Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Đảng quyền, chính quyền và còn gì nữa?

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014 | 06:21


Nguyễn An Dân – Hôm nay nhân đọc một bài viết “Thoát Trung, nhưng coi chừng một sai lầm bi đát” của ông Nguyễn Gia Kiểng đăng trên Thông Luận, rồi đọc bài phỏng vấn của anh Phạm Chí Dũng trên RFI về “tín hiệu mới trong quan hệ Việt-Mỹ”, sau đó xem thêm thông tin báo chí “lề phải” trong nước mấy ngày gần đây về “công cuộc thoát Trung” thì tôi cũng có một chút suy nghĩ gửi đến những người quan tâm đến đất nước.

Trước tiên, tôi nhìn nhận rằng ông Nguyễn Gia Kiểng “nhận định đúng trong sự bi quan” và anh Phạm Chí Dũng cũng “nhận định đúng trong sự lạc quan”, cũng như báo chí lề phải cũng “đúng trong sự e dè” vốn có của họ khi mắc kẹt giữa hai đường lối “thân Tàu-thân Mỹ” trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước. Điều này thể hiện rõ trong tình trạng dạo này có nhiều bài viết “đăng lên tháo xuống” mà cao trào là bài “dựa vào Mỹ để giữ chủ quyền” trên tờ Tạp Chí Cộng Sản vừa qua (1).

Dĩ nhiên là những người tham gia vận động dân chủ, chúng ta có quyền bảo lưu những quan điểm mà bản thân ta xem là đúng và trình bày nó ra công luận. Tuy nhiên khi đưa ra trước công chúng thì sự thận trọng và nhận định đúng đắn tình hình để giúp quần chúng có phản ứng phù hợp là một điều quan trọng. Trong vận động chính trị, thời cơ không có nhiều nên chúng ta cần phải vừa biết tận dụng những cơ hội đang tới, vừa tránh tạo ra những thiệt hại khó bù đắp được.

Binh pháp có câu “biết người biết ta- trăm trận trăm thắng”, chúng ta đấu tranh với đảng nhưng chúng ta chỉ thấy những tào lao nhảm nhí sai lầm của đảng mà không hiểu rõ về đảng thì dễ đem đến những ngộ nhận đánh giá phiến diện sai lầm, từ đó mắc vào những thế kẹt hay những thiệt hại lẽ ra không cần thiết. Người dân chủ hay nói đảng thế này thế kia nên chúng ta phải đấu tranh, điều này đúng nhưng thiếu, biết và hiểu là hai cái khác nhau, biết là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta hiểu được đối thủ của mình đang thế nào ở hiện tại và sẽ diễn biến ra sao trong tương lai để dự trù những chiến thuật hợp lý. Chọn lựa cái đúng và cái cần thiết là quan trọng, nếu việc đó là đúng nhưng chưa cần thiết thì tạm gác lại chưa làm, còn cái cần thiết nhưng chưa đúng trong hiện tại cũng nên làm ngay, vì nó mang lại cái đúng lớn hơn trong tương lai.

Từ bên ngoài nhìn vào bên trong

Dù ít dù nhiều, chúng ta cũng đã đồng ý với nhau rằng một xu hướng thân Mỹ-Phương tây đã xuất hiện trong đảng từ khi đảng tự nhận là “đổi mới” vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Đồng thời, đảng CS lại ký vào “Những Thỏa Thuận ở Hội Nghị Thành Đô” đầu thập niên 90 mà cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ đã tiết lộ (2). Chính điều trái khoáy đó đã đưa đến tình trạng chính trị ngày hôm nay của bộ phận lãnh đạo trong đảng, đó là sự mâu thuẫn trong đường lối của 2 xu hướng ngả về Trung Quốc và ngả về Mỹ-phương tây. Tôi tạm gọi nhóm theo Trung Quốc là đảng quyền và nhóm muốn thân Mỹ là chính quyền để bạn đọc có sự dễ dàng phân biệt sự đồng-dị của 2 phe này trong bối cảnh cả hai cũng còn mặc chung cái áo cộng sản.

