Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Chương 4: “Nền tảng tư tưởng” - DACT 2015 của ethongluan

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015 | 02:34

Khai sáng Kỷ nguyên thứ 2 - Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên

IV. Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ

Thời đại của các chủ nghĩa và ý thức hệ đã chấm dứt. Từ nay không còn những chân lý không thể đặt lại. Tuy vậy, một tập hợp chính trị trong mỗi giai đoạn vẫn cần đồng thuận trên một số nhận định nền tảng.

Giữa những thay đổi dồn dập đòi hỏi những chính sách và biện pháp đa dạng và phức tạp để thích nghi với tình thế, mọi người cần nắm vững những chọn lựa nền tảng, nghĩa là những gì không thay đổi và giải thích cái tại sao của các biện pháp và chính sách. Đó là điều kiện để đất nước không mất phương hướng và để người dân có thể hiểu và đóng góp một cách có ý thức vào sinh hoạt quốc gia. Chúng ta là một dân tộc đông đảo và phải đương đầu với rất nhiều vấn đề trầm trọng, gai góc và khẩn cấp, công việc của chúng ta chắc chắn là rất phức tạp. Chính sự phức tạp đó đòi hỏi các tổ chức chính trị phải minh định những chọn lựa có tính chủ thuyết, chủ thuyết được hiểu theo nghĩa không phải là chủ nghĩa hay ý thức hệ, cũng không phải là những học thuyết với cấu trúc lý luận phức tạp, mà là những ý kiến đơn giản được coi là đúng và được lấy làm căn bản cho các chính sách và biện pháp trong một giai đoạn khá dài.

Đồng thuận căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gồm năm điểm sau đây : đất nước phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một tương lai chung; thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên; tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc; tổ chức xã hội Việt Nam phải thể hiện một cách thật quả quyết những giá trị tiến bộ; cố gắng phát triển kinh tế phải đặt trên nền tảng kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân.

1. Quốc gia : một không gian liên đới và một dự án tương lai chung

Nước Việt Nam ta đã hình thành từ ngàn xưa và đã có hơn hai ngàn năm lịch sử. Tuy vậy, cũng như mọi nước khác, chúng ta mới chỉ biết đến khái niệm quốc gia, hiểu theo nghĩa một thực thể thuộc quyền sở hữu của mọi người, gần đây thôi. Lý do là vì chính ý niệm quốc gia cũng là một ý niệm rất mới, được khai sinh ra cùng với dân chủ.

Cho tới khi ý niệm dân chủ ra đời, các vương quốc chỉ là của một nhà vua. Lãnh thổ cũng như người dân thuộc quyền sở hữu của vua và bị đặt dưới quyền quyết định độc quyền và tuyệt đối của vua. Đất cũng như dân có thể đổi chủ một cách tùy tiện theo sự chuyển nhượng giữa các vua chúa. Trong bối cảnh đó không thể có các quốc gia đúng nghĩa. Sự quyến luyến tự nhiên với mảnh đất của tổ tiên và những người quen thuộc chưa phải là tinh thần dân tộc hay lòng yêu nước. Người dân không có thẩm quyền nào trên đất nước thì cũng không có trách nhiệm nào đối với đất nước. Ý thức dân chủ đã biến các vương quốc thành những quốc gia và đã là nền tảng cho một nhà nước, hay chính quyền, của dân, do dân và vì dân.

Khác hẳn với các vương quốc đã dần dần hình thành với thời gian, quốc gia là một thực thể bao gồm một lãnh thổ, một chính quyền, một di sản văn hóa lịch sử và những con người bình quyền gắn bó với lãnh thổ đó, chấp nhận chính quyền đó, chia sẻ di sản lịch sử và văn hóa đó và, quan trọng hơn hết, chấp nhận xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Quốc gia ở trên mọi người và là của chung mọi người.

