Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Quyền con người (Nguyễn Gia Kiểng)

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012 | 23:09

LTS: “Biến cố Đoàn Văn Vươn” đang đặt ra cho chính quyền Việt Nam một bài toán nan giải: Nếu im lặng hoặc bênh vực chính quyền Hải Phòng và Tiên Lãng thì rõ ràng đảng đối lập với nhân dân.

Bachar al-Assad
Nếu đảng trừng phạt đám cường hào mới này thì đảng phải thừa nhận là chính quyền sai phạm và yếu kém. Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc một cựu quân nhân, một kỹ sư nông nghiệp, một nông dân đã có những hành động quyết liệt và tuyệt vọng như anh Đoàn văn Vươn? Dư luận và giới báo chí đang mổ xẻ những nguyên nhân này. Theo chúng tôi thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do chính quyền Việt Nam không tôn trọng và thực thi các quyền căn bản của công dân, quyền của mỗi con người. Dù rằng Việt Nam đã gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1977 và Việt Nam cũng đã kí vào bản “Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền”. Để rộng đường dư luận chúng tôi đăng lại bài viết trước đây của ông Nguyễn Gia Kiểng về “Quyền con người” và Bản “Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền” của Liên Hợp Quốc năm 1948.
_______________________

Chúng ta có thể mừng rằng cuộc tranh luận quyền con người đã ngã ngũ, quyền con người đã được nhìn nhận là một giá trị phổ cập. Nhưng cũng chính vì không còn thảo luận nữa mà quyền con người có nguy cơ trở thành mơ hồ; người ta cảm nhận như là một điều hiển nhiên nhưng không thể giải thích một cách minh bạch và do đó không thể tranh đấu cho nhân quyền một cách thuyết phục và hiệu lực. Chưa kể là còn có thể không hiểu đúng và lý luận lệch lạc. Đây không phải chỉ là một giả thuyết, trong nhiều trường hợp đã thực sự có những phát biểu rất đáng buồn. Có những người tuyến bố chỉ tranh đấu cho nhân quyền chứ không "làm chính trị"; họ coi hoạt động nhân quyền như một hành động từ thiện mà quên, hay không biết, rằng nhân quyền bao giờ cũng thuần túy là một vấn đề chính trị. Tệ hơn nữa, còn có người tự nhận là tranh đấu cho dân chủ nhưng lại phân biệt những quyền cấp một (gồm quyền được ăn no, mặc ấm, săn sóc sức khỏe và những quyền tương tự) cần được thoả mãn ngay, và những quyền cấp hai (gồm các quyền tự do chính trị và văn hoá) có thể trì hoãn, mà không hiểu rằng ngay cả những chính quyền độc tài cũng không còn lý luận như vậy nữa. Những quyền gọi là "cấp một" thực ra chỉ là quyền con vật chứ không phải quyền con người. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, được cả thế giới văn minh nhìn nhận, không có sự phân biệt này. Vấn đề chỉ là chọn đứng về phía thế giới văn minh hay chọn làm đồng loã với những chế độ chà đạp nhân quyền mà thôi. Và tại sao, vì lý do siêu hình nào, căn cứ vào kinh nghiệm cụ thể nào, các quyền tự do chính trị và văn hoá lại mâu thuẫn với cơm no áo ấm?

Sự thiếu kém tư tưởng của người Việt Nam biểu lộ qua chính một danh xưng đã thành thói quen: Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Cụm từ này được dùng để dịch cụm từ Universal Declaration of Human Rights (tiếng Pháp là Déclaration Universelle des Droits de l’Homme). Dịch như vậy không những sai mà còn trái nghĩa. Universal có nghĩa là phổ cập, nghĩa là phải được coi là đúng ở mọi nơi, bởi mọi người. Quốc tế (International) là giữa các nước. Đáng lẽ phải gọi là Tuyên Ngôn Phổ Cập Về Quyền Con Người hay Tuyên Ngôn Toàn Cầu Về Nhân Quyền. Từ "quốc tế" không những chỉ sai mà còn phản nghĩa vì nó làm người ta hiểu lầm rằng nhân quyền là một vấn đề trong bang giao giữa các quốc gia mà không kể đến những gì xảy ra trong mỗi quốc gia, trong khi đây là văn kiện khẳng định quyền của mỗi cá nhân. Về nội dung nó là một bản tuyên ngôn của tự do cá nhân, không phân biệt quốc tịch, địa lý, chủng tộc, hay bất cứ một tiêu chuẩn nào, mà mọi người, mọi đoàn thể và mọi nhà nước phải tôn trọng (1). Những lấn cấn và sai lệch như vậy chứng tỏ rằng thảo luận lại để nhìn rõ hơn về quyền con người vẫn còn cần thiết.

