Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Cuộc chiến Nga-Ukraina sẽ đi về đâu?

Posted By Đoàn Hữu Long on Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014 | 09:19

(Việt Hoàng - ethongluan) Sau cuộc phản công mang tính quyết định của quân đội chính phủ Ukraina vào thành trì của phe ly khai tại hai tỉnh miền Đông là Donetsk và Lugansk, quân đội chính phủ tưởng chừng như đã đạt được chiến thắng khi họ đã tiến chiếm được một quận tại thành phố Lugansk vào trung tuần tháng 8. Tuy nhiên cuộc chiến khốc liệt ở Ilovaysk, cửa ngõ dẫn vào Donetsk sau hơn một tuần giao tranh thì phần thắng đã thuộc về phe ly khai nhờ sự tham chiến trực tiếp của quân đội Nga. Các lữ đoàn của quân chính phủ đã bị quân Nga vây chặt và gần 700 người lính Ukraina bị bắt làm tù binh.

Các hoạt động ngoại giao đang diễn ra sôi động trong mấy ngày gần đây. Câu hỏi khi nào thì cuộc chiến này kết thúc vẫn chưa có được câu trả lời rõ ràng. RFI Việt ngữ đưa ra “Ba kịch bản xâm lược của Putin” từ tờ báo nổi tiếng Pháp Libération rằng “Theo kịch bản tối đa, Nước Nga mới sẽ bao gồm toàn bộ miền Đông, tức tả ngạn sông Dniepr, cho đến thành phố cảng Odessa, cũng như Crimée (bị sáp nhập hồi tháng 3), xuyên đến tận Transnistria, một dẻo đất với đa số cư dân là người Nga, nằm lọt giữa Ukraine và Moldavia. Theo kịch bản tối thiểu, vùng đất mới chỉ bao gồm hai nước "cộng hòa" Donetsk và Lugansk. Ngoài ra, còn rất nhiều kịch bản trung gian khác có khả năng sẽ được thực hiện tùy theo điều kiện cụ thể, trong đó phải kể đến kịch bản trung gian là hình thành một đường hàng lang sát bờ biển kéo dài từ thành phố Rostov trên sông Đông (của Nga) đến bán đảo Crimea, để giải phóng khu vực này khỏi tình trạng cô lập hiện nay”.

Có lẽ đây là kết cục sau cùng sẽ đến trong cuộc chiến này. Putin dứt khoát sẽ không buông Ukraina. Một là Ukraina phải nằm trong quĩ đạo của Nga hai là Putin sẽ làm cho Ukraina tan rã. Việc Ukraina quay trở lại quĩ đạo Nga là điều không bao giờ xảy ra sau những gì diễn ra trong thời gian qua. Tình cảm giữa hai dân tộc Ukraina-Nga không bao giờ còn có thể hàn gắn dù chính quyền Kiev có thay đổi là ai đi chăng nữa. Như vậy Putin chỉ còn cách là làm cho Ukraina tan rã hoặc bất ổn triền miên để Ukraina không bao giờ xích lại gần được Liên Minh Châu Âu.

Có người cho rằng Putin là một người có viễn kiến, một chính khách mưu lược, chúng tôi thì không. Nếu có chút viễn kiến thì Putin đã không ủng hộ cho một đồng minh là kẻ cướp như cựu tổng thống bị lật đổ Yanukovich. Nếu có viễn kiến thì Putin đã thật lòng giúp đỡ Ukraina chứ không chơi trò mèo vờn chuột với chính quyền cũ, để rồi bị kẻ vô lại là Yanukovich tống tiền. Trò tống tiến và đu dây của Yanukovich đã nhanh chóng kết thúc với hậu quả bi thảm cho cả dân tộc Ukraina. Putin vì quá bất ngờ khi Ukraina tuột khỏi tầm tay sau cuộc “bỏ của chạy lấy người” của chính quyền Yanukovich nên đã chơi bài cùn là dùng vũ lực cưỡng chiếm Crime. Không dừng lại ở đó, Putin còn tiếp tục can thiệp vào miền Đông làm cho Ukraina rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng không lối thoát.

