LTS: Nhân dịp đăng tải bài xã luận "Công thức Putin đang phá sản" trên báo Tổ Quốc số 125 chúng tôi cũng thấy nên đăng lại bài này của ông Nguyễn Gia Kiểng về nước Nga của Putin. Bài này đã được viết vào cuối tháng 8-2008 trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đó là sau vụ quân đội Nga tấn công vào lãnh thổ Georgia báo Tổ Quốc đã có một bài xã luận lên án hành động này. Một số các tướng tá hồi hưu vốn ủng hộ bán nguyệt san Tổ Quốc đã không hài lòng và yêu cầu được giải thích vì họ vốn quí trọng nước Nga và Putin mà họ cho là đã vạch ra một con đường mà Việt Nam có thể theo. Ban biên tập Tổ Quốc đã nhờ ông Nguyễn Gia Kiểng viết bài này. Tuy bốn năm đã trôi qua nhưng bài báo vẫn phản ánh trung thực tình trạng nước Nga và chế độ Putin. Phạm Đỉnh
Các biến cố tại Georgia là một dịp để chúng ta nhận định về nước Nga và con đường mà nó đang theo đuổi. Đó là một việc rất cần thiết bởi vì, dù chưa hề có một cuộc thảo luận nào nhưng một cách lặng lẽ chế độ cộng sản Việt Nam ngày càng có dấu hiệu tiến gần đến mô hình Nga và diễn biến này có vẻ được một số trí thức Việt Nam ngày càng đông hơn chấp nhận, ít nhất như một bước đầu của tiến trình dân chủ hóa. Phải nói ngay đó sẽ là một sai lầm kinh khủng. Cần nhận xét một nghịch lý: Việt Nam đã du nhập mô thức cách mạng cộng sản Nga một cách cuồng nhiệt, với cái giá và những hậu quả mà mọi người đã thấy, nhưng cho tới nay chưa hề có một nghiên cứu nghiêm chỉnh nào về đất nước này cả. Ngày trước cũng như bây giờ những người muốn theo gương Nga đã chỉ kết luận trên một cảm giác.
Nhưng trước hết hãy nói qua về trường hợp Georgia vì nó có thể cho ta nhiều hiểu biết cần thiết và giúp ta rút ra một vài kết luận. Georgia là một nước nhỏ bé, nằm ở phía cực Nam của Nga, trên bờ phía Đông của Biển Đen, với năm triệu dân và một lịch sử chật vật. Nó bị đế quốc Nga của Peter I (Peter the Great, Pierre le Grand) khuất phục làm một chư hầu vào thế kỷ 18, giành lại được độc lập sau thế chiến I, rồi lại bị chinh phục bằng vũ lực năm 1921 để trở thành một trong 15 nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết. Năm 1991 nhờ sự tan vỡ của Liên Xô, Georgia lại được độc lập với hai tỉnh tự trị Abkhazia và Nam Ossetia. Sự hiện diện của hai tỉnh tự trị trong một nước nhỏ đáng chú ý vì nó là nét đặc thù không phải của riêng Georgia mà của cả vùng Tây và Trung Á, bao gồm Nga và các nước chung quanh. Ở một mức độ nào đó địa lý chính trị và nhân văn của vùng này đã là sản phẩm của nhà Hán của Trung Quốc. Lưu Bang (Hán Cao Tổ) không hề biết tới đế quốc La Mã nhưng có lẽ ông đã góp phần quyết định làm sụp đổ đế quốc này. Cho tới triều nhà Hán các nước trong vùng đất được gọi là Trung Quốc hiện nay sống trong sự sợ hãi các sắc dân hiếu chiến ở phương Bắc, đặc biệt là Hung Nô và Mông Cổ, mà họ gọi là các "rợ". Phương pháp tự vệ của họ là xây tường ngăn chặn những xâm lấn. Tần Thủy Hoàng sau khi gồm thâu các nước cũng không hành xử khác, ông tăng cường các bức tường phòng thủ sẵn có và nối chúng lại thành Vạn Lý Trường Thành. Sau khi diệt nhà Tần, Lưu Bang theo đuổi một chính sách khác: tấn công thay vì phòng thủ. Lúc