*******

Cụm từ "quyền con người", hay nhân quyền, đặt ra ít nhất bốn câu hỏi: Con người mà chúng ta nói đến là con người nào? Ai ban phát những quyền này và nhân danh cái gì? Những quyền con người là những quyền nào? Tất cả những quyền ấy có ngang hàng với nhau không, hay có những quyền phải được tôn trọng một cách tuyệt đối, tức khắc và toàn diện, và những quyền khác chỉ có thể thoả mãn theo từng hoàn cảnh?

Câu hỏi "con người nào?" không giản dị như người ta tưởng. Đã phải mất hơn hai thế kỷ tranh cãi người ta mới đạt tới câu trả lời dứt khoát: đó là mỗi cá nhân, không phân biệt theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Đó là tôi, là bạn, là bất cứ mỗi người nào mà chúng ta có thể gặp, hoặc biết tới, hoặc nghĩ tới. Con người phổ cập này một mặt khá trừu tượng vì không chỉ định riêng một cá nhân nào cả, nhưng mặt khác lại rất cụ thể vì thể hiện một cách toàn diện trong mỗi cá nhân. Đây là một vấn đề triết lý tế nhị. Tại Tây Âu và Hoa Kỳ, con người này, mà đặc tính cốt lõi là phải được nhìn nhận và tôn trọng vì có những quyền căn bản không thể xâm phạm, dù đã manh nha với Phật giáo, Thiên Chúa giáo và tư tưởng cổ Hy Lạp, đã chỉ được thực sự thai nghén từ thế kỷ 16, giai đoạn cuối của thời Phục Hưng, và ra chào đời cuối thế kỷ Ánh Sáng (thế kỷ 18), trong đó sự xuất hiện của đạo Tin Lành một cách vô tình đã góp phần đáng kể. Các nước châu Á và châu Phi chỉ thực sự biết đến cá nhân sau khi tiếp xúc với phương Tây. Trước khi cá nhân xuất hiện chỉ có con người thành viên của một đoàn thể hay một đẳng cấp nào đó. Con người thành viên này không có sự hiện hữu độc lập và những quyền riêng biệt.
“… Các chế độ cộng sản không biểu quyết bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và chà đạp trắng trợn con người không khác gì các chủ nghĩa phát-xít, quốc xã…”
Sự ra đời của con người phổ cập này đã rất khó khăn, sự trưởng thành của nó cũng khó khăn không kém. Cho đến cuối thế kỷ 20, và một phần nào đó ngay trong lúc này, vẫn còn có những người không thừa nhận sự hiện hữu của cá nhân độc lập. Hai triết gia lớn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 là Edmund Burke và Joseph de Maistre phủ nhận con người phổ cập, mà họ gọi "con người trừu tượng", một cách quyết liệt. Đối với họ chỉ có con người thuộc một chủng tộc, một quốc gia, một tôn giáo hay một giai cấp mà thôi. Trong suốt hai thế kỷ 19 và 20, Karl Marx và trường phái của ông cũng phủ nhận một cách thù ghét cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Marx định nghĩa cá nhân như là "con người tách biệt khỏi xã hội" và đồng hoá nó với sự vị kỷ. Các chế độ cộng sản không biểu quyết bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và chà đạp trắng trợn con người không khác gì các chủ nghĩa phát-xít, quốc xã.

