Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Tản mạn điện thoại iPhone

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011 | 07:51

Phần 1:

Trước hết, ta hãy cùng nhớ lại một chút lịch sử ra đời của chiếc iPhone.

Vào những năm đầu của thế kỷ 21, khi điện thoại di động đang dần được phổ biến rộng rãi, thế giới được thống trị bởi Nokia với những model điện thoại Series 40 có phím bấm chắc chắn và giao diện đơn giản, thân thiện, đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản nghe gọi, nhắn tin ... của người dùng. Ngày ấy cũng có điện thoại màn hình cảm ứng, như những chiếc Sony Ericsson dòng UIQ. Tôi vẫn còn nhớ ấn tượng khi lần đầu tiên sử dụng chiếc SE P900 của một người bạn. Để di chuyển thanh cuộn dọc, tôi phải đưa cây viết cảm ứng ra góc xa bên phải màn hình, kéo nhè nhẹ cẩn thận để cuộn màn hình xuống, kẻo nếu chệch một tí thì lại thành ra bấm nhầm vào cái khác!

Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là điện thoại màn hình cảm ứng như cái điện thoại này chỉ là một thứ đồ chơi đỏng đảnh bất tiện, chậm chạp và rắc rối, chưa kể đến hình dáng thô kệch cục mịch của nó, hoàn toàn không thể sánh bằng chiếc Nokia 62xx nhỏ gọn mà nhanh chóng, chính xác và tiện lợi của tôi.

Tuy nhiên, khi người dùng không còn chỉ thoả mãn với các tính năng cơ bản mà muốn nhiều hơn nữa, thì Nokia tỏ ra hụt hơi. Dòng smartphone Series S60 chưa bao giờ làm tôi hài lòng. Nền OS này đa dạng về tính năng, mở rộng cho các nhà phát triển khác, nhưng đi kèm với nó lại là sự phức tạp về menu, chậm chạp về phần cứng, và ... mau hết pin. Thời gian sử dụng trung bình 4 – 5 ngày của những điện thoại series 40 đã giảm xuống còn 2 ngày ở điện thoại series 60. Và trên hết, phím bấm vật lý, điểm mạnh của Nokia, tuy vẫn rất hữu dụng cho các nhu cầu nhắn tin, email ... đã không còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dùng về các tính năng giải trí, lướt web trên mobile phones. Nhu cầu về một chiếc điện thoại màn hình cảm ứng rộng là không thể tránh khỏi.

Nhưng Nokia có rất ít kinh nghiệm về lĩnh vực này, và Sony Ericsson cũng không thể làm gì nhiều để tận dụng cơ hội, ngoài vài cải tiến lặt vặt ở các model sau như P910, P990 ... mà kết quả cuối cùng là ... khai tử nền điện thoại UIQ một thời hứa hẹn này. Vào thời gian này O2 (thực tế là HTC) cũng nổi lên như một đối thủ đầy tiềm năng với những chiếc điện thoại touch screen chạy trên nền Windows mobile, một thời tung hoành trên thị trường Việt Nam. Nhưng các “smartphone” O2 này cũng không tránh khỏi những khuyết điểm cố hữu của dòng UIQ là chậm chạm, hao pin, và nhất là vẫn phải dùng bút để ... chọt chọt! Tôi không đề cập đến các hãng khác như Motorola, Samsung ... vì các hãng này cũng không để lại dấu ấn gì đặc biệt hơn các hãng đã kể trên.

Đúng lúc đó, trong thời điểm “quần tinh vô chủ”, iPhone đã xuất hiện. 

Cái ngày mà Steve Jobs đứng trên sân khấu Macworld, biểu diễn chiếc điện thoại màn hình cảm ứng kéo thả đầy ma thuật với 2 ngón tay kéo ra co vào để zoom hình, thế giới đã như bị lên cơn sốt khi lần đầu tiên biết đến thế nào là màn hình cảm ứng đa điểm, dễ dàng sử dụng mà không cần đến bất cứ cây bút phiền toái phức tạp nào. Jobs, một gã amateur mới chập chững vào làng, đã dạy cho các “đại gia” di động biết thế nào là một chiếc smartphone thực sự. Và người tiêu dùng phổ thông lần đầu tiên cảm thấy thực sự gần gũi với cái gọi là “điện thoại thông minh” và khái niệm “lướt web di động”.

Phần 2:

Dù đã có nhiều lời đồn râm ran từ trước, iPhone ra đời vẫn có tác dụng như một quả bom làm kinh ngạc cả thế giới (xin nói thêm “thế giới” ở đây được hiểu là thế giới công nghệ hay hẹp hơn là thế giới di động, chứ thế giới của các đại gia dầu lửa thì chỉ có OilPhone hay trong thế giới của Paris Hilton thì e rằng chỉ có XPhone may ra mới hấp dẫn nổi.)

