Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Chương 5: “Định hướng lớn" (tiếp) - DACT 2015 của ethongluan

Posted By Đoàn Hữu Long on Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015 | 20:41

Khai sáng Kỷ nguyên thứ 2 - Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên

V. Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam (tiếp)

8. Không ngừng cảnh giác củng cố liên đới xã hội

Trong các nhiệm vụ của nhà nước dân chủ đa nguyên, nhiệm vụ trọng yếu nhất là bảo đảm liên đới xã hội. Trong căn bản triết học của nó, chủ nghĩa đa nguyên tôn trọng mọi thành phần trong xã hội, do đó nó không chấp nhận để một thành phần bóc lột và chà đạp một thành phần khác. Chúng ta tôn vinh lợi nhuận như một giá trị và tìm kiếm lợi nhuận chủ yếu là để có phương tiện thực hiện liên đới xã hội. Vả lại, một dân tộc không có liên đới thì không còn là một dân tộc. Chúng ta không thể bỏ rơi những người yếu kém, sa cơ lỡ bước, như một xã hội văn minh không thể từ khước một cái nạng cho người thương tật. Chúng ta nhìn nhận sự bình đẳng về quyền và nhân phẩm của mỗi con người trong xã hội và chúng ta cần dành những phương tiện để thực hiện sự bình đẳng đó.

Liên đới xã hội là điều kiện bắt buộc để giữ gìn sự bền chắc của nền tảng xã hội, bảo đảm sự tham gia tích cực và phấn khởi của mọi người vào tương lai đất nước, tránh những xung đột có thể làm gẫy đổ đà tiến của dân tộc về tương lai và đưa đến bạo loạn.

Trong thực tế, phát triển kinh tế thường đẻ ra và làm trầm trọng thêm những chênh lệch trong xã hội. Nhiệm vụ trọng yếu của nhà nước là ngăn chặn và làm giảm thiểu những nguyên nhân căng thẳng mà sự phát triển, vì không thể nào hoàn toàn cân đối, chắc chắn sẽ đem lại.

Liên đới xã hội đòi hỏi một cố gắng bền bỉ và thận trọng trong việc phân phối lợi tức quốc gia nhằm bênh vực những thành phần yếu kém.

Liên đới xã hội đòi hỏi một hệ thống bảo trợ xã hội đảm bảo những nhu cầu tối thiểu về thực phẩm và sức khỏe cho mọi người.

Liên đới xã hội đòi hỏi một hệ thống giáo dục và đào tạo phổ cập và liên tục đảm bảo những cơ hội thăng tiến đồng đều cho mọi công dân.

Nhìn một cách ngắn hạn liên đới xã hội có thể là một gánh nặng cho quốc gia và một trở ngại cho phát triển kinh tế nhưng, nhìn một cách dài hạn hơn và sáng suốt hơn, nó là một bắt buộc để đà phát triển kinh tế có thể tiếp tục. Liên đới xã hội cũng là điều kiện tối cần thiết để đảm bảo tình tự dân tộc và sự gắn bó của quốc gia.

Nhà nước dĩ nhiên đảm nhận nhiệm vụ thực hiện liên đới xã hội. Nhưng nhà nước cũng sẽ đặc biệt khuyến khích xã hội dân sự, qua các tổ chức thiện nguyện, góp phần tích cực vào công tác trọng đại đó. Một phần ngân sách xã hội sẽ được sử dụng qua ngả xã hội dân sự. Các tổ chức thiện nguyện sẽ được tài trợ, trong một tỷ lệ do khả năng ngân sách, so với nguồn tài nguyên mà họ đã động viên được từ quần chúng cho các công tác xã hội.

