Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Nợ Công Việt Nam - Tầm Nhìn Tương Lai

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015 | 00:48

(Hoàng My)
1. Khái quát về nợ công:

Nợ công xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của chính phủ; khi chi tiêu của chính phủ lớn hơn số thuế, phí, lệ phí thu được, Nhà nước phải đi vay (trong hoặc ngoài nước) để trang trải thâm hụt ngân sách. Các khoản vay này sẽ phải hoàn trả gốc và lãi khi đến hạn, Nhà nước sẽ phải thu thuế tăng lên để bù đắp. Vì vậy, xét cho cùng nợ công chỉ là sự lựa chọn thời gian đánh thuế. Vay nợ thực chất là cách đánh thuế dần dần, được hầu hết chính phủ các nước sử dụng để tài trợ cho các hoạt động chi ngân sách. Nợ chính phủ thể hiện sự chuyển giao của cải từ thế hệ sau (thế hệ phải trả thuế cao) cho thế hệ hiện tại (thế hệ được giảm thuế). Theo khía cạnh này có hai quan điểm cơ bản về nợ công.

Theo quan điểm truyền thống về nợ công, đại diện là Keynes, cho rằng, việc vay nợ của chính phủ làm giảm tiết kiệm của quốc gia và mức tích lũy vốn, vì số thuế cắt giảm được bù đắp bằng cách vay nợ nên khuyến khích thế hệ hiện tại tiêu dùng nhiều hơn, số người thất nghiệp giảm đi mặc dù lạm phát có thể cao hơn. Tuy nhiên, vay nợ để lại gánh nặng nợ cho thế hệ tương lai.

Trái ngược với quan điểm trên, những người theo quan điểm kinh tế học vĩ mô cổ điển (hình thành từ thập niên 1970), đứng đầu là Ricardo-Barro cho rằng, biện pháp cắt giảm thuế được bù đắp bằng nợ chính phủ không kích thích chi tiêu trong ngắn hạn, vì không làm tăng thu nhập thường xuyên của các cá nhân mà chỉ làm dịch chuyển thuế từ hiện tại sang tương lai. Việc cắt giảm thuế và vay nợ sẽ không gây ra những tác động thực sự đối với nền kinh tế. Việc chấp nhận thâm hụt giảm thu trong thời kỳ suy thoái, tăng thu trong giai đoạn hưng thịnh và vay nợ cũng là cách “lưu thông thuế” để giảm thiểu những tác động tiêu cực của thuế đối với chu trình kinh doanh.

2. Cách tính nợ:

- Nợ chính phủ là một phần thuộc Nợ công hoặc Nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay.

Việc đi vay này là nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách nên nói cách khác, nợ chính phủ là thâm hụt ngân sách luỹ kế đến một thời điểm nào đó. Để dễ hình dung quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

- Nợ chính phủ thường được phân loại như sau:
Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước).
Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).

3. Các hình thức vay nợ của chính phủ:

- Phát hành trái phiếu chính phủ: Chính phủ có thể phát hành Trái phiếu chính phủ để vay từ các tổ chức, cá nhân. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì Chính phủ có thể tăng thuế thậm chí in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh có cầu lớn) có rủi ro tín dụng cao hơn so với khi phát hành bằng nội tệ vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán và ngoài ra còn có rủi ro về tỷ giá hối đoái.

- Vay trực tiếp: Chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các thể chế siêu quốc gia (ví dụ: Quỹ Tiền tệ Quốc tế)... Hình thức này thường được Chính phủ của các nước có độ tin cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ của họ không cao.

4. Các vấn đề gặp phải khi tính toán nợ chính phủ:

- Lạm phát: Chỉ tiêu thâm hụt ngân sách khi tính toán thường không điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát vì trong tính toán chi tiêu của Chính phủ, người ta tính toán các khoản trả lãi vay theo lãi suất danh nghĩa trong khi đáng lẽ chỉ tiêu này chỉ nên tính theo lãi suất thực tế. Do lãi suất danh nghĩa bằng lãi suất thực tế cộng với tỷ lệ lạm phát, nên thâm hụt ngân sách đã bị phóng đại. Trong những thời kỳ lạm phát ở mức cao và nợ chính phủ lớn thì ảnh hưởng của yếu tố này rất lớn.

