Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Thực chất về sự lệ thuộc Trung Quốc của Việt Nam

Posted By Đoàn Hữu Long on Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014 | 07:56

Trong khoảng thời gian gần đây, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí HD 981 ra biển Đông, đẩy tình hình quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng nhất trong vòng trên 30 năm nay, dẫn đến nguy cơ gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho kinh tế, xã hội và chính trị của Việt Nam.

Đã có rất nhiều bài viết phân tích và các nghiên cứu của các cá nhân và tổ chức ở trong và ngoài nước, của cả người Việt Nam và các chuyên gia kinh tế người nước ngoài, ở trên cả các cơ quan truyền thông đại chúng chính thống, đến các diễn đàn không chính thức, và cả những trang blog cá nhân, những website “lề phải” lẫn “lề trái” (gồm cả những website mà người dân Việt Nam ở trong nước không xem được, bởi vì luôn luôn bị cơ quan an ninh Việt Nam ngăn chặn).

Tuy nhiên, có một thực tế là: KHÔNG CÓ BẤT CỨ ĐÁNH GIÁ NÀO CHÍNH XÁC. Đấy chính là vấn đề quan trọng nhất quyết định đến nội dung, ý nghĩa và hiệu quả của tất cả những ý kiến quan tâm đến vấn đề rất quan trọng đang liên quan đến vận mệnh dân tộc chúng ta hiện nay.

TẠI SAO DÁM KHẲNG ĐỊNH NHƯ VẬY? Thật ra khi vấn đề được phân tích ra thì chúng ta mới thấy được rằng nó rất đơn giản!

Có một thực tế đã tồn tại ở đất nước Việt Nam chúng ta từ ít nhất là hơn một nửa thế kỷ nay, ít nhất là từ khi cái nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời cho đến nay, đấy chính là: CHƯA BAO GIỜ CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ MINH BẠCH VÀ CHÍNH XÁC. Đặc biệt là với cách tuyên truyền và kiểm soát tuyên truyền rất nghiêm ngặt và độc đoán của nhà cầm quyền, cho nên thật ra toàn dân tộc Việt Nam này chưa bao giờ nhận được những thông tin (quan trọng, nhạy cảm) một cách chính xác. Nhưng sự kiểm soát này đã kéo dài bền bỉ từ gần 70 năm nay, nên lâu ngày thì điều này đã tạo thành một thói quen cho mọi người dân Việt Nam đều như phải nghiễm nhiên công nhận rằng những thông tin từ cơ quan tuyên truyền của chính quyền là CHÍNH XÁC.

Thông thường thì sự độc tài trong truyền thông chỉ có lợi ích chứ không gây ra tác hại cho chính quyền, hoặc tác hại chỉ là rất nhỏ, bởi vì các cơ quan chính quyền đều được tự chọn lọc các số liệu theo hướng có lợi cho họ rồi mới công bố cho xã hội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì nó lại gây ra những tác hại rất nguy hiểm ở những góc độ khác, ví dụ như: tất cả các số liệu mà các tổ chức nghiên cứu độc lập nghiên cứu về Việt Nam đều không thể có được sự chính xác, bởi vì số liệu mà họ thu thập được là thiếu đầy đủ và rất phiến diện; rất nhiều số liệu thống kê của chính quyền đều không chính xác, bởi vì nó sai từ cơ chế quản lý đến nguyên tắc thống kê số liệu; hoặc là không thể nào thống kê được các số liệu mà chính nhà nước Việt Nam đã tạo cho nó có một môi trường không có tính minh bạch.

Sự thiếu minh bạch này đã xảy ra đối với các số liệu liên quan đến các quan hệ kinh tế-xã hội giữa Việt Nam và Trung Quốc, và điều này đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng trong tình hình hiện nay. Mà cụ thể là: tất cả các cơ quan từ quản lý nhà nước, đến nghiên cứu tư nhân, đến các tổ chức nghiên cứu độc lập của nước ngoài đều không thể có được các số liệu đầy đủ, chính xác về tình hình quan hệ kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc, từ đó dẫn đến việc thiếu các thông tin để phân tích các vấn đề xã hội có liên quan, và hậu quả hiện nay là: KHÔNG THỂ ĐƯA RA ĐƯỢC CÁC ĐÁNH GIÁ VÀ GIẢI PHÁP HỢP LÝ CHO CÁC VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ ĐANG PHÁT SINH.