Việc tham gia tích cực của xã hội dân sự vào cố gắng thực hiện liên đới xã hội vừa có tác dụng vận động sự đóng góp –tình cảm cũng như vật chát- của quần chúng vừa có hiệu lực đặc biệt về mặt tinh thần. Trước một văn phòng cứu trợ xã hội của nhà nước người cần được giúp đỡ có thể chỉ gặp một công chức, nhưng tại một cơ quan thiện nguyện họ gặp một người tình nguyện làm công tác xã hội vì niềm tin, họ gặp một người và một tấm lòng, sợi dây liên đới xã hội và tinh thần phấn đấu vượt qua trở ngại chỉ có thể mạnh thêm.

Công bằng xã hội tuyệt đối là điều không thể có. Điều quan trọng là nhà nước coi liên đới xã hội là ưu tư thường trực. Liên đới xã hội vừa cần thiết vừa tế nhị, chúng ta phải gìn giữ nó thật cẩn trọng, coi nó như một cuộc chiến đấu giữ nước.

Tuy nhiên chúng ta cần khẳng định rằng liên đới xã hội là nhiệm vụ của nhà nước với sự hợp tác của xã hội dân sự chứ không phải là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngoài bổn phận tôn trọng nhân phẩm của công nhân, tôn trọng luật pháp của nhà nước và tôn trọng những hợp đồng đã ký kết với các công nhân, chỉ có chức năng tạo ra lợi nhuận để đóng góp vào sự giàu mạnh của xã hội và để nộp thuế cho nhà nước, để nhà nước có tài nguyên bảo đảm liên đới xã hội.

Chúng ta khẳng định rằng liên đới xã hội không thể can thiệp vào hoạt động kinh tế và trở thành một trở ngại cho các doanh nghiệp.

9. Theo đuổi một "chủ nghĩa nước nhỏ"

Chúng ta hiện nay là một nước rất thua kém, yêu cầu cấp bách nhất của chúng ta là phát triển, bắt kịp các nước mở mang. Do đó chính sách căn bản của Việt Nam trong giai đoạn này phải là chính sách mà ta có thể gọi là một "chủ nghĩa nước nhỏ".

Chủ nghĩa nước nhỏ là gì? Nói một cách giản dị, đó là nhẫn nhục hôm nay để lớn mạnh ngày mai.

Về mặt đối nội, chủ nghĩa nước nhỏ có nghĩa là chúng ta sẽ không chia rẽ và xung khắc với nhau về những chủ thuyết cao siêu, sẽ cùng nhau khiêm tốn nhận diện tình trạng thua kém của đất nước, sẽ quí trọng, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau để cùng dắt tay nhau ra khỏi bế tắc. Nhà nước sẽ từ chối những chi tiêu có tính huênh hoang gây thanh thế để tập trung mọi tài nguyên và sinh lực cho cố gắng ra khỏi tình trạng thua kém. Nhà nước sẽ trân trọng bảo vệ và gìn giữ những thành quả ít ỏi đã đạt được. Nhà nước sẽ đặt trọng tâm vào giáo dục và đào tạo, và sẽ đầu tư vào một nền giáo dục thực dụng trước tiên.

Về mặt đối ngoại, chúng ta sẽ không tranh giành một vai trò quốc tế nào, sẽ không có thái độ trong những tranh chấp quốc tế trừ khi để bênh vực nhân quyền, lẽ phải, đạo đức và công pháp quốc tế. Chúng ta sẽ cố gắng tạo một hình ảnh hiền hòa, khiêm tốn để được cộng đồng quốc tế chấp nhận như một quốc gia có thể giao thương được, sẽ dứt khoát không can dự vào một xung đột quốc tế nào.

Tuy vậy khiêm tốn không đồng nghĩa với chấp nhận lệ thuộc. Chúng ta sẽ xét lại những thỏa hiệp mà chính quyền cộng sản đã ký với nước ngoài và bãi bỏ những thoả hiệp hoặc có tính lệ thuộc hoặc xúc phạm chủ quyền và lợi ích dân tộc, trước hết là những thỏa hiệp dấm dúi mà nhân dân Việt Nam không được thông báo.