Cùng với ý niệm quốc gia như là một thực thể của chung mọi người nhưng cũng là của mỗi người đã xuất hiện một ý thức cộng đồng theo đó mỗi người không thể hoàn toàn tự giải quyết lấy mọi vấn đề cá nhân của mình, trái lại sự thành công hay thất bại của mỗi người còn tùy thuộc vào một quốc gia mà mỗi người từ nay vừa có bổn phận vừa có quyền lợi lại vừa có thẩm quyền đóng góp để bảo vệ và thăng tiến. Ý thức cộng đồng này đến lượt nó tạo ra lòng yêu nước, một tình yêu đối với những người thân thuộc, đồng hành và cùng phấn đấu với mình. Lòng yêu nước này không thể bị đồng hóa với tinh thần bài ngoại của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Nhà nước dân chủ, đặt nền tảng trên ý niệm quốc gia, đã là tiến bộ vĩ đại nhất của loài người trong các thế kỷ 17 và 18. Những nhà nước - quốc gia này vì được tổ chức để khuyến khích và đón nhận sự hưởng ứng tự do và tự nguyện của mọi người đã giải tỏa sinh lực, ý kiến và sáng kiến của toàn dân, đã thúc đẩy mọi tiến bộ khoa học, kỹ thuật, triết học, văn hóa và nghệ thuật và đã khiến các nước phương Tây vượt xa hẳn phần còn lại của thế giới. Trong chiều sâu, lý do chính đã khiến các nước phương Tây đột ngột gia tăng sức mạnh là sự khám phá ra ý niệm quốc gia.

May mắn hơn nhiều dân tộc khác, người Việt Nam có một truyền thống sống chung lâu dài và ổn vững do điều kiện địa lý đặc biệt. Phần đất lâu đời của chúng ta, miền Bắc, được vách núi dầy dặc về phía Bắc và phía Tây bao che trong khi phía Đông tựa lưng ra biển cả. Nhờ tình trạng biệt lập đó mà biên giới cũng như cấu tạo nhân văn của ta đã không thay đổi bao nhiêu trong nhiều thế kỷ. Do đó mà ý thức cộng đồng và sự quyến luyến với quê cha đất tổ rất cao và đã có thể làm nền tảng cho một ý thức quốc gia và dân tộc rất mạnh. Nhưng do sự thiếu hụt tư tưởng chính trị, chúng ta đã chỉ biết đến ý niệm quốc gia, như là một thực thể của chung mọi người dân, một cách muộn màng. Chúng ta chỉ biết đến ý niệm quốc gia vào lúc đang bị ngoại bang thống trị. Từ đó đến nay chúng ta liên tiếp chịu đựng những cuộc chiến -phần lớn là nội chiến- và những chế độ độc tài. Chúng ta chưa bao giờ có dân chủ, yếu tố nền tảng của quốc gia và dân tộc, do đó chúng ta chưa xây dựng được một quốc gia đúng nghĩa và cũng chưa vận dụng được sức mạnh thực sự của một dân tộc.

Nếu các nhà nước - quốc gia đã là nguyên nhân tạo ra sức mạnh và sự phồn vinh của các nước Âu Mỹ thì sự thiếu vắng của chúng cũng giải thích sự thua kém và những đau khổ của nhiều nước trong đó có chúng ta.

Các nhà nước - quốc gia mạnh và có ích lợi lớn vì chúng đã được quan niệm một cách đúng đắn. Quốc gia là của mọi người và ở trên tất cả. Nhà nước, hay chính quyền, chỉ có sứ mệnh phục vụ quốc gia, do đó phải ở trong và ở dưới quốc gia. Nhà nước không phải là cứu cánh mà chỉ là công cụ và vì thế chỉ cần được tạo dựng và duy trì ở mức độ thực sự cần thiết. Quốc gia mới là cứu cánh, mà quốc gia trước hết là tập thể những người công dân tự do và bình đẳng.

Nhà nước không có quyền lợi của riêng mình mà chỉ biết quyền lợi của quốc gia, trong khi quyền lợi của quốc gia do toàn dân qui định sau một đúc kết đứng đắn của những ý kiến cá nhân được bày tỏ một cách tự do. Về cơ bản nhà nước - quốc gia là dụng cụ để thực hiện đồng thuận xây dựng tương lai chung của những con người tự do. Chính vì thế mà nhà nước ấy một mặt động viên được sự đóng góp của mọi người và, mặt khác, bảo đảm để mọi người phát huy tối đa khả năng của mình và đóng góp tối đa vào phúc lợi chung.

