Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

“Thoát Trung” là thoát cái gì và thoát như thế nào? (Việt Hoàng)

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014 | 22:19

Sau sự kiện Trung Quốc đem đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới. Dư luận và trí thức Việt Nam đang có cuộc vận động kêu gọi “thoát Trung”. Thoát Trung ở đây có thể hiểu là thoát khỏi quĩ đạo tiêu cực của Trung Quốc, cụ thể hơn nữa, đây là lời kêu gọi, là mong muốn chính quyền Việt Nam thoát ra khỏi ý thức hệ cộng sản anh em đồng chí với Trung Quốc, thoát khỏi vòng kim cô có tên gọi là “đại cục” với 4 tốt và 16 chữ vàng, thoát khỏi sự ảnh hưởng toàn diện của Trung Quốc lên mọi mặt đời sống từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến chủ quyền lãnh thổ…

Có lẽ người Việt Nam đã ý thức được những hiểm họa đến từ chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần phân biệt giữa chính quyền Trung Quốc và người Trung Quốc (người Hoa), vì ba lý do:

1. Người Hoa khác với chính quyền Bắc Kinh cũng như chúng ta (người Việt Nam) khác với chính quyền Việt Nam hiện nay.

2. Bài Hoa là một hành động kỳ thị chủng tộc. Đây là thái độ phản đạo đức, trái với những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đang mong muốn xây dựng.

3. Ngoài ra, còn có một lý do thực tiễn khác. Trong cuộc tranh đấu chống lại tham vọng của chính quyền Bắc Kinh chúng ta rất cần sự giúp đỡ của chính những người Trung Hoa. Có nhiều người Hoa có lương tâm sẽ giúp chúng ta giành lại chủ quyền và lãnh thổ.

Như vậy, thoát Trung không có nghĩa là bài Hoa. Ngoài ba lý do đã nêu ra, có một lý do rất quan trọng khác: Sau một ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ và sau nhiều thế kỷ người Hoa sống tại Việt Nam, thì không ít (nếu không nói là phần đông) người Việt Nam, ít hay nhiều, đều có "gốc gác" Trung Hoa. Việt Nam là một trong những dân tộc “giống” người Trung Hoa nhất. Ngay cả trong huyền sử thì nguồn gốc của chúng ta cũng bắt đầu từ vị vua Thần Nông bên Trung Quốc. Tất nhiên huyền sử chỉ có độ chính xác tương đối nhưng nó nói lên một sự kiện là chúng ta và người Trung Hoa có những gắn bó mật thiết, và nhiều người Hoa sống lâu trên đất nước Việt Nam tự xem mình là người Việt hơn là người Trung Hoa. Vì vậy "bài Hoa" là "bài" một thành phần lớn dân tộc và có thể đưa đến một cuộc nội chiến. Ngay trước mắt, nó tạo ra những tình cảm khó chịu giữa những người Việt Nam và đưa đến thái độ nghi kị, ngờ vực, phân biệt…


Sỡ dĩ chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự việc này vì nó liên quan đến “tư tưởng chính trị” của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chúng tôi quan niệm “tinh thần quốc gia” không nhất thiết dựa trên huyết thống chủng tộc mà dựa trên tinh thần chia sẻ một tương lai chung: “Quốc gia như là một tình cảm, một không gian liên đới, một đồng thuận chung và chia sẻ một tương lai chung”. Như vậy một người Hoa, hay một người Chăm, hay bất cứ thuộc nguồn gốc nào, nếu cùng góp sức để xây dựng một tương lai Việt Nam chung thì đều là người Việt Nam. Những người này có giá trị gấp ngàn lần những người gốc Việt nhưng vì quyền lợi, sẵn sàng làm tay sai cho chính quyền Bắc Kinh.

Quay trở lại chủ đề “thoát Trung” mà trí thức Việt Nam đã và đang thảo luận trong thời gian qua chúng ta có thể thấy là dù sôi nổi nhưng vẫn chưa đi đến tận cùng của nguyên nhân, ngay cả buổi tọa đàm do một số trí thức tổ chức vào ngày 5/6/2014 tại 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Tiến sĩ Giáp Văn Dương, diễn giả chính của chương trình cũng chỉ có thể đặt vấn đề trên lý thuyết là “làm sao?” (để thoát Trung) còn “làm như thế nào?” thì đó là việc của chính phủ. Như vậy nếu chính phủ không muốn “thoát Trung” thì sao? Câu hỏi này đã không có câu trả lời. (xin xem thêm bài “Thoát Trung” câu chuyện của những tổ chức chính trị chuyên nghiệp).