đó Trung Hoa đã khá đông đảo và có tổ chức, chiến lược này tỏ ra khá thành công. Từ đời Vũ Đế trở đi thì các cuộc Bắc phạt trở thành dữ dội và các sắc dân hiếu chiến phương Bắc bắt đầu phải triệt thoái sang phía Tây Nam. Kể từ đó bắt đầu một cuộc chuyển động dữ dội từ Đông sang Tây kéo dài trong nhiều thế kỷ. Thêm vào đó các sắc dân hiếu chiến Bắc Âu cũng bắt đầu thèm muốn sự sung túc ở phía Nam và tràn xuống vừa để cướp bóc vừa để tìm những vùng đất định cư mới. Sắc dân nọ cướp bóc, tàn sát và xô đẩy sắc dân kia. Các "rợ" này trong cuộc hành trình dài và đẫm máu về phía Tây và phía Nam đã làm sụp đổ đế quốc La Mã và làm thay đổi hẳn địa lý chính trị của các vùng Tây Á và Đông Âu. Một thí dụ là nuớc Thổ (Turkey) đã do người di dân Mông Cổ thành lập ra. Hậu quả quan trọng và rõ rệt nhất của cuộc xô đẩy hỗn loạn và kinh hoàng kéo dài nhiều thế kỷ này là trong mỗi thực thể sau này được nhìn nhận là một nước thường có nhiều chủng tộc khác nhau, với những ngôn ngữ và phong tục khác và không hội nhập được với nhau, có khi còn thù ghét nhau. Nhiều sắc dân vẫn còn giữ truyền thống hiếu chiến và trộm cướp. Liên Bang Nga, tức là nước Nga hiện nay, dù đã nhỏ lại rất nhiều sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã vẫn gồm 21 nước cộng hòa, 46 vùng, 9 lãnh thổ và 4 huyện tự trị. Tình hình cũng tương tự trong tất cả 15 nước cộng hòa thành viên của Liên Bang Xô Viết cũ nay đã trở thành những quốc gia riêng biệt. Các quốc gia ở đây không phải là những quốc gia như người ta thường hiểu, nghĩa là một tập thể những con người nhiều hay ít chia sẻ cùng một ngôn ngữ, một văn hoá và một lịch sử. Tại đây trong một nước có thể có những dân tộc rất khác nhau, ngược lại một dân tộc cũng có thể ly tán thành nhiều cụm trong nhiều nước khác nhau. Stalin còn phức tạp hóa tình trạng phân rã này bằng cách di chuyển cưỡng ép nhiều thành phần của nhiều dân tộc đi rất xa khỏi vùng cư trú trước đó của họ. Cần biết như thế để ý thức rằng việc Nga tấn công Geogia không thể nhân danh một chính nghĩa nào -thí dụ như một tình cảm dân tộc hay một chủ quyền lịch sử- ngoài ý đồ bá quyền khu vực. Vả lại dân cư hai tỉnh Abkhazia và Nam Ossetia không phải là người Nga. So với các nước khác trong vùng thì Georgia là một trong những quốc gia đúng nghĩa nhất. Họ có lịch sử và biên giới lâu đời và cũng có sự thuần nhất tương đối về ngôn ngữ và chủng tộc. Ngay trong hai tỉnh tự trị Abkhazia và Nam Ossetia người Georgia cũng rất đông đảo trước cuộc nội chiến 1991-1992; tại Abkhazia người Georgia chiếm 48% dân số trong khi sắc dân Abkhazia chỉ là 17%, tại Nam Ossetia người Georgia chiếm 30%, người Ossetia chiếm phần còn lại của tổng số gần 100.000 dân. Trong cả hai tỉnh người Nga hầu như không có. Tình thế đã thay đổi từ sau cuộc nội chiến. Nguyên nhân cuộc nội chiến này là do tổng thống Georgia lúc đó, ông Gamsakhurdia, tuyên bố hủy bỏ qui chế tự trị của hai tỉnh này. Gamsakhurdia có thể có lý nhưng đã hành động một cách ngu xuẩn. Có lý vì "chính quyền" tự trị của cả hai tỉnh này đều nằm trong tay những đảng cướp và buôn lậu; nhưng ngu xuẩn vì cả hai đảng cướp này đều rất giầu, rất