Với các con số mà cơ quan quản lý và báo chí (và cả ý kiến của các chuyên gia nước ngoài) đưa ra thì chỉ thấy vỏn vẹn vài con số khô khốc về những giá trị đầu tư và kim ngạch thương mại giữa hai nước (9% tổng kim ngạch xuất khẩu và 23% tổng kim ngạch nhập khẩu). Có lẽ những ai có chút hiểu biết về kinh tế đều có thể thấy được ngay là tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam hiện tại so với những con số đó chắc chắn là có mâu thuẫn. Với một đất nước mà “ai ai cũng dùng đồ Trung Quốc, đâu đâu cũng tràn ngập đồ Trung Quốc” thì quả thật là những số liệu mà chính quyền Việt Nam đã đưa ra là quá vô lý!

Để đánh giá đúng về tình hình Kinh Tế – Xã Hội – Chính Trị liên quan giữa Trung Quốc và Việt Nam thì cần phải tìm hiểu và nắm được những yếu tố rất quan trọng sau đây:

1. MẬU DỊCH BIÊN GIỚI:
Với đặc điểm là hai nước láng giềng có chung cả đường biên giới trên bộ và trên biển, lại có rất nhiều các cửa khẩu giao thương kinh tế, chính vì vậy nên từ mấy chục năm nay (ngay cả khi hai nước còn chưa bình thường hoá quan hệ sau sự kiện chiến tranh biên giới năm 1979) trên nguyên tắc chính thức thì cả Trung Quốc và Việt Nam đều quy định và thừa nhận cho các khu vực biên giới này có được một quy chế thương mại đặc biệt đó là: BIÊN MẬU (mậu dịch biên giới), thương mại theo hình thức TIỂU NGẠCH.

Trên thực tế, ngoài việc quy chế và hình thức thương mại biên mậu, tiểu ngạch này đã làm cho một lượng hàng hoá vô cùng lớn được vận chuyển ra vào hai quốc gia mà không thể kiểm soát được, thì quan trọng hơn là các cơ quan quản lý tại địa phương (Biên phòng, Hải quan, Công an, Thuế vụ, Quản lý thị trường) còn lợi dụng các quy chế và các kẽ hở này để cho vận chuyển lậu những lượng hàng hoá vô cùng lớn qua các cửa khẩu này (một cách hợp pháp) mà không cần làm bất cứ thủ tục gì.

Ngoài ra, còn một thực tế rất rõ ràng là ngay tại khu vực gần kề các cửa khẩu chính thức này lại mọc lên vô số các địa điểm tập kết và vận chuyển hàng hoá buôn lậu, các cơ quan quản lý của cả hai nước đều không thể kiểm soát, hoặc vì lý do nào đó mà họ cố tình không ngăn chặn, để hàng ngày đều có những lượng hàng lậu đi bằng con đường bất hợp pháp này đi qua lại hai nước với số lượng gấp hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lần so với lượng hàng đi qua cửa khẩu.

Chính vì những yếu tố này mà giá trị giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam thực tế chắc chắn lớn hơn gấp nhiều lần những con số mà chính quyền đã thống kê chính thức. Thực tế là mọi cơ quan quản lý của Việt Nam đều không thể có biện pháp nào để thống kê được những giá trị hàng hoá buôn lậu ấy.