Chúng ta, cũng như nhiều dân tộc không may khác, đã thua kém bởi vì chúng ta không có được những nhà nước như thế. Ngược lại, cho đến nay chúng ta đã chỉ có những nhà nước của riêng một tập đoàn cầm quyền thay vì của mọi người. Những nhà nước đó có quyền lợi của riêng mình và chỉ biết quyền lợi của riêng mình cho nên chỉ có ưu tư giữ lấy quyền lực của mình bằng mọi giá ngay cả nếu phải gây những thiệt thòi lớn cho dân tộc. Đó là những nhà nước khống chế thay vì phục vụ quốc gia, những nhà nước coi dân chúng là đối tượng để kiểm soát và sử dụng thay vì là những đối tượng để bảo vệ và phục vụ.

Chúng ta hiện đang đứng trước tình trạng đặc biệt nghiêm trọng bởi vì chúng ta chưa xây dựng xong một quốc gia đúng nghĩa trong khi ý niệm quốc gia đang bị xét lại và vượt qua. Như thế chúng ta vừa phải nhanh chóng xây dựng một quốc gia đúng nghĩa lại vừa phải đúng hẹn với tương lai, nghĩa là xây dựng kịp thời quốc gia Việt Nam theo nghĩa mà nó sẽ phải có.

Do sự bùng nổ của các phương tiện giao thông và truyền thông, đồng thời với những trao đổi dồn dập và sự bành trướng của những tư tưởng mới, các yếu tố cấu tạo truyền thống của tinh thần quốc gia dân tộc đã thay đổi trọng lượng tương đối.

Cảm giác yên tâm trong sự gần gũi, sự lo sợ cái lạ và người lạ, liên hệ huyết thống, sự ràng buộc với lịch sử và văn hóa cổ truyền, sự quyến luyến với mảnh đất quen thuộc, sự thoải mái trong việc giao tiếp với những người cùng một tập quán và nếp sống, v.v... tất cả đều trở thành không quan trọng và ngày càng không quan trọng trong một thế giới cho phép sự trao đổi trực tiếp và tức khắc, kể cả làm việc chung, giữa những con người ở hai đầu trái đất và trong đó con người di chuyển và tiếp xúc thường xuyên, thu nhận hàng ngày đủ loại thông tin, hình ảnh và ý kiến. Quả đất đã là quê hương bé nhỏ chung của cả loài người và hạnh phúc cá nhân đã trở thành giá trị cao nhất. Những tình cảm truyền thống đã đóng góp tạo ra tinh thần quốc gia dân tộc ngày càng bộc lộ tính thủ cựu và hạn hẹp của chúng.

Mặt khác vai trò và chỗ đứng của quốc gia cũng bị công phá từ mọi phía. Từ bên ngoài, với những kết hợp khu vực tạo ra một không gian hoạt động lớn hơn, từ bên trong do những đòi hỏi của các cá nhân và các cộng đồng sắc tộc, và từ cả trong lẫn ngoài do sự bành trướng nhanh chóng của các công ty đa quốc mà vai trò và trọng lượng ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, những lý do ràng buộc con người với đất nước dĩ nhiên phải thay đổi và trên thực tế đã thay đổi. Con người chỉ còn ràng buộc với đất nước vì ít nhất một trong ba lý do : vì đất nước bảo đảm cho mình những che chở và quyền lợi đặc biệt, vì đất nước đem lại cho mình một nguồn hãnh diện hay, một cách giản dị, vì đất nước là của mình.

Trong các yếu tố cấu tạo ra quốc gia, lãnh thổ không còn giá trị tuyệt đối, con người có thể yêu nước và đóng góp cho đất nước dù sống ở bất cứ nơi nào. Di sản lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ cũng đã giảm tầm quan trọng. Chính quyền cũng không quan trọng. Quan niệm một tổ quốc thiêng liêng mà mọi người phải phục tùng, tôn kính và phục vụ một cách không điều kiện lại càng lỗi thời. Còn lại những con người và dự án tương lai chung, hai yếu tố cấu tạo của quốc gia mà tầm quan trọng ngày càng tăng lên.