thiện chiến và lại còn được Nga yểm trợ trong khi quân đội Georgia còn rất yếu và chưa có tổ chức. Cuộc nội chiến đã đưa đến sự thảm bại nhanh chóng của quân đội Georgia và rất nhiều người Georgia đã bị xua đuổi khỏi hai tỉnh này. Các chính quyền Abkhazia và Nam Ossetia, thực tế là những đảng cướp và buôn lậu, tuyên bố độc lập nhưng không được nước nào nhìn nhận, đối với thế giới hai tỉnh này vẫn là lãnh thổ của Georgia. Cũng từ đó Nga bắt đầu mua chuộc cả chính quyền lẫn dân chúng ở hai tỉnh này một cách trắng trợn : cho tiền những ai nhận quốc tịch và hộ chiếu Nga. Theo một bài báo của Ivan Soukhov trên báo Vremia Novostieï xuất bản tại Moskva thì chỉ riêng trong năm 2008 chính quyền Nga đã chi cho một mình tỉnh Nam Ossetia 450 triệu USD, tương đương với 6500 USD trên mỗi đầu người, cả một tài sản đối với một người Nga trung bình. Họ còn dự định sẽ chi cùng một số tiền trong năm tới. Chính sách mua chuộc để dành dân lấn đất theo nghĩa đen cũng diễn ra tại tỉnh Abkhazia từ 1992. Việc một nước cấp quốc tịch và hộ chiếu cho công dân của một nước khác đang sống ngay trên nước này là một vi phạm công pháp quốc tế chưa bao giờ thấy. Tháng 8 vừa qua khi quân đội Georgia tấn công loạn quân Ossetia thì lộ quân 58 của Nga, đã chực sẵn tại biên giới, ồ ạt tràn vào và chỉ trong một vài ngày lọai quân lực nhỏ bé của Geogia ra ngoài vòng chiến và tiến sâu vào bên trong lãnh thổ Georgia, tới sát thủ đô Tbilissi. Một câu hỏi cần được đặt ra: tại sao Nga lại hành động một cách đặc biệt thù địch với Georgia, nước thành viên cũ của Liên Bang Xô Viết mà đáng lẽ ra Nga ít có lý do để can thiệp nhất? Geogia không có tài nguyên nào đáng kể và cũng không có người Nga. Lý do chỉ giản dị là Georgia đã dân chủ hóa một cách thực sự và quả quyết (Georgia là nước thuộc Liên Xô cũ có bầu cử tự do đầu tiên) và đã phát triển nhanh chóng; sự thành công của nền dân chủ Georgia có tác dụng khuyến khích các lực lượng dân chủ tại Nga và là một đe dọa cho chính quyền Putin.Hơn nữa tổng thống Georgia, Saakashvili còn tỏ ra thân Mỹ và khiêu khích Nga một cách lộ liễu. Trước sự lên án mạnh mẽ của thế giới Nga bằng lòng rút quân khỏi Georgia, trừ hai tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia. Vài ngày sau Nga nhìn nhận hai tỉnh ly khai này như hai quốc gia độc lập.
Điều phải đặc biệt lưu ý để cảnh giác là một cuộc xâm lược tương tự cũng có thể xẩy ra đối với Việt Nam. Tại hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn giáp với Trung Quốc có gần ba triệu người thuộc các sắc tộc chưa hội nhập hẳn vào Việt Nam và có nhiều quan hệ với Trung Quốc. Người Tày (1,5 triệu người) và người Nùng (900.000), người Sán Chay (150.000), người Sán Dìu (125.000) còn nói tiếng Quảng Đông và viết chữ Hán. Đối với Trung Quốc mua chuộc những sắc dân này rất dễ. Trên thực tế họ đã mua chuộc được khá nhiều nhóm sắc tộc theo họ, tự nhận là người Hoa và dời mốc biên giới vào trong lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc có thể làm đối với Việt Nam tại Cao Bằng và Lạng Sơn những gì mà Nga đã làm đối với Georgia tại hai tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia.