Điều đáng lo ngại hiện nay là chúng ta đang sống trong một khu vực có nhiều khả năng gây ra căng thẳng, thậm chí xung đột. Chúng ta coi sự hiện diện quân sự tích cực của Hoa Kỳ trong vùng là một yếu tố cần thiết để bảo đảm hòa bình và ổn vững, và chúng ta sẽ khuyến khích sự hiện diện đó.

Chúng ta coi hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật và các nước dân chủ là một phúc lợi lớn không những mở ra cho ta những thị trường lớn, đem lại những chuyển giao khoa học kỹ thuật quí báu mà còn giúp ta tiếp thu cách tổ chức, suy nghĩ và làm việc của các xã hội tiên tiến. Chúng ta sẽ thành thực hợp tác với họ và học hỏi nơi họ.

Với một chính sách đối ngoại khiêm tốn và hòa bình chúng ta sẽ không cần một quân lực đông đảo. Với một chính sách đối nội tôn trọng mọi quyền tự do và dựa trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, chúng ta sẽ không cần một bộ máy cảnh sát công an đồ sộ. Quân đội và cảnh sát vì vậy sẽ được giảm tới mức tối thiểu, nhưng đầy đủ, để làm tròn nhiệm vụ của những công cụ phi chính trị bảo vệ lãnh thổ, môi trường và trật tự an ninh.

Tinh thần của chủ nghĩa nước nhỏ là nhìn nhận sự thua kém của mình và động viên tất cả tài nguyên và sinh lực để đưa đất nước đi lên. Với dân số đông đảo và những con người cần mẫn, lại được một vị trí thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng lớn và có quyền mong muốn một chỗ đứng vẻ vang trên thế giới nếu biết cố gắng kiên trì trong một vài thập niên.

10. Thực hiện một chính sách đối ngoại hòa bình và hợp tác song song với một chính sách láng giềng tốt

Trong một thế giới đầy tranh đua như hiện nay các mối bang giao tốt là điều không thể thiếu. Chúng ta sẽ không bỏ lỡ một cơ hội nào để thiết lập và tăng cường mọi liên hệ hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới, trước hết là với các quốc gia lân cận.

Đối với các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp và Hoa Kỳ, hai nước đã từng có những quan hệ phức tạp và xung động, chúng ta bình thường hóa không những quan hệ ngoại giao mà cả quan hệ văn hóa và tình cảm. Chúng ta còn rất nhiều để học hỏi nơi họ và cũng có rất nhiều để trông đợi ở một sự hợp tác lưỡng lợi. Chúng ta cũng cần lưu ý đặc biệt đến những quốc gia mà chính sách di dân còn dễ dãi hoặc có triển vọng dễ dãi để phát triển cộng đồng người Việt hải ngoại càng đông đảo càng tốt, với mục tiêu trung hạn là cứ mười người Việt Nam thì có một người tại các nước dân chủ phát triển. Một chính sách đối ngoại hiếu hòa và khiêm tốn, đi song song với sự tận dụng khả năng đóng góp của một cộng đồng Việt Nam hải ngoại đông đảo, thành đạt và gắn bó với quê hương là căn bản của những cố gắng ngoại giao của chúng ta.

Nhưng gần hơn hết chúng ta phải củng cố và tăng cường chỗ đứng của ta tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đặc biệt là trong lòng khối ASEAN. Trong lòng khối này chúng ta sẽ góp phần tích cực tăng cường sự liên đới, hạ thấp dần những hàng rào văn hóa và mậu dịch, thúc đẩy sự hình thành thực sự của một vùng trao đổi tự do. Chúng ta cần phấn đấu để tham gia khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và tận dụng mọi cơ hội của khối này để đất nước ta có thể vươn lên thu ngắn dần sự chậm trễ.