Cá nhân (individu), tức con người phổ cập, đã chỉ được nhìn nhận và tôn trọng (ít nhất trên lý thuyết) nhờ hai sự kiện: một là các nước dân chủ, lấy chủ nghĩa cá nhân làm nền tảng, đã thành công hơn hẳn các chế độ chuyên chính chà đạp con người; hai là các tiến bộ về khoa học và nhân chủng học đã chứng minh được rằng quả nhiên có một giống người, khác hẳn với các động vật khác, có cấu tạo như nhau, những khả năng bẩm sinh như nhau, những bản năng, ước vọng và suy tư giống nhau, và chia sẻ với nhau một số giá trị chung. Có thể nói khám phá trọng đại nhất của loài người đã là khám phá ra chính mình, khám phá ra cá nhân.

Những gì vừa nói trên đây có thể bị một số người coi là mông lung. Họ lầm. Sự không biết đến cá nhân đã có những hậu quả, triết lý cũng như cụ thể, rất trầm trọng.

Một thí dụ là trường phái Lãng Mạn (Romanticism) tại châu Âu đã bị trôi dạt rất xa khỏi tinh thần khởi đầu của nó chỉ vì sự thiếu vắng của cá nhân. Trường phái này bắt đầu bằng một tuyên ngôn tự do tuyệt đối: "Tôi không cần phải giống ai cả, tôi không bị ràng buộc vào một hệ thống giá trị nào cả, tôi tự tạo cho mình những giá trị của riêng mình". Tôi tự cho tự do tuyệt đối để sáng tạo. Nhưng "tôi" là ai? Vào lúc đó (thế kỷ 17) cá nhân chưa xuất hiện, vả lại trường phái Lãng Mạn đã phủ nhận cá nhân khi khẳng định "tôi không giống ai cả", trong khi nền tảng của khái niệm cá nhân chính là niềm tin có một giống người trong đó mỗi thành viên có những khả năng giống nhau và chia sẻ một số giá trị.

Sự thiếu vắng cá nhân đã tức khắc biến cái tôi lãng mạn thành cái tôi tập thể: nhà nước, đảng, tôn giáo. Cái tôi mà người ta tuyên bố giải phóng lúc ban đầu chẳng còn gì cả, nó chỉ như viên gạch trong một lâu đài, và chỉ có lâu đài là đáng kể. Cái tự do tuyệt đối bất chấp mọi giá trị mà người ta định dành cho "tôi" biến thành tự do tuyệt đối của tập thể, đúng hơn là quyền muốn làm gì cũng được của người cầm quyền. Từ đó nảy ra những khẩu hiệu "tổ quốc trên hết", "đảng đã quyết định như thế", "dân làm chủ" nhưng "dân" không là ai cả mà chỉ có người đại diện toàn quyền là đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước không thể sai vì không bị ràng buộc bởi một hệ thống giá trị nào cả. Lenin đã nói một câu chắc nịch như nhát búa của đao phủ: "Đạo đức là những gì tốt cho đảng cộng sản", các tín đồ của Lenin tại Việt Nam cũng ngạo nghễ không kém: "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" (phải hiểu: chống chủ nghĩa xã hội là phản quốc). Sự vắng bóng của cá nhân đã khiến cho trường phái Lãng Mạn, một phong trào có mục tiêu giải phóng và sáng tạo lúc ban đầu, biến thành nhà hộ sinh cho những chủ nghĩa chuyên chính cộng sản, phát-xít, quốc xã Đức, quân phiệt Nhật. Đây là sự hoại loạn (perversion) lớn nhất trong lịch sử tư tưởng thế giới.

