Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Thế nào là một tổ chức chính trị dân chủ đa nguyên?

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014 | 00:27

(Việt Hoàng -ethongluan): -Một đảng (hay một tổ chức) chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường để thay đổi xã hội và phụng sự nhân dân. Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì “một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị nghiêm túc và để thực hiện một dự án chính trị đúng đắn”.

Hay hiểu đơn giản hơn nữa thì tư tưởng và cương lĩnh của mỗi tổ chức chính là một “giải pháp thay thế”, được đưa ra, trình bày cho quốc dân đồng bào biết và thuyết phục người dân lựa chọn “giải pháp thay thế” đó. Điều kiện cần và đủ của một chính đảng đó là: có một tư tưởng chính trị nghiêm túc; một vị lãnh đạo hiểu biết, lương thiện và bao dung; một đội ngũ nòng cốt gắn bó và đoàn kết; có những hoạt động thường xuyên, có sự phân công, tổ chức và lãnh đạo rõ ràng; có sự kế thừa;…

Đấu tranh chính trị dân chủ là cuộc đấu tranh ôn hòa, bất bạo động vì vậy vũ khí của nó chính là tư tưởng, đường lối và sự thật để thuyết phục người dân ủng hộ cho giải pháp dân chủ mà các tổ chức chính trị đưa ra. Người dân Việt Nam chưa từng sống dưới chế độ dân chủ (trừ một thời gian ngắn ngủi ở Miền Nam) nên nhận thức về dân chủ vẫn còn hạn chế, ngay cả với những người đang tiên phong dấn thân cho dân chủ. Có lẽ vì chưa được tham gia vào các sinh hoạt của một tổ chức chính trị dân chủ nên người ta cứ hình dung nó như là tổ chức của đảng cộng sản. Đảng cộng sản không phải là một chính đảng dân chủ.

Vậy một tổ chức chính trị dân chủ có những đặc điểm gì?

1. Có một cơ sở tư tưởng chính trị và một dự án chính trị lành mạnh, trong sáng.

Như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của một cơ sở tư tưởng và một dự án chính trị. Không có tư tưởng thì không có chính đảng đúng nghĩa. Không có bản đồ và một lộ trình cụ thể thì trước sau gì cũng sẽ bị lạc lối và mất phương hướng. Mục tiêu của cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay là thuyết phục người dân chọn lựa một giải pháp khác ngoài giải pháp đang có (giải pháp cộng sản) vậy giải pháp đó là gì nếu không phải là một dự án chính trị, được đưa ra để giới thiệu với người dân và mong muốn tìm được sự đồng thuận chung? Ngay cả đảng cộng sản trước đây cũng phải mượn (nhập khẩu) chủ nghĩa Mác-Lênin để làm chủ thuyết kêu gọi đấu tranh chống thực dân Pháp. Dù học thuyết cộng sản là viển vông và độc hại nhưng vẫn phải có để đảng cộng sản động viên một phần lớn trí thức Việt Nam tham gia. Đại đa số người dân Việt Nam lúc đó không hiểu mô tê gì về chủ nghĩa cộng sản mà chỉ biết rằng cần đánh đuổi thực dân Pháp để giành lại độc lập. Hơn nữa vào thời điểm những năm 1945 thì chỉ có duy nhất “giải pháp cộng sản” là khả dĩ nhất, các đảng chính trị khác không kịp chuẩn bị “giải pháp thay thế” nên đã đánh mất cơ hội và người dân không muốn cũng phải theo Việt Minh.

Sáu mươi chín (69) năm đã trôi qua. Đảng cộng sản Việt Nam sau khi giành được quyền lãnh đạo đất nước đã nhanh chóng xiển dương và tung hô cho một giải pháp duy nhất của họ: “giải pháp cộng sản”, mọi giải pháp không cộng sản khác đều bị đàn áp thẳng tay. Tuy nhiên với cuộc cách mạng về thông tin đầu thế kỷ 21 cộng với làn sóng dân chủ đang trào dâng mạnh mẽ thì người dân Việt Nam đã biết rằng ngoài giải pháp cộng sản ra vẫn còn có những giải pháp dân chủ khác để kiến thiết và xây dựng đất nước, và những giải pháp không cộng sản đó quả thực hiệu quả và mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn giải pháp cộng sản đang thực thi tại Việt Nam suốt bấy năm qua. Chỉ cần so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới là thấy rõ điều đó.

Dù là hiểu như vậy nhưng để hệ thống các giá trị dân chủ nhân văn của thời đại vào một dự án chính trị để áp dụng trên mọi lãnh vực của cuộc sống người dân vẫn là một công việc nặng nhọc và quan trọng nhất của mỗi tổ chức chính trị dân chủ. Người dân không có thời gian và cả sự hiểu biết để làm việc đó, các tổ chức chính trị phải tìm hiểu nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân và đưa ra những đề nghị thay thế thích hợp để mọi người dân có thể chấp nhận được. Dự án chính trị đó phải dễ hiểu, trong sáng, khả thi và đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Trong thời đại thông tin này một dự án chính trị đen tối hay thiếu khả thi sẽ nhanh chóng bị người dân phát hiện và tẩy chay. Những tổ chức thành lập vội vã và không có tư tưởng chính trị sớm muộn cũng thất bại vì đó không phải là một tổ chức chính trị đúng nghĩa.