Các cuộc họp triền miên giữa các bên trong thời gian qua sẽ chẳng bao giờ mang kết quả gì. Putin sẽ không bao giờ lùi bước trước sức ép của Mỹ và Phương Tây. Nước Nga bây giờ không còn là nước Nga thời En-xin ngày trước. Sau hơn hai mươi năm làm ăn và hội nhập với các nước dân chủ, nước Nga đã hùng mạnh lên rất nhiều và bây giờ Putin không ngồi yên để Mỹ và Phương Tây lên lớp hay áp đặt nữa. Đã đến lúc Putin muốn thay đổi trật tự thế giới và xác lập chổ đứng mới của Nga trên trường quốc tế. Biến cố tại Ukraina chỉ khiến quyết tâm này của Putin được thực hiện sớm hơn mà thôi. Trước sau gì Putin cũng sẽ kiếm cớ để thực hiện “sứ mệnh” này.

Mỹ và Phương Tây, chính vì theo đuổi “chủ nghĩa thực tiễn”, sẵn sàng bỏ qua các giá trị phổ quát của nhân loại như nhân quyền, dân chủ và đạo đức… để làm ăn với Nga, Trung Quốc và các nước độc tài khác với hy vọng hão huyền là khi kinh tế phát triển thì sẽ có dân chủ. Sự thực thì “chủ nghĩa thực tiễn” của Mỹ và Phương Tây đã khiến Nga, Trung Quốc giàu mạnh lên và càng hùng mạnh thì các nước độc tài này càng hung hăng và hiếu chiến hơn. Sẽ đến lúc họ tin rằng đủ mạnh để phân chia lại thế giới. Chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng bắt nguồn từ sự phát triển vượt bậc của Đức quốc xã và vì không có dân chủ nên Hít-le quyết định dùng vũ lực thay đổi trật tự thế giới, vốn đang nằm trong tay các cường quốc Châu Âu khác như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ba Nha…

Chính vì lẽ đó mà khủng hoảng tại Ukraina không phải chỉ là giữa Nga và Ukraina mà nó còn là vấn đề của cả thế giới. Cả Mỹ và EU đang đứng về phía Ukraina cũng vì lý do đó. Tuy nhiên cuộc đối đầu này sẽ không đơn giản vì Putin đã quá mạnh và sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết. Cả thế giới đều sửng sốt và bàng hoàng khi Putin tuyên bố là “đừng đùa với Nga vì Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới”. Có nghĩa là Putin sẵn sàng dùng đến vũ khí… hạt nhân. Đây là tuyên bố rất cực đoan và nguy hiểm từ vị nguyên thủ của một cường quốc nằm trong Hội đồng Thường trực Bảo an Liên Hợp Quốc. Với tuyên bố này Putin đã biến mình thành Kim Jong Un và nước Nga thành Bắc Triều Tiên.

Biện pháp đối phó duy nhất mà Mỹ và Châu Âu có thể làm được trong lúc này đối với Nga đó là cấm vận và cô lập Nga hoàn toàn. Việc làm này cần phải có thời gian và sự quyết tâm lẫn đồng thuận rất cao giữa các nước dân chủ. Có vẻ sự quyết tâm của EU đã đạt được đồng thuận qua việc Pháp hoãn giao chiếc tàu đổ bộ khổng lồ Mistral cho hải quân Nga. Trước mắt thì Mỹ và EU đành phải ngậm ngùi bất lực nhìn Nga chiếm lấy miền Đông của Ukraina.