Một thí dụ khác. Nước Pháp thường tự hào là quê hương của nhân quyền. Họ coi bản Tuyên Ngôn Quyền Con Người và Quyền Công Dân (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen) năm 1789 có giá trị tương đương với bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ năm 1776. Điều này sai, điểm khác biệt lớn giữa hai văn kiện này là định nghĩa về con người. Con người trong bản tuyên ngôn của Hoa Kỳ là cá nhân, vừa phổ cập và trừu tượng vì không là riêng ai, vừa rất cụ thể vì có thể là bất cứ người nào trên thế giới. Con người trong bản tuyên ngôn của Pháp là một công dân Pháp. Người Pháp cũng đề ra những quyền căn bản và phổ cập của con người, nhưng hầu như họ chỉ nhìn nhận những quyền này cho người Pháp. Thái độ này thể hiện một cách cụ thể trong tư tưởng chính trị Pháp: cho đến thế chiến II Pháp là một đế quốc thực dân, thực hiện dân chủ tại nước họ nhưng chà đạp nhân quyền tại các thuộc địa. Người dân các thuộc địa không được nhìn nhận là công dân (citoyen) Pháp, họ chỉ được coi là thần dân Pháp (sujet français). Hoa Kỳ, cái nôi thực sự của quyền con người và chủ nghĩa cá nhân, không có thuộc địa. Nước Anh, gần với văn hoá Mỹ hơn, tuy cũng có thuộc địa nhưng đối xử với các thuộc địa theo một tinh thần rất khác với Pháp. Họ coi mối liên hệ với các thuộc địa là liên lạc thương mại; nếu cần họ giúp các thuộc địa lập ra các quốc gia để làm những đối tác bình đẳng với họ, như trường hợp Úc, Canada, Mã Lai và Ấn Độ. Họ tôn trọng quyền con người trong các thuộc địa bởi vì họ có ý niệm rõ ràng về cá nhân. Đối với họ, con người là con người. Đối với Pháp, con người trước hết là người Pháp, người Ý, người Việt, người Congo, v.v.

Trang mặt của bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền tuyên bố năm 1948

Những thí dụ trên cho thấy vai trò nền tảng của cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Vắng bóng cá nhân những tư tưởng tốt đẹp cũng trở thành bệnh hoạn.

Ai ban phát quyền con người và nhân danh cái gì?

Câu hỏi này giản dị hơn nhiều so với câu hỏi "con người nào ?" trên đây. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ trả lời một cách giản dị và dứt khoát : thượng đế tạo ra con người và ban cho con người những quyền cơ bản, không thể bị tước đoạt, không thể chuyển nhượng và không thể tiêu hao với thời gian. Khẳng định này rập khuôn theo tư tưởng chính trị của John Locke (1632-1704). Có những câu được chép gần như nguyên văn từ tác phẩm Tổng Luận Về Chính Quyền Dân Sự (Second Treaty of Civil Government) của ông. Như vậy thượng đế là căn bản chính đáng của quyền con người và vì thượng đế là tối cao nên quyền con người cũng là tối cao, và là quyền tự nhiên.

Bản Tuyên Ngôn Quyền Con Người và Quyền Công Dân năm 1789 dựa trên một nền tảng chính đáng khác: đó là "các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành đại hội" tuyên bố các quyền con người và công dân với sự chứng giám của Đấng Tối Cao (l'Être Suprême). Như vậy tính chính đáng của tuyên ngôn này bị giới hạn. Trước hết là về tính phổ cập, nếu những quyền này do một hội đồng đại biểu của nhân dân Pháp quyết định thì một hội đồng đại biểu của một dân tộc khác (thí dụ dân tộc Libya) cũng có quyền qui định một cách khác. Mặt khác lại có thêm khái niệm "công dân", một khái niệm chính trị và một tư cách do chính quyền nhìn nhận, như vậy không áp dụng cho những người không được coi là công dân. (Ở đây xin mở một ngoặc đơn để chú thích về một vấn đề từ ngữ chính trị Việt Nam. Khái niệm xã hội dân sự (civil society) được một số tác giả dịch ra tiếng Việt là "xã hội công dân". Tôi không đồng ý với cụm từ này; một người dù không được nhà nước cộng sản Việt Nam coi là công dân vẫn là một người và do đó vẫn có những quyền cơ bản, một trong những quyền này là quyền tham dự vào các đoàn thể, nghĩa là hiện diện trong xã hội dân sự). Sau cùng, ngay trọng nội bộ một dân tộc, cái gì một hội đồng quyết định thì sau đó một hội đồng khác có thể bãi bỏ, Đấng Tối Cao có hiện diện hay không cũng bất lực. Tóm lại, tính chính đáng của bản Tuyên Ngôn Quyền Con Người và Quyền Công Dân của Pháp bị giới hạn cả về không gian lẫn thời gian.

