Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Đại Vệ Chí Dị: Cả Sáng sắp lên ngôi.

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014 | 06:43

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 69, đời Vệ Kính Vương thứ 3.

Năm đó Vệ Kính Vương đã già yếu. Khi trước Vương chủ trì mấy trận lớn đánh Chúa đều thành công.

Bộ tướng của Chúa là Văn Thụ, lên đến chức phó thương thư bộ Hình, quyền lực ngiêng thành. Bị đánh một trận bay mất giáp, Chúa yêu giữ lại làm cố vấn. Vương lại đánh ráo riết khiến Văn Thụ phải cáo quan về hưu dưỡng tại quê nhà, cấm bén mảng đến triều đình.

Bộ tướng yêu nữa của Chúa là Báu Mã, lên đến chức phó thượng thư bộ Hình, cầm quân trấn ải giữ thành nhà Chúa như tường đồng. Xảy sơ suất từ anh em nhà Dương đất Cảng mà dẫn đến tử nạn ngay tại chiến trường.

Đông Phước tổng quản phủ Chúa, được Vương dùng lời ngot ngào đã dẫn quân bản bộ sang đầu Vương Phủ, Vương trọng đãi rất hậu, bạn cho làm đại thần nghị chính kiêm phó tể tướng.

Toàn tâm phúc nhà Chúa bấy lâu mà kẻ phải về hưu ẩn dật, kẻ chết đột tử, kẻ biết thời cơ quay đầu về Vương Phủ.

Chúa yếu thế, cũng không đình đám trong thiên hạ, đã thế Chúa lại nhiều lần bày tỏ lòng trung với nhà Sản khi nói đến chuyên chính triều đình. Mặt khác Chúa gọi thế tử bỏ quan bộ về làm quan tỉnh quê nhà. Đặng giữ mình và dưỡng binh lương chờ cơ hội.

Đại tướng Trăm Xanh của Vệ Kính Vương, đương đánh trận thắng như chẻ tre, đến đầu thu năm Giáp Ngọ thì đổ bệnh lạ. Vương mến lắm, mới đưa đi sang sứ Cờ Hoa nhờ thầy thuốc giỏi chạy chữa, sống chết chưa biết thế nào.

Cả hai bên mất tướng, tạm lui quân nghỉ ngơi, đợi mùa xuân năm sau sẽ khởi sự.

Thế thiên hạ nhìn ngoài tưởng yên, nhưng bên trong loạn lắm. Quan lại cấp nhỡ chạy chọt tìm ô dù toán loạn, không biết chọn chủ nào mà thờ. Việc quan đình trệ, vừa làm vừa ngóng tai, nghểnh cổ xem quan thầy sắp tới là ai. Bọn cấp dưới được thể tha hồ làm loạn, chuyện vô đạo diễn ra hàng ngày từ thôn quê tới thành thị. Chỉ mong vơ vét tích cóp phòng thân, có tiền để sau này lo lót hoặc dưỡng thân khi có loạn.

Nước như thế, lấy ai giữ chữ đạo, bởi vậy trộm cướp, đạo tặc hoành hành ngày đêm. Trẻ em chết đói trên đường đi học, mẹ tự vẫn cho con lấy tiền đóng học phí. Chuyện như thế ai nghe cũng lạnh người, lâu dần nhiều chuyện cũng thành quen. Ngay như chuyện giết người, cướp của, chặt xác phi tang nghe mãi cũng không lạ.

Bấy giờ chỉ có đại thần nghị chính tổng quản kinh thành Cả Sáng, người châu Hoan là người có thế lực mạnh, có thể xưng bá sau này trong thiên hạ. Cả Sáng đậu tiến sĩ ở xứ Bạch Dương làm quan tuyên huấn, sau leo dần làm trấn thủ xứ Nam Hạ. Dung túng cho phường sư sãi làm ăn, thu bộn bạc trong thiên hạ của bọn ngu dân cuồng tín trong thời mạt phát, mạt đạo. Lại cho phường cai thầu xẻ núi lấy đá xây dựng bán chác, kiếm không biết bao nhiêu bạc mà kể.

