Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

ÐCSVN qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế.

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012 | 23:11

Xem toàn văn gồm 73 trang trên cửa sổ Google Docs hoặc tải về: Bấm vào đây.

1. Giới thiệu về tác giả

Ông Nguyễn Minh Cần sinh năm 1928 tại Huế. Ông vào đảng Cộng sản Ðông Dương năm 1948;

Từ năm 1954 đến 1962 ông làm Ủy viên thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, chủ nhiệm báo Thủ đô Hà Nội.

Năm 1962 ông Nguyễn Minh Cần được đảng Lao động Việt Nam (nay là đảng CSViệt Nam) cử đi học trường Ðảng Cao cấp tại Liên Xô.

Trong thời gian này, phe Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ, lúc đó ngả theo đường lối chống Liên Xô của đảng CS Trung Quốc, đã mở một chiến dịch truy bức quy mô nhằm thanh toán những người mà họ cho là có tư tưởng theo chủ nghĩa xét lại của Liên Xô. Nhiều đảng viên và ngay cả những trí thức không dính dáng gì đến đảng Lao động Việt Nam cũng bị hãm hại một cách đê tiện. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Minh Cần và một số đảng viên cao cấp khác của đảng Lao động Việt Nam đã quyết định xin cư trú chính trị tại Liên Xô. Mặc dù Liên Xô đã từ chối lời yêu cầu của Việt Nam và không giao trả ông cho Việt Nam nhưng đã bắt ông không được phép hoạt động chính trị nữa và phải đổi cả tên họ (thành tên Nga)để bảo toàn an ninh. Vợ và các con của ông ở Việt Nam bỗng nhiên trở thành nạn nhân của chính sách trả thù hèn hạ của tập đoàn thống trị CS Việt Nam.

Từ năm 1989 ông Nguyễn Minh Cần đã tham gia tích cực vào "Phong trào nước Nga Dân chủ", một phong trào vận động dân chủ lớn tại Nga. Cùng với người vợ Nga, ông Nguyễn Minh Cần đã tham gia vào chiến dịch bảo vệ Tòa Nhà trắng của Phong trào và phá vỡ cuộc đảo chánh của phe nhóm CS tại Nga vào tháng 8 năm 1991. Ông Nguyện Minh Cần hiện đã về hưu. Phần lớn thời giờ ông dành để nghiên cứu Phật học và viết các bài nghiên cứu chính trị. Ông hiện là một nhân sĩ và là một cây bút quen thuộc và được quí mến ở Mỹ và Âu Châu. Quyển sách "Công lý đòi hỏi" (nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1998) là tập hợp những bài viết của ông từ 1992đến 1998.

Tác phẩm thứ hai sắp được xuất bản tác giả Nguyễn Minh cần là quyển sách "Ðảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế". Ðiểm đặc biệt là quyển sách được viết dựa trên những nhận thức mới, nhờ tác giả được vào tham khảo tại Kho Lưu trữ của Quốc tế Cộng sản tại Moskva, nay là Trung tâm Lưu trữ Văn kiện Lịch sử Hiện đại (RSKHIDNI).

Ðược phép của tác giả, báo Sinh hoạt Cộng đồng online trân trọng giới thiệu tập sách này đến quí độc giả.
__________________________
Nguyễn Minh Cần
ÐCSVN qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế

Ðảng cộng sản Việt Nam (ÐCSVN) qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế (PTCSQT) là một đề tài khá rộng. Việc nghiên cứu kỹ đề tài này có thể giúp ta hiểu được nhiều vấn đề thuộc về quá khứ không xa, cũng như hiện tại và tương lai của đất nước. Ðể có thể có cái nhìn bao quát giúp cho việc nghiên cứu được sâu, người viết xin trình bày theo trình tự sau đây:

+Ðôi điều về đảng cộng sản (ÐCS) và PTCSQT,
+Ðôi điều về ÐCSVN,
+Những thời kỳ biến động lớn nhất trong lịch sử PTCSQT,
+ÐCSVN qua những biến động đó.