Sau cuộc xâm lược Georgia nhiều người lo ngại thế giới sẽ phải chứng kiến một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng cuộc chiến tranh lạnh này nếu có sẽ chỉ giản dị là sự cô lập và bế tắc của Nga mà thôi vì lực lượng hai bên quá chênh lệch. Cả lẽ phải lẫn sức mạnh đều ở cùng một phía. Trọng lượng kinh tế của Nga, dù đã tăng lên nhiều nhờ dầu lửa và khí đốt, không bằng Nam Hàn, quân đội Nga, dù có tới hơn một triệu người, là một trong những quân đội dở nhất thế giới. Nga có 5000 bom và đầu đạn nguyên tử nhưng chiến tranh nguyên tử là điều không ai nghĩ tới. Không nên nghĩ là Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ chỉ có thể phản ứng bằng miệng chứ chẳng làm được gì. Dĩ nhiên họ sẽ không tấn công Nga bằng quân sự và cũng chẳng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Họ chỉ cần giảm thiểu quan hệ hợp tác là đủ để chế độ Nga khốn đốn. Liên Bang Xô Viết trước đây vững mạnh hơn nhiều nhưng cũng đã sụp đổ chỉ vì sự cô lập này. Vả lại Nga đã chấp nhận giải thể Liên Bang Xô Viết là vì không thể và cũng không còn muốn đối đầu với phương Tây nữa. Họ không thể chấp nhận một cuộc đối đầu mới. Cả Putin và Medvedev đều biết như vậy. Có mọi triển vọng là họ sẽ tìm cách để nhượng bộ mà không mất mặt. Cũng không nên nghĩ rằng Châu Âu lệ thuộc vào Nga về năng lượng. Châu Âu cần mua dầu lửa và khí đốt của Nga nhưng Nga còn cần bán hơn vì đó là hai nguồn thu nhập chính của Nga. Đó là một lệ thuộc hai chiều và như trong mọi lệ thuộc hai chiều kẻ yếu hơn là kẻ lệ thuộc hơn.
Tại sao có những người thấy Việt Nam nên đi theo con đường của Nga?
Phải chăng là vì những thành quả mà Nga đã đạt được? Chắc chắn là không. Mới cách đây không lâu một trong những lập luận chính của Đảng Cộng Sản Việt Nam để từ chối dân chủ là "hãy nhìn những gì đang xảy ra tại Nga!". Chế độ Nga hiện nay ít ra về mặt hình thức cũng đã có dân chủ. Chỉ phiền một điều là những nhà báo và người đối lập "nguy hiểm" có thể bị đánh hoặc bị giết bởi những băng đảng mafia được đảng cầm quyền sử dụng như một dụng cụ khủng bố. Chính quyền ở trong tay đám tài phiệt mới và những phần tử cốt cán của đảng cộng sản cũ, đặc biệt là ngành an ninh và tình báo. Một cách điển hình Putin là một cựu đại tá tình báo, Medvedev là cựu tổng giám đốc tổng công ty dầu khí Gazprom. Đảng Nước Nga Thống Nhất của Putin còn tham nhũng và cướp bóc gấp nhiều lần đám nomenklatura cộng sản trước đây, và cướp bóc một cách trắng trợn, công khai, thách đố. Những khách hàng sộp nhất của các cửa hàng xa xỉ phẩm danh tiếng nhất thế giới là người Nga. Những người mua nhiều nhất những biệt thự đắt tiền tại các bờ biển Địa Trung Hải cũng là đám tỷ phú mới người Nga, chỉ gần đây họ mới bị cạnh tranh bởi đám tài phiệt Trung Quốc. Để có một ý niệm về tình trạng bất công xã hội, lợi tức bình quân trên mỗi đầu người tại Nga là 13.000 USD mỗi năm nhưng một thanh niên Nga tốt nghiệp đại học sẵn sàng sang các nước Tây Âu làm thợ nề chui để có được 1000 USD mỗi tháng, một công nhân Nga sẽ rất hài lòng nếu kiếm được 300 USD mỗi tháng để nuôi cả gia đình. Điều này không có nghĩa là lợi tức quốc gia được giữ lại trong tay nhà nước và dùng cho công ích. Nó lọt vào tay đám thủ hạ của Putin. Theo một vài ước lượng tài sản cá nhân của Putin là vào khoảng 40 tỷ USD. Còn xã hội Nga? Đó là một xã hội hỗn loạn và bi quan, tệ nghiện ngập gia tăng, tỷ lệ sinh đẻ đã rất thấp còn tiếp tục giảm đi; trong vòng 25 năm nữa Việt Nam sẽ qua mặt Nga về dân số. Nga cũng là nước duy nhất trên thế giới mà tuổi thọ trung bình giảm đi thay vì tăng lên. Tóm lại, chế độ "dân chủ" của Nga là một chế độ trong đó các băng đảng xã hội đen trở thành cánh tay nối dài của nhà nước và chính nhà nước cũng hành xử không khác xã hội đen, trong nhiều trường hợp chính công an cũng trấn lột; một thiểu số cầm quyền bóc lột và vơ vét thẳng tay, ăn xài phung phí hay đem tiền ra cất dấu ở những ngân hàng nước ngoài. Một chế độ dân chủ đạo tặc.
