“… Phát triển đã nảy sinh tại một số quốc gia khi, do một sự tình cờ của hoàn cảnh lịch sử, bộ máy chính quyền trở thành vắng mặt hay gần như vắng mặt, quần chúng được một không gian tự do hơn hẳn và vì thế đã tổ chức cuộc sống cộng đồng trên căn bản đồng thuận và tương kính. Hoặc vì không muốn hoặc vì không được phép, họ đã không tìm kiếm uy quyền để khống chế lẫn nhau mà chỉ thi đua nhau làm giàu trong một luật chơi công bình.…”
"Tuổi hai mươí tuổi của không ngờ
Tuổi hai mươi tuổi của dại khờ"
Nguyễn Chí Thiện
Trong thập niên 1960, tại châu Âu, và nhất là tại Pháp, nở rộ lên một phong trào nghiên cứu phát triển kinh tế. Có cả một trường đại học chỉ chuyên giảng dạy về phát triển kinh tế, như thể phát triển kinh tế phải được coi là một khoa học riêng. Trường này tên là Institut d'Etudes de Développement Economique et Social [IEDES hay Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế và Xã Hội]. Nhiều bạn tôi đã tốt nghiệp tại trường này. Nhưng dù học trường này hay không thì mọi người đều bị lôi cuốn vào các cuộc tranh luận về phát triển kinh tế. Thời trang lúc đó là cố gắng động não để tìm ra những kế hoạch và mô thức kinh tế có khả năng phát triển một nước lạc hậu. Các mô thức được đặc biệt quí trọng, nhất là nếu chúng lại được trình bày bằng những phương trình toán học phức tạp với những dấu hiệu dẫy số, vi phân, tích phân, lũy thừa, v.v... Vô số các mô thức đã được "phát minh" ra trong các quán cà phê Paris bởi những ứng cử viên giải Nobel kinh tế không qua bất cứ một kinh nghiệm thực tiễn nào. Kinh nghiệm lúc đó gần như bị phủ nhận, vì một lý do rất hùng hồn là người ta coi những gì học hỏi được trong các nước tư bản là không thể áp dụng cho các nước chưa mở mang. Hầu hết các nước châu Phi và châu Mỹ La Tinh đã là những nạn nhân đau đớn của những lý thuyết thành hình trong giai đoạn này. Đặc biệt nước Algeria đã tiêu hao hết cả tài nguyên về dầu khí cho hai lý thuyết thời thượng của giai đoạn đó: thuyết lệ thuộc và thuyết các kỹ nghệ kỹ nghệ hóa.
Như mọi thanh niên có chút tâm huyết, tôi cũng đã tốn nhiều thì giờ và công sức cho những lý thuyết đó, để rồi nhận ra sự trống rỗng của chúng và sự khờ khạo của chính mình. Than ôi, cái tuổi dại khờ! Những mô thức phát triển kinh tế có thể rất khác nhau về góc nhìn, về lý luận, về các thông số và phương trình, nhưng chúng đều có một đặc điểm chung: chúng đều sai.
Lý do đầu tiên là không thể có công thức giải quyết được sự nghèo khổ. Vấn đề chỉ giản dị như vậy thôi sao? Làm sao có thể coi những sự kiện thực tế như là những thông số của toán học? Mô thức toán học nào hội nhập được những đức tính như chuyên cần hay lười biếng, thực thà hay gian dối, trách nhiệm hay phá hoại? Và còn vấn đề tham nhũng? Dĩ nhiên các lý thuyết gia về phát triển không giải đáp được những câu hỏi đó và tác phẩm của họ nói chung, thay vì là những lý thuyết về phát triển phần lớn chỉ là những phân tích hiện tượng không phát triển, kèm theo những cáo trạng gay gắt đối với các nước tư bản phát triển và các công ty đa quốc gia bị coi như là nguyên nhân của sự nghèo khổ tại các nước chưa phát triển. Lý thuyết "thực dân mới" rất thời thượng trong giai đoạn này. Nó có thể tóm tắt như sau: các nước tư bản sau khi đã thấy chính sách chiếm đóng và thống trị không áp dụng được nữa bèn chuyển qua ý đồ thống trị kinh tế, dùng viện trợ và các công ty đa quốc gia làm vũ khí. Tinh thần chủ đạo của nó là các nước tư bản và phát triển có dụng ý ác độc muốn giữ các nước chưa mở mang trong tình trạng lạc hậu để có thể tiếp tục thống trị. Các lý thuyết gia cố quên đi là sự nghèo khó đã có từ muôn kiếp trước và chính nhờ tiếp xúc với các nước phát triển mà các nước lạc hậu đã bớt lạc hậu.