Những vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau. Có hiểu được thực chất của ÐCS nói chung và PTCSQT thì dễ dàng nắm bắt được những đặc điểm chính của ÐCSVN, và khi biết rõ những đặc điểm đó rồi thì dễ dàng hiểu được thái độ của ÐCSVN trước những biến động lớn trong PTCSQT, và nhất là hiểu được thái độ của ÐCSVN trong tình hình hiện nay trước xu thế chung của thời đại, đồng thời có thể dự đoán phần nào sự chuyển biến tình hình đất nước trong tương lai.

Ðây là một bài có tính chất nghiên cứu, nên người viết chủ yếu dựa trên sự kiện thực tế và trình bày thẳng thắn, không thêm bớt, không thiên vị để bảo đảm tính khách quan.

Nhận thức rằng những điều trình bày dưới đây mới chỉ là nét phác họa chưa đầy đủ, sức của người viết thì có hạn, mà đề tài lại lớn cần có sự nghiên cứu sâu hơn và kỹ hơn của nhiều người, nên mong mỏi và hoan nghênh các nhà nghiên cứu cùng các bạn đọc góp sức, góp ý để vấn đề được sáng tỏ thêm. Người viết sẵn sàng đón nhận với lòng biết ơn mọi ý kiến phê bình xây dựng.

I. ÐÔI ÐIỀU VỀ ÐCS VÀ PTCSQT

Trước hết, cần biết qua quan điểm của các lãnh tụ cộng sản Marx, Engels, Lenin, Stalin và Mao Trạch Ðông về ÐCS, cũng như thực tiễn xây dựng đảng của họ, để dễ hiểu về ÐCSVN, vì xưa nay những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đều coi quan điểm lý luận của các lãnh tụ đó là „kim chỉ nam cho hành động“ của họ, còn các Ðảng cộng sản Liên Xô (ÐCSLX), Trung Quốc (ÐCSTQ) là khuôn mẫu để họ rập theo xây dựng ÐCSVN.

A. Quan điểm của Marx-Engels về ÐCS

Khi nghiên cứu xã hội tư bản, Karl Marx và Fredrich Engels cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp ở các nước Âu Mỹ đã sinh ra giai cấp vô sản, lực lượng xã hội chủ yếu tạo ra mọi của cải vật chất của xã hội tư bản chủ nghĩa. Trong quá trình sản xuất, giai cấp vô sản tạo ra giá trị và giá trị thặng dư, và giai cấp tư bản ăn bám đã chiếm đoạt thứ giá trị thặng dư này để trở nên giàu có. Toàn bộ quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản làm cho giai cấp vô sản, nhất là vô sản công nghiệp, trở thành giai cấp tiên tiến nhất, có tổ chức nhất, cách mạng triệt để nhất, nó là giai cấp lãnh đạo cách mạng vô sản, nó sẽ là kẻ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng nên xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Muốn làm được nhiệm vụ lịch sử đó, theo Marx và Engels, thì „phải tổ chức những người vô sản thành giai cấp (ý nói phải tổ chức đảng của vô sản - NMC), lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền“ (xem: „Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản“. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1983, tr.66).