Những năm Cả Sáng làm quan đầu tỉnh đất Nam Hạ, phía Đông đồng ruộng biến thành khu công nghiệp của tư nhân, phía Tây thành công trường khai thác đá xây dựng, phía Tây thành cõi buôn thần, bán thánh...phía Bắc mở đường thông thương thoáng rộng đợi ngày tiến ra kinh đô.

Cả Sáng quật khởi ở đất Nam Hạ, tích trữ binh lương hùng hậu, ngày nọ tiến thẳng ra kinh thành, giành được quyền tổng quản kinh đô. Thấy mảnh đất màu mỡ của ngành buôn thần, bán thánh vẫn còn bộn bạc và những miếng đất phẳng phiu ở phía Tây kinh thành. Bèn lập kế thâu tóm, sát nhập vào kinh đô. Quân về theo Sáng đông vô kể, Sáng cho con trai học theo trưởng nữ nhà Chúa, mở kinh doanh đa ngành giành những miếng đất vàng ở kinh đô xây dưng khai thác. Lại cho con rể làm quan lớn.

Vận may kéo đến, năm Cả Sáng làm tổng quản kinh thành, lại lễ kỷ niêm 1000 năm kinh đô thành lập. Triều đình phải bỏ một khoản ngân sách khổng lồ cho Sáng làm đại lễ. Bộ hạ của Sáng theo đó mà ăn chia, được nhiều phần béo bở, mới tin tưởng vận mệnh của Sáng lắm. Mới bèn dâng kế sách tính chuyện thôn tính thiên hạ, xưng vương.

Nhân lúc Vương, Chúa tranh giành quyền lực về kinh tế, quân lực bị hổng mất chỗ tuyên giáo là thế lực lớn thứ nhì trong triều Sản. Bọn Cả Sáng và thủ hạ lập ra đội dư luận viên, làm mưa làm gió trên tin trường, át cả cỗ máy tuyên truyền nhà Sản. Trong trận Trăm Xanh giáo tranh với Báu Mã. Quân Kinh Kỳ Mới của bầy tôi Cả Sáng là Hồ Sáng Lộc tiếp ứng cho Trăm Xanh, tập kích một trận mà Báu Mã thọ tên đích danh, về đóng cửa dưỡng thương không phục hồi được, đến khi chết vẫn còn bàng hoàng. Người thiên hạ thấy quân của Cả Sáng lợi hại đến vậy, ai cũng khiếp sợ.

Lúc Vệ Kính Vương mở cuộc tín nhiệm cốt nhằm vào phủ Chúa, Cả Sáng thông minh hơn người đón được ý Vương, cho triển khai ngay đám quan lại kinh thành mở màn hưởng ứng. Vương hài lòng lắm, khi ấy Vương đã nhắm Cả Sáng tương lai kế vị ngai vàng, mới bèn cho đi sứ Cờ Hoa để tạo ảnh hưởng sau này.

Đất châu Hoan có hai đại thần nghị chính đều tài năng, đỗ khoa bảng. Một người là Cả Sáng, người nữa là Tôn Dưa. Tôn Dưa mặt mũi khôi ngô, lanh lợi, thuộc loại nhã nhặn, thâm trầm , kín kẽ. Dân truyền rằng mộ tổ nhà họ Tôn trôn trên đỉnh núi hình con đại bàng vươn ra biển, đó là huyệt xưng vương. Cả Sáng vốn thân với bọn sư Mật Tông, được bọn này mách nước, mới về quê quán tìm đỉnh núi thiêng hình rồng xây chùa trấn yểm và bảo mệnh cho mình.

Đại bàng đứng đầu muôn thú, nhưng rồng mới là linh vật. Chùa xây xong, Cả Sáng lên vùn vụt, còn Tôn Dưa dậm chận tại chỗ. Cũng nhờ bọn Mật Tông mà năm xưa Cả Sáng mới biết bọn Hồ Đắc Vệ lập đàn trấn yểm ở đàn xã tắc. Đương đêm Sáng cho quân đến phá tan tành, khép Đắc Vệ vào tội âm mưu ám hại đại thần. Đắc Vệ bị truất quyền, về đến nhà thổ máu tươi mà chết gấp.