Lý do thứ hai, trầm trọng hơn nhiều, là họ đã nhầm đối tượng nghiên cứu. Điều cần phân tích và nhận định là hiện tượng phát triển chứ không phải là hiện tượng không phát triển, bởi vì không phát triển là tình trạng chung của cả thế giới từ hồi khai thiên lập địa đến giờ, có gì là lạ đâu. Phát triển trên qui mô quốc gia là một hiện tượng rất mới và cũng chỉ giới hạn ở một số rất ít quốc gia mà thôi. Nó xuất hiện tại nước Hòa Lan nhỏ xíu khoảng hơn 400 năm về trước, rồi non một thế kỷ sau đó tại Anh và Hoa Kỳ, các nước Tây Âu khác đã chỉ biết đến hiện tượng phát triển sau đó. Nhiều cụ già người Pháp vẫn còn nhớ rất rõ những ngày đói lạnh. Các thống kê cho thấy cho đến cuối thế kỷ 19, quá phân nửa trẻ em các nước Tây Âu chết trước tuổi dậy thì. Các nước tiến bộ nhất cũng chỉ mới thực sự khắc phục được sự đói khổ khoảng chừng một thế kỷ nay thôi, trong khi đối với ba phần tư của nhân loại đói khổ vẫn còn là người đồng hành cố hữu. Điều lạ chính là hiện tượng phát triển. Tại sao một số quốc gia bỗng dưng trở thành giàu có và phồn vinh, vượt hẳn phần còn lại của thế giới ? Đó mới là câu hỏi đáng đặt ra và cần phải trả lời. Các lý thuyết gia về phát triển khi tập trung phân tích hiện tượng không phát triển không những chỉ lầm đối tượng mà còn sai về phương pháp : có rất nhiều lý do để không phát triển, nhưng chỉ có rất ít lý do để có phát triển, cũng như có muôn vàn cách để giải sai một bài toán nhưng thường thì chỉ có một cách để giải đúng, và chính cách đó mới cần khám phá. Điều rất đáng ngạc nhiên, và phải được coi là một may mắn lớn, là ở tất cả mọi nơi hiện tượng phát triển luôn luôn có cùng một giải thích.
Cuộc phiêu du trí tuệ của thập niên 1960 đã sản xuất ra vô số lý thuyết về phát triển mà tôi xin tóm lược sau đây một vài "mẫu hàng" chính và đã có hậu quả đáng kể còn sót lại trong trí nhớ để độc giả tiêu khiển.