Như thế, một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu được quan niệm không phải như một chủng tộc hay một quá khứ mà như một không gian liên đới giữa những con người hiểu nhau, quí trọng nhau và hợp tác với nhau để xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Quốc gia như thế chủ yếu là xã hội dân sự với ký ức của nó, với những vấn đề phải giải quyết của nó và với những dự định tương lai của nó. Nhà nước ở trong và ở dưới quốc gia với sứ mạng phục vụ quốc gia cho nên nhà nước có vai trò phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự.

Một đất nước được hiểu như thế vẫn còn khả năng để ràng buộc người Việt Nam với nhau và vẫn rất cần thiết cho mọi người, đồng thời cũng là môi trường thuận lợi cho những hợp tác. Đất nước ấy sẽ có lợi cho mọi người bởi vì đó sẽ là môi trường phát triển tự nhiên cho mỗi người. Đất nước ấy sẽ là nguồn yểm trợ để mọi người chúng ta xây dựng đời mình đồng thời cùng nhau xây dựng một niềm tự hào chung và gia tăng phúc lợi chung. Đất nước ấy cũng sẽ là một chỗ dựa tình cảm cho mỗi người để hạnh phúc được toàn vẹn. Đất nước ấy phải là của mọi người chứ không phải là của riêng của một thế lực hay đảng phái nào.

Đó là quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về đất nước Việt Nam. Niềm tin của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là chỉ có một quan niệm về quốc gia như vậy mới có thể đem lại cho mọi người Việt Nam lý do để yêu nước và chung sức dựng nước, nghĩa là mới cho phép Việt Nam tồn tại và vươn lên.

2. Dân chủ đa nguyên

Để thoát khỏi bế tắc hiện nay và hội nhập vào thế giới tiến bộ, để có thể động viên một cách hữu hiệu mọi sinh lực quốc gia vào cố gắng vươn lên mưu tìm một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam không có chọn lựa chính trị nào khác hơn là một thể chế dân chủ đa nguyên.
Dân chủ đa nguyên không những là chọn lựa hiển nhiên cho Việt Nam mà còn là hướng đi tất yếu của loài người tiến bộ.

Cuộc tranh cãi gay go nhất trong thế kỷ hai mươi đã là cuộc tranh cãi về dân chủ. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đã thiệt mạng vì những xung đột gây ra bởi cuộc tranh cãi này. Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để người dân quyết định vận mệnh đất nước, và nhiều công thức đã được đề ra và thử nghiệm.

Cuộc tranh cãi này hiện nay đã chấm dứt. Chủ nghĩa Mác-Lênin và mô hình "dân chủ xã hội chủ nghĩa" mà nó đề xướng đã hoàn toàn sụp đổ. Các chế độ cộng sản còn lại chỉ còn là những chế độ độc tài bạo ngược thuần túy. Mô hình dân chủ đặt nền tảng trên tự do cá nhân đã thắng về mặt lý thuyết và cũng đã thắng trên thực tế. Số lượng các nước dân chủ đã áp đảo và đang gia tăng nhanh chóng.

Nhiều người nói nền dân chủ kiểu phương Tây, mà hầu hết các dân tộc trên thế giới đã chấp nhận là đúng, tự nhiên đã có đa nguyên. Điều này có phần đúng, nhưng cụm từ "dân chủ đa nguyên" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nó, nhất là đối với người Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Nó nói lên một tinh thần, một thái độ và một lý tưởng. Tinh thần đó là tinh thần bao dung và khoan nhượng, tôn trọng mọi người và mọi ý kiến. Thái độ đó là thái độ bác bỏ thẳng thắn mọi hình thức độc tài chuyên chính, kể cả, và nhất là, thứ "dân chủ" bịp bợm mệnh danh là "dân chủ tập trung" hay "dân chủ xã hội chủ nghĩa" dành địa vị độc tôn cho một chủ nghĩa và một tập đoàn lãnh đạo. Lý tưởng đó là lý tưởng xây dựng đất nước Việt Nam có chỗ đứng xứng đáng và ngang nhau cho tất cả mọi người.