Theo tôi, phong trào “đổi mới” bên trong đảng mang đến cái tích cực, đó là làm Việt Nam từ bỏ hẳn một con đường tiến tới độc tài cực đoan như Cu Ba hay Bắc Triều Tiên. “Đổi mới” đã đóng hẳn cánh cổng độc tài có khả năng diễn biến từ “vua tập thể” đi vào cái nguy hại hơn là “vua phong kiến” (anh em nhà Castro và gia đình nhà họ Kim) như hai quốc gia trên, đồng thời mở dần cánh cổng tự do-dân chủ để Việt Nam đón những làn gió mới từ phương tây thổi tới. Điều đó thể hiện rõ trên những bản án tù từ hàng chục năm cho những người tranh đấu cho dân chủ-tự do vào thập niên 80 đến khoảng năm năm gần đây thì tình trạng bắt bớ tù đày giảm hẳn, và những bản án tù “nhẹ nhàng” vài năm trở lại cho những người tranh đấu cho đa nguyên- đa đảng.

Chuyện xưa không xét nữa. Chuyện ngày nay thì đáng chú ý là quan điểm của đảng gần đây khi xử lý tù chính trị khá rõ. Đó là những bản án tù vài năm tù trở lại cho những ai chỉ kêu gọi dân chủ tự do nhưng lại khá nặng nề cho những người chủ trương chống đối sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Tại sao? Đảng quyền tất nhiên không chấp nhận dân chủ-tự do nhưng xử tù nặng quá cho những người kêu gọi dân chủ thì phe chính quyền khó đối ngoại và đàm phán với phương Tây. Nên nhớ rằng giờ đây chỉ có chính quyền, cụ thể là ông Thủ tướng, mới đi xin tiền được của Tây phương, không như trước đây khi LX và khối CS quốc tế còn thì chỉ có ông Tổng bí thư đảng mới đi xin tiền được. Đây là một thực tế mới chúng ta cần lưu ý. Ông Thủ tướng như thế mạnh hơn về đối ngoại, nhưng ở trong nhà thì ông TBT vẫn mạnh hơn. Theo tôi đây là khúc mắc của vấn đề: đối ngoại và đối nội chưa ăn khớp nhau được. Đối ngoại thì muốn thân Tây phương nhưng đối nội lại vẫn muốn thân Trung quốc.

Cũng vì thế mà phe đảng quyền không nhượng bộ khi xử nặng những người chống Trung Quốc. Đây là một sự tự vệ cần thiết của họ, vì chống Trung là chạm đến những nền tảng tồn vong sinh tử của đảng. Đảng tự hiểu rằng quần chúng dù có bức xúc mình độc tài đảng trị nhưng sẽ dễ tha thứ khi xu hướng dân chủ tự do thắng thế. Tuy nhiên, đụng tới quan hệ Việt (Cộng) – Trung (Cộng) là đụng tới tử huyệt của đảng. Đảng hiểu hơn ai hết là quần chúng sẽ không tha thứ cho mình nếu những bí ẩn của đảng với Trung Cộng bị lôi ra ánh sáng, vì những khuất tất đó là những vấn đề mặc cả đánh đổi bên trên lợi ích dân tộc nên “khó có thể tha thứ nếu ai nói ra”. Do đó án tù cho hai nhóm đối tượng chống đối đảng là thoát Trung và thoát Cộng cũng khác nhau. Nhưng nếu vừa muốn thoát Trung vừa đòi thoát Cộng thì án tù sẽ nặng vô cùng, như với Trần Huỳnh Duy Thức chẳng hạn.