2. Có một đội ngũ thành viên nòng cốt, gắn bó và đoàn kết.

Tư tưởng chính trị và một dự án chính trị khả thi sẽ là chất keo gắn kết mọi người trong một tổ chức lại với nhau. Đầu tiên nó gắn kết những người trí thức tiên phong có cùng một khát khao thay đổi hiện tại tồi tệ bằng một tương lai tươi sáng. Vì trí thức là những người có quan tâm đến xã hội, có hiểu biết và giác quan chính trị tốt hơn người dân bình thường nên họ phải nhận ra được những giá trị tích cực của một tư tưởng và một dự án chính trị đúng đắn, lành mạnh. Khi nhận ra được điều đó thì họ cần tìm đến với nhau, đứng cùng với nhau vào trong một tổ chức để cùng chia sẻ và xiển dương những giá trị đó ra bên ngoài, đến với người dân để thuyết phục người dân đồng lòng cho sự thay đổi. Đây là công việc rất lớn lao mà một người không thể nào làm được vì vậy cần phải có tổ chức và đội ngũ. Nếu trí thức Việt Nam không tin tưởng nhau, không ngồi lại với nhau trong một tổ chức thì không thể nào thuyết phục được người dân ủng hộ và nghe theo.

Tổ chức giúp các thành viên phát triển và hoàn thiện bản thân bằng những định hướng chính trị đúng đắn, bồi dưỡng kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm, sàng lọc các ý kiến và hỗ trợ về mọi mặt kể cả các dự định cá nhân. Tham gia vào tổ chức để gắn bó và hợp tác với nhau, giúp cho mỗi thành viên tự tin hơn, cứng cáp hơn và rồi tổ chức sẽ hùng mạnh hơn khi có các thành viên xuất sắc và giỏi giang, hiểu biết và có bản lĩnh. Một tổ chức dân chủ sẽ không có chuyện lãnh đạo ép buộc các thành viên phải làm những chuyện trái với lương tâm và ngoài khả năng của thành viên đó, mỗi người sẽ đóng góp theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Sự đa dạng của thành viên sẽ khiến cho tổ chức cuốn hút và hấp dẫn hơn trong con mắt người dân. Tổ chức có uy tín là tổ chức qui tụ được mọi thành phần trong xã hội. Và cũng chỉ một tổ chức hùng mạnh, có THẾ và LỰC mới có thể là đối trọng của đảng cộng sản. Một cá nhân hay một tổ chức yếu sẽ bị chính quyền đàn áp dễ dàng vì trứng không thể chọi với đá.

Chúng ta cũng cần ý thức được rằng tham gia vào một tổ chức chính trị là để cống hiến, đóng góp và giúp sức để làm cho tổ chức tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Vì thế mà một người tham gia vào tổ chức sẽ phải “hy sinh” một chút cái tôi của mình. Có thế mới có thể làm việc chung và hợp tác được với nhau trên con đường dài đi tới tương lai.

3. Có một người lãnh đạo hiểu biết, lương thiện và bao dung.

Dù muốn dù không thì bất cứ một tổ chức chính trị nào cũng cần có một khuôn mặt sáng giá để lãnh đạo và gắn kết mọi người lại với nhau. Do ảnh hưởng của văn hóa Khổng Giáo nên người dân hình dung ra một vị lãnh đạo phải là một nhân vật đặc biệt như thần thánh. Thật ra vị lãnh đạo đó cũng là một con người như chúng ta, khác chăng người đó phải có những hiểu biết sâu sắc về thế giới và xã hội Việt Nam để rồi từ đó, có thể đưa ra những định hướng và bước đi đúng đắn cho tổ chức mình. Càng tuyệt vời hơn khi vị lãnh đạo đó, đồng thời cũng là một nhà tư tưởng chính trị. Khi đó tổ chức sẽ không bao giờ bị lạc đường, và vì vậy, sẽ luôn có tương lai. Làm chính trị là tiên đoán trước được những gì sẽ xảy ra và cần biết phải chuẩn bị những gì, làm những gì để đón nhận khi cơ hội tới. Một con người hay một tổ chức phải có uy tín và uy tín chỉ có thể chứng minh bởi thời gian. Người lãnh đạo cũng như một tổ chức có thể thành công và nhận được sự ủng hộ khi họ là những người lương thiện và trong sáng. Dối trá và lươn lẹo trong hành xử và toan tính thì trước sau gì cũng bị bại lộ và thất bại.

Trong một tổ chức chính trị dân chủ thì người có khả năng tập hợp, lãnh đạo và định hướng sẽ là người được bầu làm người lãnh đạo và dẫn đường. Người đó phải luôn trung thành với định hướng của tổ chức, yêu mến và bao dung tất cả thành viên trong tổ chức, người đó đồng thời cũng phải là một người mạnh mẽ để có thể lấy những quyết định khó khăn trong những tình huống quan trọng. Các thành viên trong tổ chức phải hết lòng giúp đỡ cho vị lãnh đạo của mình, đồng thời phải có thái độ tôn trọng, lắng nghe và sẵn sàng nhận lãnh những công việc được lãnh đạo phân công.