Lý thuyết lệ thuộc [théorie de la dépendance], theo đó các nước tư bản tiên tiến chỉ chuyển giao cho các nước chưa mở mang những kỹ thuật sơ đẳng, thuộc "khâu dưới". Các trung tâm nghiên cứu vẫn nằm tại "mẫu quốc", các kỹ thuật hiện đại nhất cũng chỉ được áp dụng tại mẫu quốc, các chi nhánh tại các nước lạc hậu chỉ làm công việc ít giá trị thặng dư như chùi bóng, lắp rắp, đóng thùng, v.v... Hậu quả là họ bị kềm giữ trong thế lệ thuộc thường trực. Đây là cả một phương thức phân công lao động quốc tế trong đó các quốc gia chưa mở mang hy sinh thị trường tiêu thụ của chính mình để chỉ được trao những công tác thấp kém. Lý thuyết này quên hẳn rằng các công ty đa quốc gia không có tổ quốc mà chỉ có lợi nhuận. Một công ty Mỹ sẽ quyết định đầu tư tại Bombay thay vì Detroit nếu đầu tư tại Bombay đem lại một lợi nhuận 1% cao hơn mà cũng không rủi ro hơn. Họ thiết lập những nhà máy tân tiến ở một nước không phải vì đó là nước họ hay nước có cùng chủng tộc và văn hóa với họ mà chỉ vì ở đó có nhân công giỏi và giá rẻ, thuế nhẹ và xã hội ổn vững, nói chung là có lợi nhuận cao và rủi ro thấp. Các lý thuyết gia cũng quên rằng điều mà các nước thiếu mở mang cần học nhất không phải là kỹ thuật mà là tâm lý, tổ chức và phương pháp làm việc, những điều mà chính sự tiếp xúc với các công ty lớn có thể đem lại. Lý thuyết ngây ngô này sở dĩ rất thời thượng trong thập niên 1960 vì nó chống tư bản, đặc biệt là chống Mỹ, và do đó phù hợp với tâm lý khuynh tả của đa số trí thức lúc đó.
Lý thuyết các kỹ nghệ kỹ nghệ hóa [théorie des industries industrialisantes], theo đó các đầu tư không có tác dụng kích thích phát triển như nhau. Cùng một khoản tiền đầu tư vào hai ngành khác nhau sẽ có hậu quả khác nhau trên sinh hoạt kinh tế. Có những ngành trong khi phát triển cũng kích thích sự phát triển của nhiều ngành khác, nói khác đi chúng có tác dụng "kỹ nghệ hóa". Ngược lại, cũng có những đầu tư không có, hoặc chỉ có rất ít, tác dụng thúc đẩy đối với các hoạt động kinh tế khác. Do đó, theo lý thuyết này, các nước thiếu mở mang nên tập trung cố gắng vào những kỹ nghệ có tác dụng kỹ nghệ hóa mạnh. Đây là một thí dụ điển hình của một quan sát đúng dẫn tới một kết luận sai, tương tự như thấy người đeo kính đọc sách rồi kết luận đeo kính có lợi cho sự đọc sách. Lý thuyết này cùó ít nhất hai sai lầm. Sai lầm thứ nhất là nó quên rằng người đầu tư, dù là người bản xứ hay người ngoại quốc, phải đầu tư để có lợi nhuận chứ không đầu tư vì nhà máy lập ra có tác dụng kỹ nghệ hóa. Đó là công việc của nhà nước. Nhưng nhà nước cũng phải đầu tư làm sao cho có lợi nhuận, nếu không sẽ phải tài trợ bằng ngân sách và như thế vừa phải đánh thuế nặng hơn đối với các hoạt động khác vừa phải giảm bớt những chi tiêu tối cần thiết như giáo dục và sức khỏe. Sai lầm thứ hai, ngớ ngẩn hơn nhiều và rất tai hại, là cho rằng kỹ nghệ nặng mới là kỹ nghệ kỹ nghệ hóa, trong khi thực tế trái ngược hẳn, kỹ nghệ tiêu dùng thúc đẩy kỹ nghệ nặng chứ không phải kỹ nghệ nặng thúc đẩy kỹ nghệ nhẹ. Nhu cầu sản xuất vật dụng bằng sắt thép đẻ ra nhu cầu có nhà máy luyện kim, chứ không phải kỹ nghệ luyện kim đẻ ra nhu cầu sản xuất vật dụng bằng sắt thép. Lý thuyết này là một phó sản của lý thuyết lệ thuộc.