Gần nhất, ta phải thắt chặt lại quan hệ hợp tác với hai nước bạn láng giềng Lào và Campuchia đang ngày càng chịu ảnh hưởng áp đảo hơn của Trung Quốc. Chúng ta đã là nạn nhân của một âm mưu chia để trị xuất phát từ thời ngoại thuộc Pháp mà ngày nay ta phải phá vỡ. Biên giới của ta với hai nước này không đổi từ hơn hai thế kỷ nay. Đó là những biên giới ổn vững bậc nhất thế giới, làm chứng cho khả năng sống chung hòa bình giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhưng chúng ta cũng cần dõng dạc tuyên cáo một chính sách hiếu hòa thực sự và làm nhiều cố gắng ngoại giao để đánh tan những hiểu lầm do một quá khứ còn khá mới để lại. Chúng ta cần long trọng tuyên bố với hai nước láng giềng này rằng chúng ta tuyệt đối tôn trọng các biên giới hiện có và sẵn sàng dành mọi dễ dãi về giao thông và thương cảng để họ có thể khai thông ra đại dương. Chúng ta sẽ đề nghị với họ cùng hợp tác xây dựng các trục lộ giao thông ra biển, và nếu có thể, tiến tới một thỏa ước tự do đi lại và di trú.

Cả Lào và Campuchia đều cần đường ra biển qua ngả Việt Nam nên sự hợp tác sẽ là điều tự nhiên nếu họ vững tin rằng Việt Nam tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của họ. Việt Nam, Lào và Campuchia có nhiều triển vọng để hình thành một khối hợp tác bình đẳng trong đó cả ba đều có lợi và đều phát huy được thế mạnh kinh tế riêng của mình.

Đối với Trung Quốc chúng ta cần giải quyết trong tinh thần hữu nghị những tranh chấp về lãnh hải và hải đảo để mở đầu một giai đoạn hợp tác thực sự lành mạnh. Hai nước có chung một biên giới dài, đã từng chia sẻ một văn hóa và cũng có rất nhiều tương đồng về cấu tạo nhân văn cho nên sự hợp tác là một lẽ tự nhiên. Điều đáng lo ngại hiện nay là Trung Quốc một mặt đang gia tăng sức mạnh quân sự và mặt khác biểu lộ một chính sách bá quyền khu vực. Đối với Trung Quốc, chúng ta cần chứng tỏ một thái độ khiêm tốn, hòa nhã nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên lãnh thổ, vùng biển và các hải đảo. Chúng ta có lý do để hy vọng rằng sự hiện diện quân sự tích cực của Hoa Kỳ và chính sách quả quyết mới của Nhật trong vùng sẽ là một đảm bảo cho hòa bình và an ninh. Chúng ta cũng có lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ chọn lựa đường lối hòa hoãn và hợp tác, nhưng hiện đại hóa khả năng tự vệ của chúng ta cũng là một yếu tố khuyến khích Trung Quốc đi theo đường lối tốt đẹp đó.

Trong ngắn hạn, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan chưa rõ rệt, chúng ta sẽ chú trọng đặc biệt vào sự phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế với Đài Loan.

Chúng ta cần nhận định vai trò kinh tế quan trọng của Nhật tại Châu Á và phải đặt quan hệ Việt - Nhật lên hàng một quốc sách phát triển.

Sau cùng chúng ta cũng cần có một nhận định sáng suốt và thực tiễn đối với các nước thuộc Đông Âu và Liên Xô cũ. Các nước này là những thị trường đầy tiềm năng trong đó chúng ta đã sẵn có nhiều người bạn, nhiều quan hệ và hiểu biết cần được khai thác.