Tất nhiên, để có được ngày vinh quang thì những gian khổ cay đắng behind the scenes cũng không phải ít. Dự án iPhone đã được thai nghén từ lâu (có nguồn tin nói rằng tên miền iPhone.com được Apple mua lại với giá hơn 1 triệu USD từ năm ... 1999. Tôi không rõ tầm nhìn của Steve Jobs có xa đến đến thế không, nhưng đến khi những iPod thế hệ đầu tiên ra đời, khoảng 2001 – 2002, thì ý tưởng về iPhone đã được hình thành khá rõ nét), đến khoảng năm 2004 thì bắt đầu được triển khai thực sự với một ngân sách R&D hơn 150 triệu USD và một đội ngũ kỹ sư gồm vài trăm top engineers của Apple.

Tuy nhiên, quá trình phát triển sản phẩm không hề đơn giản và suôn sẻ, có lẽ vì Apple chưa từng có kinh nghiệm sản xuất điện thoại di động, và các ý tưởng của iPhone thì mang tính đột phá cách mạng quá cao. Mùa thu năm 2006, chỉ còn vài tháng nữa là đến Macworld 2007, mà chiếc iPhone mẫu vẫn còn vô số lỗi, thậm chí chưa gọi điện được. Theo trang wired.com tường thuật lại, thì các kỹ sư Apple đã phải sống những tháng ngày căng thẳng nhất trong sự nghiệp khi phải chạy đua với thời gian trong vài tháng còn lại để kịp cho ra mắt một prototype tương đối hoàn thiện để trình làng với thế giới. Cả thế giới đã kỳ vọng vào một sản phẩm đột phá trong sự kiện thường niên này. Thất bại sẽ đồng nghĩa với thất vọng, với chỉ trích, và hậu quả tiếp theo là cổ phiếu sẽ tụt giá mạnh. (Công nhận áp lực ghê gớm các bác nhỉ? Cứ đọc hàng trăm bài báo “đến hẹn lại lên” trước các kỳ Macworld, và gần đây là WWDC là thấy. Đa số các bài đều na ná kiểu “Apple is expected to announce ...” rồi tương một câu kết luận “We’ll see!” là đủ để làm người trong cuộc phát ốm lên rồi. Có lẽ một phần vì vậy mà Apple đã tuyên bố từ năm sau sẽ từ bỏ Macworld, chuyển sang ngồi ké các anh CES cho đỡ bị áp lực soi mói hơn chăng?)

May mắn thay, các kỹ sư Apple cuối cùng cũng kịp cho ra mắt một sản phẩm mẫu tương đối hoàn thiện, gọi điện lướt web vi vu, đủ để Jobs mang đi “show hàng” với Stan Sigman, boss của AT&T, vào một ngày cuối năm 2006. Ấn tượng của Sigman, một người khá truyền thống bảo thủ về mặt công nghệ, lúc đó là sững sờ kinh ngạc trước “the best device I have ever seen”.

Phần 3:

Đúng hẹn như đã thông báo, vào một ngày giữa năm 2007, iPhone thế hệ thứ nhất lên kệ. Lần đầu tiên trong lịch sử, dân Mỹ phải xếp hàng để mua điện thoại. 6 tháng là một khoảng thời gian không dài xét về vòng đời của các sản phẩm hightech, nhưng lại là quá lớn để các đại gia khác có thể bắt kịp một sản phẩm “siêu cách mạng” như iPhone. Apple đã làm được điều mà các đại gia điện thoại khác như Nokia, Motorola, Samsung, và kể cả Blackberry, Palm chưa bao giờ làm được: bắt các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải nhìn nhận giá trị và chia sẻ quyền lực với nhà cung cấp thiết bị cầm tay.

Ở đây xin mở một dấu ngoặc. Khác với các thị trường ở các nước đang phát triển như Việt Nam (nơi một chiếc điện thoại là ... một chiếc điện thoại, dù nó là Nokia 9500 hay Nokia 1100, thì cũng phải bỏ tiền triệu ra để mua, và khi gọi điện ngoài đường vẫn phải ngó chừng kẻo bị ... giựt), ở các nước phát triển như Mỹ, điện thoại “tiền iPhone” thường được phát cho không hoặc bán với giá tượng trưng mỗi khi người dùng đăng ký sử dụng mạng của nhà cung cấp. Người ta sử dụng điện thoại như một thứ đồ vật thông thường, và chưa bao giờ để ý thực sự đến giá trị của nó. Nước Mỹ nhà quê lúc ấy vẫn chưa biết đến khái niệm “show hàng dế xịn” như các thanh niên tiên tiến ở Việt Nam. Cũng vì thế, vị thế của các nhà sản xuất nơi đây cũng không được coi trọng như ở thị trường châu Á, nơi họ tha hồ làm mưa làm gió. Ở đây các nhà cung cấp mạng là các ông chủ. Điện thoại sản xuất ra phải mang nhãn của AT&T, Verizon, ... thậm chí tính năng, giá thành đôi khi cũng do nhà cung cấp mạng “quy định”. Nokia là thương hiệu lớn duy nhất không “chịu nhục” như thế, quyết định tự lực tự cường, không lệ thuộc bố con thằng nào, và kết quả là anh cả của làng điện thoại thế giới chỉ chiếm một thị phần hết sức khiêm tốn ở Mỹ, khoảng 5% so với 40% ở phạm vi toàn cầu trong năm 2008 (Source)