Bất kỳ phong trào dân chủ nào cũng vậy, nếu án tù vài năm trở lại thì phong trào con có cơ lên được, còn án tù khoảng 10 năm trở lên thì phong trào xẹp. Các cuộc biểu tình chống đối cũng thế, công an đánh đập đuổi về thì phong trào lên, quân đội xả súng như Thiên An Môn thì phong trào xẹp. Khi chúng ta đấu tranh chỉ cho riêng chúng ta thì chúng ta nói gì làm gì cũng được (phong trào dân oan là một ví dụ), nhưng khi chúng ta đứng ra để tập hợp quần chúng đi theo thì từng lời nói và hành động phải cân nhắc thật kỹ (phong trào dân chủ). Nếu muốn giữ được đống củi và mồi lửa thì cần dựa trên lợi ích đường dài của tập thể hơn là mong muốn cá nhân của mình. Quan trọng hơn, đốt lửa vào mùa đông thì mang đến sự ấm áp quần tụ nhưng nhóm lửa vào mùa hè thì không ai muốn lại gần, đó cũng là quy luật khách quan. Do đó tuy chỉ có cùng một đống củi nhưng khi nào mùa đông và khi nào là mùa hè, khi nào thì dùng “thoát Trung” làm mồi lửa và khi nào dùng “thoát Cộng” làm mồi lửa để hâm nóng và quy tụ quần chúng –điều quan trọng, sinh tử này, thì chính những người lãnh đạo các phong trào phải tự hiểu và nhìn ra.

Từ góc nhìn trên, chúng ta có thể thấy và hiểu rõ lý do vì sao trong cùng 1 thời điểm khoảng 5 năm gần đây, khi những người dân chủ cùng tham gia thành lập đảng phái kêu gọi đa nguyên đa đảng theo mô hình Âu Mỹ thì chỉ nhận những bản án bằng phân nửa (có khi ít hơn) so với những người đấu tranh tuy phi đảng phái nhưng chủ trương kêu gọi “thoát Trung”. Có hiểu về đảng như thế chúng ta mới thấy rõ cái nào là cái cần trước, cái nào là cái cần làm sau trong từng thời điểm. Cái nào mà diễn biến khách quan mang đến trước thì ta dùng trước, vì dĩ nhiên nó sẽ là nền tảng cho cái sau. Thoát Trung và thoát Cộng là hai mặt tương hỗ trong quá trình tranh đấu. Phối hợp vận động, chọn cái nào làm chủ đạo trong từng thời điểm là sự nhìn nhận đúng đắn của những người lãnh đạo phong trào, để có hiệu quả sau cùng là thoát cả hai.

Mất dân chủ tự do chỉ làm quần chúng bức bối và lên tiếng chỉ trích. Giờ đây đảng quyền vẫn đàn áp nhưng có chừng mực hơn vì bên chính quyền phản đối vì làm trở ngại quan hệ của họ với Âu Mỹ và trở ngại mục tiêu phát triển đất nước mà dân tình đang đòi hỏi. Còn khi mất quan hệ với đảng đàn anh cộng sản Trung Quốc khiến cho những bê bối khuất tất lâu nay của đảng lộ ra có thể làm quần chúng phẫn nộ và đòi xóa bỏ đảng, thì điều này mới làm cho phe đảng quyền lo ngại thật sự. Phải thấy và hiểu đảng như thế thì chiến thuật đấu tranh trong từng thời điểm mới đạt được hiệu quả tối ưu và giảm thiểu thiệt hại tối đa. Đó là những nét quan trọng về đảng khi ta đứng bên ngoài nhìn vào bên trong đảng.

Nhìn sâu vào bên trong hơn nữa


Khi nhìn sâu vào bên trong hơn nữa, chúng ta thấy nền tảng mà đảng quyền dựa trên đó để leo lên cầm quyền và duy trì quyền lực là một mớ lý thuyết tào lao nhảm nhí phi thực tế, là sự nương tựa của đảng quyền vào ông anh Trung Cộng, bề ngoài là “đối tác chiến lược” nhưng bề trong là “phụ thuộc để sống còn” nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất nước. Đảng cũng không muốn nhưng phải làm vì bây giờ không còn đảng cộng sản lớn nào khác ngoài đảng cộng sản Trung Quốc cho phe đảng quyền làm chỗ dựa để duy trì quyền lực sau khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã.