Trong bài này, chúng tôi không muốn bàn nhiều đến sai lầm trong luận điểm của Marx và Engels về vai trò của giai cấp vô sản trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, cũng như vai trò lãnh đạo của giai cấp đó trong xã hội, vì đề tài đó thuộc một vấn đề khác rộng hơn. Nhưng vì luận điểm đó là cơ sở đặt nền móng cho toàn bộ học thuyết của hai ông, trong đó có lý luận về đảng của giai cấp vô sản, nên buộc lòng cũng phải nói qua. Luận điểm trên của Marx và Engels về vai trò của giai cấp vô sản là dựa trên sự phân tích xã hội tư bản được trình bày một cách thiên lệch trong bộ „Tư bản“ của Marx. Vì tác giả của nó muốn đề cao vai trò của giai cấp vô sản, nên khi trình bày về kinh tế tư bản chủ nghĩa đã cố tình chỉ nhấn mạnh đến đến vai trò lao động, chủ yếu bằng chân tay, của giai cấp vô sản trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa nói chung, cũng như trong sự cấu thành giá trị và giá trị thặng dư nói riêng, mà coi nhẹ hoặc không đếm xỉa đến thứ lao động quan trọng nhất, quyết định nhất là lao động bằng trí tuệ của tầng lớp trí thức, nhất là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tức là lớp người tạo nên nền sản xuất với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, và của tầng lớp quản lý, tức là lớp người điều khiển, vận hành toàn bộ nền sản xuất phức tạp đó, trong việc này có cả phần đóng góp của giai cấp tư bản. Do phương pháp luận không khách quan đó, nên Marx đã rút ra những kết luận sai lầm. Thực tiễn thế giới ngay giữa thế kỷ 20 đã hoàn toàn bác bỏ những kết luận của Marx về vai trò của giai cấp vô sản trong xã hội, bác bỏ những điều khẳng định về những tính chất „tiên tiến nhất, có tổ chức nhất, cách mạng triệt để nhất“ của giai cấp này. Còn đến cuối thế kỷ 20, khi nền kinh tế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng tin học tiến mạnh, kinh tế tri thức nở rộ thì chẳng còn mấy ai tin vào những kết luận đó nữa. Thế mà, Marx và Engels dựa trên những kết luận sai lầm đó, đã đưa ra trong „Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản“ (năm 1848) quan niệm về đảng của những người cộng sản và nhiệm vụ xây dựng xã hội cộng sản của giai cấp vô sản.

Công bằng mà nói, trong các tác phẩm của mình, hai ông thường nhấn mạnh: cách mạng vô sản chỉ có thể tiến hành ở các nước công nghiệp phát triển, nghĩa là những nước thực sự có giai cấp vô sản, và ÐCS phải thực sự là „đảng của giai cấp vô sản“ mang tính chất vô sản. Sở dĩ phải nhấn mạnh như thế vì hai ông phòng trước: nếu không có điều kiện căn bản đó, ÐCS sẽ là đảng của lớp nghèo không phải vô sản, „lớp đáy“ của xã hội, mà Marx gọi là „lumpen-proletariat“ (vô sản áo rách, vô sản lưu manh), sẽ mang nặng tính chất của các tầng lớp đó và vì thế sẽ làm sai mục tiêu của cách mạng vô sản. Về sau, Lenin và phe cánh của ông ta tự cho mình phát triển chủ nghĩa Marx thì lại coi nhẹ điều này, ôngï cho rằng cách mạng vô sản có thể diễn ra ở các nước công nghiệp kém phát triển, nơi đang là khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản. Thậm chí Lenin và phe cánh còn cho rằng những nước chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản cũng có thể làm cách mạng vô sản miễn là họ nhận được sự giúp đỡ của một nước mà ÐCS nắm chuyên chính vô sản.

Nếu nghiên cứu kỹ thì có thể dễ dàng nhận thấy một số quan điểm căn bản về ÐCS của Marx và Engels ghi trong „Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản“ khác với quan niệm và thực hành của Lenin và những lãnh tụ cộng sản khác trong thế kỷ 20. Có những điều hai ông đã viết ra rất ít được những người theo chủ nghĩa Lenin sau này nhắc tới hoặc đem ra bình luận. Vì thế, xin dẫn ra ở đây vài đoạn đáng chú ý trong „Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản“:

„... về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước...“ (Sđd, tr.66)...
„Những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác“ (Sđd, tr.65)...
„Họ không đặt ra những nguyên tắc phe phái nhằm khuôn phong trào công nhân theo những nguyên tắc ấy.

Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc mà chung cho toàn thể giai cấp vô sản; hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào“ (Sđd, tr.65).