2. BUÔN LẬU TRÊN BIỂN:

Cũng với quy chế BIÊN MẬU, việc buôn lậu trên các vùng ranh giới ở trên biển có tính đặc thù riêng nên lại diễn ra với những thông tin mà người dân bình thường được biết rất ít về nó, nhưng số lượng và giá trị của nó thì luôn gấp hàng ngàn lần, đến hàng trăm ngàn lần lượng hàng hoá buôn lậu ở các cửa khẩu trên đất liền. Bởi vì các loại hàng hoá mà người ta đã phải sử dụng phương tiện vận tải biển để buôn lậu thì đều là các loại hàng có số lượng rất lớn, từ đó nên giá trị của nó cũng rất lớn. Hơn nữa, đa số các loại hàng hoá này đều là những tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam được chở lậu sang Trung Quốc, sau đó họ lại vận chuyển những lượng hàng hoá thành phẩm rất lớn từ Trung Quốc quay về Việt Nam như vật liệu xây dựng, sắt thép, phân bón…. Một lượng hàng hoá KHỔNG LỒ.

3. HẢI SẢN XUẤT KHẨU LẬU:

Tại khu vực lãnh hải giáp ranh giữa hai nước còn một loại mặt hàng với số lượng cực kỳ lớn được vận chuyển lậu từ Việt Nam đi Trung Quốc, đó là HẢI SẢN.

Với 2 lý do liên quan: Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ quá lớn nên lượng hải sản của Việt Nam chuyển đến chưa bao giờ đáp ứng nổi nhu cầu của họ; ngoài ra phía Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt về luật đánh bắt hải sản trong vịnh Bắc bộ, cho nên hàng năm Trung Quốc chỉ cho phép ngư dân của họ đánh bắt 6 tháng, còn Việt Nam thì được đánh bắt “vô tội vạ” quanh năm. Vì vậy nên ngư dân Việt Nam nhiều năm nay đã đánh bắt một lượng hải sản rất lớn, sau đó bán trực tiếp sang Trung Quốc cho các tàu thu mua của họ, thậm chí Trung Quốc còn xây dựng cả những cảng biển chuyên dụng ở khu vực biên giới để “hỗ trợ” các tàu đánh bắt hải sản của Việt Nam được cập vào bán hàng cho họ, chính vì vậy mà một giá trị rất lớn hải sản xuất lậu chưa bao giờ được báo cáo cho các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Đây cũng là một nguồn thu nhập quan trọng giúp cho các ngư dân của khu vực Bắc bộ còn sống được một cách lay lắt. Những giá trị tài nguyên thiên nhiên này thường chỉ được thống kê rất cẩu thả, vì phía cơ quan quản lý thì không quản lý được, mà chính quyền cũng hiểu được đấy là những miếng “cơm thừa canh cặn” họ cần phải nhắm mắt làm ngơ cho các “thần dân” của mình không bị chết đói, hoặc sợ người dân vì đói khổ đến mức “tức nước vỡ bờ” mà quay ra chống phá chính quyền.

4. HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH:

Chưa bao giờ thấy các chuyên gia nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước nói đến những lỗ hổng về vấn đề kiểm soát số lượng hàng hoá từ Trung Quốc sang Việt Nam sau đó đi đến các nước Đông Nam Á khác và ngược lại.

Chưa có một thống kê chính thức hoặc không chính thức nào nói đến sự việc: để trốn thuế xuất khẩu nên các doanh nghiệp Trung Quốc đã vận chuyển một lượng hàng vô cùng lớn của Trung Quốc thông qua các cửa ngõ phía Bắc Việt Nam đi đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, và tất nhiên 100% lượng hàng này đều là nhập lậu vào Việt Nam.