- Tài sản đầu tư: Nhiều nhà kinh tế cho rằng tính toán nợ chính phủ cần phải trừ đi tổng giá trị của tài sản chính phủ. Điều này cũng đơn giản như khi xử lý tài sản của cá nhân: khi một cá nhân vay tiền để mua nhà thì không thể tính anh ta đã thâm hụt ngân sách bằng số tiền đã vay mà phải trừ đi giá trị của căn nhà. Tuy nhiên khi tính toán theo phương pháp này lại gặp phải vấn đề những gì nên coi là tài sản của chính phủ và tính toán giá trị của chúng như thế nào, ví dụ: đường quốc lộ, kho vũ khí hay chi tiêu cho giáo dục ...

- Các khoản nợ tiềm tàng: Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng tính toán nợ chính phủ đã bỏ qua các khoản nợ tiềm tàng như tiền trợ cấp hưu trí, các khoản bảo hiểm xã hội mà chính phủ sẽ phải chi trả cho người lao động hay các khoản mà chính phủ sẽ phải chi trả khi đứng ra bảo đảm cho các khoản vay của người có thu nhập thấp mà trong tương lai họ không có khả năng thanh toán...

5. Tình trạng nợ công Việt Nam:

Theo luật Quản lý nợ công của Việt Nam năm 2009, nợ công bao gồm: Nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Theo báo cáo của Bộ tài chính, cơ cấu nợ công của Chính phủ tính đến ngày 31/12/2010 như sau: nợ chính phủ chiếm 80%, nợ được chính phủ bảo lãnh chiếm 19% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1%.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam năm 2007 chiếm khoảng 33,8% GDP, năm 2008 chiếm 36,2% GDP; năm 2009 chiếm 41,9% GDP, năm 2010 chiếm 52,6% GDP, năm 2011 chiếm 58,7% GDP.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công Việt Nam tăng từ 31,7% GDP năm 2001 lên 42,2% GDP năm 2005, đạt 52,6% GDP năm 2010. Trong 3 năm kế tiếp, từ 2010-2013, nợ công đi ngang, chỉ tăng tiếp lên 54,2%. Nhưng năm 2014, nợ công dự tính sẽ lại tăng vọt lên tới tận 60,3% GDP.

6. Cách tính nợ công VN gặp nhiều vấn đề thiếu chính xác:

Nhận định về cách đánh giá nợ công gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:

“Hiện nay về cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh nhau, không khớp với nhau. Điều đó có nghĩa nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc nhà nước được nhà nước không tính vào đó. Trước quốc tế thực chất hiện nay với khối nợ của doanh nghiệp nhà nước cực kỳ lớn thì trong tình hình như vậy mức nợ công không phải là dưới 65%. Thực tế các chuyên gia, các nhà khoa học không phải tổ chức nước ngoài người ta tính toán nợ công trên 100% tức là trên mức báo động rất nhiều. Với tỷ lệ nợ công so với GDP như vậy đồng thời với những khó khăn thách thức cũng như xu hướng nợ công tăng, khả năng chi trả và việc sử dụng không hiệu quả thì đây là tình trạng đáng báo động. Chính vì vậy cho nên vấn đề này đang được đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp này.”

Như vậy để tính chính xác cần bổ sung 4 khoản nợ nữa vào nợ công của Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là cần tính cả khoản nợ bất khả kháng mà Ngân sách Nhà nước phải chi trả. Đó là các khoản nợ trong chi phí tái cơ cấu DNNN, ngân hàng, chi phí xử lý nợ xấu, nợ đọng bảo hiểm, thậm chí, kể cả khoản lỗ do tăng/giảm giá ngoại tệ. Dù không được xác định theo Luật Quản lý nợ công nhưng trên thực tế, trách nhiệm chi trả cuối cùng lại thuộc về Chính phủ.

Đề án về vấn đề trần nợ công, do Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ KH-ĐT công bố ngày 13/11/2014, cách tính theo Luật Quản lý nợ công với phạm vi hẹp hơn nhiều so với các tổ chức quốc tế tính.