Cuộc chiến năm 1979 là một bằng chứng cho chúng ta thấy điều đó khi mà Trung Cộng dạy cho Việt Cộng một bài học vì thấy phe Việt Cộng tráo trở. Lúc đó tại sao đảng phải bỏ Trung Công? Theo tôi chỉ vì lúc đó đảng không còn đi dây được nữa giữa Trung quốc và LX như trong thời chiến tranh chống Mỹ. Trung quốc bắt đảng bỏ LX theo mình. Do đó, sau khi đã “mập mờ” với Trung Cộng, đánh đổi chủ quyền biển đảo lấy ưu thế quân sự để chiến thắng Miền Nam, đảng bỏ Trung Cộng ngay lập tức và chạy sang Liên Xô. Sự tráo trở của hai đảng với nhau là dĩ nhiên thôi, vì cả 2 bên đều biết mình tồn tại trên một mớ lý thuyết Mác-Lê phi thực tiễn chỉ để mang lại lợi ích cầm quyền thực tiễn. Sau khi đạt được mục tiêu 1975 của mình, đảng biết còn đi với Trung Cộng thì sớm muộn cũng sẽ bị quần chúng đá đít vì phải “cắt đất” nhằm đổi lấy sự bảo hộ của Trung Cộng. Do đó, thành công nắm đất nước vào tay rồi đảng lập tức chạy qua ôm Liên Xô, lúc đó đảng làm thế là khôn ngoan cho cả đảng và dân tộc, dẫu sao thì Liên Xô cũng ở xa, không nham hiểm và tham lam đòi đất như Trung Cộng.

Nhưng trời không chiều đảng, khi thầy Đông Âu xụp đổ và LX cũng đang khủng hoảng, thì phe đảng quyền Việt Nam lại phải chạy sang Trung Quốc dự Hội Nghị Thành Đô 1990 vì đảng quyền cần một chỗ dựa cho sự cầm quyền không chính danh của mình. Nhưng ngay sau đó, phe chính quyền đã manh nha mạnh lên sau khi đại diện của phe này đi Châu Âu và mở ra được quan hệ bình thường với Mỹ. “Đổi mới” đã phát huy vai trò của nó, tạo nền tảng và điều kiện cho phe chính quyền lớn mạnh lên dần, cạnh tranh quyền lực với chính ông anh sinh đôi là phe đảng quyền. Cuộc diện “đồng sàng dị mộng” giữa chính quyền và đảng quyền bắt đầu, khởi đi từ nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó đảng phải giữ vững cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” dù rất vô lý, dành quyền “chủ đạo” cho kinh tế quốc doanh, và ưu tiên cho các xí nghiệp quốc doanh dù thua lỗ.

Tất cả những cái lắt léo và tâm sự sâu kín đó trong nội bộ đảng tất nhiên người của đảng đều thấy. Chúng ta hiểu xu thế tự do-dân chủ là một xu hướng tất yếu thì đảng cũng thấy. Chúng ta biết sự nương tựa vào ông láng giềng Trung Cộng, với sự độc tài và tham vọng Đại Hán, sẽ mang lại nguy cơ mất nước, thì đảng cũng biết. Chỉ có cái khác nhau là một bên chúng ta muốn thoát Trung, muốn tự do dân chủ, còn một bên đảng không muốn làm vì còn muốn giữ đặc quyền đặc lợi. Sự đối kháng nhau là tất yếu.

Lâu nay quần chúng chỉ trích đảng vì đảng có 2 “tội” với dân tộc. Một là vì để duy trì quyền lực của mình mà đánh đổi an ninh của đất nước qua việc bắt tay với Trung Cộng. Tội thứ hai nhẹ hơn là bít lối đi của tương lai dân tộc vì phủ nhận giá trị dân chủ tự do. Trong tư thế bị quần chúng nhắm vào 2 yếu huyệt đó, đảng lấy cái khiên độc tài phi dân chủ và cái thế nương tựa vào Trung Cộng để đối kháng lại. Khi quần chúng gõ vào cái khiên độc tài thì đảng rung động nhưng kèm theo đó quần chúng bị đau tay do phản lực của nó. Tuy rằng điều này sẽ làm người dân chủ lao đao nhưng vẫn còn đứng được. Nhưng nếu người đó muốn phá cái thế của Việt Cộng tựa lưng vào Trung Cộng, tạo ra nguy cơ làm đảng té vỡ đầu, thì đảng không thể tha thứ, phải vung chân đá mạnh cho người đó, nhất là người dân chủ, lăn quay ra xa, không gượng dậy được.