Cũng tương tự như vậy còn có một khối lượng hàng rất lớn mà chủ yếu là từ hai nước Lào và Camphuchia được đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới phía Tây và phía Nam với 3 hình thức: Xuất nhập khẩu chính thức, tạm nhập tái xuất và nhập lậu, để sau đó gần như toàn bộ số hàng hoá này lại được chuyển đi Trung Quốc. Đối với cả 3 loại hình kể trên, các cơ quan quản lý của chính quyền Việt Nam thường chỉ thống kê được một số lượng rất nhỏ. Thực tế là: 100% số lượng hàng lậu không được tính đến; khoảng trên dưới 50% hàng tạm nhập tái xuất được biến hoá ngay tại Việt Nam với hình thức pha trộn hoặc thay đổi về thủ tục; một số lượng rất lớn hàng nhập khẩu chính thức về Việt Nam rồi lại ngay lập tức lại xuất đi Trung Quốc, vì các thương nhân chỉ đưa vào Việt Nam để thay đổi bao bì, hoặc vì lý do để lấy chỉ tiêu báo cáo thành tích xuất nhập khẩu cho các địa phương, hoặc muốn xuất nhập lòng vòng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Ví dụ như trong số 8,1 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2013 của Việt Nam thì có đến 1/2 lượng hàng là của Campuchia xuất qua Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Với những chiêu thức biến hoá của các doanh nghiệp liên quan đến 4 quốc gia khác nhau (Trung Quốc-Việt Nam-Lào-Campuchia) thì những số liệu thống kê của các cơ quan quản lý Việt Nam với cách làm việc tắc trách và vụ lợi chỉ có thể để làm hình thức mà thôi. Cần phải mất rất nhiều thời gian để khảo sát và nghiên cứu thì người ta mới có thể biết rằng: vì những lý do thương mại, vị trí địa lý và luật pháp… hàng năm đã có một số lượng hàng vô cùng lớn từ Lào, Campuchia đến Trung Quốc và ngược lại, mà Việt Nam chỉ là địa điểm trung chuyển.

Lượng hàng hoá này ngoài việc tham gia một tỉ lệ khá lớn làm thay đổi đến cán cân kim ngạch thương mại thực tế của Trung Quốc và Việt Nam, thì nó còn tác động quan trọng đến các vấn đề xã hội như việc làm và lao động cho các doanh nghiệp Việt Nam, như ngành vận tải, dịch vụ kho vận, đại lý, thương mại… Thực tế thì nền kinh tế Việt Nam ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng hàng hoá này.

5. CHẢY MÁU TÀI NGUYÊN XUẤT LẬU:

Tài nguyên xuất khẩu lậu có một số lượng KHỔNG LỒ, vì vậy yếu tố thứ 5 này có quan hệ rất chặt chẽ với yếu tố thứ 2 đã nêu ra ở trên đây.

Việc để cho một lượng tài nguyên khổng lồ từ Việt Nam “được” chảy máu sang Trung Quốc hoàn toàn là sự "làm ngơ" của nhà cầm quyền của cả 2 quốc gia. Thật ra, với các phương tiện hiện đại hiện nay, nếu Biên Phòng, Hải Quan và Cảnh sát biển Việt Nam mà thực thi đúng chức trách của mình thì chắc chắn sẽ không thể có được 1 chuyến hàng nào được chuyển lậu sang Trung Quốc.

Phía Trung Quốc thì được “hỉ hả” mà nhận ra rằng việc Việt Nam cho xuất lậu tài nguyên một cách vô tội vạ sang Trung Quốc chỉ mang cho họ lợi ích vô cùng. Thứ nhất là họ mua được với giá rẻ, thứ hai là rất phù hợp với chính sách thu mua triệt để tài nguyên của các quốc gia khác, thứ ba là công việc này sẽ làm cho đất nước Việt Nam mau chóng biến thành một quốc gia trống rỗng tài nguyên, mau chóng suy yếu, kiệt quệ. Chính vì vậy mà Trung Quốc luôn “sẵn lòng” thu nhận. Trung Quốc đã tạo những cơ chế đặc biệt để tài nguyên lậu Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với những thủ tục thuận lợi nhất (mặc dù là hàng hoá không có bất kể một thứ giấy tờ gì).

Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, … nhiều chục năm nay, đã có không biết bao nhiêu tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam được chuyển lậu bán cho Trung Quốc, các loại hàng như: than đá, gỗ, quặng sắt, quặng đồng, quặng Mangan, quặng Niken, quặng Phốt pho, quặng Apatit, quặng Titan, quặng Zicol, đá hoa cương, đá thạch anh, đá vôi, đất sét, cát …. Gần đây, khi nền kinh tế đang suy thoái, theo thống kê không đầy đủ của cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc thì trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng trên 100,000 tấn tài nguyên của Việt Nam được vận chuyển lậu sang Trung Quốc. Vào lúc cao điểm mỗi ngày có khoảng gần 1 triệu tấn tài nguyên được nhập lậu vào các cảng biển lớn nhỏ của Trung Quốc.