Có lẽ ngoai trừ đám tư sản đỏ những người Việt Nam muốn theo mô hình của Nga đã chỉ coi nó như là bước đầu của tiến trình dân chủ hóa. Nhưng đây chính là điều cần được xét lại.
Tôi vẫn thường nghĩ rằng những người chống cộng cực đoan không thể hiểu chủ nghĩa cộng sản. Lý do là vì họ chống cộng ngay từ đầu và chỉ tìm lập luận để phản bác nó, trong khi muốn hiểu chủ nghĩa cộng sản, hay muốn hiểu bất cứ gì, thì phải khảo sát nó một cách an nhiên với tâm lý sẵn sàng chấp nhận nếu thấy đúng, gần như phải yêu thích nó, ít nhất như một đối tượng nghiên cứu. Điều này cũng đúng với nước Nga và dân chủ. Ngoại trừ một thiểu số trí thức ưu tú rất ít ỏi, tâm lý của người Nga là tâm lý chống phương Tây. Lịch sử của họ là một chuỗi những cố gắng chống lại phương Tây và văn hóa phương Tây trong đó dân chủ là yếu tố cốt lõi. Họ đã chỉ học hỏi những kỹ thuật của phương Tây chứ không chấp nhận văn hóa phương Tây. Họ đã chỉ nghiên cứu văn hóa phương Tây trong mục đích tìm cách phản bác. Trước khi có một thay đổi tâm lý lớn Nga không thể là một nước dân chủ thực sự. Tâm lý chống phương Tây này chủ yếu do sự ghen tức nhưng cũng có lý do lịch sử của nó. Trong suốt bốn thế kỷ rưỡi, từ đầu thế kỷ 16 đến thế chiến II người phương Tây đã là những kẻ xâm lược ức hiếp, dầy xéo và làm nhục phần còn lại của thế giới. Chỉ từ cuối thập niên 1970 trở đi, sau một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài hơn ba thập niên và chủ yếu là nhờ chính sự trỗi dậy phản kháng của thế giới, họ mới trở thành khối chuyên chở những giá trị dân chủ, nhân quyền, hợp tác và thị trường. Nhiều dân tộc đã không thể quên đi những nhục nhằn và mất mát mà người phương Tây đã gây ra cho họ. Nhưng Nga là nước đã va chạm với phương Tây một cách đặc biệt nhất, không giống với bất cứ nước nào. Do sự gần gũi Nga đã biết đến và đụng độ với phương Tây sớm nhất và đã mất mát nhiều nhất, một thí dụ là thủ đô lịch sử của Nga không phải là Moskva mà là Kiev, nay thuộc Ukraine. Nga đã thường xuyên bị đánh bại và bị đẩy dần về phía Đông. Nhưng do hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt không một kẻ xâm lược nào có chiếm đóng hoàn toàn được Nga hay ở lại lâu trên nước Nga để có thể áp đặt được văn hóa của mình. Kết quả là Nga tuy đã chịu nhiều thiệt hại nhất trong thời gian dài nhất vì phương Tây nhưng lại chưa bao giờ tiếp thu văn hóa phương Tây một cách đầy đủ. Sau cùng Nga vẫn là Nga và hơn thế nữa, vì bị đẩy lùi về phía Đông Bắc, nó còn trở thành một nước lục địa không có bờ biển nước ấm và rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Tình trạng này khiến Nga về tâm lý và văn hóa vẫn chưa vượt thoát được khỏi những nhân tố bẩm sinh đã khiến nó được thành lập trong đó bạo lực và bạo quyền là hai yếu tố nền tảng. Các phi thuyền không gian vẫn chưa đưa Nga ra khỏi hẳn được tâm lý Trung Cổ. Chính quyền Nga đầu tiên đã do quân cướp từ Bắc Âu tới lập ra, vị Nga Hoàng được biết đến và được tôn sùng như một anh hùng lập quốc, Vladimir, thuộc dòng dõi Viking. Trong suốt dòng lịch sử của nó nước Nga đã chỉ có những chế độ cực kỳ bạo ngược. Một chi tiết: người Nga thuộc chủng tộc Slave, trong hầu kết các ngôn ngữ châu Âu "slave" có nghĩa là nô lệ và đây không phải là một sự tình cờ. Người Nga chưa hề có một kinh nghiệm dân chủ nào. Nếu muốn xây dựng dân chủ thi Nga không phải là nước để ta học hỏi.