Đa đảng chưa phải là đa nguyên nếu mọi khuynh hướng không được nhìn nhận một chỗ đứng ngang nhau. Trong những ngày độc đoán và giáo điều nhất của nó, chế độ cộng sản Việt Nam có lúc cũng đã có ba hoặc bốn đảng, nhưng không phải vì thế mà nó đã có đa nguyên. Đa đảng chỉ là yếu tố cần, nhưng chưa đủ, của đa nguyên. Đa nguyên là một tinh thần, trong khi đa đảng chỉ là một con số.

Trong cuộc tranh hùng với phong trào cộng sản, các nước phương Tây đã lấy một quyết định vô cùng táo bạo là thay vì co cụm lại trong một kỷ luật tự vệ xơ cứng lại phát triển tối đa nền dân chủ của họ, mà nét đậm nhất là sự tôn trọng mọi khác biệt trong xã hội, và họ dần dần tiến tới dân chủ đa nguyên. Tuy vậy nhiều thể chế tư bản phương Tây chưa phải là những nền dân chủ đa nguyên đúng nghĩa. Các nước phương Tây ở vào những mức độ đa nguyên khác nhau.

Dân chủ đa nguyên là sự hội nhập và ứng dụng triết lý đa nguyên vào đời sống chính trị. Căn bản của triết lý đa nguyên là tinh thần bao dung, là sự nhìn nhận và tôn trọng mọi khác biệt trong xã hội. Dĩ nhiên tính đa nguyên có trong mọi xã hội và nếu muốn ngụy biện thì xã hội nào cũng đa nguyên cả, nhưng điều độc đáo là triết lý đa nguyên thay vì coi sự hiện diện của những thành tố khác biệt như một thực tại phải nhìn nhận và khắc phục, lại coi như một lẽ tự nhiên, một sự phong phú cần được khuyến khích và khai thác. Đó là một phong cách sinh hoạt chính trị. Dân chủ đa nguyên là dân chủ nhưng không phải dân chủ nào cũng là dân chủ đa nguyên.

Dân chủ đa nguyên là một hệ thống chính trị mới với những đặc tính bắt buộc của nó. Ta có thể nhấn mạnh năm đặc tính:

Một là: dân chủ đa nguyên nhìn nhận và tôn trọng chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người thuộc mọi thành phần xã hội, mọi sắc tộc, mọi tín ngưỡng và mọi khuynh hướng chính trị. Dân chủ đa nguyên lên án mọi phân biệt đối xử, nó chống đối quyết liệt chế độ độc đảng. Một cách cụ thể bản hiến pháp của một thể chế dân chủ đa nguyên không thể chứa đựng bất cứ một qui chiếu nào về một chính đảng, một chủ nghĩa hay một tôn giáo.

Hai là: ngoài nguyên tắc phân quyền phải có trong mọi nền dân chủ xứng đáng với tên gọi của nó, dân chủ đa nguyên đòi hỏi tản quyền để tôn trọng sự khác biệt giữa các địa phương. Một chính quyền dù xuất phát từ bầu cử tự do đi nữa cũng không phải là dân chủ đa nguyên nếu phần lớn quyền hành tập trung trong tay chính quyền trung ương. Trong một thể chế dân chủ đa nguyên các chính quyền địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, phải có những quyền luật định rộng rãi để tổ chức cuộc sống phù hợp với bối cảnh riêng của mỗi vùng. Mỗi vùng phải có diện tích và dân số ở mức độ thỏa đáng để có thể là những thực thể đủ tầm vóc để tự quản được và phát triển được. Như thế một số nguyên nhân xung đột sẽ tự nhiên được giải tỏa. Các sắc tộc ít người sẽ có được tiếng nói đáng kể tại các địa phương mà họ tập trung đông đảo. Các chính đảng không có được đa số trong các cuộc bầu cử toàn quốc vẫn có thể nắm được chính quyền tại những địa phương nơi họ được tín nhiệm. Dân chủ đa nguyên làm nhẹ đi mối căng thẳng chính quyền - đối lập, ở cấp trung ương cũng như cấp địa phương, và xóa bỏ mối xung khắc "được làm vua thua làm giặc". Tản quyền đưa tới hệ luận là chính quyền trung ương không cai trị trực tiếp mà chỉ đảm nhiệm các sứ mạng quốc phòng, ngoại giao, tiền tệ và điều hợp các địa phương. Một vai trò khác của chính quyền trung ương là thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng trên qui mô cả nước và trợ giúp các chương trình địa phương đáng khuyến khích.