Những quyền con người trong Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ như vậy có tính chính đáng vững mạnh hơn nhiều. Nhưng bản tuyên ngôn này lấy Thượng Đế làm nền tảng chính đáng cho quyền con người nên một câu hỏi được đặt ra : nếu tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo và không tin ở sự hiện hữu của thượng đế thì sao? Ngay từ thế kỷ 17, giữa một châu Âu Thiên Chúa giáo, đã có những nhà tư tưởng (như Grotius) tuyên bố dõng dạc "dù có Thượng Đế hay không thì những quyền cơ bản của con người vẫn thế". Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (cụm từ sai lầm đáng tiếc này đã trở thành thông dụng!) một phần nào đã giải quyết trên lý thuyết nền tảng chính đáng của quyền con người: đó là cộng đồng các quốc gia, thay mặt cho Nhân Loại, tự khẳng định những quyền căn bản của con người. Đây là một bước tiến lớn của loài người trên lộ trình tự giải phóng mình và khẳng định chính mình. Tuy nhiên bước tiến này vẫn chưa đủ xa và đủ mạnh, bởi vì Liên Hiệp Quốc vẫn còn chấp nhận những thành viên chà đạp trắng trợn quyền con người, như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và nhiều nước khác ; đại biểu các nhà nước này nhiều khi hiện diện ngay trong ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Như vậy thì cuộc chinh phục tự do của con người vẫn chưa xong.

Tương lai sẽ ra sao? Cần nhận định một cách dứt khoát là các quyền căn bản qui định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này - tự do cư trú, tự do chọn lựa nghề nghiệp, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và thông tin, tự do thành lập và tham gia các tổ chức, tự do bầu cử và ứng cử, v.v. - định nghĩa rõ rệt một chế độ dân chủ. Bản tuyên ngôn này cũng chính là Tuyên Ngôn Dân Chủ. Như vậy, quyền con người sẽ chỉ được thể hiện trọn vẹn khi dân chủ trở thành trật tự mới của thế giới. Chúng ta có mọi lý do để tin tưởng rằng trật tự này sẽ được thực hiện trễ nhất là trong một hai thập niên nữa. Lúc đó thế giới sẽ quả thực bước vào thời đại văn minh.

Những quyền nào và theo thứ tự nào?

Câu hỏi này phức tạp hơn và sẽ luôn luôn cần được thảo luận và cập nhật. Một cách tóm lược ta có thể phân biệt hai loại quyền: những "quyền không bị" (freedoms from / droits-libertés) và những "quyền được có" (freedoms to/droits-créances).

Những quyền không bị là những quyền căn bản tối thiểu: không bị xâm phạm tới cơ thể, gia đình, tài sản; không bị cấm đoán phát biểu lập trường, thu nhận và phổ biến thông tin; không bị cấm cản thành lập và tham gia các tổ chức, ứng cử và bầu cử, v.v. Những quyền này qui định một không gian cá nhân mà nhà nước hay bất cứ ai không thể xâm phạm. Đó là những quyền tự do căn bản.

Những quyền được có là những gì cá nhân có thể đòi hỏi ở cộng đồng, đặc biệt là nhà nước, thí dụ như quyền được có một lợi tức bảo đảm một mức sống xứng đáng về thực phẩm, sức khỏe, nhà ở; được hưởng giáo dục miễn phí, được trợ cấp sinh đẻ và nuôi con, được có công ăn việc làm và được hưởng một số ngày nghỉ có trả lương, v.v. (những điều 23, 24, 25 và 26 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền).

