Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Biểu tình bất bạo động (II)

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014 | 01:10

“..chúng tôi yêu cầu chính quyền cộng sản trả tự do tức khắc cho những người tù lương tâm. Bằng vốn liếng uy tín của những năm tháng dài tù tội, họ sẽ có những tiếng nói làm dịu lòng dân chúng. Với bạn bè, thân nhân của họ đang đấu tranh ở ngoài tù, họ sẽ là một lực lượng ôn hoà…”
Kỳ I

Thời gian gần đây, những vụ biểu tình tại Việt Nam đã tăng cường độ. Càng ngày càng nhiều, càng ngày càng đông. Và nếu không có những giải pháp chính trị, từ bất bạo động sẽ dần dần trở thành bạo động. Một người hiền lành, khi hợp thành nhiều người sẽ có sức mạnh. Sức mạnh có thể biến đổi những người hiền lành trở thành hung dữ. Từ cừu thành cọp.

Người từng xuống đường hiểu được những khó khăn, phiền toái trong việc tham dự biểu tình. Xin hiểu rằng phía bên kia, những kẻ lãnh nhiệm vụ chống lại những cuộc biểu tình cũng vất vả không kém. Là người trong cuộc, tác giả xin liệt kê những khó khăn để những người biểu tình bằng cách bất bạo động khai thác và phát huy.

Nghệ thuật của chống biểu tình là làm sao vừa đủ. Nếu dân chúng ôn hòa, biểu tình ở một nơi nhất định thì chỉ cần vài ba nhân viên cảnh sát là đủ. Nếu họ muốn tuần hành thì cảnh sát phải vạch lộ trình, bảo đảm giao thông. Nếu dân chúng biểu tình với số đông với một lý do dễ đưa đến xung đột thì phải có lực lượng trấn áp, vân vân và vân vân.

Sự quá đà của nhà chức trách sẽ bị phe biểu tình khai thác. Theo nhận xét của một người được huấn luyện cách thức tổ chức biểu tình, những vụ biểu tình vừa qua của những của những bloggers, trí thức , dân oan… rất là thành công. Họ khai thác được nỗi sợ quá mức của chính quyền. Nào là công an dày đặc, nào là rào chắn, an ninh, bảo vệ , dân phòng. Chỉ vài trăm người, lắm khi vài chục người mà chính quyền phải dùng đến ngần ấy nhân lực. Và bị phe biểu tình khai thác bằng hình ảnh và những bài tường thuật. Chỉ một nhóm người mà đã thức tỉnh được cả một dân tộc.

Ngăn cản những cuộc biểu tình tưởng dễ nhưng mà không dễ. Có trăm ngàn công việc mà các nhà chức trách phải làm tại hiện trường, phải làm trước, trong và sau cuộc biểu tình để hạn chế thiệt hại. Trăm ngàn công việc đó đòi hỏi rất nhiều nhân lực và thời gian. Chỉ cần phe biểu tình tạo một bất ngờ là bị lúng túng ngay.

những người hiền lành trở thành hung dữ

Địa điểm bất ngờ.

Sỡ dĩ những ngày qua có những chuyện đáng buồn như vậy là do đảng cộng sản lờ mờ về luật cho phép người dân biểu tình. Trong các nước dân chủ, luật biểu tình rất rõ ràng. Muốn biểu tình thì phải có người đại diện. Người đại diện làm đơn cho chính quyền thông báo rằng muốn tổ chức biểu tình. Họ nêu lý do, địa điểm, thời gian… Bên phía chức trách thì lo an toàn giao thông, xe cứu thương, thức ăn, nước uống… Hầu hết những cuộc biểu tình đều xảy ra êm thắm như vậy.

Nhưng dù vậy thì cũng đã vất vả lắm rồi. Mỗi người lính chống biểu tình phải làm trăm ngàn công việc không tên và thức dậy từ hai ba giờ sáng, đến điểm tập hợp, chuẩn bị rào chắn, hệ thống truyền tin, áo giáp, dùi cui... Và phải đứng hàng giờ trước đám đông. Mà đám đông lắm khi chỉ là năm ba người.

Đố đọc giả biết người lính chính quy được trang bị đầy đủ vũ khí để chống biểu tình sợ nhất là cái gì?

Gậy gộc, dao búa, lời chửi mắng, lẽ phải, gạch đá, băng-rôn?

Không, xin thưa sợ nhất là bị tách ly ra khỏi đồng đội hay bị cô lập trước đám đông!

Vì đám đông có những phản ứng mà không người lính nào lường trước được. Có thể đám đông rất ôn hoà mà có cũng có thể rất tàn bạo. Và khi họ tàn bạo rồi thì sẽ tàn bạo không thể tưởng tượng. Những xác chết móp méo không quần áo bị dân chúng kéo lê lết trên đường phố đã có quá nhiều trong lịch sử.

Vì sợ bị cách ly nên phải dính chùm. Vì bị dính chùm nên rất khó khăn di chuyển. Phe biểu tình biết khai thác yếu điểm này là bên chính quyền lúng túng ngay.

Một địa điểm thích hợp để biểu tình là một nơi rộng rãi, ở gần ít nhất hai hoặc nhiều cơ quan đầu nảo, là nơi giao tiếp của nhiều con đường khác như bùng binh, ngã năm, ngã bảy. Khi đoàn biểu tình không tiếp cận được mục tiêu chính thì vẫn còn những mục tiêu phụ. Tùy theo tình thế, những mục tiêu phụ sẽ trở thành những mục tiêu chính.