Trí thức Việt Nam ngày hôm nay cũng không khác gì mấy so với vị trí thức tiền bối Nguyễn Trường Tộ thời nhà Nguyễn trước đây, chỉ biết kiến nghị, đề đạt các yêu cầu của mình lên nhà nước. Nếu nhà nước không thực thi những chính sách đề nghị thì cũng đành …chịu. Không chỉ thụ động và bất lực mà trí thức Việt Nam còn nông nổi và hời hợt. Bài tham luận “Thoát Trung, nhưng coi chừng một sai lầm bi đát!” có tác dụng như là một gáo nước lạnh giúp tỉnh cơn mê cho những người muốn thoát Trung nhưng lại đặt hy vọng vào một người chỉ muốn “thuộc Trung” là Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng làm thủ tướng 6 năm nay và trước đó là 8 năm trên cương vị phó thủ tướng, thử hỏi ông ta đã làm được gì cho đất nước? Việt Nam ra nông nỗi như ngày hôm nay là tại ai? Thật sự là ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng cũng không có quyền hành gì nhiều mà chỉ là bù nhìn (như nước Việt thời vua Lê - chúa Trịnh).

Cũng vì bất lực nên nhiều trí thức Việt Nam chỉ biết lấy ước mơ làm hiện thực. Thay vì có thái độ cương quyết thay đổi xã hội họ chỉ biết chờ đợi và cầu mong sự hồi tâm chuyển ý của giới lãnh đạo. Thậm chí có người còn kêu lên rằng, trí thức chúng tôi chỉ là một tầng lớp nhỏ và không có quyền lực gì nên chúng tôi không thể làm gì được! Họ đã quên (hoặc không biết) rằng vai trò và trách nhiệm của tầng lớp trí thức trong một xã hội văn minh đó là: Hướng Dẫn và Lãnh Đạo quần chúng. Trí thức Việt Nam dường như không biết và không muốn biết về vai trò và trách nhiệm của mình dù rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của thông tin. Đây là một vấn đề lớn liên quan đến sự tồn vong của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ di sản lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc mà chúng ta vẫn chưa thoát ra được, đó chính là “Văn Hóa Khổng Giáo”. Vì vậy, theo chúng tôi, muốn thoát Trung, trước hết người Việt Nam phải thoát khỏi văn hóa Khổng Giáo (Khổng Giáo cũng một tên gọi khác của Nho Giáo).

Thoát Khổng (Confucius must die for the Country to live)

Tác giả quyển “Tổ Quốc Ăn Năn” đã trình bày rất rõ về sự độc hại của văn hóa Khổng Giáo một cách thẳng thắn và không khoan nhượng. Trong cuốn sách này ông đã dành nhiều chương để nói về Khổng Tử và những lý thuyết của Khổng Giáo. Khổng Tử xuất thân là thầy cúng tế nên ông đã đề cao lễ nghĩa và ông đã không thoát ra được thời đại của mình khi xem vua, thiên tử là tối cao và trên hết (điều này cũng không có gì là lạ vì Khổng Tử đã sống cách đây hai ngàn năm). Các triều đại phong kiến Trung Hoa và cả Việt Nam đã thần thánh hóa ông ta là nhằm mục đích giữ vững ngai vàng của mình. Nực cười hơn là chính quyền Trung Quốc hiện nay cũng tôn thờ và muốn đề cao những luân lý của Khổng Tử ra khắp năm châu thông qua các Viện Khổng Tử do nhà nước tài trợ.

Văn hóa Khổng Giáo làm tha hóa người trí thức, nó không nhìn nhận sự suy nghĩ và các hành động độc lập của cá nhân như là một giá trị. Nó tiêu diệt mọi tự do của con người và của mỗi cá nhân. Không những thế nó coi chữ trung, tức là trung thành với nhà cầm quyền như là một giá trị cơ bản. Vua bảo thần chết mà thần không chết là mang tội bất trung. Văn hóa Khổng Giáo rất coi thường người phụ nữ, đề cao vai trò người đàn ông quá mức. Nó tôn thờ bạo lực nhưng bắt người dân phải cúi đầu trước cường quyền. Nó cũng là sự lệch lạc khi cỗ vũ cho lối sống luồn lách để tồn tại và quay lưng với bất công thay vì đề cao lối sống liên đới và có trách nhiệm. Trong lý luận của Khổng Giáo có những điều khiến giới trí thức ca ngợi như Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.. Tuy nhiên không chỉ có Khổng Giáo mà mọi văn hóa khác cũng đề cao những giá trị đó. Đây là những giá trị căn bản của con người chứ không phải là một giá trị độc quyền của Khổng Giáo.

Cũng chính văn hóa Khổng Giáo đã mang (và đón nhận) chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Chủ nghĩa cộng sản không hoàn toàn là một “chủ nghĩa ngoại lai” như nhiều người nghĩ, mà nó ở ngay trong văn hóa của người Việt Nam, bởi vì chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ Khổng Giáo mà người Việt tôn sùng trong hàng ngàn năm không có gì khác biệt về căn bản. Xét về bản chất thì cộng sản và Khổng Giáo chỉ là một, nếu nhìn kỹ hơn, cộng sản là chủ nghĩa hay nhất có thể có nếu chỉ muốn cải tiến Khổng Giáo. Như vậy không có gì ngạc nhiên khi đảng cộng sản đã được một hậu thuẫn rộng lớn, vững chắc và bền bĩ trong dân chúng. Chính nhờ hậu thuẫn này mà dù gặp khó khăn tới đâu hay bị thất bại nặng nề tới đâu họ vẫn gượng dậy được. Văn hoá và tâm lý có sức mạnh ghê gớm của chúng và chúng cũng rất khó thay đổi.