Nếu theo cách tính đề xuất của Học viện, con số nợ công năm 2013 sẽ ở mức 61,28% GDP, cao hơn 7,08% điểm phần trăm, tương ứng phải tăng thêm 256 nghìn tỷ đồng so với con số chính thức.

Nếu tính thêm 5 khoản nợ phải trả của Ngân sách Trung ương và địa phương, tổng số nợ công sẽ tăng lên từ 1.942 nghìn tỷ đồng thành 2.107 nghìn tỷ đồng, chiếm 58,75% GDP.

Nếu tính thêm các khoản nợ của Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội thì con số mới sẽ là 2.148 nghìn tỷ đồng, bằng 59,9% GDP.

Tiếp tục, khi nợ công tính thêm chi phí dự phòng bất khả kháng nữa. Năm 2013, Việt Nam sẽ có con số mới nhất là nợ 2.198 tỷ đồng, tức bằng 61,28% GDP. Dự báo năm 2014, cách tính mới sẽ cho con số nợ công Việt Nam có tỷ lệ là 65,2% GDP.

7. Đánh giá khả năng trả nợ:

- Tình hình kinh tế:

Thời kỳ 2011-2013, Trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước 39,3%; của khu vực ngoài Nhà nước 38,1%; của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 22,6%.

Khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 39,3% tỷ trọng vốn đầu tư, khu vực này sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các chính sách ưu đãi và sử dụng vốn vay nhà nước nhiều nhất, tuy nhiên mang lại hiệu quả thấp nhất. Nhưng khi DNNN thua lỗ, mất khả năng trả nợ, thì lại không thể phá sản, mà chính phủ thực hiện chuyển nợ (như Vinashin chuyển qua cho Dầu khí, Vinaline…), giãn nợ. Mà tiền sử dụng cho các tập đoàn khác hay trả nợ thì cũng là từ ngân sách nhà nước, tức tiền của nhân dân. Theo thống kê, ngay từ năm 2009, con số nợ của DNNN hiện lên đến 54,2% GDP. Đến năm nay thì các cơ quan chưa có số liệu, cộng gộp các khoản thì đã vượt ngưỡng an toàn rất xa.

Tỉ trọng đầu tư khu vực kinh tế nhà nước gia tăng liên tiếp trong 3 năm từ năm 2011 đến 2013 được coi là nguồn vốn bù đắp cho sự suy giảm của đầu tư tư nhân, nhưng trong khi khu vực tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn thì việc gia tăng nhanh chi tiêu công và đầu tư công đi kèm với việc nới lỏng hơn về tài khóa càng làm cho nguồn vốn mà khu vực tư nhân có thể tiếp cận trở nên hạn hẹp hơn. Đối với khu vực FDI, mặc dù chỉ chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng tối độ tăng trưởng của khu vực này lại cao nhất. Nguyên nhân tăng nhanh chóng khu vực FDI vì khu vực này không bị ảnh hưởng lớn bởi thể chế nhà nước, Sự suy giảm cầu trong nước không tác động mạnh đến khu vực này bởi các doanh nghiệp FDI vẫn hướng đến thị trường nước ngoài.

DNNN xuất khẩu phần lớn là khai thác tài nguyên thô và lao động giá rẻ, chưa có chiến lược và tầm nhìn phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm xuất khẩu của mình và nâng cao giá trị gia tăng.

DN ngoài NN nhập khẩu chủ yếu để sản xuất cho thị trường nội địa, năng lực cạnh tranh xuất khẩu còn hạn chế và đặc biệt là ít cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuối năm 2013, tổng doanh nghiệp thành lập mới 76.955 DN tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký giảm 14,7%. Số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm 2012.

Thống kê hai tháng đầu năm 2015, cả nước có tổng cộng 13.766 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 77.500 tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đã có 2.055 doanh nghiệp bị “xóa sổ” hoàn toàn khỏi nền kinh tế, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và 14.040 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 25%.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động đồng nghĩa với xã hội mất đi khối lượng sản phẩm vốn có, lao động mất việc làm gia tăng, nộp ngân sách giảm. Trong khi số doanh nghiệp mới thành lập hoặc bước đầu hoạt động nên khối lượng sản phẩm làm ra không nhiều, lao động có việc làm không đáng kể, nộp ngân sách chưa phát sinh, thực tế đó không thể bù trừ và được coi là nhân tố phát triển.