Tùy theo thứ tự ưu tiên dành cho hai loại quyền này mà tự do hay bình đẳng được coi trọng hơn. Những quyền không bị bảo đảm tự do, trong khi những quyền được có có mục đích bảo đảm một mức độ bình đẳng nào đó để tự do không phải chỉ là một khái niệm trừu tượng và có thể rỗng nghĩa đối với những người yếu đuối hoặc thiếu may mắn (quyền tự do đi du lịch ở Bahamas có ý nghĩa gì khi tôi không có tiền ngay cả để mua thực phẩm?). Cuộc thảo luận về ưu tiên giữa hai loại quyền đã rất gay go, có lúc dữ dội, đôi khi đẫm máu. Các chế độ cộng sản đã hứa hẹn những quyền được có và nhân danh lời hứa không hề được thực hiện này để xoá bỏ những quyền không bị.

Một cách khách quan và lương thiện, chúng ta có thể đưa ra một vài nhận định. Trước hết, thực tế cho thấy các xã hội tôn trọng tự do cũng là những xã hội phồn vinh nhất và tự do không phải là hậu quả mà là nguyên nhân của phát triển, bởi vì các xã hội dân chủ và phát triển đã chọn tự do kể từ lúc họ chưa phát triển, như Hoa Kỳ từ ngày lập quốc, và nhờ đó đã phát triển nhanh. Nhân quyền và dân chủ chưa bao giờ ngăn cản một dân tộc trở thành giàu mạnh. Đây là một tin vui vì nó chứng tỏ khả năng lớn của con người. Con người tự do có khả năng làm ra những phép mầu. Mặt khác, các quyền được có, dù không ai có thể phủ nhận tinh thần quảng đại của chúng, cần được quan niệm một cách dè dặt. Chúng ta chỉ có thể đòi hỏi nhiều ở nhà nước nếu ngược lại chúng ta chấp nhận cho nhà nước khá nhiều quyền. Càng đòi hỏi ở nhà nước bao nhiêu thì càng phải chấp nhận một nhà nước kềnh càng bấy nhiêu và không gian cá nhân càng bị thu hẹp bấy nhiêu. Và quyền lực đẻ ra tham nhũng và lạm quyền, với hậu quả là áp bức và nghèo khổ.

Nhà nước tốt nhất vẫn là một tối thiểu, chỉ còn lại vấn đề thế nào là tối thiểu, một vấn đề tế nhị. Phải hết sức thận trọng đối với nhà nước. Con người nói chung vừa mong manh vừa không thông thái. Nếu không được bảo đảm một không gian tự do cá nhân bất khả xâm phạm, nó có nguy cơ bị giảm thiểu đến chỗ không còn gì. Từ chỗ làm cho người dân, người cầm quyền rất dễ đi đến chỗ làm thay cho người dân, suy nghĩ thay cho người dân, quyết định những gì là tốt cho người dân, những gì người dân nên biết và không nên biết, phải làm và không được làm. Các quyền được có đã là lý cớ để các chế độ cộng sản, quân phiệt, phát-xít, quốc xã tước bỏ những quyền phải có, nghĩa là những quyền không bị, tạo ra những tai họa kinh khủng trong thế kỷ 20.

Chìa khoá để giải đáp bài toán này không phải là kỹ thuật mà là triết lý. Một lần nữa chúng ta không được quên một yếu tố căn bản: con người, với tất cả những khả năng, thiếu sót và yếu kém của nó. Con người có giới hạn cho nên không thể xây dựng ra được những xã hội tuyệt hảo. Những giá trị cao quí nhất thường mâu thuẫn với nhau. Chọn tự do tuyệt đối, chúng ta để cho kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu, sói ăn thịt cừu; chọn bình đẳng tuyệt đối, chúng ta phải cấm kinh doanh để đừng ai giàu có hơn ai và đóng cửa các trường đại học để đừng ai thông thái hơn ai. Cũng thế, sáng tạo mâu thuẫn với ổn định, công lý không phải lúc nào cũng thể hiện được sự bao dung. Chúng ta luôn luôn phải thoả hiệp, đó là bắt buộc của loài người. Tìm thoả hiệp tối ưu là nghệ thuật và sự quyến rũ của hoạt động chính trị.