11. Thực hành một chính sách kiểm soát dân số văn minh

Chúng ta hiện đã có một dân số gần 100 triệu dân, đứng hàng thứ 13 trên thế giới, với một diện tích rất hẹp, 330.000 cây số vuông. Đã thế tỷ lệ đất đai thực sự canh tác và sinh sống được của ta lại rất thấp, chỉ ở mức một phần ba. Trong khi đó dân số của ta tiếp tục gia tăng hơn một triệu người mỗi năm. Mặt khác khả năng kinh tế và mức độ chuyển hóa về công nghiệp và dịch vụ của ta chưa cho phép dự trù những đầu tư lớn vào việc mở rộng vùng đất sinh hoạt. Đà gia tăng dân số dù đã giảm trong những năm gần đây vẫn còn một vấn đề lớn đòi hỏi một cách nhìn thông suốt. Một mặt dân số tuy vẫn gia tăng một cách đáng kể nhưng tỷ lệ gia tăng dân số không thể giảm một cách đột ngột mà không tạo ra trong một tương lai gần một gánh nặng kinh tế do sự đảo ngược tỷ lệ trẻ - già. Mặt khác cho tới nay sự sút giảm của đà gia tăng dân số đã chủ yếu đạt được với giá đắt là khiến chúng ta trở thành một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, với những hậu quả tai hại về tâm lý và xã hội.

Kinh nghiệm của các chính quyền cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cho thấy là một chính sách hạn chế sinh đẻ quả quyết đến độ dã man chỉ làm xuống cấp con người chứ không làm giảm dân số. Vấn đề cần được giải quyết ở tận gốc rễ văn hóa và nhân sinh quan của nó. Trong giáo dục học đường và đại chúng cần phổ biến các kiến thức về ngừa thai và bình thường hóa quan hệ nam nữ, cần tách rời việc lập gia đình và có con cái với việc thỏa mãn nhu cầu sinh lý.

Sinh đẻ nhiều cũng do hai nguyên nhân khác mà ta cần khắc phục, đó là trình độ văn hóa và vai trò xã hội kém của phụ nữ, và sự lo âu của tuổi già. Nâng cao trình độ văn hóa của phụ nữ và hội nhập một cách tích cực phụ nữ vào sinh hoạt kinh tế xã hội là một đầu tư cần thiết để chặn đà gia tăng dân số. Mọi kinh nghiệm trên thế giới đều chứng tỏ rằng càng có trình độ văn hóa cao, càng tham gia tích cực vào sinh hoạt kinh tế, phụ nữ càng có khuynh hướng tự hạn chế sinh đẻ. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng bảo đảm một lợi tức tối thiểu cho người già, một bắt buộc của mọi xã hội văn minh, sẽ hạn chế được một cách đáng kể đà gia tăng dân số vì con đông trước hết là một đảm bảo cho tuổi già ở các nước thiếu an sinh xã hội. Phải săn sóc người già nếu không muốn phải tiếp nhận thêm quá nhiều trẻ thơ mà chúng ta không có khả năng nuôi dưỡng và giáo dục. Chính sách này sẽ tạo một tâm lý an toàn và chắc chắn sẽ làm giảm mức sinh đẻ, nhất là với niềm tin là lợi tức bảo đảm cho tuổi già sẽ càng ngày càng tăng với phát triển kinh tế.

Sau cùng chúng ta cũng có quyền tin tưởng là đà gia tăng dân số sẽ giảm xuống trong một xã hội văn minh không trọng nam khinh nữ đến độ phải đẻ cho đến khi có con trai, một xã hội có thông tin đầy đủ và có cơ hội thăng tiến cho mọi người. Một khi có đủ lạc quan để lập kế hoạch cho tương lai mình, các cặp vợ chồng sẽ tự nhiên nhận thấy họ phải hạn chế số con cái.

12. Xây dựng một hạnh phúc quốc gia phẩm chất trong cố gắng

Những người cầm quyền cộng sản đã rất dối trá hoặc ngu muội khi nói rằng Việt Nam ngày nay là nước có thu nhập trung bình. Sự thực trái hẳn. Chúng ta rất nghèo và ở rất dưới mức trung bình thế giới. Vào năm nay, 2015, sản lượng bình quan mỗi đầu trên thế giới là gần 11.000 USD mỗi năm, tại nước ta ước lượng vừa phải là gần 1500 USD, nghĩa là chỉ bằng 15% mức trung bình thế giới. Chúng ta tụt hậu một cách bi đát. Ngay cả nếu từ nay chúng ta đạt được mức tăng trưởng đều đặn cao hơn 2% so với thế giới, một thành tích khả quan, thì cũng phải một thế kỷ nữa chúng ta mới thực sự trở thành một nước trung bình. Nhưng chúng ta có thời giờ đó không trước khi sự chán nản và thất vọng làm tan rã đất nước? Chắc chắn chúng ta không có thời giờ đó, chúng ta phải bắt kịp sự chậm trễ trong vòng một thế hệ. Đó là một thách đố rất lớn.

