Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

70% nợ cho vay “biến mất”: Các ngân hàng sẽ “thăng hoa”?

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014 | 17:38



Tiếng thở dài não nuột.

(VNTB) Trong một lần hiếm hoi không nén được tiếng thở dài, vào trung tuần tháng 8/2014, Ủy ban nhân dân TP.HCM phải công bố báo cáo về tình trạng nợ xấu trên địa bàn thành phố lớn thứ hai quốc gia này. Với hơn 46.000 tỷ đồng được quy cho nợ xấu, TP.HCM chiếm hết phân nửa nợ xấu toàn quốc. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đặc trưng bằng một tỷ lệ khác:

Nợ có khả năng mất vốn thuộc nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu: 70%.

70% cũng chính là tỷ lệ nợ vay bất động sản nằm trong tổng dư nợ thuộc khối ngân hàng thương mại. Vào những năm trước, tỷ lệ này hầu như không được công bố, hoặc nói cách khác là đã bị Ngân hàng nhà nước cùng các ngân hàng thương mại cổ phần ém nhẹm. Tuy nhiên từ năm 2013, trước tình hình thị trường bất động sản suy sụp không thể cưỡng lại cùng đà tăng tiến như vũ bão của nợ xấu, đến lượt các ngân hàng phải “kêu thét” lên. Những con số nợ xấu của từng ngân hàng cũng từ đó mà tuôn dần ra.

Nhưng 70% vẫn chưa phải là tất cả. Một số trả lời phỏng vấn báo chí của giới lãnh đạo ngân hàng thương mại đã vô tình tiết lộ tỷ lệ thực tồn về nợ xấu bất động sản có thể lên đến 75-80%, nghĩa là các ngân hàng hiện đang “ôm” số tài sản bất động sản chưa thể tiêu thụ được cao một cách kỷ lục trong chu kỳ “tăng trưởng kinh tế” bắt đầu từ năm suy thoái đầu tiên vào 2008.

Một đối chiếu khác còn có thể bật lên ẩn ý về thực chất giá trị nợ xấu. Nếu số báo cáo về nợ xấu ở TP.HCM chỉ có hơn 46.000 tỷ đồng, còn số báo cáo của Ngân hàng nhà nước về nợ xấu ở Việt Nam chỉ khoảng 100.000 tỷ đồng, thì con số thực tế đang vượt lên trên ngưỡng 500.000 tỷ đồng. Con số này đã được một số chuyên gia phản biện độc lập xác nhận từ các cuộc hội thoại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng 4/2013, Diễn đàn kinh tế mùa thu vào tháng 11/2013 và được nhắc lại vào Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng 5/2014. Tính toán của vài chuyên gia kinh tế cho thấy số nợ xấu thực tế lên đến 540.000 tỷ đồng, tức gấp hơn 5 lần con số báo cáo của Ngân hàng nhà nước.

Cần nhắc lại là trước cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Thái Lan vào năm 1997, tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại quốc gia này đã chỉ được báo cáo có 5%. Nhưng sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra, tỷ lệ này được phơi bày ra ánh sáng đến 50%!

Ngân hàng nào sẽ “thăng hoa”?

Những vết nhám đã nhanh chóng trở thành vết thâm đen trên khuôn mặt đen bạc của Ngân hàng nhà nước, cùng những con số nhớp nhúa của nó.

Bất chấp các hãng tư vấn bất động sản quốc tế có mặt tại Việt Nam như CBRE, Savills đã từ hai năm qua cố thuyết dụ dư luận rằng “thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục”, và cứ mỗi quý các hãng này lại tung ra một bản báo cáo đầy khả quan, tỷ trọng căn hộ cao cấp và cả trung cấp nằm phơi sương nắng với không thay đổi. Chỉ duy nhất phân khúc căn hộ bình dân là có “nhúc nhắc” bán được cho lớp khách hàng không có quá nhiều tiền.

Mọi sự đã vận hành theo một lối quanh “đầu tư ồ ạt cho tới lúc sụp đổ”. Thị trường bất động sản không hề khả quan, trong khi các ngân hàng chủ nợ đang phải “ôm bom” mà chưa biết giờ phút nào mới cáo chung. Nếu vào năm 2012, Vietinbank và ACB là những ngân hàng đầu tiên phải thừa nhận hiện trạng nợ xấu bất động sản tràn ngập, thì giờ này đa số ngân hàng đều phải lên tiếng, công khai hoặc thầm lén.

Trong khi đó, Ngân hàng nhà nước đã có dấu hiệu “buông” câu chuyện giải quyết nợ xấu. Ngay vào đầu năm nay, một chương đặc biệt trong Luật Phá sản sửa đổi đã chính thức cho phép giải thể các tổ chức tín dụng không còn khả năng hoạt động.

“Nợ khó có khả năng thu hồi vốn” thuộc nhóm 5 lại thực chất là số vốn mà ngân hàng cho vay rất có thể mất hoặc cực kỳ khó thu hồi. Nếu tình trạng này xảy ra, sẽ có ít nhất 350.000 tỷ đồng của ngân hàng không cánh mà bay.

Agribank hiện thời cũng đang trở thành tiêu điểm ghê gớm nhất về tình trạng nợ xấu và đặc biệt là nợ xấu bất động sản. Con số cho vay của ngân hàng này đã vượt đến 10.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ của nó. Nếu không được “truyền máu” kịp thời, gần như chắc chắn Agribank sẽ đổ bể. Và với tư cách liên đới với rất nhiều ngân hàng khác, Agribank hoàn toàn có thể khởi động cho một cuộc “cách mạng” theo dạng domino nơi chốn thâm cung bí sử của khối ngân hàng thương mại.

Tuy thế, lấy máu ở đâu để truyền lại là một nan giải quá sức đối với Ngân hàng nhà nước và cả với Chính phủ. Sau 2 năm hoạt động, Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) cũng chỉ mới mua lại được 10% nợ xấu của các ngân hàng. Nhưng bản thân VAMC vẫn chưa biết bán lại nợ xấu cho ai, bất chấp luồng PR về việc “ngân hàng nước ngoài xếp hàng mua nợ xấu của VAMC”.

Nhưng liệu Chính phủ có cho in tiền, và còn in tiền ồ ạt, để cứu nợ xấu và ngân hàng hay không? Câu hỏi này hãy dành cho Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giới lãnh đạo đảng vẫn thường xuyên chỉ trích sai phạm của phía chính quyền.

Viết Lê Quân [70-no-cho-vay-bien-mat-cac-ngan-hang-se-thang-hoa-VNTB]
Nguồn: http://www.ijavn.org/2014/08/vntb-70-no-cho-vay-bien-mat-cac-ngan.html
Ngày đăng 15/08/2014

Đăng nhận xét