Những người cộng sản hiểu rằng về dân chủ tự do thì có thể thương lượng dần dần với quần chúng cũng như với Âu Mỹ được vì quần chúng khó thể đứng dậy phản đối rầm rộ được, đồng thời đảng cũng có thể nhân nhượng tương đối trong chính trị để có được lợi ích kinh tế từ Mỹ và Phương Tây. Nhưng sự đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy chỗ dựa với Trung Cộng để đảng tồn tại thì có thể đưa đến họa mất nước, và đây là mối nguy tiềm tàng lớn nhất cho chế độ. Một khi nguy cơ mất nước hiển hiện thì có thể làm cho cả dân tộc đứng lên, khác với phong trào dân chủ đã và đang còn lẻ tẻ, chưa làm cho đại đa số quần chúng nổi dậy, phong trào yêu nước có thể đưa đến một cuộc tổng biểu tình lật đổ đảng.

Từ trận chiến Hoàng Sa năm 1974, đảng đã thấy nguy cơ trổi dậy hung hãn của chủ nghĩa Đại Hán và tham vọng của Trung Cộng. Trung Cộng trong tư tưởng này thì sẽ còn dấn tới và o ép Việt Nam. Chính điều này mang lại hậu quả nguy hiểm là sự phẫn nộ của quần chúng qua phong trào yêu nước, đảng khó mà chống chọi được và sẽ cùng nhau chết hết. Nên từ đó, phe chính quyền, dù cũng khoác áo đảng, nhưng tìm một lối đi khác là dần dần hướng về phương Tây qua xây dựng và thực hiện kế hoạch “đổi mới” hầu tìm lời giải cho bài toán dân tộc nhưng vẫn giữ được quyền lực cho phe mình. Phe chính quyền do đó đã được “phân công” để đi với Tây phương tìm đường thoát cho đảng và cho đất nước.

Nhưng càng “đổi mới”, lúc đầu chỉ trong kinh tế, sau phải sang các lãnh vực khác, như giáo dục, thông tin, xã hội hiện nay, phe chính quyền càng củng cố được thế và lực của mình so với thế và lực của phe đảng quyền, cả trong nhân dân và ngoài quốc tế. Thủ tướng ngày càng nổi lên và càng mạnh, nắm trong tay tiền bạc và quan hệ quốc tế. Tổng bí thư ngày càng chìm và càng yếu đi. Đối với phe chính quyền thì đảng chỉ là phương tiện để có quyền lực, nên có đảng hay không cũng chẳng sao nếu vẫn duy trì quyền lực và giũ bỏ được cái nguy cơ quần chúng vùng lên “dẹp tất cả các phe” vì để mất nước. Còn phe đảng quyền thì ngoài Trung Cộng ra cũng không còn chỗ dựa nào khác cho sự tồn tại của mình. Từ đó, phải giữ tinh thần “Thành Đô”, “16 vàng 4 tốt”. Và từ đó đến hôm nay chúng ta thấy một ông Thủ tướng đi khắp các phương trời Âu Mỹ để hô hào thoát Trung, trong khi một ông Tổng Bí Thư đảng chỉ có thể loanh quanh mấy nước cộng sản rồi về nhà im lặng khi cái giàn khoan HY-981 đã được đặt vào trong nhà. Điều này trở nên dễ hiểu nếu đặt trong bối cảnh diễn tiến của quan hệ “phân công” giữa chính quyền và đảng quyền từ hơn 20 năm nay. Giờ đây tình hình dường như đã đến hồi phân định rõ nét: một phe nếu có mất Trung nhưng còn cả một quốc tế mới (Mỹ-Nhật-Tây phương) để tựa lưng, còn phe kia mất Trung thì chỉ còn Cu Ba đón tiếp mình. “Phân công” đã có tác dụng ngược, và mâu thuẫn đã đến hồi quyết định. Bỏ phiếu tín nhiệm phải chăng là hồi kết cục trắng đen?