Một đặc điểm quan trọng khác của người Nga, do đã chỉ có những chính quyền độc đoán hung bạo, là họ chỉ tiếp thu các văn hóa khác một cách phiến diện và thực dụng, do đó thường hiểu sai và đi lạc hướng. Hậu quả là tuy đã có một số trí thức lỗi lạc nhưng tư tưởng chính trị, nếu không muốn nói là tư tương nói chung, của những người đã kế tiếp nhau cầm quyền tại Nga rất kém. Trong tất cả những gì Nga đã tiếp thu của văn hóa phương tây Thiên Chúa Giáo có lẽ là yếu tố lành mạnh nhất, nhưng chính nó cũng được du nhập một cách hoàn toàn thực dụng. Nga hoàng Vladimir, cũng ông Vladimir được đề cập tới ở đoạn trên, sau khi mở mang bờ cõi và ổn định quyền lực vào cuối thế kỷ thứ 10, muốn tìm một tôn giáo để làm nền tảng cho quyền lực của ông. Sau khi nghiên cứu các tôn giáo ông chọn Hồi Giáo nhưng vào phút chót ông khám phá ra là Hồi Giáo cấm uống rượu và chuyển qua Công Giáo, nhưng cũng chỉ chấp nhận Công Giáo phương Đông, nghĩa là đạo Cơ Đốc thuộc tòa thánh Constantinople chứ không chấp nhận Công Giáo phương Tây vì thấy nó quá cởi mở và nguy hiểm cho chính quyền. Và đạo Cơ Đốc được áp đặt làm quốc giáo.
Cũng một cách hời hợt và thực dụng như thế mà chủ nghĩa cộng sản được du nhập vào Nga và trở thành một thảm kịch cho Nga và nhiều dân tộc khác. Khi Lenin mới được năm tuổi thì chủ nghĩa Marx chính thức bị bác bỏ tại đại hội Gotha của Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức, xương sống của phong trào cộng sản châu Âu, năm 1875. Thực ra những tranh luận đã ngã ngũ từ lâu rồi. Lý thuyết của Marx không những đã chứng tỏ sự yếu kém về mặt lý luận mà còn bị cả thực tế phủ nhận. Hai năm sau tờ báo chính thức của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức ngừng đăng từng kỳ tác phẩm Chống Dürhing -do Marx và Engel cùng viết và cũng là cuốn sách trình bày chủ nghĩa Marx một cách đầy đủ nhất- với lý do là "cuốn sách hoàn toàn vô giá trị và gây ra một sự nhàm chán cùng độ trong các đảng viên". Dĩ nhiên vẫn có những người theo Marx, nhưng về cơ bản chủ nghĩa Marx đã bị bác bỏ. Nếu Lenin có học thức hơn thì đã không có chủ nghĩa cộng sản tại Nga. Cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga 1917 đã thành công gần nửa thế kỷ sau khi lý thuyết Marx đã bị loại bỏ tại chính quê hương Tây Âu của nó, và thành công vì một đội ngũ nhỏ có tổ chức chặt chẽ đã hành động táo bạo và cướp được chính quyền chứ không phải vì có hậu thuẫn quần chúng. Chủ nghĩa Marx cũng đã chỉ được chấp nhận như một dụng cụ tuyên truyền để trấn an và trấn áp tinh thần cho một chế độ khủng bố. Lenin đã chỉ giữ lại những yếu tố mị dân của nó mà ông thấy có lợi cho việc cướp và giữ chính quyền. Vả lại ông cũng giải thích lý thuyết Marx theo cách riêng, chủ quan và lệch lạc, của mình và đóng góp thêm những lý