Việc chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng trong 2 năm 2012, 2013 (so với năm 2011) song lạm phát vẫn có xu hướng giảm thấp trong năm 2013 cho thấy tổng cầu nền kinh tế quá yếu và phản ứng yếu ớt đối với động thái nới lỏng chính sách, nguyên nhân chủ yếu là do chi tiêu tư nhân giảm sút mạnh trong khi cộng đồng doanh nghiệp không còn động lực đầu tư do thị trường đầu ra khá mờ mịt. Trong khi những nỗ lực tăng tổng cầu chưa mang lại kết quả như mong muốn thì tổng cung của nền kinh tế cũng chưa có dấu hiệu cải thiện bởi các chính sách trọng cung chưa được coi trọng hoặc không đạt hiệu quả (tái cơ cấu, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghệ … ). Do đó, cái giá của sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng được đã thể hiện rõ trong 2 năm 2012, 2013. Nền kinh tế kiểm soát được lạm phát ở mức thấp nhưng phải đánh đổi lớn bằng sự suy giảm tăng trưởng với khu vực doanh nghiệp dần mất động lực phát triển và bị thu hẹp nhanh chóng.

Vấn đề thu chi ngân sách, số liệu năm 2013, tổng thu ngân sách là 822 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ cổ tức và lợi nhuận của DNNN là 29,1 nghìn tỷ đồng. Ngân sách nhà nước chủ yếu dực vào các nguồn thu không bền vững. Các khoản thu không thường xuyên như thu từ dầu thô, giao quyền sử dụng đất, bán các tài sản sở hữu nhà nước, … Các nguồn thu khác giảm do chính sách thuế hội nhập kinh tế thế giới. Tỷ lệ thu ngân sách/ GDP giảm từ 26% GDP năm 2011 xuống 20,4% GDP năm 2013. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước là 1.017,5 nghìn tỷ đồng, trong đó chi chủ yếu: trả nợ cả gốc lẫn lãi, chi thường xuyên 68,23%, chi đầu tư 21,4%.

- Khả năng trả nợ, đảo nợ:

Năm 2014 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là 208.883 tỷ đồng (tương đương khoảng 10 tỷ đôla), phần cân đối ngân sách chỉ có 118.750 tỷ đồng, phải vay để trả nợ khoảng 90.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng dần trong các năm sau.

Cụ thể, phần phải trả nợ trong nước là 159.683 tỷ đồng (tương đương khoảng 7,6 tỷ đôla), trong đó, phần chi trả nợ trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước là 92.323 tỷ đồng và thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn.

Trả nợ nước ngoài là 49.200 tỷ đồng (khoảng 2.4 tỷ đôla), trong đó, nghĩa vụ trả nợ của các chương trình, dự án được cấp phát từ ngân sách nhà nước là 26.427 tỷ đồng và chi trả nợ của các khoản vay về cho vay lại là 22.773 tỷ đồng.

Hiện tại, nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam năm 2014 đã bằng 25% tổng thu ngân sách, vượt lằn ranh đỏ. Theo các nhà phân tích, dự báo đến 2015, tỉ lệ này sẽ lên 30%, tức tỉ lệ mất an toàn.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 của Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, chỉ số nợ công của Việt Nam có thể lên đến 95% GDP nếu tính thêm cả phần nợ bảo lãnh của doanh nghiệp nhà nước.

Từ thực tế này, đại diện ngành tài chính cũng đưa ra kế hoạch khá chi tiết cho chiến lược vay nợ của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2020. Cụ thể, với mức bội chi dự kiến 4-5% một năm, kế hoạch phát hành 145.000 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 2 năm tới, Chính phủ dự kiến sẽ phải bán thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trái phiếu mỗi năm cho giai đoạn 2017-2020.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục phải vay nước ngoài (chủ yếu là ODA, vay ưu đãi…) 5-6 tỷ USD một năm, trong đó số đi vay để cho doanh nghiệp vay lại 1,5-2 tỷ USD. Các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp đặc thù (dầu khí, điện, hàng không…) vay để làm các dự án trọng điểm cũng khoảng 3-4 tỷ USD mỗi năm, bảo lãnh cho các định chế tài chính đặc thù phát hành trái phiếu 60.000-70.000 tỷ một năm… sẽ cùng với khoản nợ của chính quyền địa phương (cao thêm 30.000-45.000 tỷ mỗi năm) tác động tới nợ công.

