Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Bình luận Thủy Hử – Phần 1

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011 | 08:02

Phần 1: Đỉnh cao của sự kém cỏi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Tam Quốc diễn nghĩa, Tây Du Ký, Thủy Hử, Sử ký Tư Mã Thiên, Đông Chu liệt quốc là những tác phẩm văn học Trung Quốc được tôi đọc từ hồi còn bắt đầu học đánh vần cho đến tận bây giờ vẫn còn nghiền ngẫm. Nói chung Tam Quốc, Đông Chu, Tây Du Ký và Sử ký luôn là những tác phẩm mà tôi tâm đắc.

Mặc dù Thủy Hử cũng thuộc nhóm chuyện yêu thích nhưng từ nhiều năm nay, trong tôi luôn có những băn khoăn về tiểu thuyết này, băn khoăn về việc không rõ nó có đúng như những gì mà người ta ca tụng không. Sau một thời gian bình luận cùng vợ yêu, tôi đã quyết định mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ của mình về tiểu thuyết này và có thể bạo gan mà đưa ra một kết luận “Thủy Hử – Đỉnh cao của sự kém cỏi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật” – một thất bại của Thủy Hử trong lòng tôi.

Nhân vật là trái tim của bất kỳ tiểu thuyết nào, dù là võ hiệp, tình ái, lịch sử… Kể cả đến film sex, chỉ cần 2 nhân vật với những hành động lặp đi lặp lại vẫn cần có nhân vật. Và việc trang điểm cho các nhân vật đó luôn cần được quan tâm – văn học gọi là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Tác phẩm có thành công hay không có tới 70% là nhờ vào việc xây dựng thành công những hình tượng nhân vật. Ta có thể ví dụ những cách thức xây dựng nhân vật dù rất đơn giản mà cực kỳ đắt giá. Ví dụ như Tư Mã Thiên khi miêu tả Hạng Vũ kiêu hùng, nhất định bên cạnh sẽ có một Bái Công Lưu Bang vô lại mà lại biết lấy lòng người. Một Hạng Vũ anh dũng đánh trăm trận trăm thắng, sức khỏe vô song, tàn sát đến mức “chư hầu sợ phải cúi đầu lê gối mà không dám ngẩng đầu nhìn”, một Hạng Vũ có lòng nhân từ thương yêu tướng sĩ, ai bị thương thì khóc… Nhưng vị Hạng Vũ đó càng tuyệt vời bao nhiêu thì càng khiến cho người ta thất vọng bấy nhiêu: đánh trận giỏi đến nỗi đi đến đâu tàn sát người vô tội đến đó, nhân từ thương tướng sĩ đến độ tướng sĩ lập được công trạng thì lại tiếc tiền của, chức tước chẳng dám ban thưởng cho ai, nhân từ thương người đến độ chẳng thèm tin một ai, có một Phạm Tăng quân sư tài năng mà chẳng biết dung… Và một Bái Công vô lại ham cờ bạc rượu chè, mê gái ban đầu như thế mà càng về sau càng khiến cho người ta mơ ước: biết lấy lòng dân, bảo vệ dân chúng, không tiếc tiền của, chức tước ban thưởng cho người có công, biết sử dụng nhân tài khiến cho các tướng giỏi của Hạng Vũ đều theo về: Hàn Tín, Trần Bình, Bành Việt, Kình Bố… Cái cách so sánh cặp nhân vật Hạng Vũ – Lưu Bang là một thành công điển hình của kiểu văn học sử.

Hay trong văn học Việt Nam, ta có thể bắt gặp những cách thức xây dựng nhân vật cũng rất thành công, tôi nói ví dụ tác phẩm trong những thập kỷ gần đây là Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường (ai chưa đọc chuyện có thể nhớ lại bộ phim truyền hình Đất và Người phát trên VTV mấy năm trước). Một Trịnh Bá Thủ mưu mô thâm trầm, mật ngọt chết ruồi, là đối thủ kinh người của Vũ Đình Phúc – người đứng đầu dòng họ Vũ cũng gian ngoan chẳng kém mà cứ nằm trong xó tối đẩy cái mâu thuẫn lên cao. Và đứng một phía của sự kình địch của hai dòng họ ấy là một Trịnh Bá Hàm, Hàm thọt, điển hình cho một hình mẫu nông dân Việt Nam: tiểu nông mà thâm hiểm, quyết liệt trong đấu đá mà cũng mạnh mẽ đến lạnh lùng ở … trên giường. Bên dưới Hàm là một bà Son sống lay lắt như một cái bóng ma vật vờ nhờ “hương khói” ban ơn của Hàm, nhưng vẫn đẹp một cách lạ lùng…, hay một nhân vật Chu Văn Quềnh chán ngắt đến độ tác giả phải cho chết ngay từ chương đầu.