Lý thuyết về sự trật khớp [théorie de la désarticulation], theo đó các công ty nước ngoài gây xáo trộn trong các xã hội truyền thống vì nó tạo ra một lớp người mới, làm việc cho các công ty nước ngoài, hưởng mức lương cao hơn, có nếp sống khác, văn hóa cao và cách suy nghĩ khác, hậu quả là làm mất đi sự đồng bộ trong xã hội, mặt khác chúng cũng làm gia tăng hố phân cách giàu nghèo và gây căng thẳng trong xã hội. Đây cũng là một lý thuyết cực kỳ ngớ ngẩn bởi vì phúc lợi lớn nhất của sự tiếp xúc với các nước tân tiến chính là bẻ gãy cái sự "đồng bộ" đã là nguyên nhân của sự lạc hậu và đem lại một văn hóa mới, một cách suy nghĩ mới, một cách làm việc mới. Chắc chắn là có sự xáo trộn, nhưng đây là một xáo trộn phải có và có ích. Vấn đề là phải quản lý sự xáo trộn đó, làm sao cho cách suy nghĩ và làm việc mới được phổ biến nhanh chóng để xã hội thay da đổi thịt, chứ không phải là để ngăn chặn.
Lý thuyết về các mô hình hướng nội và hướng ngoại [modèles endogènes et modèles exogènes], theo đó có hai công thức chính để phát triển, một là cố gắng sản xuất ra những hàng hóa để thay thế hàng nhập cảng [substitutions des importations] theo mô hình hướng nội, hai là dồn hết sức để xuất cảng thật nhiều theo mô hình hướng ngoại. Rất ít nhà lý thuyết nào đặt vấn đề lợi nhuận (sản xuất hàng thay thế hàng nhập cảng có tốn kém hơn nhập cảng hay không ? xuất cảng lời hay lỗ ? v.v...). Khi có đặt ra vấn đề lợi nhuận thì các lý thuyết gia lại hoàn toàn đồng ý là phải chịu lỗ trong giai đoạn đầu, nhưng không nói giai đoạn đầu có thể kéo dài bao lâu và một nước nghèo khổ có thể tiếp tục chịu đựng mãi sự thua lỗ này mà không sụp đổ hay không. Lý thuyết này quả là sản phẩm của các lý thuyết gia cố tìm khoái lạc trong việc xây dựng ra những lý thuyết phù phiếm rồi cố gượng ép chúng vào thực tại. Cứ như là một nhà nước không mất trí có thể nhân danh chủ trương hướng nội để cấm cản một hoạt động xuất nhập cảng đang phồn thịnh, hay ngược lại nhân danh mô hình hướng ngoại để trù dập một sinh hoạt nội địa cần thiết.
Điều lạ lùng nhưng có thật là lý thuyết này đã được đem thử nghiệm. Lý do là chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản đã đưa rất nhiều phần tử vô học lên cầm quyền.
Nói chung tất cả những lý thuyết này đều có cùng ba đặc tính: hoàn toàn không kể đến vai trò của thị trường, coi phát triển kinh tế chủ yếu là một vấn đề kỹ thuật có thể giải quyết được bằng một kế hoạch, và đề cao vai trò quyết định gần như duy nhất của chính quyền. Các trở ngại về tâm lý và văn hóa chỉ được đề cập đến một cách qua loa, có lệ. Những lý thuyết này đã cổ võ cho các chế độ độc tài duy ý chí và đưa tới sự phá sản của đại đa số các nước cộng sản, châu Phi và châu Mỹ La Tinh.
Điều đáng ngạc nhiên của giai đoạn này là các nước châu Á không cộng sản đã không bị ảnh hưởng của những lý luận này, nhất là đã không bị ảnh hưởng tai hại của lý thuyết lệ thuộc. Họ đã nồng nhiệt tranh thủ đầu tư quốc tế và đã bắt chước một cách giản dị cách làm việc của các nước đã phát triển. Họ cũng cố gắng xuất cảng thật nhiều nhưng không phải là vì họ chọn mô hình phát triển hướng ngoại mà chỉ vì xuất cảng có lời và họ cũng cần ngoại tệ để nhập cảng nguyên liệu và trang thiết bị. Họ sản xuất tất cả những gì có lợi dù là để xuất cảng hay để tiêu thụ trong thị trường nội địa. Nhờ thế họ đã không bị phá sản trong thập niên 1970 như các nước chậm tiến khác, không những thế họ còn tiến lên cho đến mùa hè 1997, khi lâm vào khủng hoảng vì tham nhũng chồng chất, vay nợ bừa bãi và đầu cơ điên dại vào nhà đất.