Sáng nắm kinh thành , mở rộng đến tận giáp đất cõi Mường. Binh lương hùng hậu không biết bao nhiêu mà kể. Lại nắm vững mặt truyền thông, tuyên huấn. Được lòng Vương lắm. Bọn bầy tôi mới bàn về thiên thời, địa lợi cũng đã đủ, duy có đoạn nhân hoà thì chưa được lòng tướng lính bộ Binh. Cả Sáng nghe mưu mới làm đường tránh vòng qua nhà các tướng lĩnh, tỏ lòng biết trọng tướng sĩ, ngõ ý sau này có làm vương sẽ trọng dụng binh lính hơn người. Tiếp đến Cả Sáng tuần du phía Nam, đến tận đất tập ấm nhà Chúa, ban thưởng quan lại ở đấy, đi lại hiên ngang, đường hoàng không hề e sợ, đúng là phong thái bậc quân vương. Chư hầu các xứ đều khâm phục cho Cả Sáng đáng mặt rồng.

Lúc về xuất kho mua pháo bông, định nhân dịp lễ kinh thành đốt để tỏ cái uy của bậc quân vương tương lại, nghe nói tốn hàng vạn lượng.

Sáng vẫn dặn đám thủ hạ, lỡ lời với dân còn chữa được, lỡ lời với thiên triều thì muôn đời đắc tội. Bởi thế Cả Sáng có lần khinh miệt dân chúng lúc lũ lụt. Nhưng khi Tề ngang ngược xâm chiếm biển đảo, dân chúng, quan lại bất bình. Nhiều quan chức phủ Chúa lên tiếng phản kháng dữ dội. Nhưng bọn Cả Sáng vẫn lặng thinh, đã thế bọn tay sai dưới quyền của Hồ Sáng Lộc lại còn ca ngợi tình hữu nghĩ Tề- Vệ, lên án những ai tỏ ý chống đối Tề. Việc ấy cũng đẹp lòng Vệ Kính Vương lắm.

Chúa bị Vương đánh mấy trận, hồn phách xiêu lạc, bộ tướng rụng lả tả. Trước mất quyền kiểm soát bộ Binh, sau đến bộ Hình, rồi đến việc cai quản kinh tế cũng mất nốt. Thế còn chưa xong, đến mùa thu năm Giáp Ngọ, lúc đang yếu thế trong trận Báu Mã, anh em nhà họ Dương, bị Vương chớp thời cơ đoạt nốt quyền kiểm soát Sản Ngoại Chi Bộ, chặt đứt nguồn lực giao tiếp bên ngoài. Chúa rút về phương Nam, đưa con cái rời khỏi kinh thành về bản quán.

Cả Sáng ở đất Châu Hoan, đất ấy xưa kia khởi nghiệp mấy trăm năm nhà Lê. Chúa ở đất Mũi, chỗ ấy cũng là khi xưa Chúa Nguyễn lúc khốn cùng về nương náu, sau chớp thời cơ Nguyễn Lan chết , tiến quân ra dành trọn cơ đồ, thống nhất thiên hạ. Lập lên triều nhà Nguyễn.

Thế thiên hạ vẫn biến ảo khôn lường. Nhưng cứ theo thế sự này, chắc ít lâu Cả Sáng lên ngôi, cai quản thiên hạ, giữ vững nhà Sản ít nhất thêm vài chục năm nữa. Bọn trung thần nhà Sản và bọn Tề cũng chỉ mong thế mà thôi.

Nước Vệ chả có gì biến đột ngột, nhân cách người thiên hạ xuống đáy vực, nguồn lực tài nguyên cạn kiệt, nợ nần bên ngoài chồng chất.

Vận mạt còn dăm chục năm nữa chưa tha cho nước Vệ. Ấy là do trời trừng phạt vua quan, dân chúng băng hoại, thất đức. Vua quan thì tham nhũng, tranh giành chức quyền. Dân chúng thì bàng quan, chà đạp lên nhau mà tồn tại.

Phường lưu manh, mạt hạng như mỗ mà còn bàn chuyện đại sự loạn ngôn thế này, ấy cũng là nước mạt mà ra.

Chỉ thương những người có lòng, có tâm với đất nước lại quá ít, không địch nổi bầy lang sói phải bị cảnh khốn cùng.

Người Buôn Gió http://nguoibuongio1972.blogspot.be/2014/10/ai-ve-chi-di.html
Ngày đăng 03/10/2014 [dai-ve-chi-di-2-10-2014]

Đăng nhận xét