Nếu cần phải có một nguyên tắc cho hoạt động chính trị để đừng bị trôi giạt như người đi biển không la bàn thì ta có thể nói : con người phải được tôn trọng trước hết, xã hội sẽ phải làm tối đa cho mỗi thành viên trong chừng mực khả năng của nó. Nói khác đi, các quyền tự do căn bản, các quyền không bị phải được tôn trọng trước, các quyền được có sẽ ngày càng tăng, và mãi mãi tiếp tục tăng lên, cùng với sự gia tăng phồn vinh của xã hội. Một xã hội quảng đại nhất cũng chỉ có thể cho những gì nó có.
“… Nếu cần phải có một nguyên tắc cho hoạt động chính trị để đừng bị trôi giạt như người đi biển không la bàn thì ta có thể nói : con người phải được tôn trọng trước hết, xã hội sẽ phải làm tối đa cho mỗi thành viên…”
Tranh đấu cho nhân quyền

Một người bạn ở Mỹ rất tận tụy tranh đấu cho nhân quyền trong gần hai thập niên qua ghé Paris thăm tôi mùa hè này. Anh đặt câu hỏi: "Tại sao nhân quyền bị chà đạp tại Việt Nam như vậy mà chúng ta vẫn chưa có được một phong trào nhân quyền mạnh?"

Chính tôi cũng đặt một câu hỏi tương tự: "Tại sao chế độ cộng sản đã kéo dài ba mươi năm rồi mà chúng ta vẫn chưa hình thành được một tập hợp dân chủ có tầm vóc?". Chắc chắn là dân tộc Việt Nam đã quá mệt mỏi vì nghèo khổ và vì đã trải qua một cuộc chiến dài và đẫm máu, nhưng một phần của câu trả lời có lẽ là chúng ta chưa nhìn rõ vấn đề. Chúng ta vẫn còn phân biệt nhân quyền và chính trị, đấu tranh cho nhân quyền và đấu tranh cho dân chủ, và do đó phân tán lực lượng. Nhân quyền bao giờ cũng là một vấn đề chính trị. Một tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International hoặc Human Rights Watch có thể phi chính trị, bởi vì họ bảo vệ nhân quyền cho các nước khác, nhưng cuộc tranh đấu vì nhân quyền, tức là vì tự do, dân chủ, cho chính nước mình không thể nào khác hơn là một cuộc đấu tranh chính trị. Cả hai tài liệu gốc rễ của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền -Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên Ngôn Quyền Con Người và Quyền Công Dân năm 1789 của Pháp- đều là thành quả của những đấu tranh chính trị rất khốc liệt.
“… Chúng ta vẫn còn phân biệt nhân quyền và chính trị, đấu tranh cho nhân quyền và đấu tranh cho dân chủ, và do đó phân tán lực lượng. Nhân quyền bao giờ cũng là một vấn đề chính trị…”
Sau cùng, để tạm kết luận, chúng ta cần lưu ý tới ý nghĩa triết học của chính khái niệm "quyền". Quyền thuộc về luật và vì thế nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thoả hiệp trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền. Quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại; nhân danh thực tại để hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không chấp nhận để nhìn con người từ thực tại; sự phản kháng là cốt lõi của quyền. Quyền cũng không thể chấp nhận sự vô lý; nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó. Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất. Trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền, cũng là tranh đấu cho dân chủ, lập trường đúng nhất là không nhân nhượng, đòi hỏi thực hiện tức khắc và trọn vẹn các quyền tự do cơ bản. Đừng sợ rơi vào bẫy giáo điều, quyền con người chỉ là qui luật tự nhiên của sự sống.


Nguyễn Gia Kiểng
Nguồn: http://to-quoc.blogspot.com
[quyen-con-nguoi-nguyen-gia-kieng].
Ngày lưu 21/02/2012
___________________________
Bài viết liên quan:
Tổ Quốc Ăn Năn (Nguyễn Gia Kiểng)
Trí thức là một khái niệm chính trị (Nguyễn Gia Kiểng)
Vài ghi chú về chủ nghĩa cá nhân (Nguyễn Gia Kiểng)
Theo lộ trình Nga một lần nữa? (Nguyễn Gia Kiểng)
[I] -Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)

Đăng nhận xét