Ngày nay trường IEDES không còn nữa, môn phát triển kinh tế cũng không còn được giảng dạy như một bộ môn riêng nữa. Người ta trở lại với những nhận định mà các nhà nghiên cứu đứng đắn đã nói từ rất lâu: phát triển không phải là một vấn đề kinh tế mà là một vấn đề văn hóa xã hội.
Vì đâu đã có phát triển?
Rất may là sự quan sát các nước đã cất cánh bay bổng từ lạc hậu tới phồn vinh cho phép chúng ta rút ra những kết luận rất rõ rệt, rõ rệt đến nỗi phải ngạc nhiên là tại sao người ta đã không nhận ra ngay lập tức. Tôi sẽ mời độc giả cùng quan sát những kinh nghiệm phát triển đầu tiên và những nước mới phát triển gần đây. Ở đây xin hãy tạm nói một cách cô đọng, các độc giả còn phân vân sẽ nhìn rõ hơn khi đọc tiếp những trang sau.
Phát triển đã nảy sinh tại một số quốc gia khi, do một sự tình cờ của hoàn cảnh lịch sử, bộ máy chính quyền trở thành vắng mặt hay gần như vắng mặt, quần chúng được một không gian tự do hơn hẳn và vì thế đã tổ chức cuộc sống cộng đồng trên căn bản đồng thuận và tương kính. Hoặc vì không muốn hoặc vì không được phép, họ đã không tìm kiếm uy quyền để khống chế lẫn nhau mà chỉ thi đua nhau làm giàu trong một luật chơi công bình.
Nhận xét này đúng với Hòa Lan, cái nôi phát triển của nhân loại, đúng với nước Anh, càng đúng với nước Mỹ và cũng đúng cả với nước Nhật, nếu ta nhìn lịch sử nước Nhật một cách đúng đắn. Phát triển đã đến sau khi xã hội trở thành tự do và dân chủ. Ngày nay chúng ta có thể liệt kê những yếu tố cần thiết cho phát triển:
- một chế độ tự do, dân chủ và đa nguyên;
- một nhà nước nhẹ nhường không gian tối đa cho xã hội dân sự, cho ý kiến và sáng kiến cá nhân;
- một sinh hoạt kinh tế thị trường bảo đảm cạnh tranh công bằng;
- một xã hội linh động và bình đẳng, không bị trói buộc bởi những thành kiến, không bị ngăn cách bởi những giai cấp hay những đại gia đình ;
- một tâm lý tôn vinh kinh doanh và buôn bán;
- một tinh thần quốc gia (hay cộng đồng) mạnh;
- một xã hội trong đó thông tin được tự do, các kinh nghiệm và kiến thức được truyền bá nhanh chóng và dễ dàng.
Tất cả đều là những yếu tố vô hình. Tư bản và nguyên liệu chỉ là những yếu tố phụ.
Nói chung, phát triển là một vấn đề tâm lý và văn hóa. Có những tâm lý kích thích phát triển và cũng có những tâm lý ngăn cản phát triển. Có những nền văn hóa có lợi cho phát triển và cũng có những nền văn hóa cấm cản sự phát triển. Chính vì thế mà một nước không phát triển không giống như một nước giàu mạnh trước khi phát triển. Có những quốc gia phát triển nhanh, có những quốc gia phát triển chậm và cũng có những quốc gia không thể phát triển nếu không tháo gỡ được một số tắc nghẽn tâm lý. Chính vì thế mà phát triển đã chỉ xuất hiện tại một số ít quốc gia mà thôi. Phát triển rất dễ mà lại rất khó. Rất dễ vì không đòi hỏi một lý thuyết phức tạp hay một kế hoạch cao siêu nào cả. Rất khó vì đòi hỏi một tâm lý và một văn hóa mới. Mà thay đổi tâm lý và văn hóa là điều khó nhất. Có ai nhận là tâm lý của mình tồi đâu ? Và có dân tộc nào nhận văn hóa của mình là kém đâu, trừ ra là một dân tộc đã rất tiến hóa?