Như vậy, với tình hình phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay dự đoán 6,1% GDP năm 2015, nền kinh tế VN chịu biến động rất lớn bởi nền kinh tế thế giới. Chính phủ phải vay đảo nợ và số nợ ngày càng tăng, nguồn thu ngân sách có xu hướng giảm do khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém, nền kinh tế không kích thích doanh nghiệp tư nhân phát triển, các thỏa thuận gia nhập thương mại thế giới dần dần phải thực hiện việc giảm thuế …Tổng nợ công tính đến 31/10/2014 là hơn 85 tỷ USD trong đó chưa tính đến các khoản nợ do Chính phủ cho vay hoặc bảo lãnh vay cho DNNN, nợ trái phiếu chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản, tiền trợ cấp hưu trí, các khoản bảo hiểm xã hội phải trả trong tương lai … đủ để kết luận nền kinh tế Việt Nam đã MẤT KHẢ NĂNG TRẢ NỢ. Vấn đề công bố Vỡ nợ chỉ còn là thời điểm phù hợp do Chính phủ chọn.

8. Điều gì sẽ xảy ra khi vỡ nợ công?

Nếu quốc gia vỡ nợ, tình trạng kinh tế sẽ suy sụp như sau:

1. Thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và điểm tín dụng xuống cấp thê thảm. Khi đó, nhà đầu tư, ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ lỗ hàng loạt. Hàng triệu người phá sản sẽ xảy ra, nếu đủ mạnh có thể làm sập cả Hệ thống Ngân hàng do các ngân hàng quỵt nợ lẫn nhau và quỵt tiền dân chúng bỏ vào. Nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn.

2. Mọi cơ chế tài chánh sẽ phải đóng cửa. Tiền mất giá, lạm phát leo thang, trái phiếu và đồng nội tệ sẽ chỉ còn là mớ giấy lộn. Tiền gởi trong ngân hàng sẽ “bốc hơi” vì mất giá trị. Như vậy, cuộc sống của người dân sẽ phải chuyển qua trao đổi bằng các giá trị khác như tiền USD, vàng hay vật đổi vật, cho đến khi xác lập lại giá trị của đồng tiền chính phủ mới. Đối với những người không có tài sản sở hữu, chỉ đi làm thuê kiếm sống qua ngày thì họ sẽ không có bất cứ cái gì duy trì sự sống của mình và cần viện trợ. Tình trạng cướp bóc sẽ diễn ra, hỗn loạn về kinh tế sẽ dẫn đến hỗn loạn tất cả các mặt đời sống xã hội còn lại.

3. Mọi chương trình do chính phủ tài trợ đều ngưng hoạt động (y tế, cảnh sát, an ninh, quốc phòng, giáo dục, cầu, đường, năng lượng ..vv…). Quỹ hưu trí tan vỡ, nhà thương, trường học ngưng hoạt động. Nhưng cũng có thể quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí sẽ được sử dụng để bù đắp và cứu nền kinh tế trước khi vỡ nợ. Người dân bắt đầu cuộc sống khó khăn, và không được chăm sóc y tế, giáo dục.

4. Các thương vụ đóng cửa và nạn thất nghiệp tràn lan. Mọi mặt hàng khan hiếm kể cả nhu yếu phẩm. Giá cả tăng vọt. Đời sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn, bạo loạn sẽ gia tăng, đất nước rơi vào tình trạng vô chính phủ, tất cả các giải pháp cá nhân của mỗi người sẽ sử dụng tối đa để bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình, người thân.

5. Nội loạn sẽ xảy ra và không có người để duy trì trật tự công cộng. Nạn đói và cướp bóc sẽ xảy ra. Hiện tượng vô kỷ luật, vô trật tự, vô tổ chức sẽ hoành hành. Các lực lượng quân đội, công an vào cuộc chiến giành quyền lực kiểm soát đất nước thay vì nghĩa vụ đáng phải có là bảo vệ người dân.

