Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Chữ nghĩa (Đáy) (TL 267)

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012 | 18:49

“...Một điều kiện cần khác để làm đại gia là phải vô học, có như thế mới không biết ngượng khi khoe khoang một cách quá lố lăng...”

Thưa quí vị thức giả, phải nói thực là tôi rất hoang mang khi theo dõi những tranh luận chính trị gần đây của quí vị. Tôi không hiểu gì cả. Quí vị tranh cãi hăng lắm nhưng hình như quí vị không nói cùng một thứ tiếng. Như vậy thì làm sao ngã ngũ được. Theo thiển ý trước khi tranh luận quí vị nên đồng ý với nhau về nghĩa của một số từ. Để giúp quí vị thảo luận có kết quả tôi đã tham khảo một vài từ. Một vài từ thôi bởi vì, xin thú thực, kiến thức của tôi rất giới hạn.

Trước hết là một từ rất thông dụng: đảng. Từ này rất phức tạp. Nó thường được dùng như một danh từ để chỉ những kết hợp của nhiều người để làm chính trị hoặc để ăn cướp. Đây là một từ khá đặc biệt của Trung Quốc và Việt Nam vì hình như chỉ ở hai nước này chính trị và ăn cướp mới được coi là một và chữ "đảng" mới được dùng cả cho hai. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp các đảng chính trị được gọi làparty hay parti. Đảng Dân Chủ Mỹ được gọi là The Democratic Party, Đảng Xã Hội Pháp là Le Parti Socilaliste. Các đảng cướp được gọi làband, gang hay bande. Cũng tại Việt Nam và Trung Quốc chữ đảng, thường viết hoa, còn nhiều khi là viết tắt của "Đảng Cộng Sản Trung Quốc" hay "Đảng Cộng Sản Việt Nam", tùy câu. Thí dụ như khi đọc trên báo chí Việt Nam những câu như "tư tưởng và đạo đức chính trị trong Đảng đã sa sút nghiêm trọng từ nhiều năm nay và đang tiếp tục sa sút" thì phải hiểu Đảng đây là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cách viết tắt này cũng được dân gian chấp nhận, như đôi khi người ta nói: "Anh ấy tuy là đảng viên nhưng cũng là người tốt". Một biến thể của đảng là băng đảng, có nghĩa là những đảng cướp không đông người lắm, thí dụ: Các băng đảng xã hội đen. Danh từ này đã đổi nghĩa rất nhiều từ những năm gần đây. "Băng" là chữ phiên âm từ tiếng Phápbanque, có nghĩa là ngân hàng, dân gian thường gọi là "nhà băng". Nguồn gốc của từ "băng đảng" có lẽ là vì các băng đảng trước đây thường đi đánh cướp các ngân hàng. Tình hình đã thay đổi; hiện nay các băng đảng tại Việt Nam rất ít khi đánh cướp ngân hàng, trái lại chúng thường làm chủ các ngân hàng.

Một danh từ khác cũng liên hệ mật thiết với danh từ đảng là đại gia. Các đại gia không phải là những gia đình lớn dù là lớn về số người hay về sự cao cả. Điều kiện để được coi là đại gia là vừa phải rất giàu vừa phải khoe khoang sự giàu có đó một cách rất lộ liễu, thí dụ dùng cả trăm xe hơi cực kỳ sang trọng - gọi là siêu xe - để rước dâu, hay bỏ ra cả triệu đô la cho một buổi tiếp khách ở nhà hàng. Một điều kiện cần khác để làm đại gia là phải vô học, có như thế mới không biết ngượng khi khoe khoang một cách quá lố lăng. Cũng do đặc tính vô học mà đại gia chủ tịch Câu Lạc Bộ Bất Động Sản Hà Nội đang bị vợ kiện vì tội đánh vợ. Đây là chuyện con kiến kiện củ khoai bởi vì các đại gia đều có quan hệ mật thiết với Đảng (xem định nghĩa đảng ở phần trên). Quan hệ này rất bí ẩn, các đại gia thường không phải là đảng viên hay chỉ là đảng viên thường, trừ những ngoại lệ nổi tiếng như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, nhưng họ lại có quan hệ rất thân mật với các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, họ sai bảo các cán bộ cao cấp và không thèm biết đến đảng viên trung cấp và cơ sở.

Một danh từ quan trọng thường gặp trong các bài báo là tiến sĩ, thường được viết tắt bằng chữ hoa là TS. Nguyên nhân của sự viết tắt này là sự khiêm tốn của các tiến sĩ. Có nhiều giải thích khác nhau về sự khiêm tốn này. Giải thích của những tiến sĩ ký tên TS trước tên mình là vì họ… khiêm tốn, không muốn khoe bằng cấp. Nhưng cũng có một giải thích khác là họ run tay khi ký TS vì bằng tiến sĩ của họ không có thực, mà là bằng tự cấp, hoặc bằng mua, hay bằng được Đảng cấp cho, dân chúng gọi là bằng đểu. Đến nay cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Nguồn gốc của hàm tiến sĩ khá xa xưa, từ cả nghìn năm trước. Đó là những người học Tứ Thư, Ngũ Kinh rồi đi thi, đậu tiến sĩ, và được bổ nhiệm làm quan cai trị đè đầu đè cổ người khác nên dân gian có câu tục ngữ "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng". Vì thế mục đích của những người ký TS, tiến sĩ, là để "đe hàng tổng", nghĩa là hù thiên hạ. Đây cũng chỉ là một giải thích. Điều chắc chắn, đã được kinh nghiệm xác nhận, là những bài viết ký tên TS hay tiến sĩ bảo đảm không có giá trị. Chữ TS đôi khi cũng thấy trong những chữ viết tắt khác như GSTS (giáo sư tiến sĩ) hay PGSTS (phó giáo sư tiến sĩ) và còn gây một sự ngờ vực lớn hơn vì đa số là những hàm này do đảng cấp, nhất là GSTS.

Một danh từ đang gây tranh cãi sôi nổi trong lúc này là trí thức. Chưa có định nghĩa rõ ràng. Cuộc tranh luận còn lôi thôi lắm. Có người nói trí thức phải phản biện, có người lại bảo trí thức chỉ là người lao động trí óc. Có người nói trí thức phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo xã hội, có người khác lại cho rằng trí thức chỉ có vai trò phò chính thống, nghĩa là phục vụ cho chính quyền. Còn có người quả quyết rằng Việt Nam chưa có trí thức đúng nghĩa. Vậy từ trí thức cần được dùng với tất cả thận trọng. Riêng cô Phạm Thị Hoài, một nhà văn và một nhà lý luận sắc bén, lại đưa ra một định nghĩa rất độc đáo. Cô nói trí thức Việt Nam là những "dương vật buồn thiu". Mặc dù uy tín của cô Hoài định nghĩa này chỉ có thể là sai. Nếu như vậy điều kiện cần để là một trí thức là phải có dương vật? Đây là một thái độ kỳ thị nam nữ không thể chấp nhận. Vả lại, chính cô Hoài được coi là một trí thức lớn, dù có mọi triển vọng là cô không có yếu tố định nghĩa mà chính cô đưa ra.

Đáy - ethongluan.org
Ngày lưu 18/03/2012

Đăng nhận xét