Chính vì khó thay đổi tâm lý và văn hóa mà có những dân tộc rất phồn vinh và những dân tộc vô cùng cơ cực, mặc dù mọi nhà bác học đều đồng ý rằng mọi con người thuộc mọi chủng tộc đều có những khả năng ngang nhau vì đều có một khối óc nặng trung bình 1.600 gam.
Chúng ta khó có thể từ bỏ một văn hóa bởi vì nó là một phần của chính chúng ta. Vậy thì cái gì có thể giúp chúng ta thay đổi văn hóa? Chúng ta cần một hiến pháp qui định rõ là trên đất nước Việt Nam không có ý kiến nào cấm nêu ra và cũng không có đề tài nào cấm bàn đến, nhờ thế chúng ta mở tung cửa cho những phê phán các giá trị truyền thống và làm cho chúng mất đi tính thiêng liêng không thể bàn cãi. Chúng ta cũng cần một chính sách cổ võ cho tự do dưới mọi hình thức: tự do suy nghĩ và phát biểu, tự do chọn lựa lối sống, kể cả tự do cơ thể, bởi vì chính nhờ thay đổi cách sống mà ta có thể thay đổi cách cách suy nghĩ.
Nhờ thay đổi cách sống và cách suy nghĩ mà ta có thể làm quen với những giá trị mới và dần dần thấy chúng chấp nhận được.
Tôi thường được nghe hai quan điểm, mỗi lần nghe là mỗi lần đau nhói.
Một lập luận cho rằng văn hóa của chúng ta rất cao siêu. Nếu quả thật văn hóa của ta cao siêu như thế thì tại sao chúng ta lại thua kém thê thảm như ngày nay và tại sao ngay cả những công trình nghiên cứu văn hóa phương Đông có giá trị nhất cũng là do người phương Tây? Và nếu quả thật văn hóa của chúng ta cao siêu như thế thì tại sao nó lại không có một sức thu hút nào đối với tuổi trẻ, tại sao thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại lớn lên lại thành Mỹ con, Pháp con, Đức con trong một thời gian kỷ lục? Càng khư khư ôm lấy một văn hóa độc hại, chúng ta càng ngụp lặn trong sự thấp kém.
Lập luận thứ hai, mà tôi thường được nghe từ miệng những người có học vị cao về kinh tế (và vì thế khiến tôi vững tin rằng phát triển kinh tế không thể phó thác cho các kinh tế gia, cũng như chiến tranh không thể phó thác cho các tướng lãnh), là chúng ta cần phát triển trước đã rồi hãy nói đến dân chủ và tự do. Vấn đề là chúng ta không thể có phát triển nếu không có dân chủ và tự do. Nhưng đây lại là một điều không nằm trong chương trình huấn luyện của các nhà kinh tế thuần túy. Nếu trong cuộc thảo luận về phát triển các nhà kinh tế khiêm tốn hơn một chút và các nhà tư tưởng tích cực hơn một chút nữa thì may mắn biết bao!
Trích từ sách chính luận "Tổ Quốc Ăn Năn" của Nguyễn Gia Kiểng
[di-tim-mot-mo-thuc-phat-trien-dat-nuoc].
Ngày lưu: 14-01-2011
___________________________
Bài viết liên quan:
Giành quyền tự do kết hợp (Nguyễn Gia Kiểng)
[VI] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
[V] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
[IV] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
[III] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
[II] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
Một trang sử mới đã mở ra (Nguyễn Gia Kiểng)
Nguyễn Gia Kiểng - Người trong một nước?
Đăng nhận xét