6. Kẻ giàu có sẽ cuỗm tiền bạc quốc gia và trốn ra ngoại quốc. Với những người có quyền lực trong chính phủ sẽ cuỗm sạch số tiền còn lại của quốc gia, những đại gia muốn bảo toàn tài sản của mình cũng phải chuyển ra nước ngoài. Với những chính sách thu hút người có tiền nhập cư làm ăn kinh doanh của các nước phát triển, là một vùng đất hứa của những kẻ giàu có.

Đó là trong ngắn hạn. Còn dài hạn thì con cháu chúng ta sẽ phải trả nợ – có thể suốt đời, và nhiều thế hệ. Tiền trả các món nợ đó sẽ cướp đi cơ hội đầu tư để phát triển đất nước. Việt Nam tiếp tục đi giật lùi so với đà phát triển của thế giới, và có thể tiếp tục bị chi phối, khai thác, thao túng bởi những thành phần xấu trong cộng đồng dân tộc cũng như ngoại bang.

9. Bài học từ Hy Lạp

Nhìn vào cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, có thể thấy các vấn đề kinh tế hiện nay của Hy Lạp là kết quả của một tập hợp nhiều nhân tố trong và ngoài nước, mà ở đó có không ít điều Việt Nam phải nhìn nhận một cách thận trọng trở lại cho chính trường hợp của mình. Các vấn đề nổi bật làm tăng cuộc khủng hoảng nợ công như: chi tiêu chính phủ tăng cao trong khi nguồn thu lại không có nhiều, không ổn định và có xu hướng giảm do nền kinh tế yếu; cách tính nợ công, nợ nước ngoài và công tác thống kê của mỗi quốc gia khác nhau và Việt Nam cách tính khác với thế giới, tính minh bạch và niềm tin của các nhà đầu tư giảm sút do nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cạnh tranh không công bằng, pháp luật không rõ ràng.

Việc Hy Lạp gia nhập Eurozone năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế bởi việc sử dụng một đồng tiền được những nền kinh tế lớn như Đức và Pháp bảo đảm cùng với sự quản lý chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các quốc gia thành viên nói chung và Hy Lạp nói riêng nghiễm nhiên có được hình ảnh ổn định cao và chắc chắn trong mắt các nhà đầu tư. Dễ dàng thu hút vốn đầu tư nước ngoài với mức lãi suất thấp, trong gần một thập kỷ qua, chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ đôla. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến rất xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nhưng điều này không xảy ra, các đời chính phủ Hy Lạp đã chi tiêu quá tay (phần lớn cho cơ sở hạ tầng) mà hầu như không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ.

Cũng như ở Việt Nam, thời gian qua Chính phủ vay nợ nhiều từ Ngân hàng thế giới, ODA, … đáng lẽ những khoản này để đầu tư vào hạ tầng cơ sở thiết yếu nhất để phục vụ phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, chính phủ đã chi tiêu quá nhiều vào những dự án không đem lại hiệu quả kinh tế, nuôi một bộ máy công quyền tham nhũng nổi tiếng thế giới. Việc gia nhập ASEAN hay WTO không cải thiện mấy nền kinh tế, không đầu tư phát triển nhiều để tăng tính cạnh trạnh quốc tế.

Khi Hy Lạp vỡ nợ, Cộng đồng kinh tế khu vực đồng Euro đã tham gia giúp đỡ, hôm nay 16/2/2015, tại Bruxelles các Bộ trưởng Tài chính của khu vực đồng Euro bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về kế hoạch hỗ trợ tài chính mới giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, Khu vực Eurozone đã tăng sức ép Hy Lạp phải cải cách theo chính sách thắt lưng buộc bụng, mà điều này thì chính phủ Athènes hiện nay không chấp nhận. Nếu cuộc đàm phán hôm nay thất bại, thì khả năng Hy Lạp vỡ nợ trong thời gian tới là không thể tránh khỏi và hệ quả tiếp theo đó là Hy Lạp ra khỏi khu vực Eurozone, một kịch bản tai họa không bên nào cả Liên Hiệp Châu Âu cũng như Hy Lạp lại muốn xảy ra.