Nhưng Apple không phải là Nokia, cũng không phải là Samsung hay Blackberry, mà chính là Apple, uniquely Apple, với một cái style, một cá tính không lẫn vào đâu được. (Vâng, đọc đến đây có lẽ một số bạn anti-Apple sẽ cảm thấy khó chịu, như đã từng khó chịu khi phải chứng kiến một thái độ sùng bái iPhone nói riêng và Apple nói chung đến mức gần như phong trào. Thực ra tôi thấy vấn đề ở đây là tâm lý nhiều hơn công nghệ, kiểu như pro MU và anti MU trong bóng đá. Điều buồn cười là trong khi những người anti iPhone chỉ trích những iPhone fanboys là hâm mộ quá đáng, thì những lý lẽ họ viện ra để chứng minh cho quan điểm của mình, đôi khi, cũng ngây ngô và cảm tính chẳng kém!)

Bạn nào đã đọc tiểu sử của Steve Jobs chắc cũng biết, với cá tính độc đáo theo kiểu Nhậm Ngã Hành của mình, Jobs không bao giờ để cho ai cầm tay chỉ việc cho mình biết “how to make a phone”. Từ trước khi dự án iPhone bắt đầu, các cuộc thương lượng giữa Apple và AT&T (lúc đó còn là Cingular) đã diễn ra căng thẳng. Như thường lệ, đại gia viễn thông muốn mình phải là người kiểm soát chặt chẽ quá trình nghiên cứu và chế tạo sản phẩm cũng như tính năng của nó. Thực ra điều này cũng dễ hiểu, một phần vì các nhà cung cấp dịch vụ rất sợ mạng lưới của mình bị nhà sản xuất thiết bị và người dùng qua mặt, biến nó thành một cái mạng “ngu” (dumb pipes), nghĩa là chỉ có nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp kết nối internet, ngoài ra không còn hay chỉ được hưởng một tỉ lệ nhỏ doanh thu từ các dịch vụ thoại và các dịch vụ giá trị gia tăng khác (SMS, MMS ...). VOIP một thời bị hạn chế ngặt nghèo ở Việt Nam (bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn bị khoác cho cái tội “trộm cước viễn thông”) và Skype on iPhone chỉ hạn chế dùng với WIFI là các ví dụ điển hình cho thấy bàn tay quyền lực của các operators vươn xa thế nào.

Nhưng Apple đã từ chối mọi sự can thiệp từ phía bên ngoài vào quá trình chế tạo sản phẩm. Rút kinh nghiệm từ thương vụ thất bại với “điện thoại iPod” ROKR (chắc nhiều bạn còn nhớ cái điện thoại cục mịch này, vốn không hề mang một tí gì vẻ trang nhã thời thượng “Apple stype” thường thấy trong các sản phẩm của Apple), Jobs cương quyết yêu cầu iPhone sẽ do, và chỉ do, duy nhất Apple chế tạo mà thôi. Nếu không được thì Apple sẽ nói chuyện với Verizon hay các hãng khác. Rút cuộc, AT&T phải đồng ý, chấp nhận đánh cuộc rằng sức hấp dẫn của iPhone sẽ đem lại nhiều khách hàng mới, và lợi nhuận thu được sẽ lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn khác. Thực tế đã chứng minh rằng họ đã đúng. iPhone hai thế hệ đã đem lại cho AT&T một lượng thuê bao khách hàng kỷ lục và giúp hãng viễn thông lớn thứ 3 của Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn hẳn sau những năm tháng lay lắt núp bóng dưới Verizon và Sprint. 

AT&T đã gặp may với thương vụ iPhone, và người dùng thế giới xài mạng GSM, trong đó có anh em Tinh Tế, cũng gặp may . Giả sử lúc trước AT&T lắc đầu thì chắc chắn Apple phải tìm đến 2 mạng CDMA còn lại, cũng là 2 mạng dẫn đầu, là Verizon và Sprint. Vì mạng GSM duy nhất còn lại ở Mỹ là T-Mobile có quy mô quá nhỏ, (có lẽ) sẽ không đủ để đem đến một sức bật mạnh mẽ cho iPhone.

Thành công vang dội của iPhone với mạng AT&T cũng đánh dấu một cuộc cách mạng, lật đổ ách thống trị của các operators đối với giai cấp bị trị là các nhà sản xuất điện thoại. Các nhà cung cấp mạng, sửng sốt trước hiện tượng iPhone, không đành lòng cam chịu (một phần) khách hàng của mình lũ lượt đào ngũ qua AT&T “chỉ vì một cái điện thoại” như thế. Một đối thủ của iPhone, một iPhone killer, là vấn đề sống còn để giữ chân khách hàng. Lần lượt Samsung Omnia, HTC Touch, G1, và mới nhất là Palm Pre đã được o bế hết mức và quảng cáo rầm rộ, nhưng xem ra vẫn chưa đủ để chặn lại sức hấp dẫn của iPhone vốn ngày càng lan toả xa hơn.

Tác giả: Thanh Tieu
Ngày đăng 15/08/2011

Đăng nhận xét