Ba là: dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Bên cạnh các chính đảng, các cộng đồng sắc tộc, địa phương và tôn giáo, các hiệp hội công dân tổ chức theo ngành nghề, quyền lợi, nhân sinh quan, sở nguyện, ưu tư, v.v... được hoạt động độc lập với chính quyền, được nhìn nhận một chỗ đứng trọng yếu, được có tiếng nói và ảnh hưởng trong sinh hoạt cũng như trong sự tiến hóa của xã hội. Nhà nước tự coi mình là có sứ mạng phục vụ xã hội dân sự chứ không khống chế xã hội dân sự, không định đoạt sinh hoạt thường ngày thay cho xã hội dân sự. Về mặt kinh tế, điều này có nghĩa là nền kinh tế quốc gia phải đặt nền tảng trên các xí nghiệp tư, khu vực quốc doanh phải được giới hạn ở mức tối thiểu và nếu không có thì càng hay. Một xã hội dân sự mạnh và đa dạng là bảo đảm nhất chắc chắn cho sự chuyển hóa thường trực, tự nhiên và liên tục của xã hội, tránh những xáo trộn đột ngột và đầy đổ vỡ của các cuộc cách mạng.

Bốn là: dân chủ đa nguyên kính trọng các thiểu số và luôn luôn mưu tìm thỏa hiệp. Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số không được sử dụng một cách tự động và máy móc mà chỉ được dùng tới sau khi đã tận dụng mọi cố gắng để tìm đồng thuận. Dân chủ đa nguyên chống lại mọi hình thức chuyên chính, kể cả chuyên chính của đa số. Bình thường trong một thể chế dân chủ sự chính đáng của một chính quyền dựa trên kết quả của cuộc bầu cử cuối cùng, nhưng trong dân chủ đa nguyên sự chính đáng của một chính quyền còn nằm cả trong sự thành khẩn tìm đồng thuận trong mọi quyết định quan trọng.

Năm là: dân chủ đa nguyên trong bản chất của nó tôn trọng mọi thành phần dân tộc, không chấp nhận hy sinh một thành phần nào và không thể cho phép một thành phần này bóc lột và chà đạp một thành phần khác. Vì thế dân chủ đa nguyên coi rất trọng liên đới xã hội và không thể đi đôi với cái thường được gọi là "tư bản rừng rú". Liên đới xã hội cũng là điều kiện phải có để nuôi dưỡng và tăng cường tinh thần quốc gia bởi vì giữa những người có mức sống, nếp sống, quan tâm và địa vị xã hội quá khác biệt tình đồng bào cùng lắm chỉ là lý thuyết.

Công bằng xã hội tuyệt đối hiểu theo nghĩa xóa bỏ mọi chênh lệnh, cào bằng, chia đều là điều không thể có và cũng không nên có. Điều có thể có và phải có là một chính sách liên đới xã hội bảo đảm cho mọi người sự bình đẳng trước pháp luật và khả năng thành công đồng đều, đồng thời nâng đỡ những người yếu kém hoặc thiếu may mắn.

Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nhà nước không còn là người chỉ huy tuyệt đối. Vai trò của nhà nước là đảm nhiệm ba chức năng : trọng tài trong các quan hệ giữa các thành tố của xã hội, chế tài những vi phạm, và hòa giải những đòi hỏi mâu thuẫn của các thành phần dân tộc. Nhà nước hòa giải thay vì nhà nước chỉ huy là nét đậm của dân chủ đa nguyên. Nó phân biệt hẳn dân chủ đa nguyên với các chế độ chuyên chính, nhưng nó cũng khiến dân chủ đa nguyên khác với nhiều chế độ dân chủ trong đó chính quyền vẫn còn tham vọng định đoạt thay cho xã hội dân sự.