Đảng và Chính Phủ – sự tách rời tất yếu theo quy luật khách quan

Trong sự đu dây giữa hai đường lối như đã nói ở trên đảng tất yếu phải tách ra hai nhóm, nhóm đi vận động Âu Mỹ để thực hiện đường lối “đổi mới” thì phải chấp nhận các luật chơi của Âu Mỹ, đó là một chính phủ hoạt động theo luật chơi và sân chơi quốc tế, mở cửa dần cho xã hội hiện diện với các quy luật của tự do- dân chủ. Trong bài này tôi tạm gọi là phe chính quyền. Còn đường lối kia của một phe nhóm khác trong đảng trách nhiệm, vì sự gắn bó của hai đảng CS VN và TQ, nên duy trì lãnh đạo bằng những nghị quyết của đảng, mà tôi tạm gọi là phe đảng quyền. Đảng “phân thân” làm hai cho phù hợp, phe chính quyền đi Âu Mỹ bằng luật pháp công khai còn phe đảng quyền đi Trung Quốc bằng nghị quyết mập mờ.

Từ thực tế đó, điều cần chú ý là, do mô thức cộng sản là mô thức phủ định mô thức tư bản về lý luận và bản chất, nên hai đường lối này tất yếu phải đi đến mâu thuẫn nhau trong chiến lược cầm quyền đất nước, từ đó kéo theo mâu thuẫn và va chạm giữa chính quyền với đảng quyền, từ các mặt lý luận cho đến hành động. Đó chính là nguyên nhân sâu xa của các lộn xộn về phát ngôn và sách lược hiện nay của hai ông to nhất nước, cầm đầu chính quyền và đảng quyền. Một nhóm những đảng viên phải làm việc theo luật lệ và chấp nhận các quy luật khách quan của thế giới là chính quyền, một nhóm lại làm việc theo lý luận tuyên truyền phi thực tế và các nghị quyết mơ hồ chủ quan nay vầy mai khác, là phe đảng quyền.

Do nhân sự của cả hai phe cùng là đảng viên, và cùng mắc một bệnh chung là tham nhũng, và lúc thì là bí thư, lúc thì là chủ tịch… nên quần chúng hay đánh đồng và lẫn lộn hai phe này với nhau. Nhóm đảng quyền hoạt động bằng các nghị quyết và những sự bí ẩn mập mờ theo thói quen lâu năm nên sinh ra bệnh vô luật lệ và cường quyền bá đạo. Còn nhóm chính quyền do yêu cầu và tác phong làm việc với Âu Mỹ thì có luật lệ hơn, nhưng vẫn ở vị thế độc tài nên sinh ra tham nhũng tràn lan y như nhóm kia. Nhưng dù sao cũng có cái tích cực là ít ra chính quyền vẫn còn tuân thủ pháp luật và quy luật hơn đảng quyền, vì thường xuyên phải tiếp cận với quốc tế. Nên trong hành xử với phe dân chủ, tuy vẫn đánh đập dân chủ “mạnh tay”, nhưng bắt bớ thì ít đi và án tù nhẹ hơn xưa, cũng là vì thế.

Hiểu như vậy chúng ta mới có cái nhìn chính xác và thực tế, đó là tình trạng “hai mặt” giữa chính quyền và đảng quyền, là sự tranh đấu và va chạm giữa tư tưởng hướng về các yêu cầu thực tế khách quan (chính quyền- chính phủ) và sự duy trì các khái niệm tư tưởng chủ quan theo truyền thống (đảng quyền- ban ngành của hệ thống đảng), dù rằng cả hai phe đều nắm quyền và muốn duy trì quyền lực để qua đó hưởng lợi ích do quyền lực mang lại. Do đó, chúng ta dễ hiểu vì sao phe chính quyền muốn thoát Trung và tin rằng vẫn duy trì được quyền lực vì vừa được Mỹ bảo trợ vừa đáp ứng khát vọng của quần chúng. Còn phe đảng quyền phải giữ Trung và giữ Cộng, vì chỉ có thế mới giữ được quyền lực. Từ đó mới sinh ra cuộc diện trống đánh xui kèn thổi ngược ở hai phe như hôm nay, đang thể hiện rõ nét trên hai trang nhà nguyenphutrong.org và nguyentandung.org.