Thay đổi văn hóa là một điều cực kỳ khó khăn: cuộc đời của Chúa Giê-su đã chứng minh điều này.

Chúa Giê-su đã thay đổi cả thế giới nhưng ông không thay đổi được đất nước ông. Ông là nhà tư tưởng và cách mạng đi trước thời đại và dân tộc mình rất xa với những giá trị tiến bộ: Hòa giải và hòa hợp dân tộc, bao dung, bác ái, bất bạo động và nhất là phân biệt giữa tôn giáo và chính trị. Ông nhận ra rằng người Do Thái thất bại và mất nước là do sự thua kém về tư tưởng và văn hóa. La Mã đã hơn hẳn Do Thái và mọi nước khác vào thời đó, bởi vì xã hội của họ tự do hơn, dân chủ hơn, có đối thoại, và nhất là có phân biệt giữa tôn giáo và chính trị. Chúa Giê-Su nhìn thấy sự vô vọng nguy hiểm của các chủ trương giải phóng vũ trang. Ông cũng nhìn ra nguyên nhân chính khiến Do Thái không vươn lên được đó là: sự kỳ thị giai cấp, sự tôn thờ bạo lực, đầu óc bất dung và nhất là sự lẫn lộn giữa tôn giáo và chính trị giam hãm xã hội trong cái khung cứng nhắc của kinh thánh khiến xã hội không tiến hoá được…

Như vậy có thể tạm kết luận rằng, nguyên nhân chính khiến Việt Nam sắp rơi vào cảnh lầm than và mất nước là do chính văn hóa của chúng ta. Vì vậy việc làm đầu tiên để thoát Trung đó là phải “thoát Ta”. Phải thoát Ta thì mới có thể “thoát Cộng” rồi sau đó mới có thể “thoát Trung”. Đất nước Việt Nam đang trong “trạng thái không bình thường” vì vậy muốn chữa được căn bệnh không bình thường đó chúng ta phải áp dụng những “phương cách không bình thường”. Phương cách đó là mỗi người trong chúng ta phải thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách sống là lối suy nghĩ của mình một trăm tám mươi độ. Cái gì trước đây mình xem là đúng, là hợp lý thì bây giờ hãy xem xét có phải thật là như vậy không hay phải cần thay đổi. Phải đoạn tuyệt với văn hóa Khổng Giáo, thay thế nó bằng chủ nghĩa tự do cá nhân. Xem tự do của mỗi đon vị cá nhân, mỗi con người là giá trị cao nhất. Phải đề cao những giá trị tiến bộ của thời đại như tự do, dân chủ, nhân quyền, bao dung, liên đới, trách nhiệm, đối thoại, hòa bình và hợp tác.

Chúng ta cần thay đổi tư duy tự giam hãm bản thân mình, tự cho mình chỉ là kẻ sĩ, là người phục vụ chế độ thay vào đó bằng sự xác quyết mình là tầng lớp có trách nhiệm hướng dẫn quần chúng và lãnh đạo đất nước. Trí thức Việt Nam cần chủ động tham gia và dấn thân mạnh mẽ hơn vào các hoạt động chính trị. Chính trị là làm việc cùng nhau để thay đổi xã hội và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Chính trị không có gì là xấu mà ngược lại nó là sự cống hiến và hy sinh cao đẹp. Sỡ dĩ chính trị xấu là do những người tốt lẩn tránh nó và nhường lại nó cho những kẻ xấu. Muốn Việt Nam thay đổi và vươn lên thì phải thay đổi về thể chế chính trị, từ một chế độ toàn trị sang một chế độ dân chủ.
Và đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Các giải pháp chính trị luôn luôn và chỉ có thể xuất phát từ các tổ chức chính trị, các giải pháp cá nhân dù có hay đến mấy cũng chỉ là những giải pháp cá nhân và nó cũng chỉ để tham khảo.

Người viết xin được nhắc lại nếu chúng ta muốn có dân chủ thì trí thức Việt Nam cần tham gia và ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập, làm cho các tổ chức này mạnh lên để làm đối trọng và gây sức ép lên đảng cộng sản, buộc đảng cộng sản phải thay đổi và chấp nhận cuộc chơi dân chủ.

Trí thức Việt Nam phải nhập cuộc trước. Khi trí thức có tổ chức, có cương lĩnh chính trị và sự đồng thuận rõ ràng thì chỉ khi đó chúng ta mới có thể thuyết phục và động viên được quần chúng đứng lên ủng hộ một cuộc chuyển đổi hòa bình và thiết lập một chế độ dân chủ mới…
Chúng ta không còn cách nào khác.

Việt Hoàng
Nguồn:http://ethongluan.org
Ngày đăng 17/06/2014

Đăng nhận xét