Thách đố càng lớn hơn vì tất cả mọi yếu tố đều bất lợi. Xã hội băng hoại, lòng người thất vọng và ly tán, tinh thần dân tộc xuống rất thấp, môi trường ô nhiễm, đạo đức suy đồi, các băng đảng tôi phạm hoành hành trong khi xã hội dân sự vắng mặt. Di sản của chế độ cộng sản thật là kinh khủng.

Chúng ta sẽ phải động viên những cố gắng cực kỳ lớn về mọi mặt trong khi sẽ còn phải sống với sự nghèo khổ và thua kém trong một thời gian dài.

Trong hoàn cảnh đó chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là xây dựng trên đất nước Việt Nam một hạnh phúc phẩm chất, nghĩa là một bối cảnh quốc gia bình yên và phấn khởi trong đó con người dù chưa sung túc nhưng được tự do, được trân trọng và bảo vệ về nhân phẩm, quyền lợi, sức khỏe và cơ hội thăng tiến trong một xã hội hài hòa, bình yên và liên đới, với một môi trường thân thiện. Vả lại đó là điều kiện để có thể vươn lên; cố gắng càng lớn thì càng phải được chia sẻ đồng đều.

Mô hình xã hội phải có hình ảnh của một gia đình hạnh phúc vì hòa thuận và vui vẻ, chia sẻ một cách hợp tình hợp lý những hy sinh cũng như những thành tựu đạt được, dưới một mái nhà giản dị nhưng sạch sẽ và ngăn nắp và trong niềm tin là ngày mai sẽ hơn hôm nay.

Điều quan trọng nhất cũng là điều có thể làm ngay vì không đòi hỏi những chi phí lớn. Đó là cải thiện môi trường, cảnh quan và các nơi công cộng. Do văn hóa truyền thống chúng ta chưa ý thức được tầm quan trọng của môi trường dù vấn đề đã rất nghiêm trọng và đã ảnh hưởng trực tiếp lên mọi người. Sự mù quáng đã khiến các cấp lãnh đạo nối tiếp nhau không ý thức được rằng phát triển, kể cả phát triển kinh tế, chỉ có thể bền vững nếu môi trường được bảo vệ. Các nhà máy ô nhiễm gây thiệt hại trong lâu dài cho xã hội nhiều lần lớn hơn lợi tức ngắn hạn mà chúng tạo ra. Tham nhũng là nguyên nhân chính cho phép phá hoại môi trường; sự vắng mặt của xã hội dân sự là một nguyên nhân khác.

Thực trạng kinh ngạc là cho tới nay nước ta vẫn chưa có một hiệp hội bảo vệ môi trường nào dù môi trường đã bị tàn phá tới mức độ nguy kịch và vẫn còn tiếp tục bị tàn phá, trong khi tại các nước văn minh giầu mạnh bảo vệ môi trường đã trở thành mục tiêu của vô số hiệp hội, có cả những chính đảng lấy môi trường làm ưu tư cao nhất. Đối với thế giới ngày nay môi trường đã trở thành một vấn đề chính trị nền tảng.