“Đổi mới” đã diễn ra 20 năm rồi cũng không thể “đổi cũ” lại được. Dân trí đã nâng cao rồi cũng không thể hạ thấp lại được. Phe chính quyền đã sinh ra và lớn mạnh lên rồi phe đảng quyền cũng khó thể kìm nén lại được, vì tất cả những cái đó nằm trong quy luật khách quan. Sớm hay muộn phe chính quyền cũng phải tìm mọi cách thực hiện bước đi “thoát Trung”. Họ đi Âu Mỹ nhiều, họ hiểu ra sức mạnh thực tế của thông tin, của chân lý và khoa học luôn mạnh hơn những giáo điều mơ hồ lạc hậu trong thời kỳ hiện nay của nhân loại. Phe chính quyền chọn phương thức nếu không bưng bít được nữa chi bằng mở dần ra cho quần chúng thấy, để lúc này và trong tương lai phe chính quyền vẫn hy vọng có được sự thông cảm và ủng hộ từ quần chúng để tiếp tục nắm quyền và điều chỉnh dần dần. Thế nên dù nhiều người bảo việc cho 30 chiếc tàu kiểm ngư ra chịu đòn cho 140 chiếc tàu Trung Quốc hành hạ là hành động vô nghĩa, nhưng theo tôi đó là một nỗ lực của phe chính quyền nhằm giữ sự quan tâm chú ý và giữ tinh thần “thoát Trung”, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của Âu Mỹ dành cho phe này trong khi họ còn bị phe đảng quyền kiềm chế vì quyền lực mạnh hơn.

Hiểu về 2 xu hướng, nguồn gốc sinh ra và thế mạnh sau lưng của nó, người dân chủ mới có thể hiểu được cái gì nên bi quan và cái gì nên lạc quan trong lúc này. Nếu lúc này người dân chủ chọn tham nhũng là mấu chốt để đánh đảng thì sẽ thất bại, vì cả 2 phe chính quyền và đảng quyền đều tham nhũng, đánh vào cái này lúc này chỉ tổ làm hai gọng kìm cùng quay ra đánh lại chúng ta. Nhưng nếu nhìn 1 phe chính quyền muốn nắm quyền bằng cách “thoát Trung” và bỏ Cộng dần dần theo quy luật khách quan, còn một phe đảng quyền muốn “giữ Trung” và giữ Cộng theo ý muốn chủ quan thì sẽ thấy và hiểu ra mình nên chọn điểm nào là điểm đột phá chiến thuật lúc này trong 3 mặt trận mà chúng ta dùng để công kích đảng lâu nay là “chống tham nhũng “, “chống độc tài đảng trị” và “chống Trung Cộng”. Hiểu đúng thực tế và chọn đúng mục tiêu đấu tranh thì sẽ có nhiều cơ hội để phát triển phong trào.

Điều cần thiết lúc này là sự thận trọng để dẫn dắt khối quần chúng ủng hộ mình thực hiện những bước đi hữu hiệu trong bối cảnh cuộc chiến giữa hai phe chính quyền và đảng quyền đang đi dần vào cao trào và chưa thật sự ngã ngũ. Hiểu về đảng quyền và chính quyền như vậy để chúng ta thấu rõ vì sao dù trên trang nguyentandung.org (website chính thức của nhóm ủng hộ thủ tướng) đã xuất hiện những ngôn từ có tính đột phá khi gọi xách mé Lê Nin là “ông bạn Ivan kia cũng chả tốt lành gì với Việt Nam cả”, công khai thừa nhận vấn đề rất nhạy cảm của đảng lâu nay “đảng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô- Trung Quốc”, cũng như vì sao bài “Nhờ Mỹ giúp bảo vệ chủ quyền” đăng lên rồi lại tháo xuống trên tờ Tạp chí Cộng Sản.