Qua những điều đó thấy rõ rằng, khi đặt cho đảng của giai cấp vô sản nhiệm vụ làm cách mạng vô sản đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa bằng bạo lực, rồi dùng chuyên chính vô sản để tiêu diệt giai cấp tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản, Marx và Engels quan niệm ÐCS là một tổ chức xã hội, chứ không phải là một hội kín của những kẻ âm mưu. Cứ nhìn các đảng vô sản dưới thời hai ông, chẳng hạn, công đảng, đảng xã hội chủ nghĩa, đảng xã hội-dân chủ... thì thấy rõ điều này. Marx và Engels quan niệm một nền chính trị, trong đó giai cấp vô sản có nhiều đảng, chứ không phải một ÐCS duy nhất. Dĩ nhiên, không thể coi đây đã là nền chính trị đa nguyên, đa đảng theo quan niệm dân chủ hiện thời, vì hai ông chỉ nói đến „các đảng công nhân khác“ mà thôi. Hai ông không quan niệm ÐCS là một tổ chức cao nhất đứng trên các đảng vô sản khác, có độc quyền lãnh đạo hay độc tôn thống trị các đảng và các tổ chức vô sản khác, như Lenin, Stalin và Mao Trạch Ðông về sau đã chủ trương. Ðiều đáng chú ý nữa là Marx và Engels luôn luôn đề cao chủ nghĩa quốc tế, hai ông nhấn mạnh trong bất cứ trường hợp nào ÐCS không được lấy quyền lợi dân tộc làm gốc mà phải lấy chủ nghĩa quốc tế làm căn bản. Ðiều này thì càng về sau, các ÐCS hoặc chỉ nói mà không làm, hoặc chỉ lợi dụng chiêu bài chủ nghĩa quốc tế vô sản để che đậy cho quyền lợi tập đoàn của họ.

Về mặt thực hành quan điểm của hai ông về đảng, Marx và Engels đã lập ra hồi năm 1864 „Liên minh công nhân quốc tế“ (sau này được mệnh danh là Ðệ Nhất Quốc tế), với số phân bộ không nhiều, phần lớn ở châu Âu. Trước đó, Marx và Engels cũng lập ra „Liên đoàn những người cộng sản“, nhưng trên thực tế cả tổ chức này cũng không có hoạt động gì nổi bật, ngoài việc ra „Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản“. Do cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng trong nội bộ „Liên minh công nhân quốc tế“, tổ chức này dần dần tan rã, và năm 1876 tuyên bố tự giải tán. Ðến năm 1889, cuộc đại hội các đảng xã hội chủ nghĩa (ở Việt Nam thường gọi là đảng xã hội) của nhiều nước châu Âu, của Mỹ và Argentina đã thành lập „Liên minh quốc tế của các đảng xã hội chủ nghĩa“ (về sau được mệnh danh là Ðệ Nhị Quốc tế). Sau khi Engels mất (1895), Ðệ Nhị Quốc tế bị Lenin công kích thậm tệ, lên án tổ chức quốc tế này là theo đường lối „xét lại“, cải lương, cơ hội chủ nghĩa, thỏa hiệp giai cấp, tay sai của tư sản và phản bội cách mạng. Lenin tuyên bố là trung tâm cách mạng thế giới đã chuyển sang nước Nga và chỉ có ÐCS „bolshevik“ Nga mới thật là cách mạng triệt để.

B. Quan điểm và thực hành của Lenin về ÐCS

Xem tiếp toàn văn trên cửa sổ Google Docs: bấm vào đây.

Ngày đăng 25/02/2012
_________________
Bài viết liên quan:
Tải về tủ sách dân chủ (hồi ký, chính luận, tài liệu PDF...)
Bên Thắng Cuộc - Huy Đức (tải về PDF và PRC)
Download: “Bí Mật Ngũ Giác Đài phần 2: Hoa Kỳ và VN 1940 - 1950”
Tổ Quốc Ăn Năn (Nguyễn Gia Kiểng)
Cẩm nang Nhà báo công dân (tải về tệp PDF)

Đăng nhận xét