4. Có những hoạt động, phối hợp rõ ràng và hiệu quả.

Hiện nay vẫn có những ý kiến cho rằng phải có một tổ chức chính trị được hình thành ở trong nước để không mang tiếng là bị ảnh hưởng bởi yếu tố nước ngoài, cho dù cùng là người Việt với nhau đi chăng nữa?! Hay tại sao các tổ chức chính trị không thống nhất với nhau làm một?...Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng nhân tố quyết định, sân chơi chính vẫn phải là trong nước. Tuy nhiên, trong nước, trước mắt không thể hình thành một tổ chức chính trị đúng nghĩa vì ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói rất rõ là không được để hình thành và nhen nhóm bất cứ một tổ chức đối lập nào... Và sự thực là đã gần 40 năm qua vẫn chưa có một tổ chức chính trị nào có thể thành lập được tại Việt Nam. Tại sao chúng ta cứ loay hoay và phân biệt người trong nước với người ngoài nước? Chẳng lẽ người Việt Nam ở nước ngoài không yêu nước bằng người Việt Nam ở trong nước? Lấy gì để chứng minh? Chẳng lẽ một tổ chức chính trị kết hợp giữa những người trong và ngoài nước cũng không được? Ngay cả đảng cộng sản cũng được thành lập ở Trung Quốc và khi có điều kiện mới xâm nhập về Việt Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Nên nhớ những người đấu tranh trong nước chỉ cần có một chút tiếng tăm và uy tín chứ chưa cần đến việc thành lập chính đảng thì đã bị chính quyền đàn áp bằng mọi thủ đoạn như Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải (Điếu cày)… Có thể có những khác biệt nhỏ nhưng không nên vì sự khác biệt đó mà bỏ qua mục tiêu chung của tất cả chúng ta, mục tiêu dân chủ hóa đất nước. Đàng nào sau này khi đất nước có dân chủ thì tất cả các tổ chức chính trị và các đảng phái cũng phải tham gia vào một cuộc thi bắt buộc, đó là một cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch có giám sát quốc tế để giám khảo, là người dân Việt Nam lựa chọn ra một tổ chức chính trị, thay mặt nhân dân, làm người quản trị đất nước. Hãy tin vào nhân dân và hãy để cho nhân dân cái quyền lựa chọn cuối cùng và quan trọng đó, việc làm cần thiết bây giờ là trí thức Việt Nam phải tập hợp lại với nhau trong một tổ chức để có thể phối hợp hành động với nhau, không nên đặt nặng vấn đề trong hay ngoài nước.

Khi ban lãnh đạo của một tổ chức được đặt ở nước ngoài có nghĩa là họ được an toàn và vì thế họ có thể phân công các công việc một cách hợp lý cũng như điều phối các hoạt động chung được nhịp nhàng và ăn ý. Hiệu quả của công việc là mục tiêu chính của bất cứ tổ chức nào. Các thành viên của tổ chức, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình để đóng góp cho tổ chức. Việc giới thiệu, truyền bá những tư tưởng chính trị của tổ chức đến với người dân cũng là một công việc quan trọng. Internet và Facebook là những dụng cụ quan trọng để giúp chúng ta làm được việc này. Học hỏi, chia sẻ và trau dồi bản lĩnh cho chính mình cũng là một nhiệm vụ quan trọng của các thành viên trong tổ chức. Chính trị cũng sẽ là một nghề trong tương lai, vì vậy cũng cần phải học hỏi để có kiến thức. Văn hóa tổ chức, tức khả năng làm việc chung, là một kỹ năng bắt buộc phải học hỏi và thích nghi của những người muốn làm chính trị. Trên tất cả, những người làm chính trị phải có hiểu biết nhất định trên những vấn đề vĩ mô để có thể giải trình mọi vấn đề khi người dân yêu cầu và phải biết chấp nhận những chỉ trích (dù đúng hay sai) của người dân.

Tất nhiên vẫn sẽ còn những yếu tố khác nữa để nhận biết một tổ chức chính trị dân chủ đa nguyên, ví dụ tổ chức đó phải có sự kế thừa, có sự chuyển giao công việc và đặt sự tin tưởng vào thế hệ trẻ với tinh thần cởi mở và bao dung “không có gì cấm nêu ra và không có chủ đề nào cấm bàn đến”. Mọi ý kiến khác biệt trong tổ chức đều được lắng nghe và nếu cần là trao đổi, tranh luận để tìm ra chân lý.

Như vậy tham gia vào một tổ chức chính trị, trước để hoàn thiện và nâng cao hiểu biết cho mỗi người và sau đó là tạo dựng niềm tin và sự can đảm cho chính mình và cho cả mọi người xung quanh.

Việt Hoàng
Nguồn: http://ethongluan.org
Ngày đăng 23/07/2014

Đăng nhận xét