OK! Lai giai mãi mà vẫn chưa đề cập đến Thủy Hử. Thi Nại Am xây dựng Thủy Hử với 108 vị anh hùng hảo hán và hàng loạt các nhân vật phụ không phải hảo hán, có thể là những võ sư bình thường (ví dụ như giáo đầu Vương Tiến, thầy dạy võ của Cửu Văn Long Sử Tiến), hay các tham quan vô lại kiểu như Cao Cầu… Trong số 108 vị, chia ra làm hai nhóm là các Chánh tướng (Thiên cang – 36 vị) và các Phó tướng (Địa sát – 72 vị), với nhiều kiểu xuất thân: người thì là dòng dõi cao quý (ví dụ như Lư Tuấn Nghĩa, Quan Thắng…), người thì chỉ là loại đầu trộm đuôi cướp (Thời Thiên, Bạch Thắng…), quan lại triều đình (Tống Giang, Tiểu Cái, Lâm Xung, Dương Trí…), hay những anh tự do như Võ Tòng, Dương Thanh…

Nếu như đọc đoạn đầu, ta thấy Lỗ Trí Thâm xuất hiện quả là hảo hán bao nhiêu (vì bất bình đánh chết Trịnh Đồ để cứu cha con Cao Thúy Liên) thì sau đó lại thấy hảo hán này lại như chìm nghỉm vào trong biển “108 vị anh hùng hảo háo toàn các vị xuất thân cao quý”, và cho đến lúc chết mới để lại dấu ấn là việc tạc hóa viên tịch bên sông Tiền Đường. Một người được xưng tụng là “Trí Đa Tinh – Gia Cát tái thế – Ngô Dụng” tưởng như sẽ là một vị tuyệt thế thông minh, mưu trí hơn người nhưng lại vô cùng kém cỏi và tầm thường. Ngoài việc bày kế trộm châu báu từ tay Dương Trí rồi chạy lên Lương Sơn, ông ta cũng chẳng biết làm gì hơn. Cả bọn Tiểu Cái, Ngô Dụng khi thấy Lâm Xung bất bình trước chủ cũ là Vương Luân, chẳng những chẳng phơi bày gan ruột của hảo hán, lại còn chọc ngoáy (đừng nhầm là khích) khiến cho nội bộ lục đục, đẩy Lâm Xung vào chỗ giết bạn hữu (người ngoài có thể nhầm là Lâm Xung giết Vương Luân vì ham tiền bạc từ Tiểu Cái). Sau đó nghiễm nhiên tập đoàn Tiều Cái tự tiện chiếm toàn bộ ngôi đầu: Tiều Cái, Ngô Dụng, Bạch Thắng, Lưu Đường… Thế là cái hình tượng đẹp đẽ về một Tiều Cái ngạo nghễ, phải trái phân minh thành ra tan vỡ.