Với sự tôn trọng mọi khác biệt, với vai trò nền tảng của xã hội dân sự gồm vô số các cộng đồng, hiệp hội công dân và các xí nghiệp, với tổ chức chính trị tản quyền, xã hội đa nguyên là sự kết hợp vô cùng phức tạp của vô số liên hệ đan xen. Một xã hội phức tạp như vậy chỉ có thể tồn tại được với những luật lệ rõ ràng, minh bạch và được áp dụng triệt để. Nhà nước trong một thể chế dân chủ đa nguyên chỉ có thể là một nhà nước pháp trị. Nhà nước văn minh nào cũng phải là một nhà nước pháp trị nhưng nhà nước dân chủ đa nguyên phải là một nhà nước pháp trị toàn vẹn. Và muốn pháp luật được tuyệt đối tôn trọng thì nó phải đúng, nghĩa là được lập ra bởi những đại diện thực sự do dân bầu ra và chỉ nhắm phục vụ quyền lợi chung; cứu cánh của nó là qui định sự thể hiện các quyền tự do cá nhân trong sinh hoạt xã hội.

Nhìn vào thực trạng Việt Nam, nếu có một điều mà chúng ta có thể quả quyết thì đó là với tình trạng hận thù chồng chất, khủng hoảng niềm tin và thiếu đồng nhất về lập trường hiện nay không thể áp đặt một lực lượng nào hay một đường lối nào mà không gặp sự chống đối mạnh mẽ. Thể chế Việt Nam tương lai phải là một thể chế tôn trọng mọi khác biệt, dành chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người. Thể chế này do đó bắt buộc phải là một thể chế dân chủ đa nguyên.

Không thể viện cớ dân ta chưa đủ kinh nghiệm dân chủ, tinh thần kỷ luật còn chưa cao, lòng người còn phân tán, v.v... để cho rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm đối với Việt Nam. Như vậy phải chăng chúng ta đành phải tạm thời chấp nhận một phân lượng độc tài nào đó? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta chỉ cần so sánh những thành tựu của các nước dân chủ với thành tích tồi tệ của các chế độ cộng sản, nhìn vào những gì mà các chế độ độc tài cánh hữu đã từng đem lại cho các nước Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.

Nhưng ngược lại cũng không nên ngộ nhận về bản chất của dân chủ. Dân chủ không giải quyết tức khắc và toàn bộ vấn đề phát triển. Thành công của mọi chế độ đòi hỏi những chọn lựa đúng đắn và những con người có khả năng. Dân chủ không đem cơm áo và sự phồn vinh để phát không. Dân chủ không thay thế cho những chọn lựa và những con người. Nhưng dân chủ là một phong cách sinh hoạt cho phép đặt các vấn đề một cách đúng đắn và chọn lựa một cách đúng đắn những người có trách nhiệm. Dân chủ, và nhất là dân chủ đa nguyên, cũng là một phương thức tổ chức xã hội cho phép phát huy triệt để ý kiến và sáng kiến, động lực cơ bản nhất của tiến bộ. Vì thế mức độ dân chủ quyết định một giới hạn trên cho phát triển. Dân chủ càng cao, khả năng phát triển càng cao.

Ngược lại, các chế độ độc tài cấm cản ý kiến và sáng kiến, ngăn chặn tiến hóa hòa bình và liên tục của xã hội, dung túng tham nhũng, bất công và lạm quyền, và do đó ngăn cản phát triển. Chúng ta cần cảnh giác là không thể có những chế độ độc tài sáng suốt bởi vì nền tảng của mọi chế độ độc tài là sự kiêu căng bệnh hoạn của một người hay một nhóm người tự nghĩ rằng họ đủ thông minh để suy nghĩ thay cho cả một dân tộc. Họ quá ngu dốt để hoặc không nhìn thấy sự phức tạp của các vấn đề hoặc không nhìn thấy sự ngu dốt của chính mình. Người độc tài trước hết là một kẻ u mê. Vả lại, nếu quan sát, ta có thể thấy hầu hết các tập đoàn độc tài đều thiếu văn hóa.

Dĩ nhiên dân chủ đa nguyên không thể đem lại tất cả mọi phúc lợi của nó trong những điều kiện dân trí, xã hội và kinh tế chưa tốt đẹp, nhưng ngay cả trong trường hợp này dân chủ đa nguyên vẫn còn hơn xa độc tài.