Thời gian bất ngờ.

Đơn vị của người viết bài này đã tham chiến ở Mogadiscio, Châu Phi. Và chiến thắng rất dễ dàng. Theo phong tục của bộ lạc, bên phiến quân đã giao hẹn tuyên chiến, cho biết trước thời gian và địa điểm. Đúng ngày đúng chổ. Ngoại trừ vài vết phỏng do vỏ đạn đại liên nóng rớt vào tay áo, đơn vị trú phòng hoàn toàn vô sự. Thiệt hại bên phiến quân thì... miễn bàn.

Những người biểu tình ôn hoà nên nhìn lại cách thức biểu tình của mình. Chỉ cần chuyển dịch thời gian biểu tình cho khác lúc, dời biểu tình sang địa điểm khác là bên trấn áp sẽ lúng túng ngay. Thậm chí những người biểu tình chỉ cần loan báo nhưng lại hủy bỏ vào giờ chót thì bên kia cũng thất điên bát đảo, lo cơm áo gạo tiền, chỗ ăn chỗ ở cho lực lượng trấn áp.

Số lượng bất ngờ.

Dù không có được yếu tố bất ngờ về thời gian và không gian. Nhưng biểu tình với số đông vẫn là một bất ngờ lớn. Và cũng là một bất ngờ mà nhiều phương pháp trấn áp không sử dụng được. Như cho an ninh trà trộn vào đám người biểu tình để khống chế những nhân vật đầu nảo, giựt biểu ngữ... sẽ không có hiệu quả. Với tình hình quản lý quá bi đát của đảng cộng sản. Thế nào cũng sẽ đến trình trạng này.

Lực lượng trấn áp bị sẽ tràn ngập. Chính quyền cộng sản run sợ trước viễn tượng này.

Theo ý kiến riêng của tác giả, cả ba yếu tố đều có vào những ngày vừa qua. Lý do? Phe biểu tình dùng phương tiện xe cộ để biểu tình.

Trong binh pháp, người lính thiết giáp nào cũng biết câu:

Sức mạnh = số đông x vận tốc. (Force = masse x vitesse)

Xin đọc giả chú ý là nhân, chứ không phải là cộng. Nhân có hiệu quả nhiều hơn là cộng. Nhờ khai thác bí quyết này, kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn mới tung hoành thiên hạ, gầy dựng được một đế quốc lớn nhất trong lịch sử loài người. Đức Quốc xã đánh bại Ba Lan, rồi ngay sau đó Pháp trong một thời gian rất ngắn với lý thuyết chiến tranh chớp nhoáng, Blitzkrieg. Trong khi những quốc gia của các nước này cũng có quân số tương đương. Tù binh Liên Xô mà Đức Quốc Xã bắt được còn nhiều hơn tổng số quân đội mình gấp mấy lần. Đồng Minh cũng chật vật lắm mới đánh bại được một quân thù đã kiệt lực.

Nhờ phương tiện di chuyễn cơ giới, những người biểu tình đã phát huy được ba yếu tố bất ngờ: Thời gian, địa điểm và số lượng. Cán cân giữa lực lượng biểu tình và trấn áp đã thay đổi.

Giai cấp công nhân mà cộng sản cho là ù lỳ ngu ngốc lại là kẻ thù đáng sợ hơn những người trí thức. Và với đầu óc thực dụng, họ lại áp dụng đúng binh pháp hơn những người học cao nghĩ rộng.

Nếu không có giải đáp chính trị, quốc gia sẽ chìm dần vào hỗn loạn.

Vậy phải làm sao?

Với tư cách của một người đấu tranh, và tuyệt nhiên không phải là người bên phe thế yếu, chúng tôi yêu cầu chính quyền cộng sản trả tự do tức khắc cho những người tù lương tâm. Bằng vốn liếng uy tín của những năm tháng dài tù tội, họ sẽ có những tiếng nói làm dịu lòng dân chúng. Với bạn bè, thân nhân của họ đang đấu tranh ở ngoài tù, họ sẽ là một lực lượng ôn hoà. Nếu cần thì họ sẽ là những người dám đối đầu với đám đông quá khích. Họ sẽ dùng lời lẽ hơn thiệt để hướng dẫn và lãnh đạo đám đông tranh đấu ôn hòa hơn.

Cộng thêm nhiều thay đổi chính trị khác như đa nguyên, đa đảng. Việt Nam có thể sang trang mà ít đổ máu.

Có thể nói thời gian của chế độ không còn nhiều. Những ngày qua là những công ty Trung Quốc (cho dù có sự xúi giục của chính quyền hay bất cứ thế lực nào). Nhưng trong tương lai gần sẽ là những cơ quan chính quyền, tư gia của những quan chức. Bước thêm bước nữa là cảnh sát giao thông, hình sự. Rồi ngay đến những kẻ mặc quân phục như dân phòng, thanh niên xung phong, đoàn viên cộng sản…

Càng để lâu thì càng khó xóa dịu ý muốn trả thù. Và càng để lâu thì đảng cộng sản sẽ càng có ít lý lẻ để đàm phán hay thương lượng với dân chúng và những đáng phái chính trị mới.

Dương Thành Tân
Nguồn: http://ethongluan.org
Ngày 16/05/2014

Đăng nhận xét