Cái thất bại lớn nhất của Thủy Hử trong việc xây dựng nhân vật là bác Thi đã không biết làm thế nào để tả cái “anh hùng” của các nhân vật, mà lại tai hại hơn, bác ta lại cứ đi mải miết mô tả chi tiết cái anh hùng của bọn “râu ria”, ví dụ như nào là Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương, rồi say rượu đánh Tưởng Môn Thần… và chìm vào hàng ngũ vai phụ, thì những bác chiếm quyền to như Tống Giang, Tiều Cái, Lư Tuấn Nghĩa… chẳng có điều gì đáng so với những cái tên quá kêu của họ, nào là “Cập Thời Vũ”, “Ngọc Kỳ Lân”… Nếu như tác giả “dựng” lên một Tống Giang được anh hùng giang hồ hâm mộ đến khao khát được gặp (ví dụ như Võ Tòng chỉ mong được gặp một người trên đời là Tống Giang) thì lại chưa bao giờ ông ta mô tả Tống Giang đã làm những điều gì đáng để anh hùng hâm mộ. Thử điểm xem: ngoài việc báo tin cho Tiều Cái, cho tiền Diêm Bà để đổi lấy việc giết chết Diêm Bà Tích,… ta chưa từng gặp một việc gì Tống Giang làm để cứu nhân độ thế, tương xứng với cái tên “Cập Thời Vũ – cơn mưa đến kịp thời”. Ví dụ như so sánh với Lưu Huyền Đức trong Tam Quốc, nào là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu xa của Hiếu Cảnh hoàng đế (xuất thân Hán tộc), thì sau đó nào là khởi nghĩa đánh giặc Khăn Vàng, đào viên kết bái, làm quan huyện thanh liêm cứu dân, đối xử với các tướng thật bụng mà hết lòng, lại hết lòng dốc sức vì nhà Hán, có chí lớn… khiến cho đến Tào Tháo cũng gọi là “Anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này thôi”. Khi ông ta đã lập công danh vang dội rồi mà Ngô Quốc Thái của Đông Ngô vẫn phải qua việc gặp mặt, nói chuyện mới thực gọi ông ta là anh hùng. Có nghĩa là cái anh hùng của Lưu Bị không tạo ra qua tin đồn, mà chỉ tạo ra khi người ta tiếp xúc với ông ta. Ngược lại, Tống Giang được coi là “Cập Thời Vũ” (chẳng qua là được gán cho mà thôi), thế mà vì việc lôi kéo Tần Minh theo phía mình, đã cho người giả dạng Tần Minh đến đốt nhà, đánh thành, giết người… khiến cho quan huyện nhầm tưởng là Tần Minh, đem vợ con Tần Minh ra chém sạch, khiến cho Tần Minh từ chỗ đang là một người được triều đình trọng dụng lại thành ra tan cửa nát nhà. Mà việc này là do Tống Giang gây ra chứ chẳng phải do hôn quân bạo chúa nào. Và cái hình tượng Tích Lịch Hỏa Tần Minh cũng nhanh tróng sụp đổ, khi ngoan ngoãn đi theo Tống Giang, còn hớn hở mừng rỡ khi được dụ dỗ sẽ gả cho cô em gái trẻ đẹp của Hoa Vinh quên hẳn cái đau buồn vợ con vừa bị giết. Chỉ riêng cái chi tiết này đã khiến cho cái “Cập Thời Vũ” của Tống Giang đáng trở thành “Cập thời bão”.

Lại buồn cười hơn, một người như Tiểu Toàn Phong Sài Tiến, nuôi giấu các anh hùng hảo hán, ai cũng được ông ta cứu giúp thì lại bị coi là thua xa anh chàng Tống Giang.

Một điều hết sức sai lầm của Thi Nại Am là việc ông ta gán cho các vị hảo hán những cái tên quá kêu, kêu đến độ không tin nổi, và rồi những hành động chả có chút gì là anh hùng của họ khiến cái hình tượng đó bị sụp đổ. Nào là Hắc Toàn Phong Lý Quỳ gặp ai giết người đó, hay nào là Lãng Lý Bạch Điều Trương Thuận sống trên sông Tầm Dương giết người bằng hai món “dao phay” và “bánh trần”, hay Đại Đao Quan Thắng chỉ ra trận có một lần, bị Lương Sơn dụ dỗ, thế là bỏ chủ theo lên Lương Sơn, rồi là vợ chồng Thái Viên tử Trương Thanh hàng ngày giết thịt người làm bánh bao nhân thịt người, một Dương Hùng nghe vợ quên bạn,… Có nghĩa là ở trong Thủy Hử, hình tượng nhân vật được hình thành qua cái mỹ danh được mặc định gán cho chứ không thông qua hành động thực, mà ta chẳng thấy được cái hảo hán thực sự ở đâu. Các nhân vật nào là quỳ lạy, nào là bái phục nhau chẳng qua là qua danh hiệu. Tống Giang được mặc định gắn cho cái “chân mệnh thiên tử”, mà chẳng ai thấy được cái “chân mệnh” đó ở đâu ngoài cái việc nghiễm nhiên 100% nhân vật khác nghe như nghe lời bố.

Nói tóm lại, xây dựng nhân vật là một thất bại thê thảm của Thủy Hử. Ngoài các nhân vật xuất hiện ở những đoạn đầu: Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Dương Trí, Hoa Vinh…, còn lại quá nửa các nhân vật còn lại được dựng lên một cách hết sức lãng nhách và hời hợt.

Và cái lớn hơn trong cái tinh thần ấy là “tứ hải giai huynh đệ”, một lời phỉnh phờ đáng phì cười, sẽ được phân tích ở lần sau!!

Ngày đăng 16/08/2011
__________________
Bài viết liên quan:
Xem phim Tân Thủy Hử - 86 tập (Thuyết minh VTV2)
Bình luận Thủy Hử – Phần 1: Đỉnh cao của sự kém cỏi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật
Bình luận Thủy Hử – Phần 2: Thế thiên hành đạo, sao mà nực cười…

Đăng nhận xét