Chúng ta không thể dung túng những nhà máy không có xử lý khói và chất thải nhân danh lợi ích kinh tế. Chúng ta cũng phải nghiêm cấm việc chặt phá rừng và lấp, lấn ao hồ. Các tiện nghi vệ sinh công cộng phải đầy đủ. Hệ thống thoát nước phải hoàn chỉnh. Xây dựng phải có qui hoạch, mỗi khu vực chỉ được xây dựng theo một vài kiểu nhà với một số mầu sắc. Phải tăng cường các phương tiện chuyên chở công cộng, đánh thuế môi trường trên ôtô và xe máy, khuyến khích sử dụng xe đạp; cấm xe có động cơ xăng dầu tại trung tâm các thành phố và những khu đông người; trừng phạt nghiêm khắc những công ty xây dựng cầu đường thi công gian trá. Chúng ta sẽ bãi bỏ dự án Bô-xít Tây Nguyên, đình chỉ các dự án điện hạt nhân, ngay cả những dự án đang thi công, loại bỏ điện hạt nhân cho tới khi các kỹ thuật xử lý phế liệu thỏa đáng đã tìm được và nước ta đã có đầy đủ khả năng để bảo đảm an toàn tuyệt đối của các lò phản ứng. Những biện pháp đó tuy có thể làm giảm lợi nhuận nhất thời của một số công ty nhưng sau cùng vẫn có lợi ích kinh tế lớn vì bảo vệ và khuyến khích đầu tư trong nhiều ngành khác, nhất là ngành du lịch, và điều quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe và cuộc sống yên vui. Ô nhiễm là một vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người bởi vì nước sạch, không khí trong lành, không gian yên lặng là những quyền con người cơ bản nhất.

Xây dựng một xã hội hài hòa, bình yên và liên đới không đòi hỏi những chi phí lớn vượt khả năng quốc gia như nhiều người lầm tưởng. Chúng không thấm vào đâu so với số tiền mà những quan chức tham ô cướp đoạt của đất nước, một chính quyền trong sạch sẽ có phương tiện. Điều mà nó đòi hỏi là điều mà chúng ta có thể làm được ngay cả khi chưa giầu. Đó là luật pháp tuyệt đối lương thiện, minh bạch và được tôn trọng. Đó là một chính quyền quyết tâm không thỏa hiệp với tham nhũng được điều hành bởi những người có kiến thức, có tầm nhìn và lấy phục vụ đất nước làm lý tưởng của đời mình, một chính quyền không thể bị ngờ vực là gian trá. Nhân dân Việt Nam đã quá quen với những hy sinh và chịu đựng cho nên có thể chấp nhận những cố gắng rất phi thường; họ cũng có thể tha thứ cả những sai lầm, với điều kiện là tin rằng những người lãnh đạo đã sai nhưng không phải là những người ngu dốt và gian trá mà chỉ sai vì mọi người đều có thể sai trên những quyết định khó khăn và phức tạp. Chúng ta có thể có những người lãnh đạo như thế, nhưng họ chưa có cơ hội vì chưa có sức mạnh tập trung của đội ngũ. Cố gắng chính của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ trước, bây giờ và sau này là phát hiện, tập trung lại và đào tạo thêm những con người như thế mà đất nước đang cần.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/909149172428525/
[dact-2015-ethongluan-dinh-huong-lon-2]. rev
Ngày đăng 30/01/2015
______________________________
— Khai sáng Kỷ nguyên thứ 2 - Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên, năm 2015./ >Download pdf (77 trang)
Chương 1: “Nhiệm vụ lịch sử” - DACT 2015 của ethongluan
Chương 2: "Làn sóng dân chủ thứ tư" - DACT 2015 - ethongluan
Chương 4: “Nền tảng tư tưởng” - DACT 2015 của ethongluan
Chương 3: “Khúc quanh lịch sử” - DACT 2015 của ethongluan
Chương 5: “Định hướng lớn" - DACT 2015 của ethongluan
Chương 5: “Định hướng lớn" (tiếp) - DACT 2015 của ethongluan
Chương 6: “Thể chế và Hiến Pháp" - DACT 2015 của ethongluan
Chương 7: “Đấu tranh dân chủ" - DACT 2015 của ethongluan
Chương 7: “Đấu tranh dân chủ" (tiếp) - DACT 2015
Chương 8: “Chuyển tiếp dân chủ" - DACT 2015 của ethongluan
Chương 9: “Giấc mơ Việt Nam" - DACT 2015 của ethongluan

Đăng nhận xét