Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

T.S. Alan Phan: Nói dối lem lém, nói dối lì lợm

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014 | 07:34

(Rút từ hồi ký “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nhà văn Nguyễn Khải. Đầu đề do nhà văn Nguyễn Quang Lập đặt.)

Một xã hội không tự hiểu mình, mỗi cá nhân cũng không tự hiểu mình, vàng thau, phải trái, cao quý ti tiện lẫn lộn, các giá trị lẫn lộn bắt đầu từ sự không chuẩn xác của ngôn từ.

Câu mở đầu kinh thánh Cựu ước “Thoạt Tiên Là Ngôn Ngữ…” (Au conmmencement était le Verbe). Ngôn ngữ làm nên văn minh này, vì nó có thể lưu giữ và truyền lại toàn bộ kinh nghiệm của nhiều đời trước cho nhiều đời sau, càng ngày cái khả năng nhận thức càng gần đúng như nó có, khiến sự lựa chọn của con người khách quan hơn, có hiệu quả tích cực trong quá trình chủ động thích ứng với mọi đổi thay của môi trường sống và môi trường xã hội.
Vậy mà ngôn từ lại là cái mặt yếu nhất trong các lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc ở các nước xã hội chủ nghĩa. Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy, “nói vậy mà không phải vậy”! Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế.

Cái cách tự bảo vệ ấy lại càng rõ rệt ở cấp lãnh đạo và các viên chức nhà nước làm việc ở các cơ quan quyền lực. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ khô cứng đã mất hết sinh khí, một thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ “gỗ”, nói cả buổi mà người nghe vẫn không thể nhặt ra một chút thông tin mới nào.

Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn.

Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân.

Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình.

Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói.

Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi.

Trong hàng trăm cuốn hồi ký của các nhà văn hoá, của những người hoạt động chính trị, của nhiều tướng lĩnh, ta chả biết được bao nhiêu cái thế giới riêng của họ, cái thế giới cá nhân của họ. Cái phần đóng góp của họ càng nhỏ thì cái ý nghĩa quyết định của tập thể càng lớn, cái có tên thì bé tí xíu, vô nghĩa, cái không tên thì bao trùm rộng khắp nhưng cũng không có hình thù rõ rệt, cứ mờ mờ mịt mịt, có đấy mà cũng không có đấy, cái chung ấy chả phải chịu trách nhiệm với một ai, có biết nó là ai mà truy cứu.

Nguồn: http://www.gocnhinalan.com/category/blog-cua-alan-va-bca
Ngày 20/05/2014

Đăng nhận xét