Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Cấm truyền bá ‘‘giá trị phương Tây’’

Posted By Đoàn Hữu Long on Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015 | 07:48

Một xã hội tiến bộ phải được xây dựng trên nền tảng của những giá trị tiến bộ.

Các nước phương Tây sở dĩ phát triển mạnh mẽ và vượt hơn hẳn phần còn lại của thế giới là vì xã hội của họ đặt nền tảng trên những giá trị cơ bản đúng. Những giá trị đó là hòa bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác, lợi nhuận, môi trường và liên đới. Những giá trị này không phải của riêng người phương Tây mà vốn đã hiện diện trong mọi xã hội và trong mọi nền văn minh. Ưu điểm của các nước phương Tây là họ đã biết đề cao và phát huy triệt để một phần lớn trong số các giá trị này để lấy làm nền tảng cho xã hội. Nhờ vậy họ đã có được sức mạnh và sự phồn vinh. Tiếp xúc với các nước phương Tây, các quốc gia đều nhận ra sự thua kém của mình và đều tìm cách thỏa hiệp với nền văn minh phương Tây. Tuy nhiên quán tính tự nhiên đã khiến hầu hết các quốc gia đều có khuynh hướng chỉ chấp nhận một phần những thành tố của xã hội phương Tây để hội nhập nó vào truyền thống của mình, chẳng hạn như học hỏi kỹ thuật phương Tây trong khi vẫn giữ nguyên cơ cấu xã hội cũ. Nhưng một nền văn minh là một tổng thể cấu tạo bởi những giá trị gắn bó với nhau cho nên rất khó lấy một thành tố của một nền văn minh để ghép vào một nền văn minh khác. Không thể chấp nhận kỹ thuật của phương Tây trong khi vẫn từ chối những giá trị cơ bản đã làm nẩy sinh và đã thúc đẩy sự tiến phát của các kỹ thuật đó. Kinh nghiệm của các quốc gia đã chứng tỏ rằng thái độ nửa chừng này chỉ đem lại những thành công giới hạn, trước khi dẫn tới khủng hoảng. Nước Nga mặc dầu đã bắt đầu canh tân từ cuối thế kỷ 17 đã không bắt kịp được Tây Âu và đã phân hóa, cuối cùng trở thành một chế độ cộng sản với hậu quả tai hại mà thế giới đã thấy; nước Nhật đã tích lũy những mâu thuẫn để rồi bị dẫn đến chiến tranh tự hủy. Ngày nay Nhật đã nhận ra sai lầm đó và đã chấp nhận toàn bộ các giá trị của thế giới tiến bộ từ sau thế chiến II và vừa hoàn tất một cuộc cải tổ cơ cấu kéo dài ba thập niên để thích nghi xã hội với những giá trị này. Nga cũng sẽ không có chọn lựa nào khác, chế độ nửa dân chủ nửa mafia hiện nay đã bắt đầu chao đảo. Trung Quốc với chính sách "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và khôi phục Khổng Giáo cũng đã đến rất gần khủng hoảng.

Chấp nhận một cách thành thực và quả quyết những giá trị chính trị, văn hóa, xã hội của thế giới tiến bộ là điều kiện tiên quyết. Nhật Bản vì chọn lựa như vậy đã trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Một số nước Châu Á, như Nam Cao Ly và Đài Loan, từ bốn thập niên gần đây đi theo khuôn mẫu Nhật Bản cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ. Chấp nhận toàn bộ các giá trị tiến bộ là chọn lựa chúng ta phải làm và phải làm một cách thật quả quyết. Giữa sự dùng dằng, lưỡng lự của các nước trong vùng, chọn lựa này là một cơ may cho phép chúng ta vươn lên bắt kịp và vượt qua họ.

Trong những giá trị trên đây, giá trị mà ta cần nhất là hòa bình. Truyền thống chống ngoại xâm dần dần đã khiến ta coi bạo lực như là phương cách tự nhiên để giải quyết xung đột. Ta quen tôn vinh những anh hùng có chiến công hiển hách mà coi nhẹ những cố gắng xây dựng âm thầm, nền tảng của mọi tiến bộ. Từ nay chúng ta phải nguyền rủa bạo lực và nâng hòa bình lên làm một giá trị tuyệt đối.