Đối với Việt Nam, khi các chủ nợ mất niềm tin vào chính phủ Việt Nam, ASEAN không có tha thiết hỗ trợ kinh tế, việc vay thêm để đảo nợ đã bước vào thời kỳ khó khăn. Khi Việt Nam vỡ nợ quốc gia, khu vực hay cộng đồng nào mong muốn giúp Việt Nam tránh khỏi sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế?

Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Trung Quốc có thể giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề nợ công. Với chính sách bá quyền TQ muốn thâu tóm toàn bộ khu vực biển đông, đây là cửa ngõ giao thông thương mại ra toàn thế giới. TQ đầu tư xây dựng các căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để kiểm soát toàn bộ các hoạt động trên biển đông. TQ đã và đang kiểm soát một phần nền chính trị VN với những chính sách VN phải chịu thiệt với TQ như nhập siêu hàng TQ, các dự án lớn đều rơi vào nhà thầu TQ, các vùng đất trọng yếu quân sự cho TQ thuê 50, 70, 100 năm. Khi TQ giúp đỡ VN thoát nợ, nền kinh tế VN hoàn toàn phụ thuộc TQ.

Sự lệ thuộc nền kinh tế VN vào TQ tạo cho nền kinh tế TQ có “sân sau” tiêu thụ hàng hóa của TQ ra khắp thế giới, tiết kiệm chi phí thấp, là nơi gia công và nuôi nền kinh tế TQ với mức bóc lọt triệt để. Nói như vậy, thì VN vỡ nợ công là điều kiện thuận lợi nhất cho TQ hoàn toàn thâu tóm VN.

10. Các giải pháp để tránh vỡ nợ công

Có rất nhiều giải pháp được đưa ra các kiến nghị Chính phủ phải có các chính sách sau:

- Cần thay đổi cách tính nợ công, trong đó tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh trong cơ cấu nợ công.

- Cần thay đổi cơ cấu nợ công theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước nhiều hơn nợ nước ngoài.

- Cần thực hiện kỷ luật tài khóa một cách rõ ràng và nghiêm ngặt để tránh tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên và luôn ở mức cao, gây ảnh hưởng bất lợi đến nợ công.

- Phải có những lĩnh vực ưu tiên rõ ràng trong chi tiêu sử dụng nợ công.

- Cẩn trọng hơn đối với quản lý rủi ro nợ công của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

- Cần xây dựng một cơ chế quản lý nợ công hiệu quả.

Tuy nhiên, những giải pháp này muốn thực hiện được chỉ có cách duy nhất là thay đổi thể chế quản lý kinh tế, thay đổi thể chể chính trị hay nói rõ ra là thay đổi chế độ chính trị.

Thay đổi chế độ chính trị, thúc đẩy kinh tế phát triển, bước ra khỏi vòng xoáy phụ thuộc TQ. Chính người dân Việt Nam tự vực dậy nền kinh tế bằng cách thay đổi thể chính trị dân chủ, thay đổi nền kinh tế thị trường, cạnh tranh công bằng dưới pháp luật, xây dựng nền kinh tế phát triển vững mạnh và dần trả nợ thế giới. Cùng với sự giúp đỡ của Mỹ, Châu Âu xem xét dãn thời gian trả nợ, hỗ trợ kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

Hoàng My
[no-cong-viet-nam-tam-nhin-tuong-lai].
https://www.facebook.com/notes
Ngày đăng 23/03/2015.
__________________________________

Tài liệu tham khảo:
1.http://fad.danang.gov.vn/default.aspx?id_NgonNgu=VN&id_ThucDon_Sub=200&TinChinh=0&id_TinTuc=1709&TrangThai=BanTin
2. http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/viet-nam-se-vo.html
3. http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150216-hy-lap-no-eurozone-bruxelles/
4. http://www.vnba.org.vn/?option=com_content&view=article&id=1557&catid=43&Itemid=90
5. Bản tin công nợ năm 2013 – Bộ Tài chính
6. Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 - Ủy ban kinh tế của Quốc hội
7. Cùng các tài liệu khác
http://vnexpress.net/infographic/doanh-nghiep/toan-canh-no-cong-viet-nam-3121264.html

Đăng nhận xét