thuyết của riêng mình để biến nó thành chủ nghĩa Mác- Lênin. Những lý luận của Lenin có thể đúng nếu được hiểu như là một kỹ thuật cướp vả giữ chính quyền của một đảng khủng bố nhưng hoàn toàn không có một giá trị triết học và tư tưởng nào. Việc chủ nghĩa Mác-Lênin sau này đã có sức thuyết phục đối với nhiều người, kể cả nhiều trí thức khoa bảng, có một lý do khác : đó là ví Lenin, và Stalin sau đó, đã áp dụng chính sách khủng bố đến mức toàn diện và tuyệt đối không ai ngờ được. Họ xóa bỏ toàn bộ thông tin và thay sự thực bằng tuyên truyền dối trá. Chế tạo sự thực là quan tâm số 1 của chính quyền Xô Viết. Cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước là tờ báo mang tên là Sự Thực(Pravda). Nhờ vậy mà những tội ác đã được hoàn toàn che dấu, thay vào đó là những thành quả lộng lẫy đã làm say sưa vô số người sống ngoài bức màn sắt. Tâm lý thông thường là khi đã tin thì người ta tìm mọi lý luận để tin, ngụy biện nếu cần; có ai nhìn thấy thiên đường và niết bàn đâu nhưng vẫn có hàng tỷ người sùng đạo. Ngay cả những người rất xuất sắc cũng khó thoát khỏi tâm lý này. Việc một số đông đảo trí thức trên khắp thế giới cố gắng hành hạ trí tuệ của mình trong hàng thập niên để tin và thuyết phục người khác tin về sự ưu việt của chủ nghĩa cộng sản, để tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác, có thể giải thích được về mặt tâm lý nhưng cũng là một giai đoạn buồn trong lịch sử thế giới.
Tôi đã rất bối rối khi tìm một từ tiếng Việt để dịch tính từ pervers của tiếng Pháp (perverted trong tiếng Anh). Các từ điển dịch là bệnh hoạn, đồi bại v.v. Chỉ đúng một phần thôi. Pervers bao hàm sự biến chất và hủy hoại một khái niệm do một cách sử dụng sai trái dẫn đến hậu quả độc hại. "Hoại loạn" có lẽ thích hợp hơn. Những người cầm quyền tại Nga trong suốt dòng lịch sử của họ luôn luôn du nhập một cách hoại loạn những yếu tố của văn hóa phương Tây cho những mục tiêu thực dụng trái ngược với tinh thần của chúng. Cuối thế kỷ 10 Nga hoàng Vladimir đã du nhập Thiên Chúa Giáo, một tôn giáo có mục tiêu giải phóng con người, để làm nền tảng cho một trong những chế độ nô lệ tồi tệ nhất thế giới. Cuối thế kỷ 17 Peter I đích thân sang tận Tây Âu để học hỏi cách tổ chức và làm việc của người phương Tây, kể cả trá hình đi làm thợ, nhưng khi về nước lại chỉ áp dụng những kỹ thuật của phương Tây và cai trị một cách cực kỳ tàn bạo; trên 200.000 người đã chết vì kiệt sức và đói lạnh chỉ để xâymột cung điện Petrograd cho ông. Hai thế kỷ sau đến lượt Lenin du nhập chủ nghĩa Marx, một chủ nghĩa mặc dù những sai lầm về phương pháp và lý luận cũng nhắm mục tiêu giải phóng con người, để xây dựng một trong những chế độ khủng bố bạo ngược nhất trong lịch sử nhân loại. Hoại loạn là đặc tính chính trị thường trực của Nga.
