Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Thêm một dịp để rút kinh nghiệm (TL267)

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012 | 09:20

Cuộc vận động gửi thư thỉnh nguyện yêu cầu chính phủ Mỹ quan tâm tới tình trạng nhân quyền tại Việt Nam sau những phấn khởi lúc ban đầu đang có dấu hiệu trở thành một nguồn thất vọng và chia rẽ.

Thật đáng tiếc vì cuộc vận động này đáng lẽ phải là một thành công lớn có tác dụng đoàn kết người Việt hải ngoại hơn nữa trong cuộc vận động dân chủ hóa đất nước. Trong một thời gian ngắn nó qui tụ được trên 136.000 chữ ký, vượt xa con số 25.000 mà chính quyền Mỹ đòi hỏi để tiếp xúc với những người đại diện cho một thư thỉnh nguyện. Những người từ khắp nước Mỹ tình nguyện đến tòa Nhà Trắng bằng phương tiện cá nhân của mình để ủng hộ thư thỉnh nguyện cũng lên tới gần một ngàn người, nghĩa là rất đông đảo. Đây là một thành tích mà ít có cộng đồng sắc tộc nào tại Mỹ có được. Nhưng ngay sau đó các dấu hiệu thất vọng và xung khắc đã xuất hiện. Trúc Hồ, tổng giám đốc đài SBTN và người chủ xướng thư thỉnh nguyện, đã bộc lộ sự bất bình ngay trong buổi tiếp xúc tại tòa Nhà Trắng và sau đó tuyên bố chấm dứt hợp tác với Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS và người đã sắp xếp với chính phủ Mỹ cuộc gặp gỡ này. Nhiều người lên tiếng vừa kêu gọi tẩy chay đài SBTN vừa đả kích Nguyễn Đình Thắng và tổ chức BPSOS mà ông thành lập và điều khiển từ hơn 30 năm qua. BPSOS và SBTN là hai trong số rất ít hoạt động lớn của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Nếu không may mà hai tổ chức này suy sụp thì có lợi cho ai?

Những nguyên nhân thất vọng và chia rẽ có thể tóm lược là: sự tiếp đón của tòa Nhà Trắng đã không long trọng như chờ đợi; cuộc tiếp xúc đã không diễn ra đúng như ý muốn của những người tham gia thư thỉnh nguyện nghĩa là tập trung lên án những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam; và những người trẻ được chọn làm phát ngôn viên của khối người ký tên thư thỉnh nguyện trong cuộc gặp gỡ này đã nói những điều nếu không hẳn lạc đề thì cũng không phải những điều mà người ta chờ đợi ở họ.

Những phiền trách trên đây không phải là không có cơ sở nhưng nguyên nhân sâu xa của những nguyên nhân này là sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và nhất là sự chủ quan. Đối với tòa Nhà Trắng, qua chương trình We The People, mục đích của cuộc tiếp xúc đã hiển nhiên và mọi người đều phải hiểu, đó là để gặp những đại diện các thành phần xã hội Mỹ và nghe những nguyện vọng của họ. Không nên chờ đợi một nghi thức long trọng. Cũng không nên chờ đợi những nguyện vọng được thỏa mãn ngay sau cuộc tiếp xúc. Vả lại khi số người đến quá đông thì sự xô bồ là khó tránh khỏi, nhất là khi khối người này lại không thuộc cùng một đoàn thể, thậm chí không biết nhau. Và tại sao lại có nhiều người đòi được vào trong Nhà Trắng như vậy? Giới chức Nhà Trắng chắc chắn đã phải ngạc nhiên khi nghe nói rằng trong khối người đến gặp họ không ai lãnh đạo ai cả. Khi nhìn rừng cờ vàng họ cũng khó có thể không nghĩ rằng đây là những người không hướng về tương lai mà chỉ gắn bó với một chế độ đã cáo chung một cách không vinh quang từ 37 năm rồi, một chế độ mà họ không đánh giá cao và đã bỏ rơi dù đã tốn nhiều xương máu để bảo vệ. Nếu chúng ta muốn được kính trọng thì chúng ta cũng phải cho thế giới lý do để kính trọng chúng ta.

Chắc chắn sự hiểu biết tâm lý và cách làm việc của chính quyền Mỹ đã là nguyên nhân của sự chọn lựa, hoặc sự chấp nhận, để cuộc gặp gỡ diễn ra như là một cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo trẻ của cộng đồng người Việt tại Mỹ dù điều này không phù hợp với tinh thần của thư thỉnh nguyện. Chọn lựa này đã gặp nhiều phản đối. Nhưng đây cũng đúng là một vấn đề. Mục tiêu là để chứng tỏ với chính quyền Mỹ rằng tuổi trẻ Việt Nam tại Mỹ vẫn còn gắn bó với đất nước Việt Nam và công đồng người Việt tại Mỹ. Nhưng tại sao lại cần chứng tỏ? Đó chính là vì tuổi trẻ Việt Nam lớn lên tại Mỹ, cũng như tại mọi nước phương Tây nói chung, đã mất đi nhanh chóng căn cước Việt Nam và những ưu tư đối với Việt Nam. Kết quả cụ thể trong cuộc tiếp xúc này là sự hiện diện của những người trẻ và những điều họ nói đã không giúp đạt mục tiêu mà chỉ xác nhận hố ngăn cách thế hệ. Nhưng có thể nào khác được không, khi mà phần lớn những hoạt động của cộng đồng không hướng về tương lai mà chỉ hướng về một quá khứ mà tuổi trẻ không biết đến và dù có biết cũng không có lý do để tự hào?

Thay vì trách cứ SBTN và BPSOS chúng ta nên bình tĩnh nhận định rằng với tình trạng cộng đồng người Việt tại Mỹ hiện nay làm được những gì họ đã làm cũng đã là thành công rồi. Và nên coi đây là một dịp để suy nghĩ và rút kinh nghiệm.

Thông Luận
Thứ sáu, 16 tháng 3 2012

Đăng nhận xét