Chúng ta đừng lo sợ chấp nhận những giá trị mới sẽ làm ta mất đi quốc hồn quốc túy. Những giá trị này đã có sẵn trong mọi xã hội, kể cả xã hội ta, chỉ tiếc rằng ta đã không phát huy chúng một cách đầy đủ đến nỗi phải khổ nhục và thua kém như ngày nay. Chấp nhận chúng không phải là tự phủ nhận chúng ta mà chỉ có nghĩa là phát huy cái hay sẵn có trong chúng ta. Vả lại, tiến lên và bắt kịp thế giới là điều kiện để chúng ta có thể tồn tại như một quốc gia và giữ được văn hóa và bản sắc dân tộc.

Trên những giá trị chung các nước phương Tây đã xây dựng nên nhiều nếp sống khác nhau tùy đặc thái riêng của mỗi nước. Xã hội Anh khác với xã hội Pháp, văn hóa Đức khác với văn hóa Ý, nước Mỹ không giống như nước Thụy Điển. Trên căn bản các giá trị mới Nhật Bản và nhiều nước Châu Á khác vẫn giữ được truyền thống của họ. Trên căn bản các giá trị tiến bộ Việt Nam cũng vẫn sẽ là Việt Nam, nhưng là một Việt Nam vinh quang hơn.

Chúng ta cần một cuộc vận động tư tưởng lớn. Giáo dục của ta, luật pháp của ta, các sinh hoạt văn hóa, xã hội, kinh tế của ta đều phải nhấn mạnh và tôn vinh các giá trị tiến bộ. Trường học ngoài sứ mệnh cốt lõi của nó là chuyển giao kiến thức, còn phải là môi trường tập quen tuổi trẻ với tinh thần bao dung, tinh thần trách nhiệm, cách suy nghĩ tự do và khách quan và lòng yêu quí đất nước, đồng bào, nhân loại và thiên nhiên. Một cố gắng đặc biệt cũng sẽ được dành cho thể dục thể thao nhằm phát huy óc khách quan, tinh thần tranh đua trong hòa bình, tinh thần thượng tôn luật pháp. Cuộc vận động tư tưởng này là cố gắng quan trọng nhất trong mọi cố gắng, bởi vì đây chính là cố gắng xây dựng nền tảng của xã hội mới. Chúng ta sẽ không chỉ chấp nhận mà còn phải có tham vọng đóng góp bổ túc và kiện toàn các giá trị phổ cập. Cuộc vận động tư tưởng này cũng sẽ giúp ta tăng cường và thăng tiến một lớp người tối cần thiết cho quốc gia nhưng chúng ta mới chỉ bắt đầu có: những trí thức chính trị, những người đầu tư thời giờ và cố gắng để hiểu rõ những vấn đề của đất nước, dám có ý kiến của mình và sẵn sàng trả giá để dấn thân tranh đấu cho những gì mình nghĩ là đúng cho đất nước. Họ là những người hướng dẫn quần chúng và là trí tuệ của dân tộc. Chính sự thiếu vắng thành phần trí thức chính trị này trong suốt dòng lịch sử đã đã khiến nước ta thua kém và trôi dạt từ sai lầm này đến thảm kịch khác.

"...Cụ thể là, theo Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc, «không được để cho các giáo trình nào cổ vũ cho các giá trị Phương Tây xuất hiện trong lớp học». Lãnh đạo Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đưa vào phạm vi bị cấm «những nhận định mang tính vu khống nhắm vào các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc» và «bêu riếu chủ nghĩa xã hội»..."

https://www.facebook.com/thong.luan.1/posts/925908737419235:0
[cam-truyen-ba-cac-gia-tri-phuong-tay].
Ngày đăng 01/02/2015
________________________________________

http://vi.rfi.fr/20150130-tq//

Đăng nhận xét