Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để đẩy lùi nợ công

Posted By Đoàn Hữu Long on Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015 | 15:19

Khi nợ xấu NHTM bế tắc không trả nổi thì đẩy lùi nợ xấu, bây giờ nợ công bế tắc không trả nổi thì đẩy lùi nợ công. Sau khi đẩy lùi nợ xấu ngân hàng được 2 năm thì phải bắt đầu cho phá sản NHTM. Vậy bao giờ sẽ phải chấp nhận vỡ nợ quốc gia đây?

Châu Xuân Nguyễn
http://chauxuannguyen.org
[phat-hanh-trai-phieu-quoc-te-de-day-lui-no-cong].
Ngày đăng 28/04/2015

________________________________________________________

Sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế để hoán đổi nợ

http://www.thesaigontimes.vn/129553/Se-tiep-tuc-phat-hanh-trai-phieu-quoc-te-de-hoan-doi-no.html

Thứ Bảy, 25/4/2015, 21:29 (GMT+7)

Sau khi phát hành 1 tỉ đô la Mỹ ra thị trường vốn quốc tế hồi tháng 11-2014 để hoán đổi các khoản nợ đến hạn, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ và Quốc hội “Đề án phát hành trái phiếu quốc tế giai đoạn 2016-2020″ để đảo nợ.

Trả lời câu hỏi của Thời báo kinh tế Sài Gòn Online tại cuộc họp báo Chính phủ hôm nay 25-4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: trong nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, Bộ Tài chính đã trình ra Chính phủ xin chủ trương thực hiện việc trên.

Cụ thể, theo ông Tuấn, nếu được Chính phủ và Quốc hội chấp thuận về chủ trương, Bộ Tài chính sẽ phát hành một lượng trái phiếu bằng ngoại tệ ra thị trường vốn quốc tế, sau kết quả phát hành đợt trái phiếu 1 tỉ đô la có mục đích tương tự đã thành công hồi cuối năm ngoái.

Mục đích của các đợt phát hành sắp tới (chưa có con số cụ thể) là nhằm tái cơ cấu nợ cho các khoản vay nước ngoài lãi suất cao nay có điều kiện vay đảo nợ với lãi suất thấp hơn nhờ định hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường quốc tế đã thay đổi theo hướng tốt hơn. Theo thông tin trước đó của Bộ Tài chính, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên B+, còn Moody’s nâng hạng từ B2 lên B1.

Mục đích thứ hai là phát hành trái phiếu là nhằm huy động vốn cho các dự án đầu tư có thời gian dài, trả nợ trung và dài hạn, hiệu quả trả nợ tốt, nhờ tranh thủ lãi suất thấp tại thời điểm hiện nay. Các khoản vay mới sẽ nhằm thay thế dần cho việc vay vốn ODA vì hiện tại Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, vay vốn ODA không rẻ lại kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc.

Ông Tuấn khẳng định rằng, các đợt phát hành sắp tới sẽ được tính toán trên cơ sở không vượt quá trần nợ công 65% GDP và đảm bảo lợi thế hơn so với các khoản vay ODA về điều kiện sử dụng. “Các khoản vay này sẽ phải đảm bảo an ninh, an toàn cho nền kinh tế và quản lý được rủi ro”, ông Tuấn nói.

Hồi đầu tháng 11-2014, Bộ Tài chính đã phát hành đợt trái phiếu quốc tế đầu tiên tại thị trường Mỹ để tái cơ cấu nợ trị giá 1 tỉ đô la với mức lãi suất cố định 4,8%/năm. So với lãi suất các đợt phát hành năm 2005 và 2010 là 6,875% và 6,755% thì mức lãi suất mới thấp hơn đáng kể.

Các ngân hàng Deutsche Bank, HSBC và Standard Chartered Bank đóng vai trò là tổ hợp quản lý cho đợt phát hành đó đồng thời giao dịch hoán đổi/mua lại các trái phiếu cũ.

Bộ Tài chính nhận định rằng, đợt phát hành đó thành công nhờ tiết kiệm chênh lệch lãi suất được khoảng 32,5 triệu đô la tiền trả lãi trái phiếu Chính phủ trong 10 năm. Ngoài ra còn hoán đổi được 54,4% giá trị nợ gốc của trái phiếu năm 2005 và 25,4% giá trị nợ gốc của trái phiếu năm 2010 với tổng lợi ích sau khi hoán đổi là 13,9 triệu đô la, góp phần tái cơ cấu nợ, kéo dài thời gian trả nợ.

Đăng nhận xét