và những chế độ độc tài không ảo tưởng
Kịch bản nào cho cuộc cờ này? (Nguyễn Gia Kiểng)
[I] -Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
Đăng nhận xét