Có lẽ những người dân chủ chúng ta nên hết sức chú ý là hiện nay phe đảng quyền vẫn còn nắm đa số các vị trí quan trọng trong hệ thống quân đội và an ninh, 2 công cụ bảo vệ chế độ. Cũng cần hỏi tại sao giờ này vẫn chưa kiện Trung quốc, ngoại trưởng Phạm Bình Minh vẫn chưa đi Mỹ được? Cuộc tranh đấu bên trong còn chưa ngã ngũ. Mỹ không thể tiếp Phạm Bình Minh nếu ông đi Mỹ chỉ trong tư thế “không quyết được gì cả”, chỉ nghe để trở về xin ý kiến cấp trên như từ trước đến nay. Cũng như chúng ta cũng hiểu đến nay vì sao những người ở tù vì chống Trung Quốc vẫn chưa tự do được trong khi một số người dân chủ ở tù cùng thời đã dần dần được thả. Đấy là chưa kể phe đảng quyền còn đang tìm mọi cách củng cố quyền lực. Mới đây thôi phe này ra 1 nghị quyết liên tịch ngày 09/06/2014 giữa quân đội-công an, xin trích 1 phần đáng chú ý:

“Theo Chương trình ký kết, trong hai năm 2014 – 2015, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân sẽ phối hợp tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác dân vận, công tác chính sách trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hai bên phối hợp giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Và nguy hiểm hơn cho phe chính quyền, đại diện là Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, là phe đảng quyền, cầm đầu bởi TBT Nguyễn Phú Trọng, đang chuẩn bị tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm vào cuối năm nay, mà chính TBT Trọng đã răn đe, nếu ai không được tín nhiệm thì phải ra đi. Liệu lần này “đồng chí X” có thoát nạn không, như 2 lần trước, để có thể thực hiện thoát Trung và thân Mỹ?

Trong Phần II tôi sẽ trình bày các kịch bản dự trù cho các diễn biến sắp đến trong tương quan giữa Đảng Quyền- Chính Quyền- Dân Chủ. Các độc giả cần chú ý là phe chính quyền lúc này nói ra toàn những vấn đề sinh tử của phe đảng quyền, đó là “ ông bạn Ivan kia chẳng tốt lành gì với Việt Nam đâu”, đó là sự thừa nhận một vấn đề cốt lõi “đảng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô-Trung Quốc”, đó là chỉ trích tình hữu nghị Việt (Cộng)-Trung (Cộng) lâu nay chỉ là thứ “tình hữu nghị mơ hồ, viễn vông, lệ thuộc”.

Nói ra những cái này rồi, còn có thể quay lại được nữa không? Và Trung Cộng còn có thể chấp nhận cho họ quay lại nữa không? Một khi đã xách mé Lê Nin là “ông bạn Ivan cũng chẳng tốt lành gì” thì phe chính quyền còn cần đến Mác Lê nữa không? Một khi phe chính quyền đã thừa nhận “đảng ta đánh Mỹ là đánh dùm Liên Xô-Trung Quốc” thì đảng quyền còn tự hào được với dân là “đánh thắng đế quốc Mỹ là công lao vĩ đại” được nữa không? Hỏi, chính là đã trả lời.

© Nguyễn An Dân
Ngày 14/06/2014

(Tác giả gửi trực tiếp cho Chuyển Hóa)
————————————
(1) Nguồn bản gốc: tapchicongsan.org.vn
Nguồn đăng lại: http://boxitvn.blogspot.com/2014/06/can-co-su-can-thiep-cua-my-trong-tranh.html
https://changevietnam.wordpress.com/2014/06/11/can-co-su-can-thiep-cua-my-trong-tranh-chap-o-bien-dong/
(2) Hồi ký của Trần Quang Cơ: http://www.diendan.org/tai-lieu/ho-so/hoi-ky-tran-quang-co/

Đăng nhận xét