Nạn nhân chính trong cuộc khủng hoảng này tất nhiên là Ukraina. Nỗ lực chiếm lại vùng đất bị quân ly khai trấn giữ của chính quyền Kiev đã không thành. Quân chính phủ không thể địch lại quân đội Nga. Kiev có lẽ đành phải công nhận qui chế tự trị cho hai tỉnh miền Đông, chấm dứt chiến tranh và chờ đến khi đế chế Putin sụp đổ rồi nhờ thế giới thu hồi và trả lại cho Ukraina các vùng đất này lẫn cả bán đảo Crime. Khi Putin đã quyết rằng nên bàn về “qui chế nhà nước” ở khu vực miền Đông thì chắc chắn nó sẽ phải diễn ra như vậy. Nhiều người vì không hiểu nguyên nhân sâu xa như vừa phân tích ở trên nên đã kỳ vọng là tổng thống Petro Poroshenko có thể mang lại hòa bình cho Ukraina hay các cuộc ngoại giao con thoi trên thế giới có thể khiến Putin lùi bước. Điều đó sẽ không xảy ra.

Người Việt chúng ta rút ra bài học gì từ cuộc khủng hoảng này?

Người Việt ở Ukraina đương nhiên cũng là nạn nhân của cuộc xung đột. Những người Việt đang sống tại Donetsk và Lugansk cũng phải “bỏ của chạy lấy người” như người dân Ukraina và rõ ràng là cuộc sống của họ xáo động lớn khi chưa kịp chuẩn bị cho tình huống mới. Về Việt Nam hay chuyển đến các thành phố khác sinh sống cũng là vấn đề nan giải với nhiều người. Còn người Việt tại các thành phố khác của Ukraina cũng bị ảnh hưởng nặng nề do kinh tế suy thoái, hàng hóa buôn bán ế ẩm, đồng tiền Gripna liên tục mất giá so với đồng đôla. Lúc cao điểm cuối tháng 8 đã đạt đến gần 15 Gripna/1đôla, trước khủng hoảng thì 8 Gripna/1đôla. Giá cả mọi mặt hàng tăng vọt trong khi buôn bán kinh doanh thì thua lỗ. Nhiều người phải về Việt Nam vì không thể trụ tiếp được và những người còn ở lại thì lo lắng không biết bao giờ tình hình mới có thể ổn định.

Dư luận người Việt tại Ukraina cũng giống như tại Việt Nam, người ủng hộ chính quyền Kiev, người thì ủng hộ Nga và Putin. Theo chúng tôi, thái độ thích hợp nhất trong lúc này là, người Việt đang sống ở Ukraina không nên chỉ trích chính quyền Kiev quá dữ dội và người Việt ở Nga cũng vậy, không nên chỉ trích Putin một cách cực đoan. Dù chính quyền Kiev hay Moscow có tồi tệ thế nào đi nữa thì họ cũng là chủ nhà và chúng ta đang là khách. Đừng để tình cảm lấn lướt lý trí để rồi có thể sau này sẽ gặp rắc rối với chính quyền. Một câu chuyện chúng tôi muốn chia sẻ với mọi người, đó là khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra tại Mỹ, đã có một nhóm du học sinh Trung Quốc đang học tại Mỹ vỗ tay và reo mừng khi thấy Mỹ bị tấn công. Những du sinh này sau đó đã bị chính quyền Mỹ trục xuất và vĩnh viễn không cấp visa vào Mỹ. Họ đã không phân biệt được giữa chính quyền và người dân Mỹ và vì thế thái độ cực đoan của họ đã xúc phạm tình cảm của người dân Mỹ.