Chúng ta khẳng định: dân chủ đa nguyên thực sự và ngay tức khắc.

Để có dân chủ đa nguyên thực sự, điều chúng ta phải làm trước hết là xóa bỏ những hận thù do một quá khứ đẫm máu để lại và được một chính sách phân biệt đối xử nuôi dưỡng suốt thời gian qua. Hòa giải dân tộc là một bắt buộc của hoàn cảnh lịch sử. Có như thế chúng ta mới có thể chấp nhận nhau, nhận lỗi với nhau và tha lỗi cho nhau, để chung sống với nhau và bắt tay nhau xây dựng một tương lai chung. Còn nếu không đa nguyên cùng lắm chỉ có nghĩa là tạm thời chịu đựng lẫn nhau do một so sánh lực lượng chưa ngã ngũ. Đa nguyên mà không có hòa giải dân tộc như vậy chỉ là đa nguyên bệnh hoạn, chỉ chuẩn bị cho một sự thanh toán lẫn nhau. Ngược lại dân chủ đa nguyên cũng là điều kiện cần để có thể có hòa giải dân tộc thực sự. Hòa giải mà không có đa nguyên chính trị cũng chỉ là hòa giải bịp bợm, hòa giải trong sự khuất phục của kẻ bị trị trước kẻ thống trị, nghĩa là một hòa giải không thể có.

Đất nước ta không phải chỉ có những hận thù do chiến tranh để lại. Chúng ta còn có vô số nguyên nhân chia rẽ mà chúng ta đã không giải quyết được vì ta đã không ý thức được tầm quan trọng của các vấn đề đặt ra, hay vì hoàn cảnh chiến tranh đã không cho phép ta giải quyết. Những cách biệt về tôn giáo, địa phương, sắc tộc, giàu nghèo, nhân sinh quan, chính kiến, v.v. không thiếu, và vì không được giải quyết nên càng ngày càng trở nên trầm trọng. Dân chủ đa nguyên, do tinh thần bao dung và mô thức tản quyền của nó là giải pháp giúp mọi thành phần dân tộc đều có chỗ đứng và tiếng nói, và do đó có thể chấp nhận lẫn nhau, sáp lại gần nhau, hòa hợp với nhau để cùng xây dựng một tương lai Việt Nam chung.

Không ai phủ nhận rằng đa nguyên là một lý tưởng đẹp, đẹp đến nỗi các chế độ độc tài, dù bị khốn đốn vì nó, cũng không dám phủ nhận nó một cách dứt khoát.

Dân chủ đa nguyên đang trở thành đồng thuận căn bản của dân tộc ta trong cuộc hành trình về tương lai. Đó cũng là hướng đi tất yếu của loài người. Những người tranh đấu cho dân chủ đa nguyên có quyền tự hào vì mình đang theo đuổi một lý tưởng đẹp và cũng có quyền lạc quan vì mình đang tranh đấu cho một lập trường nhất định sẽ thắng lợi.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/792546144088829/
[dact-2015-ethongluan-nen-tang-tu-tuong]. rev
Ngày đăng 20/01/2015
______________________________
— Khai sáng Kỷ nguyên thứ 2 - Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên, năm 2015./ >Download pdf (77 trang)
Chương 1: “Nhiệm vụ lịch sử” - DACT 2015 của ethongluan
Chương 2: "Làn sóng dân chủ thứ tư" - DACT 2015 - ethongluan
Chương 4: “Nền tảng tư tưởng” - DACT 2015 của ethongluan
Chương 3: “Khúc quanh lịch sử” - DACT 2015 của ethongluan
Chương 5: “Định hướng lớn" - DACT 2015 của ethongluan
Chương 5: “Định hướng lớn" (tiếp) - DACT 2015 của ethongluan
Chương 6: “Thể chế và Hiến Pháp" - DACT 2015 của ethongluan
Chương 7: “Đấu tranh dân chủ" - DACT 2015 của ethongluan
Chương 7: “Đấu tranh dân chủ" (tiếp) - DACT 2015
Chương 8: “Chuyển tiếp dân chủ" - DACT 2015 của ethongluan
Chương 9: “Giấc mơ Việt Nam" - DACT 2015 của ethongluan

Đăng nhận xét