Có lẽ đối với tất cả những người dân bình thường Việt Nam thì hoặc là không hề có khái niệm rõ ràng với những con số này, hoặc là không thể tin cậy vào con số thống kê này. Có lẽ đến lúc nào để họ nhận biết và có thể đo đạc được số liệu thực tế thì người dân mới hiểu rằng ngay kể cả cái hình thái chữ S của đất nước này cũng đã không còn được nguyên vẹn nữa.

Tóm lại, tổng giá trị tài nguyên mà chế độ cầm quyền Việt Nam cho xuất lậu sang Trung Quốc hàng năm là vô cùng lớn, nếu giá trị này được minh bạch và thống kê chính xác sẽ làm lệch hẳn cán cân kim ngạch thương mại giữa hai nước.

6. VẤN ĐỀ “NGƯỜI HOA”:

Có một vấn đề mà mọi ý kiến, phân tích và nghiên cứu đều không lưu ý đến, đó chính là mọi người đều hình như quên mất rằng ”khối người Hoa” trên Thế giới hiện nay đều liên quan đến nhiều quốc gia và khu vực khác nhau, chứ không chỉ là nói riêng đến Trung Quốc. Đặc biệt, trong tình hình thực tế gần đây quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục là rất tốt đẹp.

Chưa có một thống kê và phân tích nào tính đến tất cả giá trị thực tế mà “người Hoa” nói chung có giao dịch thương mại và đầu tư ở Việt Nam. Chính vì vậy nên cũng không có nghiên cứu nào tính được kinh tế Việt Nam sẽ thực sự bị ảnh hưởng ra sao nếu bị toàn bộ “khối người Hoa” tẩy chay.

Một vấn đề liên quan nữa có ảnh hưởng rất lớn về cả kinh tế và xã hội, thực tế hiện nay đang có hàng triệu lao động Việt Nam (chưa tính đến gần 360.000 cô dâu người Việt Nam ở Đài Loan (2)) đang làm việc tại Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao, Singapore, Malaysia … hàng năm số lao động này đã chuyển về nước nhiều tỉ Mỹ kim, nếu các nước này đồng loạt đuổi số lao động này về nước (họ dễ dàng thực hiện điều này vì chiến tranh hoặc các mâu thuẫn chính trị là yếu tố luôn được nêu ra trong điều khoản “bất khả kháng” để không phải bồi thường hợp đồng) thì sẽ gây ra những thảm trạng, và gây ra thiệt hại không nhỏ về kinh tế và xã hội. Liệu chính quyền Việt Nam sẽ chống đỡ ra sao chỉ với riêng vấn đề này?

Như vậy, thử hỏi chính quyền Việt Nam hiện nay có thực sự muốn chống đối Trung Quốc hay không? Chính quyền hiện nay có thể giữ gìn được sự toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam hay không? Chắc chắn là mỗi chúng ta đều đã có câu trả lời.

Hoàng Bách Việt
Tổ Quốc
Ngày đăng 15/06/2014

————————————
Tham khảo:
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/172967/nguy-co-lon-nhat-la-ao-tuong-ve-an-toan-no-cong.html
http://m.dantri.com.vn/kinh-doanh/tien-tra-no-cong-vuot-25-tong-thu-ngan-sach-nam-nay-868167.htm

Số liệu của Wikipedia là 118.300 người. Tuy nhiên các tổ chức của Đài Loan cho biết đấy chỉ là những người đã chính thức có quốc tịch Đài Loan, nếu thống kê đầy đủ cả số người sinh sống bất hợp pháp thì số lượng là khoảng gần 360.000 người.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t_t%E1%BA%A1i_%C4%90%C3%A
_______________________
Bài viết liên quan:
Bom nổ chậm Trung Quốc gài tại dự án tỉ đô ở Hà Nội
Nguyên nhân Trung Quốc lạm dụng kinh tế Việt (Alan Phan)
Tăng thu ngân sách 12-14%/năm mới đảm bảo trả nợ

Đăng nhận xét