Vladimir Putin cũng không khác. Sau sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết ông ta áp dụng một cách hoại loạn mô hình dân chủ, mà ông ta đã quan sát khi làm gián điệp tại Đức, cho một chế độ độc tài tham nhũng và gian ác. Phương pháp của ông ta là ám sát. Ám sát cả đối lập trong nước lẫn đối lập lưu vong. Ám sát nhân phẩm bằng cách vu cáo, bôi bẩn và ám sát thực sự bằng súng, dao, chất nổ, tai nạn giao thông, thuốc độc, kể cả bằng phóng xạ nguyên tử. Nếu có một kỹ thuật trong đó các chính quyền Nga tỏ ra đặc biệt sáng tạo thì đó là kỹ thuật ám sát. Mỗi dân tộc đều được nhào nặn trong những điều kiện địa lý và lịch sử riêng. Người Nga, cũng như người Hoa Lục, chưa bao giờ được thử nghiệm dân chủ. Họ có thể thấy Putin là một tiến bộ so với chế độ cộng sản. Chúng ta chỉ có thể chúc họ may mắn chứ không thể học hỏi gì ở họ về dân chủ cả.
Những trao đổi gần đây với một số người, trong đó có những người dân chủ, khiến tôi rất lo âu. Họ cho rằng chuyển hóa về một chế độ như Nga là có thể chấp nhận được, có người còn khen Putin. Càng đáng lo âu khi có những dấu hiệu cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam cũng chuẩn bị cho một chế độ dân chủ kiểu Nga như là cái giá phải trả để ra khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và sáp lại với Hoa Kỳ. Bọn đầu gấu đã hành hung những người đối lập và các giáo dân cầu nguyện ở Thái Hà. Phải rất cảnh giác.
Chúng ta có những điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với Nga và Trung Quốc để xây dựng dân chủ. Nước ta khá thuần nhất về ngôn ngữ và văn hóa. Có những sắc tộc thiểu số đã từng là nạn nhân của những bất công cần được sửa chữa nhưng chúng ta không còn những xung đột gay gắt đến nỗi khó có thể giải quyết được một cách êm đẹp, hợp lý, hợp tình. Chúng ta đã tiếp xúc nhiều và lâu với các nước dân chủ lớn. Và chúng ta cũng đã có kinh nghiệm dân chủ. Điều khác biệt căn bản giữa Việt Nam và hai nước Nga và Trung Quốc là Việt Nam có thể trở thành một nước dân chủ đúng nghĩa với lãnh thổ và dân chúng hiện nay trong khi Nga cũng như Trung Quốc có rất nhiều khả năng sẽ tan vỡ nếu dân chủ hóa thực sự. Thực là vô lý khi chúng ta cứ lẽo đẽo chạy theo hai nước này.
Trước thế chiến II chúng ta ở một mức độ phát triển tương đương với Hàn Quốc và Thái Lan và hơn hẳn Mã Lai. Ngày nay họ là những nước dân chủ và giầu mạnh hơn hẳn ta. Thái Lan phát triển gấp năm hay sáu lần ta, Mã Lai từ 10 tới 15 lần, Hàn Quốc từ 20 đến 30 lần, tùy cách nhìn. Tại sao? Hãy thử đặt câu hỏi: "Nếu không có ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản thì bây giờ Việt Nam sẽ ra sao, sẽ hơn hay sẽ kém tình trạng hiện nay?"
Đầu thế kỷ trước Nga đã được lấy làm mẫu mực và hậu quả đã là một thảm kịch. Chúng ta có nên bắt chước Nga một lần nữa để chuốc lấy một thảm kịch khác hay không?
Nguyễn Gia Kiểng (10/2008)
Nguồn:http://ethongluan.org/
[theo-lo-trinh-nga-mot-lan-nua].
Ngày 18/12/2011
___________________________
Bài viết liên quan:
Quyền con người (Nguyễn Gia Kiểng)
Vài ghi chú về chủ nghĩa cá nhân (Nguyễn Gia Kiểng)
Hòa giải xã hội với trí thức (Nhân thư ngỏ của 36 trí thức -Nguyễn Gia Kiểng)
Nhìn người Ả Rập và nghĩ về mình (Nguyễn Gia Kiểng)
[I] -Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
1 nhận xét :
thú vị.
Đăng nhận xét