Đối với những người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam thì bài học từ Ukraina rất đắt giá. Đối lập dân chủ và các chính trị gia của Ukraina vì không có một “tư tưởng chính trị” và một “giải pháp thay thế” nào khả thi để tạo ra sự đồng thuận và giới thiệu cho người dân Ukraina được rõ nên họ đã thất bại ngay cả khi đang cầm quyền (trường hợp cựu tổng thống Yushenko, một người dân chủ và thân phương Tây). Các đảng phái chính trị tại Ukraina không khác mấy so với các nhóm lợi ích tại Việt Nam, họ chỉ biết tranh giành quyền lực để kiếm tiền và làm giàu cho bản thân, không mấy ai nghĩ về đất nước và cuộc sống cơ cực của người dân. Chính vì thất vọng với đối lập dân chủ nên người dân Ukraina đã mắc một sai lầm chết người khi bỏ phiếu cho Yanukovich, một kẻ độc tài và thân Nga. Khi chính quyền Yanukovich sụp đổ đã để lại một khoảng trống rất lớn đó là không có một tổ chức chính trị nào đủ lớn và đủ mạnh để tạo được sự đồng thuận trong chính quyền lẫn người dân. Tổng thống Petro Poroshenko là người không đảng phái, sau cùng phải dựa vào đảng “Quả đấm” của cựu võ sĩ quyền anh Vitalik Klichko mới giành được chiến thắng.

Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với người Việt Nam yêu dân chủ và giới trí thức tinh hoa Việt Nam hiện nay là cần góp phần xây dựng các tổ chức đối lập dân chủ thật sự. Các tổ chức dân chủ thật sự phải có một “tư tưởng chính trị”, cương lĩnh chính trị và một “giải pháp thay thế” khả thi với một “đội ngũ cán bộ nòng cốt đoàn kết, gắn bó” và một “thủ lĩnh có tầm nhìn, viễn kiến và một sự hiểu biết sâu sắc về thế giới và Việt Nam”. Thế giới đang đứng trước một khúc quanh quan trọng. Trung Quốc đã công khai ủng hộ và bắt tay với Nga để thay đổi trật tự thế giới, đối đầu với các nước dân chủ là Mỹ và phương Tây. Tất nhiên kết quả có thể thấy được ngay là Nga và Trung Quốc sẽ thất bại. Rồi Trung Quốc sẽ có những thay đổi lớn và phong trào dân chủ Việt Nam cần có sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội mới và chỉ có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ mới có thể đảm nhận những trọng trách mà lịch sử và nhân dân giao phó. “Mùa Xuân Ả Rập” đã làm phân hóa sâu sắc tới tận gốc rễ thế giới Hồi giáo. Phe Hồi giáo cực đoan đã phản ứng một cách tuyệt vọng bằng cách dựng lên một nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) và công khai thách thức cả thế giới bằng những hành động tàn bạo của mình. Trước sau gì nhà nước Hồi giáo cực đoan này cũng bị tiêu diệt để trả Hồi giáo về đúng vai trò của mình là một tôn giáo thuần túy thay vì tham gia sâu rộng vào đời sống chính trị của các quốc gia Ả Rập.

Những gì đang xảy ra với Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, một lần nữa nhắc cho chúng ta thấy được sự khó khăn và phức tạp khi xây dựng một tổ chức …độc lập và dân chủ. Tuy rất khó nhưng đó là việc không làm không được. Những người Việt Nam yêu nước cần ý thức được sự khó khăn đó vì chúng ta rất thiếu “văn hóa tổ chức”, tức là khả năng làm việc chung với nhau. Vì vậy thay vì mất công và loay hoay thành lập ra các tổ chức chính trị mới hay hy vọng quá nhiều vào các tổ chức xã hội dân sự để rồi sớm thất vọng, người Việt hãy dành sự quan tâm và ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ đã có thâm niên và uy tín đã được kiểm chứng bởi thời gian. Nhất là với các tổ chức có một cương lĩnh chính trị rõ ràng mà ai cũng có thể chấp nhận được. Nếu người dân Việt Nam vẫn không biết mình cần gì, muốn gì và phải làm gì, thì rồi sẽ đến lúc phải trả một cái giá rất đắt cho chính bản thân và cho cả con cháu mình…

Việt Hoàng, [cuoc-chien-nga-ukraina-se-di-ve-dau-viet-hoang].
http://ethongluan.org
Ngày 07/09/2014

Đăng nhận xét